Khắc phục những khó khăn, vướng mắc

Với những giải pháp được đưa ra, thời gian gần đây kết quả, hiệu quả trong giải quyết kiến nghị, phản ánh của cử tri của HĐND các cấp tỉnh Nghệ An có nhiều khởi sắc, tỷ lệ giải quyết ý kiến kiến nghị, phản ánh. Tuy vậy, trong thực tiễn giải quyết kiến nghị, phản ánh của cử tri vẫn còn tình trạng cử tri kiến nghị nhiều lần cùng một nội dung ở nhiều cấp, nhiều diễn đàn. Điều này làm ảnh hưởng đến niềm tin của cử tri và Nhân dân vào cơ quan chức năng.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, tại các cuộc họp giao ban, rút kinh nghiệm công tác tổ chức kỳ họp, báo cáo của HĐND tỉnh cũng chỉ rõ: Vấn đề này có hai tình huống xảy ra: một là ý kiến của cử tri đã được giải quyết nhưng chưa trả lời kịp thời, đầy đủ đến người có kiến nghị; hai là ý kiến chưa được giải quyết dứt điểm mà chỉ trả lời mang tính giải trình, giải thích.

z4293147107158_792a21f50e1f7d49d-1682505995819.jpg
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý phát biểu tại Hội nghị TXCT

Theo đó, để giải quyết tình huống thứ nhất, gần đây, HĐND tỉnh Nghệ An đã bổ sung thêm nhiều kênh để thông tin kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và đơn thư của công dân. Thay vì chỉ gửi kết quả giải quyết về các địa phương như lâu nay, Thường trực HĐND tỉnh giao Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tổng hợp kết quả giải quyết theo từng đơn vị bầu cử, chuyển đến từng đại biểu HĐND tỉnh để thông tin cho cử tri tại các kỳ TXCT; đồng thời đăng công khai trên Trang thông tin điện tử Đại biểu Nhân dân tỉnh Nghệ An; gửi trực tiếp đến cử tri thông qua điện thoại, gmail, zalo do cử tri cung cấp.

Trao đổi về vấn đề này, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Như Khôi cũng nhìn nhận: Khi kết quả giải quyết được thông tin đến cử tri bằng nhiều kênh, ngoài tăng tính công khai, minh bạch trong trả lời, giải quyết của các cơ quan chức năng, khắc phục tình trạng cùng một nội dung của cùng một cử tri kiến nghị nhiều lần; thì có những nội dung cử tri địa phương này kiến nghị, phản ánh, có thể nhiều cử tri ở nhiều địa phương quan tâm cùng vấn đề cũng có thể nắm được, giảm việc phản ánh và tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị trùng lặp.

anh-ky-2-cu-tri-vi-thi-quang-xa--1682507824533.jpg
Cử tri Vi Thị Quang (xã Châu Quang) kiến nghị các cấp có giải pháp khắc phục các hệ luỵ từ khai thác khoáng sản

Liên quan đến các kiến nghị, phản ánh của cử tri chưa được giải quyết do vướng mắc về cơ chế chính sách, các quy định pháp luật còn chồng chéo hoặc chưa có nguồn lực để triển khai, Phó Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Nguyễn Thị Anh Hoa cho biết: HĐND tỉnh đang tiếp tục trăn trở, “bóc tách” rõ, nội dung nào kiến nghị mới, nội dung nào đã kiến nghị lần 1, lần 2, lần 3… để theo dõi, giám sát, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành cũng thấy rõ trách nhiệm hơn để tập trung giải quyết.

Chẳng hạn đối với các kiến nghị vướng mắc do liên quan đến nguồn lực, cần phải phân theo thứ tự ưu tiên để đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng, lồng ghép các nguồn và thời gian thực hiện, nhất là các công trình, dự án bức thiết đến đời sống của người dân, hạn chế tình trạng “đổ lỗi” cho nguồn lực để không có giải pháp cụ thể. Các kiến nghị vướng về cơ chế chính sách, quy định của pháp luật thì thông qua Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ.

Phát huy trách nhiệm, “đeo bám” việc đến cùng của mỗi đại biểu

Bên cạnh những nỗ lực đổi mới để làm tốt hơn vai trò cầu nối tiếp nhận, trả lời việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri và Nhân dân từ phía cơ quan HĐND tỉnh Nghệ An, yếu tố quan trọng nhất là ý thức trách nhiệm và năng lực hoạt động của mỗi đại biểu HĐND tỉnh.

Trao đổi về vấn đề trách nhiệm của đại biểu trong việc tiếp nhận ý kiến phản ánh của cử tri và “đeo bám” các cấp, các ngành trong giải quyết, trả lời, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Như Khôi cho rằng: Theo quy định, nhiệm vụ của đại biểu là tiếp thu, tổng hợp kiến nghị gửi về Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh chuyển UBND tỉnh tổng hợp kiến nghị cử tri và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương giải quyết và trả lời; các đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm báo cáo kết quả giải quyết đến cử tri. Mặc dù quy định là như vậy, nhưng mỗi đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân thì nhiệm vụ không chỉ dừng lại ở đó là “tròn vai” mà kết quả quan trọng nhất, thể hiện rõ nhất vai trò “đại diện” chính là khi những vấn đề cử tri phản ánh đã được giải quyết thỏa đáng, đến “tận cùng”: Nội dung nào mình hiểu biết thì phải thông tin ngay cho cử tri tại hội nghị TXCT; những nội dung ngoài thẩm quyền và chuyên môn, hiểu biết của mình thì phải “đeo bám” các cấp, các ngành, làm sao để các ý kiến chính đáng của cử tri được giải quyết, trả lời đầy đủ và nhanh nhất.

23-1682507961408.jpg
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi gặp gỡ cử tri huyện Quỳ Hợp

Là đại biểu HĐND tỉnh, cũng là Bí thư Thị uỷ, Chủ tịch HĐND thị xã Thái Hoà, đại biểu Phạm Tuấn Vinh cho rằng: khi đại biểu có ý thức trách nhiệm thì họ sẽ trăn trở, chủ động tìm cách để làm tốt vai trò của mình. Khi đó, mỗi đại biểu phải tăng cường bám sát cơ sở, giữ mối liên hệ thường xuyên với cử tri và Nhân dân - người đã bầu ra mình, kịp thời phát hiện những bất cập, những vấn đề Nhân dân phản ánh, kiến nghị để kịp thời thông tin, đôn đốc các cơ quan chức năng vào cuộc bằng các giải pháp, cách thức giải quyết các vấn đề từ thực tiễn cũng như các kiến nghị chính đáng của cử tri, chứ không dừng lại ở giải thích, giải trình.

Đồng tình với đại biểu HĐND tỉnh Phạm Tuấn Vinh, nhiều ý kiến khi được hỏi về vai trò, trách nhiệm của đại biểu trong việc nắm bắt, “ đeo bám” đến cùng kiến nghị, phản ánh của cử tri, cũng bày tỏ: Luật chính quyền địa phương quy định rõ: HĐND là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Trách nhiệm của đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; đồng thời trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri.

Thực tế, mỗi đại biểu khi được bầu làm đại biểu HĐND tỉnh đều đại diện cho ngành, khối, lĩnh vực, lực lượng, giới nào đó nên họ chỉ cần lắng nghe tiếng nói của người dân, hay ngành, tổ chức, giới mà mình đại diện để phản ánh đến các ngành chức năng và theo đuổi đến cùng kiến nghị, phản ánh đó để thực hiện bằng được thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề bức xúc, tồn tại trong thực tiễn đời sống xã hội, tạo động lực phát triển chung của tỉnh.

33-1682508231768.jpg
Thời gian qua, tỷ lệ giải quyết kiến nghị phản ánh của cử tri của từng cấp trên địa bàn tỉnh ngày càng cao, tỷ lệ khiếu nại vượt cấp giảm

Và thực tế, cùng với ý thức trách nhiệm của mỗi đại biểu, để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị, phản ánh của cử tri và Nhân dân, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành cơ chế đánh giá chất lượng của đại biểu trên các hoạt động, trong đó có trách nhiệm TXCT và “đeo bám” việc giải quyết các kiến nghị cử tri của mỗi đại biểu. Mặt khác, hiện HĐND tỉnh cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, bảo đảm “hành trình” từ tiếp nhận kiến nghị cử tri, chuyển đến UBND tỉnh và UBND tỉnh chuyển đến các sở, ngành, địa phương giải quyết, trả lời kết quả giải quyết đến cử tri đều được theo dõi chặt chẽ, từ đó nâng cao trách nhiệm ở mỗi khâu.

Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quyết định 25/2019/QĐ-UBND, ban hành ngày 11.7.2019 về quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri để phù hợp yêu cầu thực tiễn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân.

Chủ động đổi mới để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị, phản ánh của cử tri là vấn đề luôn được cơ quan dân cử tỉnh Nghệ An đặt ra. Sự chủ động ấy đã và đang chuyển động từ HĐND tỉnh lan tỏa xuống HĐND cấp huyện, nhờ đó mà tỷ lệ giải quyết kiến nghị phản ánh của cử tri của từng cấp ngày càng cao, tỷ lệ khiếu nại vượt cấp giảm... Kết quả này cũng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.