Thím dâu tôi là Đỗ Kim Yến, người Hà Nội, công nhân của nhà máy. Cả hai chú thím đều yêu văn chương, là những người làm thơ. Đặc biệt chú tôi là người giao du rất rộng. Tôi được biết những nhà văn, nhà thơ trước năm 1945, các GS Trương Chính, Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn, Hoàng Thiếu Sơn..., các nhà thơ chống Mỹ như Tạ Vũ, Vũ Từ Trang, Phạm Tiến Duật ... là nhờ chú tôi. Đặc biệt, gần như ngày nào, tuần nào cũng được hầu trà, hầu rượu các nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ của Đài như Trần Khánh, Phan Nhân, Phan Lạc Hoa, Nguyễn Bùi Vợi, Trần Mạnh Thường... Chú Nguyễn Bùi Vợi ở nhà cao tầng, cô Từ có hiệu sách nhỏ ở sân, gần cổng ra vào, càng thân hơn trong tình đồng hương và vì tôi hay mua sách, mượn sách.
Hồi đó đói, đói quay quắt, nhưng người ta yêu thơ, coi nghệ thuật như sự sang trọng, như đỉnh cao cuộc sống. Làm được bài thơ là mừng rỡ, muốn khoe ngay với bạn bè.
Tôi được nghe bài thơ “Thăm thầy giáo cũ” của Nguyễn Bùi Vợi trong những ngày đó, khi ông mới viết xong. Bài thơ này để lại trong tôi ấn tượng lâu dài không chỉ vì không khí của những ngày đó mà còn là bài thơ tặng thầy Hoàng Như Mai, một nghệ sĩ lớn, một Giáo sư uyên bác mà tôi từng được thụ học tại Khoa Văn, Đại học Tổng hợp.
Thăm thầy giáo cũ
Kính tặng Giáo sư Hoàng Như Mai
Hai mươi bốn năm xa
Con ngồi lặng bên thầy
Phố Nguyễn Du nồng nàn hoa sữa
Tóc thầy bạc phau
Mái tóc con nửa đời sương gió.
Đứa học trò thuở mười tám, đôi mươi
Lại lắng từng câu
Lại nhập từng lời
Cái giọng nói một đời không quên được
Cái ánh lửa cháy lên trong cặp mắt
Hai mươi bốn năm rồi mãi ấm trong con
Có những đêm, nhớ đến bồn chồn
Chiếc áo bông của thầy bạc màu nắng gió
Trời trở lạnh. Đông về cuối ngõ
Rét đầu mùa, thầy ngủ có ngon không?
Thầy đã giảng cho con về đất nước, Nhân dân
Để khi mặc lành không quên người áo vá
Ăn miếng ngon nhớ bàn tay trồng khoai, dỡ củ
Câu ca dao đau đáu một đời
Con ngước lên, con gặp mắt thầy
Đầm ấm quá: con thành trẻ nhỏ
Những vui buồn thầy lặng nghe con kể
Có phút nào thầy không ở bên con?
Con nghe rất nhiều trong lặng im
Thầy thấu cả những điều con chưa nói
Phút giao cảm: thầy là tia nắng dọi
Con: cây xanh đang nẩy lộc trong vườn.
Thầy tiễn con về, phố lạnh hơi sương
Con để mãi bàn tay trong tay thầy ấm áp
Và con biết: đêm nay thầy lại thức...
GS Hoàng Như Mai (1919-2013) quê Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội; sinh tại Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang, nơi cha ông làm Tuần phủ; từng học Trung học ở Trường Bưởi, học Đại học Y, Đại học Luật dưới thời Pháp thuộc. Thầy sớm theo cách mạng, hoạt động suốt đời trong sự nghiệp giáo dục, là một người thầy lớn của nhiều thế hệ.
Thầy Mai từng là Hiệu trưởng Trường Sư phạm Việt Bắc (1951); Hiệu trưởng Trường Sư phạm trung cấp trung ương (1953); cán bộ giảng dạy Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (1959); cán bộ giảng dạy Trường đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (1980); Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trương Vĩnh Ký (1997- 2013); Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học Thành phố Hồ Chí Minh từ 1988 đến khi qua đời, ngày 27 tháng 9 năm 2013 ở Bệnh viện 175, Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 95 tuổi.
Ai đã từng nghe thầy Hoàng Như Mai giảng một lần, sẽ suốt đời không quên được vì cùng với những kiến thức uyên bác là sự truyền cảm của một nghệ sĩ sân khấu, một tình cảm người với người rất đặc biệt. Bài giảng của thầy như một mạch nước, mạch máu tuôn trào chảy từ tim thầy đến tim những học trò...
Bài thơ “Thăm thầy giáo cũ” được viết vào đầu đông 1980, trước khi thầy Mai rời Hà Nội vào định cư ở TP Hồ Chí Minh. Hai thầy trò lặng lẽ ngồi bên nhau, ở giữa là một Hà Nội nồng nàn hoa sữa rồi đây thầy Mai sẽ mang vào Sài Gòn và một quãng dài lịch sử với bao nhiêu thế hệ học trò, bao biến cố cách mạng mà thầy trò từng nếm trải, những biến cố đáng suy ngẫm, làm đổi thay nhận thức. Tất cả được nén trong năm câu thơ ngắn:
Hai mươi bốn năm xa
Con ngồi lặng bên thầy
Phố Nguyễn Du nồng nàn hoa sữa
Tóc thầy bạc phau
Mái tóc con nửa đời sương gió.
Đúng vậy, chỉ có sự nén, sự im lặng, mái tóc bạc phau, sương gió mới có thể nói được nhiều điều!
Cùng với tình cảm sâu sắc của trò đối với thầy dẫu 24 năm xa, một mối tình càng lâu càng đượm nghĩa cha con; với hai câu thơ Cái giọng nói một đời không quên được/ Cái ánh lửa cháy lên trong cặp mắt, nhà thơ đã vẽ nên một chân dung chính xác để người đọc – từng là học trò của thầy nhận ra đích xác thầy Hoàng Như Mai.
Tôi nhận ra thi tứ lớn, thông điệp mà nhà thơ gửi đến bạn đọc chính là tình cảm lớn đối với Nhân dân, với cách mạng – điều mà thầy thông qua dạy chữ để dạy người:
Thầy đã giảng cho con về đất nước, nhân dân
Để khi mặc lành không quên người áo vá
Ăn miếng ngon nhớ bàn tay trồng khoai, dỡ củ
Câu ca dao đau đáu một đời
Những câu thơ ấy đã nói lên sự lớn lao của người thầy trong kết quả trồng người, càng lớn hơn trong khổ kết khi lồng lộng bóng của người thầy tiễn trò, một người thầy với khối công việc lớn, suy nghĩ lớn:
Thầy tiễn con về, phố lạnh hơi sương
Con để mãi bàn tay trong tay thầy ấm áp
Và con biết: đêm nay thầy lại thức...
Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi từng có câu trong bài thơ tặng Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc: “Sách không làm nên đời mà đời làm nên sách”. Xin được mượn cách nói ấy để nói về những người thầy “Thầy làm nên con để con dựng nên đời”.