Cách đây 60 năm, vào tháng 12/1961, trong lần về thăm quê thứ 2, cũng là lần trở về quê cuối cùng, sau khi thăm thị xã Vinh, thăm Quê nhà tại Kim Liên, Nam Đàn, thăm hợp tác xã Vĩnh Thành, Nông trường Đông Hiếu,... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến các đồng bào dân tộc thiểu số khi đến thăm Trường Sư phạm miền núi Nghệ An. Tại đây, dù thời gian rất ngắn nhưng Người đã dành trọn sự yêu thương đến các cháu học sinh, sinh viên của Trường với những lời thăm hỏi ân cần nhất. Người nói: “Thấy các cháu vui vẻ, mạnh khoẻ, Bác rất vui lòng. Bác có ghé thăm một phòng ngủ, khá sạch sẽ. Thường ngày có được như vậy không? Hay nghe tin Bác đến rồi mới làm vệ sinh.

- Ở đây có mấy dân tộc? Sao mà lại mặc theo người Kinh cả?

- Các cháu Thổ đâu? Mặc sao giống người Kinh?

- Các cháu Thái đâu?

- Các cháu Thanh đâu?

- Các cháu Tày Mười đâu?

- Các cháu Tày Hãy đâu? Chỉ có một cháu thôi à? Sao lại không có cháu gái? Lần sau phải có cháu gái.

- Các cháu Đan Lai đâu?

- Các cháu Lào đâu?

- Các cháu có hiểu nhau không?

- Các cháu nói chuyện với nhau được không? Nói chuyện với nhau bằng tiếng gì?...”

Nói chuyện với các cháu học sinh dân tộc thiểu số, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về tinh thần đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam: “Hồi trước, bọn Tây và vua quan phong kiến làm cho các dân tộc thù ghét lẫn nhau, người Mường ghét người Kinh. Bây giờ các dân tộc đều là anh em cả. Dân tộc nào đông hơn, nhiều người hơn, tiến bộ hơn thì phải giúp đỡ các dân tộc khác để đều tiến bộ như nhau, đều đoàn kết như anh em một nhà...”. Bên cạnh việc hỏi thăm về tình hình học tập, về tình đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các học sinh dân tộc thiểu số, Người cũng khuyên rằng mục đích học tập là để tiến bộ và để xây dựng Chủ nghĩa xã hội với những lời lẽ hết sức giản dị: Chủ nghĩa xã hội là no ấm, là đoàn kết, là vui vẻ, muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội phải học tập, tiết kiệm, tăng gia sản xuất...

Đặc biệt, Người căn dặn Để đền đáp công ơn, các cháu không phải học rồi ở đây, mà phải trở về giúp đỡ đồng bào”.

1.jpg

Một trong những nhân chứng được gặp Người tại buổi gặp mặt của học sinh Trường Sư phạm miền núi năm đó, bà Lô Thị Nhân, hiện là giáo viên hưu trí tại xã Tam Thái huyện Tương Dương. Bà Nhân cho biết: “Thời gian gặp Bác rất ngắn nhưng đã để lại cho thầy và trò chúng tôi những bài học sâu sắc về tinh thần đoàn kết, cố gắng vượt khó vươn lên, về trách nhiệm của mình với cộng đồng... Những lời răn dạy của Bác đã đi theo chúng tôi suốt cuộc đời và trở thành phương châm sống của các thế hệ cán bộ, Nhân dân các dân tộc thiểu số”.

Những lời khuyên bảo và động viên của Người đối với toàn thể học sinh Trường Sư phạm miền núi 60 năm trước đã trở thành nguồn cổ vũ lớn lao, không chỉ đối với đơn vị và thế hệ học sinh của nhà trường được gặp Bác lúc đó mà còn là sự kiện đi vào lịch sử của tỉnh nhà, tạo thêm sức mạnh và là động lực để Nhân dân trong tỉnh nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi nói riêng thi đua phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, của tỉnh. Điều này cũng khắc thêm minh chứng rằng, bất kỳ ở đâu và trong thời điểm nào, Người cũng quan tâm, kêu gọi sự đoàn kết giữa các dân tộc, giữa dân tộc Kinh với các dân tộc thiểu số, giữa các dân tộc thiểu số với nhau để thực hiện khát vọng giành độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho Nhân dân.

12.jpg
Bác Hồ về thăm, nói chuyện với cán bộ và học sinh Trường Sư phạm miền núi Nghệ An chiều 9/12/1961

Bên cạnh việc được đón Người về thăm và trò chuyện tại Trường Sư phạm miền núi, cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An cũng rất vui mừng và tự hào bởi nhiều cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực được Người khen, được gặp Người. Đặc biệt, năm 1965, sau khi hoàn thành kế hoạch bổ túc văn hóa 5 năm lần thứ nhất trước thời hạn 1 năm, cán bộ và Nhân dân huyện miền núi Quế Phong được Người gửi thư khen ngợi. Nội dung bức thư viết: “Bác rất vui lòng khen ngợi đồng bào và cán bộ các dân tộc trong toàn huyện đã cố gắng và đã hoàn thành tốt kế hoạch 5 năm bổ túc văn hóa trước thời hạn 1 năm. Bác mong rằng đồng bào và cán bộ huyện nhà ra sức thi đua đạt nhiều thành tích trong tăng gia sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và tiếp tục học tập tiến bộ hơn nữa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta. Bác thân ái gửi lời hỏi thăm các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng... Chào thân ái và quyết thắng”!

Với tư tưởng nhất quán: “Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở bình đẳng, xoá bỏ thành kiến dân tộc, chăm lo mọi mặt để miền núi tiến kịp miền xuôi. Khẳng định vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam trong hành trình đấu tranh vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, Người nhấn mạnh: “Nhờ sức đoàn kết đấu tranh chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng phải đoàn kết hơn nữa”. Đây cũng chính là một trong những nội dung tư tưởng của Người trong đoàn kết dân tộc; là kim chỉ nam cho Trung ương Ðảng và Chính phủ trong xây dựng và chỉ đạo thực hiện chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, cùng các ngành, chính quyền địa phương các cấp đã giành nhiều sự quan tâm phát triển vùng khu vực miền núi - nơi đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Miền Tây Nghệ An được xem là 1 trong 3 vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh, với nhiều chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm và các chính sách an sinh xã hội góp phần đưa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển toàn diện, từng bước xích dần khoảng cách với miền xuôi...

Lục Mỹ Liên

Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh