Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành phiên họp. Cùng tham dự có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thị An Chung; đại diện các Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Viện kiểm sát Nhân dân; lãnh đạo các tỉnh Bến Tre, Quảng Nam, Trà Vinh, An Giang…

ubpl01-1675750384282.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Trình bày Tờ trình tóm tắt của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh Bến Tre, Quảng Nam, Trà Vinh, An Giang và Bộ Nội vụ, Chính phủ đã có 4 Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị trấn Tiên Thủy thuộc huyện Châu Thành, thị trấn Tiệm Tôm thuộc huyện Ba Tri và thị trấn Phước Mỹ Trung thuộc huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre; thành lập các phường thuộc thị xã Điện Bàn và thị trấn Trung Phước thuộc huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam; điều chỉnh địa giới hành chính, sáp nhập ấp Phước Hội thuộc xã Long Khánh vào ấp Mê Láng thuộc xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; thành lập thị xã Tịnh Biên, các phường thuộc thị xã Tịnh Biên, thị trấn Đa Phước thuộc huyện An Phú và thị trấn Hội An thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Cụ thể, Chính phủ đề xuất, đối với tỉnh Bến Tre sẽ thành lập thị trấn Tiên Thủy thuộc huyện Châu Thành trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Tiên Thủy thuộc huyện Châu Thành. Thành lập thị trấn Tiệm Tôm trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã An Thủy thuộc huyện Ba Tri. Thành lập thị trấn Phước Mỹ Trung trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số người của xã Phước Mỹ Trung thuộc huyện Mỏ Cày Bắc.

Đối với tỉnh Quảng Nam, Chính phủ đề xuất, Thành lập 5 phường Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Minh, Điện Phương trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 5 xã thuộc thị xã Điện Bàn. Thành lập thị trấn Trung Phước trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Quế Trung thuộc huyện Nông Sơn.

ubpl04-1675750648937.jpg

Đối với tỉnh An Giang, thành lập thị xã Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số người của huyện Tịnh Biên. Trong đó thành lập 7 phường Tịnh Biên, Nhà Bàng, Chi Lăng, An Phú, Nhơn Hưng, Núi Voi, Thới Sơn trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 3 thị trấn và 4 xã thuộc huyện Tịnh Biên hiện nay. Đồng thời, thành lập thị trấn Đa Phước trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Đa Phước thuộc huyện An Phú. Thành lập thị trấn Hội An trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Hội An thuộc huyện Chợ Mới.

Tờ trình của Chính phủ khẳng định, các đơn vị đề nghị thành lập đơn vị hành chính đô thị của 3 tỉnh Bến Tre, Quảng Nam, An Giang đều là trung tâm tổng hợp hoặc chuyên ngành của các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện mà đơn vị đó trực thuộc; có sự phát triển mạnh về kinh tế - xã hội và đô thị hóa; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện trong thời gian qua... “Căn cứ vào vị trí, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa của các đơn vị hành chính nêu trên thì việc thành lập các đơn vị hành chính đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, quy hoạch, xây dựng, giao thông, bảo vệ môi trường,... trên địa bàn là cần thiết; đáp ứng nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.

ubpl03-1675750666986.jpg
ĐBQH Hoàng Quốc Khánh tỉnh Lai Châu cho ý kiến

Tại Tờ trình của Chính phủ cũng đề xuất, điều chỉnh 3,13 km2 diện tích tự nhiên và 490 người của xã Long Khánh về ấp Mê Láng thuộc xã Ngũ Lạc (thuộc thuyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) quản lý. Nguyên nhân do, trong năm 2009, khi thi công dự án “Công trình Luồng cho tàu biển có trọng tài lớn vào sông Hậu" trên địa bàn huyện Duyên Hải thì toàn bộ khu vực này thuộc xã Long Khánh bị chia cắt, biệt lập hoàn toàn với phần còn lại của xã, gây khó khăn cho người dân trong thực hiện các giao dịch hành chính, cũng như khó khăn về quản lý cho chính quyền địa phương.

Thành viên Ủy ban Pháp luật đều tán thành với sự cần thiết thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh An Giang, Bến Tre, Quảng Nam và Trà Vinh. Việc thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính đối với đơn vị này đều bảo đảm đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Hồ sơ, trình tự, thủ tục lập Đề án bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

ubpl05-1675750870341.jpg
Các thành viên Ủy ban Pháp luật nghe trình bày các Tờ trình, báo cáo

Một số ý kiến lưu ý, các đơn vị hành chính dự kiến được thành lập mặc dù đã được công nhận loại đô thị đạt tiêu chuẩn theo quy định nhưng vẫn còn một số tiêu chuẩn thành phần theo quy định tại Phụ lục 2 của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị chưa đạt điểm tối thiểu, đòi hỏi phải được quan tâm đầu tư để bảo đảm chất lượng đô thị trong thời gian tới.

Mặt khác, cũng có ý kiến nhấn mạnh, các huyện, thị xã có đơn vị hành chính đô thị được thành lập lần này có một số đơn vị cấp xã có khả năng thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030, trong đó có những huyện có số lượng đơn vị hành chính cần sắp xếp khá lớn (tỉnh An Giang có 9 đơn vị, tỉnh Bến Tre có 29 đơn vị). Chính quyền địa phương các tỉnh có liên quan chủ động rà soát, nghiên cứu xây dựng phương án, kế hoạch sắp xếp đối với các đơn vị hành chính nêu trên đáp ứng các yêu cầu của Trung ương trong từng giai đoạn, tránh việc lấy lý do vì có các đơn vị hành chính mới được thành lập để không thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, đại diện các Bộ Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo các tỉnh có Tờ trình lần này đã giải trình, làm rõ những vấn đề được Thường trực Ủy ban Pháp luật và các thành viên Ủy ban quan tâm. Trong đó, đại diện UBND các tỉnh An Giang, Bến Tre, Trà Vinh đều khẳng định, đã và đang quyết liệt đầu tư bằng ngân sách, cũng như các nguồn lực khác để thực hiện tốt các tiêu chuẩn được Ủy ban Pháp luật lưu ý, góp phần bảo đảm chất lượng đô thị sau khi các đơn vị hành chính đô thị được thành lập.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, sau phiên họp này, Bộ Nội vụ cần có báo cáo bằng văn bản gửi về Ủy ban Pháp luật để có cơ sở báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất là ngày 10.2 nhằm cung cấp thông tin, giải trình, làm rõ các vấn đề được Thường trực Ủy ban Pháp luật và thành viên Ủy ban đưa ra.

Về việc thực hiện quy định của Luật Cư trú về trách nhiệm điều chỉnh, cập nhật việc thay đổi thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú trong trường hợp có sự điều chỉnh về địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an báo cáo với lãnh đạo Bộ Công an về ý kiến của Ủy ban Pháp luật để lãnh đạo Bộ Công an chuẩn bị ý kiến phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này.

Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật đã biểu quyết thông qua việc trình các Đề án lần này ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp tới đây.

Tin và ảnh: P.Thủy