Gọi cho mẹ, tuần một lần cũng được,

Gọi chơi thôi, hỏi thăm mẹ thế nào...

Ở nhà mẹ, ngoài cửa, đông giá buốt,

Cửa nhà con, đang nhộn nhịp xuân trào...

 

Về thăm nhé, mẹ luôn luôn mừng đón,

Mẹ biết con đang bận rộn bao điều...

Mẹ biết lắm, nên chỉ cần chút ít,

Mẹ muốn con biết mẹ ngóng con nhiều...

 

Nếu con về, mẹ pha trà, nướng bánh,

Mẹ nhớ con thuở bé thích ăn chi...

Hiểu giùm mẹ, giờ mẹ hay tủi phận,

Lỡ con mình đã quên hẳn mình đi...

Ảnh minh họa

Về thăm nhé, mẹ không cần quà cáp,

Mọi thứ đủ dùng... Mẫu tử tình sâu...

Mẹ còn sống, thì con còn được bé,

Thấu điều này, phải tới những ngày sau...

 

Gọi cho mẹ, khi thu còn chưa hết,

Ngày của đời, con ạ, rất mau qua...

Mai, tự sớm, lỡ đâu con muốn gọi,

Tuyết ngập trời... Mãi chả thấy ai thưa...

 

Lời bình của bạn Đặng Toán:

Với những bậc làm cha làm mẹ, nhất là người mẹ, khi mà tuổi đã cao, con cái lại ở xa, thường rất “hay tủi phận”, hay lo lắng, suy nghĩ rồi liên tưởng đến những điều ít vui vẻ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe cả về thể xác lẫn tinh thần.

Lí do thì nhiều, nhưng có lẽ cái lí do mà người mẹ trong bài thơ đề cập đến, hợp với số đông hơn cả: “Lỡ con mình đã quên hẳn mình đi”. Đó mới thực sự là điều đáng sợ nhất đối với những người già đang phải sống trong cô quạnh, đơn chiếc. Bởi vậy, đôi khi họ có khó tính một chút, có dỗi hờn hay “làm mình làm mẩy” một chút với con cái, thì cũng chỉ cốt để các con, các cháu chú ý đến mình hơn, biết là mình vẫn đang còn hiện hữu trên cõi đời này.

Không giống với số đông người già nhiều lúc trái tính trái nết, khiến con cái phải khó xử. Người mẹ trong “Gọi cho mẹ tuần một lần cũng được” của nhà thơ Nga Tanya Alelasjitsuk, là một người hiểu chuyện và hết sức tâm lí. Hãy nghe những lời nhắn nhủ ắp tràn yêu thương của bà dành cho đứa con ở nơi xa:

“Gọi cho mẹ, tuần một lần cũng được

Gọi chơi thôi, hỏi thăm mẹ thế nào...”

“Về thăm nhé, mẹ luôn luôn mừng đón

Mẹ biết con đang bận rộn bao điều...”

Trước những lời nhẹ nhàng và chan chứa bao dung như thế, hỏi có đứa con nào nỡ ngoảnh mặt làm ngơ. Vậy “nếu con về” thì mẹ sẽ làm gì? Ồ, rất đơn giản. Giống như hồi con còn bé, mẹ sẽ “pha trà, nướng bánh” rồi ngồi ngắm con thưởng thức những món ngon chứa chan tình mẫu tử. Song điều quan trọng hơn, ấy là: “Mẹ muốn con biết mẹ ngóng con nhiều”, muốn con hiểu “ Mẹ còn sống thì con còn được bé”.

Hai điệp ngữ “gọi cho mẹ” và “về thăm nhé” điệp lại chỉ một lần nhưng được bố trí xen kẽ rất hợp lí, khiến cho tác phẩm có tính nhất quán, chặt chẽ và chừng mực. Dấu phẩy, dấu chấm lửng với mật độ dầy đặc, tạo sự da diết, khắc khoải nhưng không hề bi lụy.

“Gọi cho mẹ, khi thu còn chưa hết

Những ngày đời, con ạ, rất mau qua...

Mai, từ sớm, lỡ đâu con muốn gọi,

Tuyết ngập trời... Mãi chả thấy ai thưa...”

Nếu ở bốn khổ trên, những nhắn gửi của “mẹ” chỉ đơn giản như những suy nghĩ, những tâm sự rất tự nhiên của cuộc sống hằng ngày, thì sang khổ kết nó đã nghiêng về chiêm nghiệm, về nỗi đời. Cách nói cộng với những hình ảnh ẩn dụ: “Thu còn chưa hết; Những ngày đời; Tuyết ngập trời” đã như điều thức tỉnh, đánh động đối với những đứa con ở nơi xa (và kể cả ngay gần bên) hãy sống chậm lại, hãy biết nghĩ tới đạo làm con, để một mai khỏi phải rơi vào tình cảnh xót xa “lỡ đâu con muốn gọi... Mãi chả thấy ai thưa”.

Cuối cùng, rất cần phải nói lời cảm ơn tới nhà thơ Hồng Thanh Quang đã dịch rất hay một thi phẩm Nga. Nếu không đề tên tác giả, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đây là bài thơ do thi sĩ Việt sáng tác. Bởi những tâm trạng, những cảm xúc của nhân vật người mẹ trong bài thơ nó chân chất, gần gũi, thân thương, thân thương quá đỗi như con người cùng tấm lòng của một bà mẹ Việt Nam vậy!

(Bài thơ của nữ nhà thơ Nga Tanya Alelasjitsuk; Hồng Thanh Quang chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Nga; Lời bình của Đặng Toán)