Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên - ông Trần Quốc Hoàn (1916-1986). Ảnh tư liệu/Báo điện tử VOV

Nếu lực lượng Công an nhân dân được ví như “lá chắn thép”, “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, thì xin được gọi Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chính là người nghệ nhân lão luyện, đã dồn hết tâm huyết, trí tuệ và sinh mệnh để tôi luyện vũ khí ấy sắc bén, vững vàng.

Người con của quê hương xứ Nghệ (1) - người thợ rèn tài ba ấy từng bước vượt qua lửa đỏ, nước lạnh của thử thách cách mạng, kiên cường dấn thân giữa hiểm nguy để xây dựng nên một lực lượng Công an vững mạnh, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân.

Năm 1942 - Nhà tù Sơn La. Trong chốn lao tù khắc nghiệt, nơi gông cùm xiềng xích trói buộc thân thể nhưng không thể kìm hãm tinh thần cách mạng, những người cộng sản như Trần Quốc Hoàn, Văn Tiến Dũng, Hoàng Tùng,… vẫn nuôi dưỡng hoài bão lớn lao. Nhà báo Hoàng Tùng nhớ lại: “Đồng chí Văn Tiến Dũng thích làm lính, tôi thích viết báo, còn Trần Quốc Hoàn thích làm gián điệp”. Những ước mơ ấy không nhằm thỏa mãn cá nhân, mà là khát vọng hiến dâng trọn đời cho lý tưởng cách mạng.

Sống giữa địa ngục trần gian, được kề vai cùng những chiến sĩ kiên trung như Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Tô Hiệu…, Trần Quốc Hoàn đã biến gian khổ thành lò luyện ý chí, biến chốn tù đày thành trường học cách mạng. Những ngày tháng ấy rèn đúc nên khí chất của người chiến sĩ an ninh đầu tiên.

Với vai trò Bí thư Chi bộ nhà tù Sơn La, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã lãnh đạo tổ chức chính trị bên trong khám đường, tranh thủ thời cơ “hợp tác” với Pháp để chống Nhật, thực chất là tìm cơ hội thoát khỏi lao tù. Tháng 3/1945, trong tình hình đặc biệt, đồng chí cùng Chi ủy tổ chức giải thoát thành công gần 200 cán bộ tù chính trị, không tốn một viên đạn, để kịp thời trở về với phong trào cách mạng.

Vượt khỏi tù đày, Trần Quốc Hoàn dấn thân ngay vào phong trào kháng chiến. Tại mặt trận Thủ đô, ông sát cánh cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Vương Thừa Vũ, chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, tổ chức chiến đấu trong 60 ngày đêm lịch sử tại Liên khu I. Chính ông là người chỉ đạo cho nổ nhà máy điện Yên Phụ - hiệu lệnh khai hỏa toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn và lực lượng Công an tỉnh Nghệ An đón Bác Hồ.

Chiến sự khốc liệt, ông vẫn trực tiếp vào chiến trường thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho những người “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.

Năm 1949, trên cương vị Bí thư Đặc Khu ủy Hà Nội, đồng chí Trần Quốc Hoàn chuyển hướng hoạt động cách mạng, đề xuất chủ trương xây dựng tổ chức quần chúng trong lòng địch. Nhận định sắc bén về công tác vận động, ông đã nhấn mạnh: “Mọi cán bộ Đảng, Chính quyền, Đoàn thể, Quân sự, Công an đều phải làm công tác quần chúng” - một quan điểm chiến lược đã tạo bước ngoặt cho phong trào kháng chiến tại đô thành.

Tư duy an ninh bén nhạy của ông dần được khẳng định qua những chiến dịch đặc biệt. Dưới sự chỉ đạo của ông, các hoạt động rải truyền đơn, phá hoại cơ sở địch, triệt phá nội gián được tiến hành hiệu quả. Đặc biệt, ông thành lập Ban địch tình - tiền thân của hệ thống tình báo phân tích sau này - và trực tiếp tham dự các cuộc họp.

Năm 1952, Bộ Chính trị quyết định điều động đồng chí Trần Quốc Hoàn làm Giám đốc Nha Công an Trung ương. Đây là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của ông và cũng là thời khắc định hình bộ mặt hiện đại của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.

Ngay sau đó, ông chỉ đạo xử lý thành công chuyên án TN25 - vụ gián điệp biệt kích lớn nhất thời kháng chiến chống Pháp. Ông vận dụng chiến thuật “lấy địch đánh địch”, dùng người của địch làm đòn bẩy phá tan mạng lưới GCMA - lực lượng biệt kích Pháp - và góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tháng 9/1954, ông được giao nhiệm vụ làm Bí thư Thành ủy Hà Nội lần thứ ba, chỉ đạo tiếp quản Thủ đô. Việc tiếp quản không đơn thuần là bàn giao hành chính, mà là một cuộc đấu trí giữa cách mạng và thực dân. Ông đã chỉ đạo tổ chức huấn luyện tiếp quản, bảo vệ an toàn các cơ sở vật chất, trật tự trị an và an toàn tuyệt đối cho Hồ Chủ tịch cùng các lãnh đạo cao cấp.

Ngày 10/10/1954, Hà Nội rợp cờ hoa đón chào đoàn quân giải phóng. Thành ủy Hà Nội do đồng chí Trần Quốc Hoàn đứng đầu đã tổ chức thành công công cuộc tiếp quản Thủ đô, được Bác Hồ đặc biệt biểu dương. Chính phủ tặng ông Huân chương Lao động hạng Nhất.

Ngay từ những năm đầu hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã sớm được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, dìu dắt. Giữa hai người hình thành mối quan hệ đặc biệt không chỉ trên phương diện công việc mà còn là sự gắn bó tình cảm sâu sắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đến dự Đại hội Liên hoan chiến sĩ thi đua lần thứ nhất Công an nhân dân vũ trang tại Hà Nội, ngày 2-3-1962.

Bác Hồ là người trực tiếp lựa chọn và giao trọng trách cho đồng chí Trần Quốc Hoàn đảm nhận cương vị lãnh đạo lực lượng Công an trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc. Mỗi khi có những vấn đề lớn về tổ chức, nghiệp vụ hay cán bộ, đồng chí Hoàn đều xin ý kiến Bác - và nhiều lần, Bác viết thư tay gửi những chỉ dẫn, dặn dò ngắn gọn nhưng thấm đẫm tư tưởng nhân văn, lấy dân làm gốc. Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã không chỉ thực hiện đúng tinh thần “Công an của ta là Công an nhân dân”, mà còn là người hiện thực hóa nhiều chỉ đạo chiến lược của Bác vào mô hình tổ chức Công an cách mạng.

Từ năm 1953, Trần Quốc Hoàn giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an cho đến năm 1980 - gần ba thập niên đặt nền móng, thiết kế nền tảng lý luận và tổ chức của lực lượng Công an nhân dân hiện đại.

Ông coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng cho lực lượng Công an nhân dân, đề cao tư tưởng “lấy dân làm gốc” trong mọi hoạt động. Quan điểm “Thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi” trở thành phương châm hành động, lý tưởng phục vụ của toàn lực lượng.

Ông cũng là người đầu tiên đặt nền móng lý luận khoa học cho ngành Công an. Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ VII do ông chủ trì đã rút ra 7 kết luận cốt lõi về nghiệp vụ công an - nền tảng xây dựng học thuyết an ninh quốc gia hiện đại.

Với tư duy thực tiễn, ông tham mưu cho Trung ương ban hành Chỉ thị 64-CT/TW (1954), Nghị quyết số 40 (1962) - các văn kiện quan trọng nâng cao tổ chức, trang bị, nghiệp vụ và tư tưởng chính trị của lực lượng Công an nhân dân.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cũng là nhà lý luận sắc sảo, tác giả gần 100 bài viết và phát biểu mang tính định hướng toàn diện cho ngành Công an. Các tác phẩm: “Một số vấn đề đấu tranh chống phản cách mạng”, “Một số vấn đề xây dựng lực lượng Công an nhân dân”,... là tài liệu gối đầu giường cho nhiều thế hệ cán bộ Công an.

Không chỉ xây dựng học thuyết, ông còn trực tiếp phát triển hệ thống đào tạo lực lượng Công an. Là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Công an Trung ương, ông trực tiếp giảng dạy chuyên đề, xây dựng chương trình đào tạo, tuyển sinh đại học đầu tiên (khóa D1 - năm 1969). Đây là tiền đề cho hệ thống giáo dục Công an nhân dân hiện đại.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (áo đen ở giữa) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các sĩ quan. Ảnh tư liệu

Trên cương vị Bộ trưởng, ông lãnh đạo lực lượng Công an vượt qua giai đoạn phức tạp, đấu tranh chống gián điệp, phản cách mạng, bạo loạn, giữ gìn an ninh chính trị trong và sau chiến tranh.

Tư duy mềm dẻo và sắc sảo của ông thể hiện qua nhiều vụ việc: như tha thứ cho tướng phỉ Sáy Gâu, phân biệt rõ “phản động lợi dụng đạo Thiên Chúa” và giáo dân yêu nước - những bài học lớn về kết hợp nguyên tắc và sách lược, đấu tranh và khoan dung, kỷ cương và nhân ái.

Từ lòng dân mà ra, vì lòng dân mà chiến đấu

Tư tưởng “lấy dân làm gốc” không chỉ là kim chỉ nam trong quản lý xã hội mà còn là nền tảng trong tổ chức lực lượng và hành động của ngành Công an cách mạng - điều đó được đồng chí Trần Quốc Hoàn thấm nhuần sâu sắc và cụ thể hóa bằng những quyết sách đầy trí tuệ, giàu tính nhân văn trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Ngay từ khi còn là Bí thư Thành ủy Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám, ông đã xác định rõ: “Muốn phát động phong trào cách mạng thì phải trước hết bắt rễ vào dân, lấy dân làm tai mắt, lấy dân làm vũ khí, lấy dân làm thành trì”. Quan điểm ấy tiếp tục được ông kiên trì triển khai khi đảm nhiệm vị trí người đứng đầu ngành Công an: Công an không thể chỉ là lực lượng chuyên trách, mà phải là lực lượng gần dân, hiểu dân, dựa vào dân để phát hiện, đấu tranh, phòng ngừa và trấn áp tội phạm.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn thăm một đơn vị CAND vũ trang. Ảnh tư liệu

Nhờ tư duy ấy, trong những năm đầu xây dựng chính quyền cách mạng, khi điều kiện vật chất còn vô cùng thiếu thốn, khi đội ngũ cán bộ còn non trẻ và mạng lưới tổ chức chưa hoàn chỉnh, thì chính lực lượng Công an đã xây dựng được “thế trận an ninh nhân dân”, phát triển hàng triệu cộng tác viên, cơ sở quần chúng, tổ an ninh nhân dân khắp các xã, phường, thôn, xóm - hình thành mạng lưới phòng thủ từ gốc, đẩy lùi các hoạt động phá hoại ngầm của địch. Đó không chỉ là mô hình sáng tạo mang dấu ấn tư duy chiến lược của đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn mà còn là sự thể hiện bản lĩnh của một nhà lãnh đạo biết nhìn xa, liệu rộng, lấy Nhân dân làm nền tảng cho mọi hành động.

Bám rễ ở miền núi, vun trồng từ lòng bản

Với tầm nhìn chiến lược và lòng tận tụy vì sự nghiệp cách mạng, đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn xác định rõ: xây dựng lực lượng Công an không thể chỉ tập trung ở đô thị hay đồng bằng mà phải mở rộng đến các vùng sâu, vùng xa - nơi địa hình hiểm trở, dân cư phân tán và là địa bàn chiến lược trong giữ gìn an ninh chính trị. Từ nhận thức ấy, ông đặc biệt quan tâm đến việc tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số, không chỉ vì ý nghĩa tăng cường lực lượng mà còn vì đó là cách xây dựng niềm tin trong lòng đồng bào, từ bản làng mà dựng thành luỹ.

Ngay từ những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám, ông đã chỉ đạo thành lập các trường đào tạo thiếu sinh quân Công an tại Tây Bắc, Việt Bắc. Đây không chỉ là nơi đào tạo về nghiệp vụ mà còn là mái nhà rèn luyện lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thế hệ cán bộ đầu tiên ở vùng cao. Những lớp học dưới tán rừng, bên dòng suối, với giáo án viết tay và vũ khí huấn luyện còn thô sơ, nhưng chính từ đó đã bước ra những người con ưu tú của núi rừng, từng bước trưởng thành, trở thành những chiến sĩ, chỉ huy Công an bản lĩnh, am hiểu phong tục, nói được tiếng dân tộc, có uy tín và sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã từng hoạt động cách mạng và kết nạp Đảng ở Lào. Ảnh tư liệu

Những tấm gương như đồng chí Sa Ly, người Mông, từ một thiếu niên 12 tuổi được tuyển chọn và đào tạo bài bản, sau này trở thành Phó trưởng Ty Công an Lai Châu, là minh chứng sinh động cho thành công của chủ trương này. Khi xảy ra vụ việc xưng vua tại Pú Nhung, người dân vì mê tín đã nghe lời kẻ xấu, Sa Ly không dùng vũ lực, không ra lệnh mà về từng bản, ngủ cùng dân, ăn với dân, giải thích nhẹ nhàng, vận động kiên trì. Cái uy không đến từ cấp bậc mà đến từ niềm tin của đồng bào, từ sự kiên trì thấm đẫm chất “dân vận khéo” mà đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn coi là linh hồn của công tác Công an.

Khai phá trận tuyến thầm lặng - Đặt nền móng kỹ thuật nghiệp vụ Công an nhân dân

Khi cả nước còn đang gồng mình kháng chiến, kinh tế - kỹ thuật còn vô cùng lạc hậu, thì một người đứng đầu ngành Công an đã sớm hình dung ra một “trận tuyến thầm lặng” - nơi vũ khí không chỉ là súng đạn, mà là mắt xích điện tử, tín hiệu vô tuyến, thiết bị ngụy trang, thông tin mật mã… Đó chính là đồng chí Trần Quốc Hoàn - người đầu tiên xác lập và xây dựng lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ Công an nhân dân, khởi đầu cho một giai đoạn chuyển mình chiến lược từ “lấy sức người làm chính” sang “kết hợp con người và trí tuệ công nghệ”.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông, những cán bộ kỹ thuật đầu tiên đã bắt tay vào công việc với thiết bị thô sơ: máy thu phát điện quay tay bằng xe đạp, ống nghe lắp ghép, pin tự chế,… Nhưng từ những bản tin đầu tiên thu được qua vô tuyến điện, lực lượng non trẻ này đã cung cấp thông tin quan trọng cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và giúp phá nhiều âm mưu gián điệp, biệt kích, thám báo do tình báo Mỹ và tay sai cài lại.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn chụp ảnh kỷ niệm với cán bộ, giáo viên Trường Sĩ quan An ninh (nay là Học viện ANND) năm 1974

Không chỉ bằng lòng với việc “từ không đến có”, ông còn có tư duy đi trước thời đại: tháng 1/1955, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã đề xuất với Trung ương xin viện trợ từ Liên Xô để xây dựng một trạm phản gián điện đài và tình báo vô tuyến quy mô nhỏ, coi đó là mô hình thử nghiệm. Và đến năm 1959, ông báo cáo xin đầu tư quy mô lớn hơn - đó là công trình Phương Đông, hoàn tất năm 1962, trở thành cơ sở kỹ thuật hiện đại bậc nhất Đông Dương thời kỳ đó. Hoạt động của công trình đã góp phần trực tiếp vào việc nắm địch, đánh địch trên cả hai miền Nam - Bắc.

Có tầm nhìn, nhưng ông không coi thiết bị là yếu tố quyết định duy nhất. Trong mọi bài phát biểu chỉ đạo, ông luôn nhấn mạnh: “Trong mối quan hệ giữa thiết bị và con người, thì phải lấy con người là chính”. Chính vì vậy, ông đã dành nguồn lực lớn cho việc đào tạo cán bộ kỹ thuật nghiệp vụ, cả trong nước và gửi đi học tại các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Ba Lan, Cộng hoà Dân chủ Đức. Ngay từ năm 1958, ông đã cử 6 cán bộ ưu tú đầu tiên sang Liên Xô học về nghiệp vụ kỹ thuật - những người sau này trở thành lãnh đạo cao cấp của ngành như các đồng chí Bùi Thiện Ngộ, Trần Quyết, Phạm Tâm Long,...

Cũng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ác liệt, nhờ chủ trương đúng đắn của ông, ngành Công an đã xây dựng thành công hệ thống kỹ thuật phục vụ chiến đấu: các đài thám không, trung tâm thông tin cơ yếu, hệ thống phá sóng địch… Nhiều loại thiết bị đặc biệt được nghiên cứu chế tạo: vali bảo mật, mìn hẹn giờ, mực bí mật, máy giả mạo tín hiệu điện tử. Nhiều phương tiện kỹ thuật tối mật đã được chuyển vào miền Nam, hỗ trợ lực lượng An ninh đánh phá hệ thống gián điệp ngụy quyền.

Từ một quyết định chiến lược trong thời điểm đầy thử thách, lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ Công an đã từng bước trở thành lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, đóng vai trò then chốt trong việc đánh bại các âm mưu phản gián hiện đại, góp phần vào thắng lợi của an ninh cách mạng, mà tiêu biểu là chuyên án C30 - triệt phá mạng lưới gián điệp biệt kích do CIA cài cắm.

Tư duy “đi trước một bước” - Đặt nền móng cho lực lượng Công nghệ thông tin Công an nhân dân

Nếu như lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ Công an là hiện thân cho bản lĩnh chiến đấu thầm lặng của ngành trong suốt hai cuộc kháng chiến, thì lực lượng công nghệ thông tin Công an nhân dân ngày nay chính là kết tinh của một tư duy hiện đại, nhìn xa trông rộng, được hình thành từ khi đất nước còn chưa thoát khỏi khói lửa chiến tranh. Và người khởi xướng, người gieo hạt giống đầu tiên cho hành trình ấy - không ai khác - chính là Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn.

Năm 1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã ký quyết định thành lập một đơn vị đặc biệt, mang tên Ban Máy tính, trực thuộc Bộ Công an. Đó không đơn thuần là một tổ chức kỹ thuật, mà là một mốc son mở đầu cho tư duy số hóa hoạt động an ninh quốc gia. Với tầm nhìn vượt khỏi khuôn khổ thời đại, đồng chí xác định rõ: trong tương lai, cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc sẽ không chỉ diễn ra bằng vũ khí quân sự, mà còn hiện diện trên mặt trận công nghệ, thông tin, dữ liệu, hệ thống số hóa.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn kiểm tra một số cải tiến kỹ thuật máy thông tin liên lạc của cán bộ, chiến sỹ Phòng 2, Cục KG2, ngày 9/10/1979. Ảnh tư liệu.

Khi ấy, khái niệm “tin học”, “dữ liệu điện tử” còn vô cùng mới mẻ ở Việt Nam, cả nước chỉ có vài máy tính IBM nhập từ Liên Xô, vận hành trên ngôn ngữ Fortran, thẻ đục giấy và tốc độ xử lý chậm hơn cả một chiếc điện thoại di động ngày nay. Nhưng trong điều kiện đầy hạn chế ấy, đồng chí Trần Quốc Hoàn vẫn chỉ đạo Ban Máy tính bắt đầu xây dựng kho dữ liệu nghiệp vụ đầu tiên của ngành Công an, với tiêu chí: lưu trữ chính xác, truy vấn nhanh chóng, phục vụ kịp thời công tác điều tra, truy vết, phân tích an ninh.

Không chỉ là người ra quyết sách, ông còn là người bảo trợ trực tiếp cho thế hệ cán bộ công nghệ thông tin đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân. Ngay từ năm 1973, ông ký văn bản cử các cán bộ trẻ đi đào tạo tin học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và nước ngoài, đặc biệt tại Liên Xô và Cộng hòa Dân chủ Đức - nơi mà ngành mật vụ và phản gián đã phát triển tin học ứng dụng vào công tác an ninh từ rất sớm.

Ông cũng chủ trương xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ an ninh quốc gia từ những năm cuối thập kỷ 70 - điều mà hơn 40 năm sau mới trở thành hiện thực với Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được Chính phủ triển khai mạnh mẽ trong thời đại chuyển đổi số hôm nay. Có thể nói, hạt mầm tư duy ấy đã được đồng chí Trần Quốc Hoàn gieo trồng từ rất sớm - một tầm nhìn mang dáng dấp của nhà chiến lược công nghệ hơn là một vị Bộ trưởng ngành truyền thống.

Những gì ông để lại không chỉ là mô hình tổ chức. Đó là tư tưởng kiến tạo hệ sinh thái công nghệ an ninh có chiều sâu, kết hợp giữa dữ liệu - kỹ thuật - con người, giữa thiết bị và nghiệp vụ, giữa công nghệ và bản lĩnh chính trị. Chính từ nền móng ấy, lực lượng Công nghệ thông tin Công an nhân dân ngày nay đã vươn mình trở thành một trụ cột hiện đại, đảm nhiệm nhiều mảng công việc cốt lõi như: xây dựng hạ tầng số dùng chung toàn ngành; phát triển các phần mềm nghiệp vụ, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn; đảm bảo an toàn không gian mạng cho lực lượng và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Từ một Ban Máy tính chỉ có vài cán bộ kỹ sư điện tử, đến nay, ngành Công an đã sở hữu những Trung tâm Dữ liệu quốc gia đặt tại mức độ bảo mật cao nhất, vận hành hàng nghìn TB dữ liệu, phục vụ điều hành chỉ huy chiến lược và quản lý an ninh hiện đại. Những đột phá công nghệ như Căn cước công dân gắn chip, ứng dụng VNeID, cổng Dịch vụ công Bộ Công an, hay các hệ thống giám sát giao thông, cảnh báo an ninh qua trí tuệ nhân tạo... đều bắt đầu từ hạt giống tư duy “đi trước một bước” của đồng chí Trần Quốc Hoàn.

Có thể khẳng định: ông không chỉ là người “khai sinh” ra lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ, mà còn là người khai mở chân trời tư duy số hóa ngành Công an, đặt nền móng đầu tiên cho trận địa công nghệ hiện đại của lực lượng An ninh nhân dân hôm nay và mai sau.

Lá chắn thép trong lòng Đảng - Trần Quốc Hoàn và công cuộc bảo vệ an ninh nội bộ

Giữa những chuyển động không ngừng của cách mạng, bảo vệ an ninh nội bộ không chỉ là nhiệm vụ kỹ thuật - hành chính, mà còn là một trận tuyến tư tưởng - tổ chức - chính trị, nơi địch ngụy trá hình, len lỏi, trà trộn để phá hoại từ bên trong. Ngay từ những năm đầu đảm nhiệm cương vị người đứng đầu ngành Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã nhìn rõ: “Một cuộc cách mạng muốn thành công thì phải vững từ bên trong. Cán bộ là gốc của Đảng. Giữ vững nội bộ là giữ vững Đảng”.

Trong bối cảnh chiến tranh lạnh và đấu tranh chống phản cách mạng ngày càng phức tạp, ông đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ bảo vệ nội bộ không chỉ trong ngành Công an, mà còn mở rộng ra toàn bộ hệ thống chính trị: Đảng, Quân đội, cơ quan nhà nước, đoàn thể nhân dân, các tổ chức kinh tế - xã hội, và cả đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. Chính ông là người chỉ đạo trực tiếp hình thành hệ thống mạng lưới bảo vệ chính trị nội bộ, từ Trung ương đến địa phương, từ bộ ngành đến cơ sở, từ cơ quan trọng yếu đến vùng sâu, vùng xa.

Đây là một công trình tổ chức đầy trí tuệ và khoa học. Đồng chí Trần Quốc Hoàn không lựa chọn cách làm manh mún, vụ việc, mà xây dựng một hệ thống cơ chế đồng bộ: từ kiểm tra chính trị nội bộ, xác minh lý lịch cán bộ trước khi bổ nhiệm, thẩm tra tiêu chuẩn đảng viên, cán bộ nguồn,… đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng và chủ động phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái, cơ hội chính trị, móc nối với địch.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn cũng là người kiên trì kiến nghị với Trung ương về việc ban hành các chỉ thị, quy định bảo vệ chính trị nội bộ trong Đảng, xây dựng quy trình thẩm tra cán bộ cấp chiến lược, cán bộ quy hoạch dài hạn, nhằm phòng ngừa sai sót trong công tác tổ chức. Một mặt ông bảo vệ uy tín của cán bộ thật sự, mặt khác cương quyết đấu tranh với những kẻ “đội lốt cách mạng”, làm hoen ố hình ảnh Đảng.

Trong chỉ đạo thực tiễn, ông luôn giữ vững nguyên tắc ba trọng tâm: “Vừa bảo vệ cán bộ, vừa bảo vệ Đảng, vừa chống địch phá hoại nội bộ.” Ba trụ cột đó tạo nên thế cân bằng giữa phòng và chống, giữa tổ chức và nghiệp vụ, giữa bảo vệ người trung thành và loại bỏ kẻ phản bội.

Di sản của đồng chí còn kéo dài đến hôm nay, khi hệ thống bảo vệ nội bộ ngành Công an không ngừng được hoàn thiện và nâng tầm. Những chương trình hiện đại như Cơ sở dữ liệu bảo vệ chính trị nội bộ, quy trình rà soát cán bộ nguồn, tiêu chuẩn an ninh chính trị phục vụ công tác quy hoạch cấp chiến lược, đều được kế thừa từ nền tảng mà đồng chí Trần Quốc Hoàn đặt ra từ những năm 1960 - 1970.

Trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, những nguyên tắc mà Trần Quốc Hoàn để lại vẫn giữ nguyên giá trị thời sự. Trên mặt trận đấu tranh với suy thoái tư tưởng, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ - thì bài học “giữ Đảng từ bên trong” của ông vẫn là kim chỉ nam không thể thay thế.

Với đồng chí Trần Quốc Hoàn, an ninh không thể chỉ là nhiệm vụ của lực lượng chuyên trách, mà phải trở thành ý thức tự giác của mỗi người dân. Ông từng viết trong một báo cáo gửi Bộ Chính trị:“Muốn bảo vệ chế độ lâu dài thì phải có hàng triệu chiến sĩ vô danh ngay giữa Nhân dân, không đợi địch xuất hiện mới ngăn chặn, mà từ trong đời sống đã là hàng rào.”

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn gặp mặt thân nhân cán bộ chiến sỹ công an đang chiến đấu tại chiến trường miền Nam - Tết Mậu Thân năm 1968. (Nguồn: antv.gov.vn)

Dưới sự chỉ đạo của ông, Bộ Công an ban hành nhiều hướng dẫn, chỉ thị, chương trình vận động quần chúng tham gia giữ gìn an ninh trật tự, đặc biệt là ở địa bàn nông thôn, biên giới, vùng dân tộc, và đô thị trọng điểm. Hàng vạn người tốt - việc tốt, hàng ngàn “tai mắt nhân dân”, hàng trăm mạng lưới an ninh tự quản cấp thôn, bản, phường, xóm đã góp phần đắc lực vào việc phát hiện, tố giác, vô hiệu hóa âm mưu phản cách mạng, gián điệp, phá hoại.

Ông cũng là người đầu tiên kiến nghị Trung ương cho phép tổ chức các hội nghị toàn quốc về công tác quần chúng trong bảo vệ an ninh, từ đó đúc kết kinh nghiệm, biểu dương điển hình và xây dựng phong trào thành “cuộc cách mạng trong lòng dân”. Phong trào này không chỉ nâng cao hiệu quả an ninh, mà còn góp phần gắn kết Đảng - chính quyền - lực lượng Công an với Nhân dân trên nền tảng tin cậy và đồng lòng.

Trong suốt cuộc đời hoạt động, đồng chí Trần Quốc Hoàn luôn coi trọng nguyên tắc: “Công an phải dựa vào dân, không được đứng trên dân, càng không thể xa dân. Công an mạnh là khi dân tin, dân thương, dân bảo vệ.” Đó không chỉ là mệnh lệnh đạo đức, mà còn là chiến lược an ninh quốc gia, khi ông xây dựng nên mô hình “ba gắn bó” giữa Công an với cấp ủy, chính quyền và Nhân dân.

Đến cuối thập niên 70, từ những mô hình ban đầu do ông khởi xướng, Đảng và Nhà nước đã phát triển thành phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chính thức hóa bằng nhiều văn bản chỉ đạo, đưa nội dung xây dựng thế trận an ninh nhân dân vào nghị quyết của Trung ương Đảng, gắn với các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng.

Tư tưởng “lấy dân làm gốc, an ninh bắt đầu từ nhân dân, kết thúc cũng bằng nhân dân” mà ông truyền lại vẫn là kim chỉ nam của lực lượng Công an đến tận hôm nay. Từ các tổ tự quản ở làng quê, tổ dân phố, khu phố văn hóa; đến các mô hình “camera an ninh”, “khu dân cư không tội phạm”, “tổ liên gia an toàn”… đều là sự tiếp nối di sản lý luận và thực tiễn mà ông để lại.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn - người được Nhân dân gọi trìu mến là “ông Bộ trưởng của Nhân dân” - đã không chỉ giữ vững trận tuyến an ninh trong những thời khắc lịch sử gian nan, mà còn kiến tạo nên một “thế trận lòng dân” vững như thành đồng, bền vững đến tận hôm nay và mãi về sau.

Người truyền lửa cho thế hệ sau - Di sản lý luận, tổ chức và tư tưởng của một đời cách mạng

Tháng 4/1975, đất nước bước vào kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất. Đại thắng mùa Xuân năm ấy không chỉ kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước mà còn mở ra một thời kỳ phát triển mới với vô vàn nhiệm vụ đặt ra cho Đảng, Nhà nước - và đặc biệt là lực lượng Công an nhân dân. Trong bước ngoặt của lịch sử ấy, đồng chí Trần Quốc Hoàn - sau hơn hai thập kỷ giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Công an - đã chủ động đề xuất với Trung ương Đảng về việc chuyển giao thế hệ, bàn giao lại công tác cho lớp kế cận để đảm nhiệm trọng trách xây dựng lực lượng Công an trong thời kỳ mới.

Từ cương vị người đứng đầu, đồng chí lặng lẽ lui về làm cố vấn, nhà lý luận, người truyền lửa. Dù không còn giữ chức vụ Bộ trưởng, nhưng những năm cuối đời là quãng thời gian mà ông dành trọn tâm huyết để hoàn thiện các tổng kết thực tiễn, đúc kết kinh nghiệm, xây dựng hệ thống lý luận về tổ chức Công an cách mạng, về nghiệp vụ an ninh, và giáo dục cán bộ. Ông tham gia biên soạn nhiều tài liệu lý luận cơ bản, góp ý cho các văn kiện quan trọng về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, về xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh, chính quy và từng bước hiện đại.

Trong tâm trí ông, an ninh không bao giờ là một “công việc” có thể kết thúc, mà là một sự nghiệp trường kỳ gắn với vận mệnh của Đảng và dân tộc. Vì thế, ông tiếp tục theo dõi sát sao tình hình thực tế, viết báo cáo gửi Bộ Chính trị, gửi Bộ Công an, với những nhận định sắc sảo, những đề xuất cải cách tổ chức, đổi mới tư duy an ninh phù hợp với giai đoạn mới - thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.

Với tầm nhìn chiến lược và trái tim người lãnh đạo, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn luôn thấu hiểu con người, khơi dậy tinh thần cống hiến, hy sinh ở cán bộ tình báo. Ông trực tiếp gặp gỡ, động viên các chiến sĩ trước khi vào Nam, nhiều người trong số đó trở thành những nhà tình báo huyền thoại như Trần Quốc Hương (Mười Hương) - người thầy của tình báo cách mạng; Nguyễn Tài - “chiến sĩ kiên trung” trong nhà tù địch suốt 2.000 ngày không khuất phục trước đòn tra tấn của CIA.

Không chỉ là người chỉ huy tài năng, ông còn là người đồng chí, người anh giàu tình cảm. Trong một lần thăm chiến sĩ trở về từ nhà tù Mỹ với nhiều thương tích, ông ở lại cả buổi, tận tình chăm sóc và chia sẻ.

Ông đặc biệt trăn trở với công tác đào tạo cán bộ sau năm 1975, nhất là khi lực lượng Công an phải tiếp quản hệ thống an ninh ở miền Nam, ổn định tình hình nội chính và chống các âm mưu phá hoại từ bên trong lẫn bên ngoài. Trong nhiều buổi làm việc, ông căn dặn:“Người cán bộ Công an ngày nay phải biết kế thừa kinh nghiệm kháng chiến, đồng thời sớm tiếp cận khoa học - công nghệ, có tư duy chiến lược và cái tâm vì dân để không bị lạc hậu trong thời bình.”

Tư tưởng ấy không chỉ phản ánh tầm nhìn xa, mà còn thể hiện rõ tính cách mạng trong tư duy tổ chức của đồng chí Trần Quốc Hoàn - người luôn đặt câu hỏi: Làm thế nào để lực lượng Công an không trở thành công cụ máy móc, mà phải là đội ngũ gắn bó máu thịt với dân, xứng đáng là “thanh bảo kiếm của Đảng”?

Di sản lớn nhất ông để lại chính là một nền tảng lý luận vững chắc về mô hình tổ chức Công an trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là hệ thống nguyên tắc về tổ chức - cán bộ, về nghiệp vụ - chiến đấu, về giáo dục chính trị - tư tưởng mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị chỉ đạo thực tiễn.

Trong những năm cuối đời, dù sức khỏe giảm sút, đồng chí vẫn dành thời gian tiếp đón nhiều thế hệ cán bộ Công an đến thăm, đến học hỏi. Với ông, mỗi cuộc trò chuyện là một buổi truyền lửa. Có người kể rằng, ông vẫn thường mở lại các bức thư tay của cán bộ trẻ từ các đơn vị địa phương gửi về xin lời khuyên - và ông cặm cụi viết lại từng dòng chỉ dẫn với nét chữ nghiêng đều, kín đáo mà chân thành.

Dù ở bất cứ cương vị nào, trong lòng đồng chí Trần Quốc Hoàn vẫn luôn đau đáu một tình yêu sâu nặng với quê hương Nghệ An - vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Nơi đây đã hình thành nên phẩm chất kiên cường, lối sống giản dị, mộc mạc, chân thành - những nét đặc trưng theo ông suốt cả hành trình cách mạng. Mỗi lần về thăm quê, ông lặng lẽ đến từng ngôi trường, từng di tích lịch sử, gặp gỡ thế hệ trẻ để kể lại những bài học từ thực tiễn, thắp ngọn lửa yêu nước và trách nhiệm công dân.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn không chỉ là một nhà lãnh đạo, một người tổ chức, mà còn là một nhân cách lớn của cách mạng Việt Nam - người biết lùi về phía sau đúng lúc để thế hệ kế tục vươn lên, nhưng vẫn lặng thầm giữ một vị trí đặc biệt trong lịch sử lực lượng Công an nhân dân: người đặt nền, người truyền lửa, người kiến tạo tư tưởng.

Là Bộ trưởng Công an đầu tiên của Việt Nam và tại chức thời gian dài nhất (từ năm 1953 đến năm 1981) với gần 30 năm, ông đã đồng hành cùng dân tộc qua các cuộc kháng chiến, chiến tranh biên giới và nghĩa vụ quốc tế, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân anh hùng, chính quy, trung thành tuyệt đối với Đảng và Nhân dân.

Trong cuộc sống đời thường, ông là người chồng, người cha mẫu mực. Vợ ông, bà Trần Thị Lộc, từng là điệp báo viên do chính ông giao nhiệm vụ và đặt bí danh. Tình yêu nảy nở trong kháng chiến, họ dự định đặt tên các con là Thắng - Lợi - Vinh - Quang để thể hiện niềm tin chiến thắng. Khi trở về Hà Nội năm 1954, cả gia đình sum họp giữa rừng cờ hoa chiến thắng.

Gia đình cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Ảnh tư liệu

Khi ông từ trần năm 1986, trong niềm tiếc thương vô hạn của toàn Đảng, toàn dân, toàn lực lượng Công an, không ít cán bộ đã gọi ông bằng một cách gọi giản dị mà đầy xúc động: “Ông cụ của ngành Công an” - một người cha, một người thầy, một người lính tận tụy, suốt đời sống vì Đảng, vì dân, vì sự nghiệp an ninh Tổ quốc.

Phát biểu trong điếu văn, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khẳng định: đồng chí Trần Quốc Hoàn đã có công lớn trong lãnh đạo, xây dựng lực lượng Công an trở thành đội quân vũ trang cách mạng trung thành, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Ghi nhớ công lao to lớn của vị Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên, năm 2010, Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an cho phép Công an Nghệ An chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và họ tộc Nguyễn Trọng xây dựng Nhà lưu niệm đồng chí Trần Quốc Hoàn tại xã Nam Trung (Nam Đàn) để phục vụ hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống của lực lượng Công an nhân dân. Ngoài ra, nhiều địa phương trong cả nước cũng trân trọng lấy tên ông để đặt tên cho những con đường...

Nhà tưởng niệm cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn tại xã Nam Trung, huyện Nam Đàn (nay là xã Thiên Nhẫn), tỉnh Nghệ An

Cuộc đời của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là tấm gương chiến đấu kiên trung, tận tụy, mưu trí, dũng cảm và trọn đời vì sự nghiệp cách mạng. Những tư tưởng, quan điểm và phương châm chỉ đạo của ông đến nay vẫn còn nguyên giá trị, tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng Công an nhân dân trong công cuộc hiện đại hóa, xây dựng lực lượng “trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị, góp phần đưa đất nước vươn mình bước vào kỷ nguyên phát triển mới.


(1) Trần Quốc Hoàn tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh ngày 23 tháng 1 năm 1916, quê ở xóm 3, xã Nam Trung, huyện Nam Đàn (nay là xã Thiên Nhẫn), tỉnh Nghệ An. 

Đại tá, NSƯT Nguyễn Quang Vinh

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Truyền thông Công an nhân dân