Mẹ
(Hạnh Nhi)
Nào đâu ai đánh mà đau
Mà nghe mặn chát phía sau nụ cười
Con đâu dám đếm mấy mươi
Để cho tuổi mẹ hãy lười bước qua
Mẹ ơi, mẹ vẫn chưa già
Chỉ là tập bước chỉ là tập đi
Không phải mẹ chẳng nhớ gì
Chỉ là mẹ muốn khắc ghi một thời
Ngày xưa mẹ hát à ơi
Miếng cơm nhai tấm con thời lớn lên
Bây giờ con nhớ mẹ quên
Rưng rưng khóe mắt đáp đền mẹ sao?
Có khi là giấc chiêm bao
Mẹ choàng tỉnh gọi: “Đứa nào vậy bay?”
Hình như mắt mẹ cay cay
Quẹt vội mẹ giả vờ say giấc nồng
Những gì là cái mênh mông
Làm sao sánh được tấm lòng mẹ cha
Bỗng dưng con sợ chiều tà
Xin thời gian mãi đừng qua, hãy chờ
Để con níu lại tuổi thơ
Mặt trời sáng mãi quên giờ lặn tan
Bông hồng cài áo vu lan
Thắm tươi, trang trọng muôn vàn yêu thương.
Nói như thế không có nghĩa là bất cứ ai làm thơ về mẹ cũng đều hay và xúc động, nếu ta không thực sự yêu thương mẹ và cảm xúc khi đối diện trước trang giấy của mình.
Tôi tin là Hạnh Nhi thương mẹ của mình lắm lắm nên có những vần thơ xúc động đến nghẹn ngào khi viết thi phẩm “Mẹ”. Và tôi, người đọc bài thơ này cũng chợt thấy rưng rưng:
“Nào đâu ai đánh mà đau
Mà nghe mặn chát phía sau nụ cười
Con đâu dám đếm mấy mươi
Để cho tuổi mẹ hãy lười bước qua”.
“Không đánh mà đau” cũng phải thôi, tuy trên môi đứa con vẫn nở nụ cười, nhưng phía sau nụ cười là cả một trời đắng đót, là mặn chát khi mẹ của mình đã tuổi cao sức yếu. Con không dám đếm, con không dám nhớ tuổi của mẹ. Con chỉ biết nguyện cầu cho mẹ của con mãi còn trẻ, khỏe mà thôi - để mẹ sống vui với con với cháu.
Khi đến tuổi già, mắt mẹ mờ, tai mẹ ngãng, và bước chân đã quay về cái thuở mới chập chững tập đi. Người con vì quá thương mẹ và âu lo nên cứ tự... huyễn hoặc với chính mình, rằng mẹ hãy còn trẻ, đấy chẳng qua mẹ muốn nhớ lại, muốn sống lại những “bước chân đầu đời” vì nó đã khắc ghi sâu trong tâm khảm mẹ mà thôi:
“Mẹ ơi, mẹ vẫn chưa già
Chỉ là tập bước chỉ là tập đi
Không phải mẹ chẳng nhớ gì
Chỉ là mẹ muốn khắc ghi một thời”.
Thơ viết khéo và xúc động vô cùng.
Thương mẹ, lòng ta chợt bùi ngùi nhớ lại thuở ấu thơ. Nhớ đến thắt lòng điệu ru hời buồn buồn, thần tiên của mẹ. Ôi, mỗi bữa ăn được mẹ nhai, mẹ bón, lừa xương cá để chăm chút cho ta. Con thì con nhớ tất, nhưng giờ mẹ đâu còn nhớ những điều này nữa:
“Ngày xưa mẹ hát à ơi
Miếng cơm nhai tấm con thời lớn lên
Bây giờ con nhớ mẹ quên
Rưng rưng khóe mắt đáp đền mẹ sao?”
Là một người con hiếu thảo, đầy bổn phận và trách nhiệm, muốn đền đáp công ơn dưỡng dục sinh thành của mẹ, Hạnh Nhi muốn “cụ thể hóa” việc thương mẹ thế nào chứ không thể nói suông, mắt ngấn lệ là xong.
Mà thật ra, mẹ ta có bao giờ đòi hỏi ta đâu. Phận làm con, đã làm người thì ta sẽ tự khắc biết điều gì cần làm và nên làm mới là đạo hiếu. Mà nghĩ cho cùng, cũng không có gì là nhiêu khê cả, chỉ là sự chăm sóc ân cần và chu đáo; cũng chả cần cao lương mỹ vị gì đâu, chút chút gì đó dù giản đơn nhưng mang nặng tấm lòng thơm thảo là đáng trân trọng, là quý hóa lắm rồi!
Hai khổ thơ bốn và năm, tác giả tả về cái tuổi già với những tính cách và hành động thật đáng thương mà ta thường bắt gặp ở bà, ở mẹ của mình; cùng sự biết ơn sâu nặng lẫn lo lắng của đứa con. Hai khổ thơ này cũng khá hay và chân thực như chính tấm lòng của tác giả vậy.
Và cuối cùng, cảm xúc dâng đến cao trào, nhà thơ ao ước cho mẹ của mình luôn được khỏe mạnh, sống lâu chứ đừng giống như vầng dương sáng lòa rồi cuối cùng cũng lặn khuất ở chân trời.
Ôi, hôm nay bên con vẫn còn có mẹ. Mẹ nằm đó. Mẹ ngồi đây... Cho con xin trở lại tuổi thơ, để khi ấy tóc mẹ còn xanh, má mẹ còn hồng. Mẹ ơi, cho con được cài một đóa hồng đỏ thắm lên lên ngực áo của con, mẹ nhé. Để con khẳng định điều hiện hữu là con - vẫn - còn - có - mẹ - bên - đời! Con chưa bị rơi vào tình cảnh... “Ngày xưa có mẹ!”
“Để con níu lại tuổi thơ
Mặt trời sáng mãi quên giờ lặn tan
Bông hồng cài áo vu lan
Thắm tươi, trang trọng muôn vàn yêu thương”
“Mặt trời sáng mãi quên giờ lặn tan” đích thị là câu thơ lóe sáng, bất ngờ, sáng tạo và xúc cảm đến tận cùng!
Với “Mẹ” của Hạnh Nhi, thiết tưởng bài thơ này hoàn toàn xứng đáng được nằm trong các tuyển thơ hay viết về mẹ. Tại sao không?