Thành công từ luận án thạc sĩ
Căn nhà sàn của Bí thư Đảng ủy xã Châu Kim Hà Minh Tuấn nằm lọt thỏm giữa cánh rừng của gia đình ở bản Cọ Muồng. Biết chúng tôi tìm hiểu về cây chè hoa vàng, anh Tuấn hồ hởi đưa cho chúng tôi đôi ủng cao su cao tới đầu gối, rồi dẫn lối đến từng gốc cây chè hoa vàng do anh mới di thực từ trong rừng về trồng; lên thăm khu vực chè hoa vàng đã 1-3 năm tuổi trong cánh rừng tự nhiên với nhiều tầng cây rậm rạp.
Bí thư Đảng ủy xã Châu Kim Hà Minh Tuấn bên cây chè hoa vàng giống được anh chọn làm cây đầu dòng. Ảnh: Xuân Hoàng
Anh Tuấn cho hay, đặc điểm dễ nhận dạng của cây chè hoa vàng là lá của nó to bản, dày, khác hẳn với các loại lá trong rừng. Nhưng lá non của nó lại rất dễ bị khô héo nếu bị ánh nắng chiếu vào, cho nên, loại cây này phải trồng dưới tán rừng tự nhiên được nhiều tầng cây che phủ. Do vậy, khi đã trồng loại cây này thì việc đầu tiên là phải bảo vệ rừng tốt.
Cả cánh rừng 2,5 ha của gia đình, từ năm 2019 đến nay anh đã trồng được hàng nghìn cây chè hoa vàng chính anh nhân giống được, mặc dù lứa cây đầu tiên mới 3 năm tuổi, nhưng đã ra hoa bói. Sở dĩ trồng được số lượng nhiều trên diện tích rừng như vậy là bởi cây chè hoa vàng có thể trồng dày, khoảng cách hơn 1m trồng 1 cây.
Trong lúc nghỉ chân trên tảng đá lớn trong cánh rừng của gia đình, anh Tuấn kể về “cơ duyên” với cây chè hoa vàng: Tình cờ trong một chuyến đi tuần rừng với bà con trên địa bàn vào năm 2015, anh phát hiện cây chè hoa vàng tự nhiên trong rừng rậm khá nhiều, nhưng phần lớn là bị người dân chặt cành, thậm chí hạ cả thân cây để thu được nhiều phụ phẩm. Khi đó, sản phẩm thu được từ chè hoa vàng đã bán đắt giá, chỉ cần mang ra khỏi rừng là có thương lái thu mua khoảng 300.000 đồng/kg.
Cây chè hoa vàng ra hoa từ nách lá. Ảnh: Xuân Hoàng
Anh nghĩ, nếu không có giải pháp bảo tồn thì không lâu nữa cây chè hoa vàng tự nhiên trong rừng Quế Phong sẽ bị tàn phá cạn kiệt. Thế nên, khi bước vào học thạc sĩ chuyên ngành Khoa học cây trồng, anh lập tức quyết định nghiên cứu nhân giống loài chè này.
Đề tài luận án tốt nghiệp thạc sĩ về nhân giống cây chè hoa vàng được anh Hà Minh Tuấn dày công thực hiện, với sự hướng dẫn trực tiếp của giảng viên Trường Đại học Vinh. May mắn hơn, trong quá trình thực hiện đề tài, anh được một nông dân ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã từng thành công về ươm giống cây chè hoa vàng, tận tình giúp đỡ về một số kinh nghiệm, phương pháp ươm hom từ giống cây có giá trị cao này.
Với sự cộng lực của giảng viên đại học và kinh nghiệm thực tế của người bạn đồng hành ở Tam Đảo, 3 phương pháp ươm giống cây chè hoa vàng được anh Tuấn thực hiện cùng lúc trong một vườn ươm: dâm cành, ghép cành (ghép với cây sở) và ươm hạt; trong đó, thành công nhất là phương pháp nhân giống bằng dâm hom, đạt trên 80% tỷ lệ hom nảy mầm tốt.
“Đã từng đến nhiều địa phương có cây chè hoa vàng trên địa bàn huyện, nhưng xã Châu Kim là địa bàn có số lượng cây chè hoa vàng tự nhiên nhiều nhất trên đất Quế Phong. Do vậy, để hom giống đạt chất lượng tốt, tôi vào rừng chọn những cành có nhiều hoa, mang về cắt thành hom dài 25cm để dâm giống. Đến tháng 7/2019, lứa hom đầu tiên được đánh giá thành công, toàn bộ hàng trăm cây giống ban đầu được trồng trên khu rừng của gia đình, đều phát triển tốt, hứa hẹn trở thành rừng chè hoa vàng cho mai sau”, anh Hà Minh Tuấn cho hay.
Cây chè hoa vàng giống do anh Hà Minh Tuấn di thực từ trong rừng tự nhiên về để nhân giống. Ảnh: Xuân Hoàng
“Vạn sự khởi đầu nan”, những ngày nghỉ cuối tuần, anh Tuấn đùm cơm vào rừng, tìm những cây chè hoa vàng cổ thụ, đưa cành về làm hom ươm giống ngày càng nhiều hơn. Người dân từ các nơi trong huyện biết đến, đã trực tiếp gặp anh để được hướng dẫn cách trồng. Đến nay, đã có trên 25 vạn cây giống chè hoa vàng được anh cung ứng tới bà con trong huyện, trồng trong các cánh rừng tự nhiên.
Theo anh Tuấn nhận định, cây chè hoa vàng sau khi trồng khoảng 4 - 5 năm sẽ ra hoa, như vậy, chừng 4 năm nữa trên địa bàn huyện Quế Phong sản lượng trà “nữ hoàng” này sẽ tăng lên, bởi bây giờ người dân đã có ý thức bảo vệ rừng, có nguồn thu nhập từ rừng, nên chè hoa vàng sẽ là nguồn thu đáng kể cho người dân sau này.
Phát triển theo chuỗi liên kết
Chè hoa vàng có giá trị cao và nhiều công dụng đối với sức khỏe con người. Huyện Quế Phong có thể nói là thủ phủ của loại cây chè này, tập trung nhiều ở các xã: Châu Kim, Đồng Văn, Tiền Phong… Những năm qua, vào mùa chè hoa vàng nở hoa, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện vào rừng thu hái về bán cho thương lái với giá cao, hoa tươi có giá 300.000 đồng/kg, nếu phơi khô có giá trên 5 triệu đồng/kg. Do vậy, định hướng của huyện sẽ tạo ra sản phẩm có tính liên kết để sản phẩm được tiêu thụ tốt hơn.
Chè hoa vàng phơi khô, được mệnh danh là trà "nữ hoàng" của các loại trà. Ảnh tư liệu: Thanh Phúc
Nói về Bí thư Đảng ủy xã Châu Kim Hà Minh Tuấn, không những cán bộ huyện, xã mà người dân đều công nhận anh là người đầu tiên nhân giống thành công loại cây có giá trị cao này trên đất Quế Phong.
Ông Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho hay, chè hoa vàng là sản phẩm quý của địa phương, có giá trị kinh tế cao, không phải nơi nào cũng có. Do vậy, để sản phẩm chè hoa vàng trở thành hàng hóa lớn, tới đây, huyện sẽ sử dụng nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia để đầu tư mở rộng diện tích cây chè hoa vàng theo chuỗi liên kết. Khi cây giống chè hoa vàng của anh Hà Minh Tuấn được cơ quan chuyên môn chính thức công nhận, thì đây là nguồn cung ứng cây giống chủ yếu cho địa phương mở rộng diện tích.
Trà hoa vàng có công dụng hiệu quả với tim, mạch; điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả; thanh lọc cơ thể, giải độc gan; hỗ trợ giải tỏa căng thẳng, lo âu, làm hưng phấn tinh thần… Ngoài ra, thảo dược còn có công dụng trong việc tiêu viêm, chống dị ứng và duy trì sự ổn định; hỗ trợ cải thiện các vấn đề liên quan đến đường hô hấp… Sử dụng trà hoa vàng thường xuyên còn có thể hỗ trợ ngăn ngừa bệnh ung thư, hạn chế xuất hiện khối u ác tính.
Xuân Hoàng