Một lẽ rất đơn giản, Quốc hội nghĩa là Hội nghị quốc dân, nơi hội tụ của những người đại biểu cho cử tri cả nước, bàn luận về những vấn đề của toàn dân, của quốc gia.
Trước hết, từ góc độ lợi ích của quốc gia khi thảo luận, biểu quyết các dự luật, nghị quyết, cần xem xét liệu phương án A, quy định X của dự luật đã đáp ứng tốt nhất sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, trên cơ sở tổng hợp, phân tích các luồng quan điểm, những góc nhìn khác nhau. Chẳng hạn, có thể lấy ví dụ “nóng hổi” từ phiên thảo luận về dự án Luật đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV này, mà cụ thể là vấn đề thu hồi đất có hàng chục ý kiến đề cập. Do đất đai là tài nguyên quý giá nhưng hữu hạn của quốc gia, Nhà nước cần có chính sách sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững, giữ gìn và bảo vệ để các thế hệ mai sau sử dụng hiệu quả hơn, bền vững hơn. Theo quy định của Hiến pháp, để thu hồi đất thì các dự án phát triển kinh tế - xã hội phải đáp ứng 3 điều kiện, trong đó có: phải vì lợi ích quốc gia, công cộng. Rất nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị cần có khái niệm, điều kiện, tiêu chí cụ thể thế nào là dự án “vì lợi ích quốc gia, công cộng”, tính chất, quy mô, giá trị mang lại về nhiều mặt cũng như danh mục từng loại dự án, qua đó đảm bảo tính minh bạch, tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan. Có đại biểu nhấn mạnh, chỉ thu hồi đất đối với những dự án trực tiếp phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, không áp dụng cho trường hợp gián tiếp.
Về quyền và lợi ích chính đáng của cử tri trong các dự án luật, nên quan tâm những quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân không phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; các quy định phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết; gánh nặng về thuế, phí và các khoản đóng góp không hợp lý; phát hiện tư duy cũ của cơ quan trình dự án luật thường biểu hiện ở việc nghĩ thay, quyết định thay cho người dân….
Vẫn lấy ví dụ từ phiên thảo luận về dự án Luật đất đai (sửa đổi), chính vì lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri là người dân tộc thiểu số, cử tri vùng dân tộc thiểu số, xuất phát từ góc độ quyền và lợi ích chính đáng của cử tri, rất nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu về vấn đề đất đai cho người dân tộc thiểu số. Các đại biểu đã viện dẫn các văn bản pháp luật quốc tế về quyền của người dân tộc thiểu số hay người bản địa về đất đai; quy định của Hiến pháp năm 2013 về chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước; đề nghị bổ sung những quy định riêng mang tính đột phá để giải quyết dứt điểm những hạn chế, khó khăn về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chẳng hạn như cần có quy định trách nhiệm tạo quỹ đất để hỗ trợ đất, lộ trình giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất; điều kiện giao đất, trong đó có chính sách khuyến khích để cộng đồng dân tộc thiểu số nhận đất rừng nghèo, rừng ở nơi xa khó quản lý, bảo vệ; cơ chế tài chính, trong đó có quy định về miễn, giảm, giãn nghĩa vụ tài chính có liên quan đến đất đai cho đồng bào; quyền và nghĩa vụ của đồng bào trong sử dụng đất; chính sách ưu đãi, khuyến khích người dân tộc thiểu số khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững đất đai v.v...
Để bảo đảm lợi ích chung của quốc gia và cử tri, đại biểu Quốc hội nên hình thành thói quen nhận biết những dự án luật, chính sách có thể dễ “cài cắm” lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm. Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã yêu cầu:“Chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật”. Điều này có thể ẩn đằng sau các quy định về tổ chức bộ máy, nhân sự, thành lập quỹ, cấp, cấp đổi các loại giấy phép, chứng chỉ, những vấn đề có thể quy định cụ thể ngay trong luật nhưng giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ quy định cụ thể .v.v…. đại biểu Quốc hội có thể tự nghiên cứu, kết hợp tham vấn các nhóm dân cư, các chuyên gia, nhà quản lý hoặc yêu cầu Chính phủ, Bộ, ngành có dự án, Bộ chuyên ngành giải trình rõ vấn đề mà mình quan tâm. Trên thực tế, khá nhiều lần đa số đại biểu Quốc hội không đồng ý với những quy định hoặc phương án trong các dự án luật có dấu hiệu, khả năng “lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước”.
Cũng từ góc độ lợi ích chung của quốc gia và cử tri, cần xem xét vấn đề thủ tục hành chính trong dự luật có đảm bảo rõ ràng, càng đơn giản càng tốt, và là điều kiện “cần và đủ” để vận hành chính sách. Trình tự, thủ tục hành chính quá rườm rà, không cần thiết sẽ trở thành rào cản ngăn chính sách đi vào cuộc sống và “tạo đất” cho nhũng nhiễu, tiêu cực. đại biểu Quốc hội có thể “đếm” dự thảo có bao nhiêu thủ tục hành chính trong đó, bao nhiêu là thủ tục hiện hành, bao nhiêu là mới phát sinh, những thủ tục hành chính mới phát sinh có thực sự cần thiết không.
Cuối cùng, lợi ích chung của quốc gia và cử tri đòi hỏi nhà lập pháp cân nhắc mức độ, “liều lượng” các biện pháp pháp luật ở mức tối thiểu để đạt được mục đích đề ra với gánh nặng thấp nhất cho cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. đại biểu Quốc hội có thể kết hợp nhận định, đánh giá của mình với ý kiến của cử tri, của chuyên gia, báo cáo đánh giá tác động, báo cáo thẩm tra về tác động tích cực, tiêu cực của chính sách; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp; lựa chọn giải pháp của cơ quan, tổ chức và lý do của việc lựa chọn; đánh giá tác động thủ tục hành chính, tác động về giới (nếu có). Từ nhiều góc độ như vậy, đại biểu sẽ có thông tin đa chiều để cân nhắc lựa chọn giải pháp nào tốt nhất, hài hòa nhất có thể các lợi ích khác nhau, hướng tới đáp ứng lợi ích chung của quốc gia và cử tri.