chm.jpg

Con đường đến với đội ngũ những người Cộng sản

Chu Huy Mân tên thật là Chu Văn Điều, sinh ngày 17-3-1913 tại làng Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là làng Phong Hảo, xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Năm 1929, 16 tuổi bắt đầu tham gia cách mạng, để giữ bí mật và che mắt địch, Chu Văn Điều đã nhiều lần thay họ, đổi tên với các bí danh khác nhau: Chu Huy Mân, “Vũ Chân”,“Lê Thế Mỹ”;“Trần Thanh Lạc”,“Hồ Thạch Châu”;“Tướng Thao Chăn”; và “Hai Mạnh”. Tuy nhiều lần đổi tên và bí danh khác nhau, nhưng cái tên “Chu Huy Mân” mang ý nghĩa: Huy là trong sáng, Mân là Ngọc đã được Chu Huy Mân dùng đến trọn đời.

chu-huy-man.jpg

Đại tướng Chu Huy Mân (1913 - 2006)

Chu Văn Điều sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo đông con, cha mất sớm, mẹ phải tần tảo lần hồi mò cua bắt ốc, làm thuê cuốc mướn để nuôi các con. Vì đói nghèo, hàng năm cứ đến mùa nạp sưu, thuế, những người trong gia đình luôn bị bọn địa chủ và lý trưởng trong làng đánh đập, ức hiếp. Thù nhà, nợ nước chồng chất, Điều thề quyết không đội trời chung với thực dân Pháp và bọn phong kiến. Giữa năm 1929, sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, Ban chấp hành Trung ương Đông Dương Cộng sản đảng đã cử các đồng chí: Nguyễn Phong Sắc (quê ở Hà nội) và Trần Văn Cung (quê ở huyện Nghi Lộc) vào thành phố Vinh hoạt động để xây dựng các tổ chức cách mạng. Thành lập các tổ chức quần chúng: Công hội Đỏ, Nông hội Đỏ và Hội Tán trợ, xúc tiến thành lập Đông Dương Cộng sản đảng của Xứ ủy Trung Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, phong trào đấu tranh ở Nghệ An phát triển mạnh, chuyển dần từ tự phát lên tự giác. Là một thanh niên yêu nước, căm thù giặc, khi được cán bộ Đảng tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, Chu Văn Điều hăng hái làm liên lạc cho các đồng chí Lê Mao, Nguyễn Thức Mẫn và chị Nguyễn Thị Vĩnh (tức Minh Khai), vận động nông dân làng Yên Lưu gia nhập tổ chức Nông hội Đỏ và Hội tán trợ. Ngày 29-10-1929 Xứ ủy Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng đã lãnh đạo nông dân đấu tranh, Chu Văn Điều đã tham gia đấu tranh cùng 300 nông dân làng Yên Lưu đòi giảm sưu cao, thuế nặng. Nhân kỷ niệm lần thứ 12 cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917- 7/11/1929) Chu Văn Điều đã vận động thanh niên trong làng đi rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm trên các cây cao, đình làng và nơi nhân dân họp chợ đông người. Truyền đơn và khẩu hiệu ủng hộ cách mạng tháng Mười Nga được Chu Văn Điều mang đi rải có nội dung: “Đánh đổ thực dân Pháp và phong kiến Nam triều”; “Công nhân làm việc 8 giờ, nông dân có ruộng cày”.

61c024c60bf1f-1.jpg
Đại tướng Chu Huy Mân và cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4 đón Bác Hồ về thăm đơn vị. Ảnh: Tư liệu.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Chu Văn Điều được các đồng chí Lê Mao, Lê Doãn Sửu, Lê Viết Thuật tin tưởng giao làm đội phó Đội tự vệ. Các cuộc đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong ngày 1-5-1930 và 12- 9-1930, Chu Văn Điều dũng cảm, dương cao cờ đỏ búa liềm, dẫn đầu đoàn biểu tình, trấn áp kẻ thù và bảo vệ Nhân dân. Tháng 11-1930, tại nhà đồng chí Chu Văn Chín, Chi bộ Đảng làng Yên Lưu đã làm lễ kết nạp Chu Văn Điều vào đội ngũ những người Cộng sản, khi anh 17 tuổi. Dưới cờ đỏ búa liềm trang nghiêm và linh thiêng, có mặt hai đồng chí cán bộ thượng cấp là Nguyễn Phong Sắc và Lê Mao về dự cùng các đồng chí trong Chi bộ Yên Lưu, Chu Văn Điều xúc động dơ nắm tay thề: “Tôi nguyện suốt đời đấu tranh để giành độc lập dân tộc. Nếu bị bắt, bị tra tấn cực hình, dụ dỗ, mua chuộc tôi quyết không khai báo. Dù phải chịu tù đày, vẫn không nản chí, vào sống, ra chết, quyết không sờn lòng”. Lời hứa thiêng liêng khi đứng dưới lá cờ Đảng đêm đó đã theo Chu Huy Mân suốt cả cuộc đời.

Vị Đại tướng đa tài, bản lĩnh, trí tuệ và tình cảm

Cuối năm 1930, thực dân Pháp bắt đầu đàn áp phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh trong máu và lửa. Để duy trì và bảo vệ công tác tuyên truyền, cơ quan ấn loát của Xứ ủy Trung Kỳ phải chuyển từ nhà Mẹ Lộc ở Bến Đền (Vinh) về nhà ông Đinh Hồ ở xóm Đồng Mả, Yên Lưu (nay là làng Phong Đăng, xã Hưng Hòa, thành phố Vinh). Chu Huy Mân từ đội phó đội Tự vệ, được cử làm đội trưởng, bảo vệ các đồng chí: Chu Văn Biên, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Lập và Nguyễn Thị Thảo (Cán bộ ấn loát của Xứ ủy Trung Kỳ). Ngoài việc bảo vệ cơ quan ấn loát và vận chuyển tài liệu, Chu Huy Mân còn chỉ huy đội tự vệ tham gia luyện tập quân sự, bảo vệ quần chúng trong các cuộc đấu tranh, trừng trị bọn phản cách mạng, vận động thanh niên lấy lúa của nhà giàu chia cho dân nghèo để cứu đói, lấy ruộng đất công của làng xã đem chia cho những gia đình nghèo, mở các lớp học dạy chữ Quốc ngữ cho Nhân dân, tập văn nghệ, bài trừ mê tín dị đoan, tổ chức đám cưới, đám tang theo đời sống mới.

h100.jpg
Đại tướng Chu Huy Mân (thứ 3 từ trái sang) thăm cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên.

Đề phòng khi cơ sở ấn loát ở nhà ông Đinh Hồ bị lộ, Chu Huy Mân đã tìm thêm địa điểm in ấn ở nhà Bõ Kinh, làm nghề chài lưới bên sông Rào Đừng giáp ranh với huyện Nghi Lộc, phòng khi địch khủng bố để có đường rút lui. Mặc dù kẻ địch đã cho bọn mật thám dò la, lùng sục trong thời kỳ khủng bố trắng, nhưng truyền đơn, báo chí của Đảng kêu gọi và định hướng đấu tranh, báo Người Lao khổ của cơ quan Xứ ủy Trung kỳ, Báo Tiến Lên của Tỉnh uỷ Nghệ An vẫn được in ấn và phân phát đến tận các Chi bộ để cổ vũ và uốn nắn công nông đấu tranh chống khủng bố trắng. Tháng 6-1931, do có kẻ phản bội chỉ điểm, cả hai cơ sở ấn loát tại nhà ông Đinh Hồ và nhà Bõ Kinh cạnh bờ sông đều bị địch vây ráp, đồng chí Chu Văn Biên đi phân phát tài liệu trở về đã bị bọn lính đón bắt. Chu Huy Mân bình tĩnh cất dấu hết tài liệu và dụng cụ in ấn rồi dẫn đồng chí Nguyễn Thị Phúc ven theo bờ sông, nhờ ông Lê Văn Trường làm nghề chài lưới bắt cá trên sông chở qua xã Nghi Thái (huyện Nghi Lộc) thoát. Chu Huy Mân chạy đánh lạc hướng bọn địch giải thoát cho chị Phúc, đến nhà bà Đinh Thị Giới xóm Phong Yên, lách cửa bếp vào nhà trốn. Khi lính rút khỏi làng, ông Trường về nhà dẫn Chu Huy Mân xuống Đền Bà Cô ẩn náu, ông là tộc trưởng dòng họ Lê, người cầm chìa khóa trông coi và hương khói ở Đền Bà Cô. Hàng ngày vợ chồng đã lo cơm nước, nuôi dấu Chu Huy Mân cho đến khi bọn lính rút lên Vinh thì mới chèo đò ngang đưa sang huyện Nghi Lộc, nơi cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ đang đóng (1).

Năm 1935, nhiều đồng chí bị bắt thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh đã được ra tù, các đồng chí Chu Huy Mân, Võ Trọng Ân (người làng Phù Xá, phủ Hưng Nguyên) đã tìm bắt liên lạc với các đồng chí Tỉnh ủy Nghệ An và huyện Nghi Lộc, bí mật họp tại nhà thờ Chi Cụ Tú Lang ở làng Phù Xá, khôi phục lại các Chi bộ của phủ Hưng Nguyên. Đồng chí Chu Huy Mân được bầu làm Bí thư Phủ ủy, Võ Trọng Ân làm Phó Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Phủ ủy, các tổ chức quần chúng cách mạng hoạt động rất sôi nổi. Sau thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936-1939), thực dân Pháp đã trở mặt, ra lệnh truy lùng vây bắt các chiến sĩ Cộng sản ở Nghệ Tĩnh (kể cả các đồng chí vừa được ra tù). Tháng 5-1940, Chu Huy Mân, Võ Trọng Ân và đảng viên ở Nghệ An đều bị bắt giam tại Nhà lao Vinh. Chu Huy Mân, Võ Trọng Ân lần lượt bị đày giam ở các nhà tù: Ngục Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Đăk Tô. Trong các nhà tù đế quốc, kẻ thù đã dùng mọi âm mưu thủ đoạn, tra tấn cực hình, rồi mua chuộc dụ dỗ, nhưng vẫn không làm Chu Huy Mân sờn lòng nản chí. Những ngày trong tù, Chu Huy Mân luôn giữ vững niềm tin, đoàn kết đấu tranh, tìm thời cơ để vượt ngục trở về với Đảng.

Tháng 3-1943, Mặt trận Việt Minh hoạt động mạnh, Chu Huy Mân, Nguyễn Duy Trinh, Huỳnh Ngọc Huệ, Hà Thế Hạnh đã bí mật tổ chức vượt ngục thành công, theo đường 19 tìm về Nghệ An. Khi đến tỉnh Quảng Nam, đúng lúc Mặt trận Việt Minh tỉnh đang chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa. Trên đường đi, bị bọn lính và mật thám truy lùng, bị tắc đường, Chu Huy Mân bàn với cùng các chiến sĩ vượt ngục ở lại để tham gia vào Ban Việt Minh của tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo Nhân dân đấu tranh giành chính quyền. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chu Huy Mân được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Chủ tịch Ủy ban Quân chính 4 tỉnh Trung bộ, Xứ ủy Trung Kỳ. Khi nước nhà giành được độc lập, Chu Huy Mân làm Chủ tịch Ủy ban quân chính Khu C (gồm Quảng Nam, thừa Thiên Huế, Quảng Trị và Quảng Bình), Chính trị viên Mặt trận đường 9 Đông Hà -Xavanakhẹt.

tuong-chu-huy-man-210417.jpg
Tướng Chu Huy Mân (bên trái) tại đài quan sát chiến dịch F2 tháng 6/1972. Ảnh tư liệu

Tháng 12-1946, sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Chu Huy Mân được Trung ương Đảng điều động ra Việt Bắc làm Trưởng Ban Kiểm tra xây dựng Đảng Quân khu ủy Việt Bắc. Sau đó lần lượt giữ các chức vụ: Trung đoàn trưởng Trung đoàn 72, Bí thư Đảng ủy, Trung đoàn 74 Cao Bằng, Chính ủy Trung đoàn 174 Cao - Bắc - Lạng. Tháng 5- 1951, đồng chí giữ chức Phó Chính ủy, rồi Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, chỉ huy Đại đoàn tham gia các chiến dịch lớn. Ngày 13-3-1954, trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy Đại đoàn 316, chỉ huy bộ đội đánh các trận: đồi C1; C2, đồi A1, tiêu diệt cứ điểm Him Lam, tham gia trận đánh cuối cùng bắt tướng Đờ Cát, góp phần lập công vào “Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu”.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, với âm mưu chia cắt đất nước ta, Việt Nam tạm thời chia cắt làm hai miền, nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được đặt lên hàng đầu. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ“ Giúp bạn chính là giúp mình”, với tinh thần quốc tế cao cả, đồng chí Chu Huy Mân được giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn cố vấn chuyên gia, giúp cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang. Tháng 5-1957, Chu Huy Mân đang giữ chức Chính ủy Quân khu 4, Trung ương đã điều động sang Sầm Nưa để giúp cách mạng Lào. Năm 1958, Chu Huy Mân được phong quân hàm Thiếu tướng, thực hiện tốt công tác dân vận của Chủ tịch Hồ chí Minh, Chu Huy Mân luôn được Đảng, Quân đội và Nhân dân các bộ tộc Lào yêu mến gọi là “Tướng Thao Chăn”. Đang hoạt động ở Lào thì Chu Huy Mân nhận được lệnh Trung ương Đảng điều động giữ chức vụ Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu bốn (1958- 1959), Chu Huy Mân lại được điều động lên làm Bí thư Đảng ủy Quân khu Tây Bắc. Tháng 12-1960 (lần thứ hai) Chu Huy Mân lại được Đảng và Bác Hồ điều động làm Tổng cố vấn cho Chính phủ Liên hiệp Lào. Năm 1961, đồng chí lại trở về nước, làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy kiêm Tư lệnh Quân khu bốn. Năm 1962, Chu Huy Mân được Quân đội cử sang Liên Xô học tại Học viện Phowrunde để năng cao trình độ lý luận và nghệ thuật quân sự.

Cuối năm 1963, quân địch tập trung lực lượng càn quét, chiến trường Khu 5 gặp nhiều khó khăn. Chu Huy Mân được Bác Hồ và Trung ương Đảng giao nhiệm vụ vào Tây Nguyên, nghiên cứu và chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu 5 đánh xe tăng, bắn máy bay bằng súng trường và trung liên để chống lại cuộc chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ. Năm 1964, Chu Huy Mân được Bộ Chính trị và Bác Hồ tin tưởng giao làm Chính ủy Quân khu, Bí thư Khu ủy Liên khu 5, đồng chí đã góp công lớn vào các chiến thắng: Ba Gia, Núi Thành, Vạn Tường. Ngày 7-5-1965, sư đoàn lính thủy số 3 của Mỹ đổ bộ lên vây ráp xã Kỳ Liên thuộc tỉnh Quảng Nam. Chu Huy Mân đã chỉ huy chuyển đánh ngụy sang đánh Mỹ, xây dựng vành đai diệt Mỹ ở Chu Lai, tìm cách tiêu diệt gọn đại đội Mỹ. Tháng 9-1965, sau chiến thắng Chu Lai, với biệt danh“Hai Mạnh”, Chu Huy Mân đã có một quyết định táo bạo: Không mở chiến dịch giải phóng Bắc Tây Nguyên mà chuyển sang mở chiến dịch Plâyme - Ia Đrăng. Là Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận B3-Tây Nguyên, Chu Huy Mân lãnh đạo và chỉ huy tài tình, táo bạo: Chiến dịch Plâyme, quân đội ta đã tiêu diệt gọn 305 lính Mỹ, buộc quân Mỹ phải thừa nhận:“Một trận chiến đấu làm thay đổi cục diện chiến tranh”. Với cách đánh giặc của anh Tự vệ Đỏ năm 1930, Chu Huy Mân đã đúc rút kinh nghiệm để có những trận quyết chiến huyền thoại trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của “Anh Bộ đội Cụ Hồ” trong cuộc chiến tranh Nhân dân chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Để giải quyết bớt khó khăn về lương thực cho bộ đội và Nhân dân ở chiến trường, thời kỳ ở Quân khu 5, Chu Huy Mân đã nêu sáng kiến: Khi Bộ đội hành quân trên đường vào Nam, đến đóng quân ở đâu đều phải tổ chức trồng khoai, sắn, rau, chuối. Lớp trước trồng, lớp sau đến tiếp quản để có cái mà nuôi quân và giúp dân, giảm bớt khó khăn thiếu thốn về lương thực. Việc làm và tình cảm của đồng chí Chu Huy Mân luôn được Nhân dân các địa phương trân trọng, quý mến, anh em bộ đội noi gương và học tập. Năm 1974, với tài giỏi chỉ huy và có nhiều sáng kiến, đa tài, đức độ, “ Hai Mạnh”, Chu Huy Mân được thăng quân hàm vượt cấp, từ Thiếu tướng lên Thượng tướng. Trong chiến dịch năm 1975, Chu Huy Mân là Chính ủy giải phóng Đà Nẵng và một số đảo. Năm 1980, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng, được Bác Hồ tin tưởng và giao nhiệm vụ. Có lần Bác Hồ đang trao đổi công việc ở chiến trường, biết Chu Huy Mân đang gánh vác cả hai nhiệm vụ (chỉ huy quân kiêm công tác chính trị), Bác Hồ đã động viên: “Chú chịu khó gánh cả hai vai cho khỏe càng tốt”. Từ đó Bộ đội Tây Nguyên thường gọi bí danh “ Hai Mạnh” là Tướng Chu Huy Mân.

dai-tuong-chm-9167.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Chu Huy Mân tại Hội trường Ba Đình ngày 12/11/2002. Ảnh tư liệu

Tại Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IV, Chu Huy Mân được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được Ban chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và được cử giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (1977- 1986), phụ trách công tác giúp cách mạng Lào, Giám đốc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (1980). Đồng chí Chu Huy Mân là Đại biểu Quốc hội các khóa: II,VI,VII, được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khóa VII (1981-1986) là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam các khóa II, IV,V, Ủy viên Bộ Chính trị khóa IV và V…

Do tuổi cao sức yếu, cùng với những vết thương bị tra tấn trong các nhà tù đế quốc và bom đạn ở các chiến trường, ngày 1-7-2006, Đại tướng Chu Huy Mân đã trút hơi thở cuối cùng trong niềm thương tiếc vô hạn của gia đình, đồng chí và đồng đội, hưởng thọ 93 tuổi, an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch Hà Nội. Chu Huy Mân, vị Đại tướng đa tài, bản lĩnh, nhạy cảm, trí tuệ và rất tình cảm, được Bác Hồ vinh danh là “Hai Mạnh”. Với 76 năm tuổi Đảng, 61 năm tuổi quân, chiến đấu, hy sinh trọn đời cho cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập dân tộc. Đồng chí Chu Huy Mân đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng (1930- 2006). Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh, Huân Chương Quân công hạng Nhất; Huân Chương Độc lập hạng Nhất; Huy hiệu Xô viết Nghệ Tĩnh; Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và nhiều phần thưởng cao quý khác.

791430_small_92576.jpg
Lễ cắt băng khanh thành nhà tưởng niệm Đại tướng Chu Huy Mân

Tên đồng chí Chu Huy Mân đã được đặt cho nhiều đường phố trên cả nước và quê hương thành phố Đỏ Nghệ An. Để tưởng nhớ và tri ân, học tập gương sáng của Đại tướng Chu Huy Mân, Nhà tưởng niệm đồng chí được xây dựng khang trang tại khu vườn cũ của gia đình ở xã Hưng Hòa, thành phố Vinh. Tỉnh ủy Nghệ An đã vinh danh Chu Huy Mân trong tập sách “Nghệ An những tấm gương Cộng sản