Tham dự Hội nghị có gần 80 đại biểu là lãnh đạo Ban Công tác đại biểu; chuyên gia, nhà nghiên cứu, cộng tác viên; đại biểu Quốc hội khóa XV; đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân; các Ban Hội đồng nhân dân, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đến từ 11 tỉnh, thành phố trong nước gồm: Sơn La, Bến Tre, Cao Bằng, Đắc Nông, Điện Biên, Hà Nam, Nghệ An, Lạng Sơn, Hòa Bình, Quảng Bình và Thái Bình.
Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An có đồng chí Thái Thị An Chung, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Lục Thị Liên, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội của Hội đồng nhân dân tỉnh cùng đại diện Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tham dự Hội nghị.
Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã phê duyệt cho Chính phủ thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: (1). Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Nghị quyết số 120/2020/QH14); (2). Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết số 25/2021/QH15); (3). Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết số 24/2021/QH15).
Nhằm cung cấp, cập nhật những kiến thức, kỹ năng, nâng cao năng lực cho đại biểu trong hoạt động giám sát cũng như đưa ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện giám sát các Chương trình mục tiêu quốc gia, Hội nghị đã tập trung phân tích các kỹ năng giám sát thông qua các chuyên đề: Tổng quan giám sát việc thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; Tăng cường hiệu quả thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, tại Hội nghị này Ngài Jeremy Purvis, Thượng nghị sĩ, Thượng viện Anh đã chia sẻ 02 chuyên đề thuộc kinh nghiệm của Vương quốc Anh đó là kỹ năng kiểm tra và giám sát; Nghị viện và quản lý hiệu quả các hoạt động giám sát.
Hội nghị đã tiến hành chia tổ thảo luận nhóm để chia sẻ kinh nghiệm giám sát 03 Chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương của mình, trong đó tập trung nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, những kiến nghị, đề xuất, giải pháp tháo gỡ theo từng nhóm vấn đề của 03 Chương trình. Theo đó, thảo luận về vấn đề xây dựng Nông thôn mới ở những vùng khó khăn gắn với giải quyết đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu phản ánh: qua thực tiễn cho thấy hệ thống văn bản nhiều, chồng chéo, bất cập, không thống nhất; quỹ đất ở các địa phương không đủ để bố trí; kinh phí hạn hẹp, mức hỗ trợ thấp; vướng mắc trong quy hoạch đất đai, vướng mắc giữa các Luật: Đầu tư công, Đất đai, Lâm nghiệp...Thảo luận về chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong đó có chính sách tín dụng, các đại biểu nêu những vướng mắc như: Chính phủ chưa ban hành mức hỗ trợ; địa phương chưa ban hành mức giao đất ở, đất sản xuất; quỹ đất công của tỉnh còn vướng quy hoạch 3 loại rừng....Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm chỉ đạo thực hiện cấp quyền sử dụng đất cho người dân thuộc đối tượng thụ hưởng, xem xét quy định ủy quyền cho cấp xã phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng v.v...
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tiếp tục thảo luận xây dựng khung đánh giá chung để nâng cao hiệu quả giám sát việc thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia./.