Những cách làm linh hoạt, sáng tạo trên của HĐND các tỉnh thành đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và đơn thư của công dân, tăng cường mối liên hệ “máu thịt” giữa đại biểu và cử tri.
Thúc đẩy gắn kết giữa đại biểu với cử tri
Năm 2022, hoạt động TXCT được HĐND các địa phương tiếp tục đổi mới với nhiều hình thức phong phú, phù hợp, bảo đảm đúng pháp luật để thu nhận được tối đa ý kiến của cử tri như: hội nghị TXCT có sự kết hợp chung của đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã; hoán đổi địa bàn TXCT giữa các đơn vị ứng cử của đại biểu HĐND hoặc tổ chức TXCT theo chuyên đề, mời đại diện UBND, các ngành liên quan cùng dự và trả lời, giải thích ngay tại buổi tiếp xúc đối với những kiến nghị thuộc lĩnh vực phụ trách; TXCT theo đối tượng, theo ngành, lĩnh vực, TXCT qua các điểm cầu, duy trì và củng cố đường dây tiếp nhận ý kiến cử tri (Thành phố Đà Nẵng đã duy trì và củng cố hoạt động của đường dây tiếp nhận ý kiến của cử tri qua tổng đài 02363888888). Các cuộc TXCT đã tăng về số lượng cử tri tham dự, thu được nhiều ý kiến, kiến nghị có chất lượng.
Để thắt chặt hơn mối liên hệ mật thiết giữa đại biểu với cử tri, hoạt động TXCT và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri năm 2022 cũng được tăng cường với nhiều đổi mới thiết thực. Điển hình, hoạt động TXCT của các Tổ đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng trong điều kiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị được đổi mới, nâng cao chất lượng theo hướng tăng cường TXCT theo chuyên đề. Thường trực HĐND thành phố tổ chức hiệu quả 3 Chương trình “HĐND với cử tri”, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cử tri và Nhân dân thành phố. Qua đó, nhiều vấn đề bất cập, các vụ việc nổi cộm trên địa bàn thành phố được kịp thời xử lý, khắc phục sớm, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân.
Trong năm 2022, đại biểu HĐND cấp tỉnh đã tổ chức TXCT tổng số 4.440 cuộc, thu nhận được tổng số 21.429 kiến nghị và số kiến nghị được giải quyết trung bình của cả nước là 83,05%. Trong đó, một số tỉnh như: An Giang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hậu Giang, Kon Tum, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Tuyên Quang đều có tỷ lệ giải quyết đạt 100%. Các kiến nghị sau khi được UBND cấp tỉnh trả lời, giải trình đầy đủ, rõ ràng, công khai tại các kỳ họp HĐND cấp tỉnh, được đăng tải trên trang thông tin điện tử tỉnh, thành phố và các kênh thông tin đại chúng, cơ bản đáp ứng nguyện vọng của cử tri.
Và để phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu trước cử tri, Thường trực HĐND tỉnh Bình Định phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh giám sát việc thực hiện Chương trình hành động, thực hiện lời hứa của đại biểu HĐND tỉnh với cử tri từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, thông báo kết quả giám sát tại kỳ họp HĐND tỉnh. Qua đó, yêu cầu đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục phát huy trách nhiệm, quyền hạn; tăng cường thực hiện nhiệm vụ giám sát, nhất là giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, ý kiến, kiến nghị của cử tri...
Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo vụ việc
Theo báo cáo của các địa phương, năm 2022, Thường trực HĐND, đại biểu HĐND cấp tỉnh đã chú trọng tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tỷ lệ trung bình của cả nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo là 88,70%. Trong đó, một số tỉnh, thành có tỷ lệ giải quyết đạt 100%. Đó là: An Giang, Bắc Giang, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Cao Bằng, Cần Thơ, Đắk Lắk, Điện Biên, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Thọ, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh.
Một số địa phương tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo vụ việc. Như ở thành phố Hồ Chí Minh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND thành phố đã có 2 buổi tiếp công dân theo vụ việc. Thông qua các buổi tiếp công dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND thành phố đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công dân, đánh giá những việc đã làm được và những mặt hạn chế, thiếu sót của các cơ quan. Từ đó, đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục quan tâm, giải quyết những kiến nghị chính đáng của công dân. Đồng thời, giải thích, đề nghị công dân chấp hành những quyết định giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền và tiếp tục liên hệ các cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết đối với các kiến nghị, phản ánh chưa được giải quyết.
Hoạt động giám sát cũng ghi nhận nhiều cách làm sáng tạo. Như ở Hà Nội, điểm mới là nhiều cuộc giám sát quan trọng của HĐND thành phố đã mời ĐBQH ứng cử trên địa bàn và các chuyên gia trong các lĩnh vực tham gia. Mục đích nhằm phát huy trí tuệ của đại biểu, vừa cung cấp thông tin, tạo tiếng nói thống nhất, hiệu quả trên diễn đàn dân cử; đồng thời, nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát. Cùng với duy trì trình chiếu phóng sự để minh chứng trực quan, sinh động, rõ các vấn đề chất vấn; tại Kỳ họp thứ 10 vừa qua, lần đầu tiên, Thường trực HĐND trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn. Trong đó, định lượng tiến độ cụ thể để yêu cầu UBND và các cơ quan liên quan của thành phố thực hiện.