thi-tran.jpg
Một góc thị trấn Thanh Chương

1. Cử tri Hoàng Tiến Thọ, Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương kiến nghị xây dựng hệ thống đê Sông Giăng để ngăn lũ do trên địa bàn trại giam số 06, xã Hạnh Lâm và xã Thanh Mỹ thường xảy ra lũ quét do địa hình thấp; UBND tỉnh trả lời:

Xã Hạnh Lâm và xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương có địa hình đồi núi, dân cư sinh sống chủ yếu ở vùng trũng thấp nên thường bị ngập lụt khi xảy ra mưa lớn do nước từ thượng nguồn đổ về làm mực nước sông Giăng lên nhanh.

Việc đầu tư xây dựng các tuyến đê tại vùng đồi núi, sông suối có độ dốc lớn thường không phát huy hiệu quả chống lũ.

Để đảm bảo an toàn cho nhân dân, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Thanh Chương kiểm tra, rà soát các hộ dân sống sát bờ sông thường xuyên ngập lụt để đưa vào phương án phòng chống thiên tai hàng năm. Về lâu dài cần có kế hoạch di dời các hộ dân sống sát bờ sông đến khu vực an toàn.

2. Cử tri xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương kiến nghị xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Lam, đoạn giữa trạm bơm số 5 và trạm bơm số 3, xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương. Hiện nay đoạn đê này bị sạt lở ảnh hưởng đến chân đê;

UBND tỉnh trả lời:

Bờ tả sông Lam đoạn đi qua xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương không có đê. Đoạn sạt lở bờ sông Lam từ trạm bơm số 5 và trạm bơm số 3, xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương với chiều dài khoảng 500m. Năm 2022, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí khắc phụt sạt lở tại những vị trí xung yếu. Tổng chiều dài đã xử lý là 208m với kinh phí 4 tỷ đồng; để khắc phục đoạn còn lại, dự kiến kinh phí khoảng 6 tỷ đồng.

3. Cử tri các xã: Thanh Hà, Thanh Tùng, Thanh Hương và nhiều xã thuộc huyện Thanh Chương đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cấp xi măng cho xã về đích Nông thôn mới để kịp thời hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

UBND tỉnh trả lời:

Căn cứ Nghị Quyết số 24/2020/NQ-HĐND ngày 13/3/2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025, sau khi có Quyết định phê duyệt danh sách đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới của các địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định giao chỉ tiêu hỗ trợ xi măng cho các địa phương.

NTM-o-Thanh-Chuong-CA1-1.png
Xây dựng nông thôn mới huyện Thanh Chương

Do phải thực hiện việc “đấu thầu mua sắm hàng hoá”, theo đó việc tổ chức đấu thầu phải đáp ứng được các nội dung: Có đủ nguồn vốn để tổ chức đấu thầu; thực hiện đúng các bước đấu thầu theo quy định… dẫn tới việc cung ứng xi măng cho các địa phương trong năm còn chậm và chưa kịp thời.

Tại thời điểm kiến nghị việc đấu thầu thực hiện chưa xong nhưng đến nay Sở Tài chính đã hoàn tất và có thông báo cung ứng cho các địa phương để triển khai thực hiện. Tuy nhiên do việc cung ứng xi măng khá muộn nên một số địa phương gặp khó khăn trong việc tiếp nhận và sử dụng. UBND tỉnh đã có Công văn số 10345/UBND-NN ngày 28/12/2022 đồng ý gia hạn thời gian giao nhận xi măng cho các địa phương đến hết 30/6/2023 để triển khai thực hiện.

4. Cử tri Nguyễn Công Thành, trú tại thôn Văn Long, xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương kiến nghị nâng cao tuyến đường Quốc lộ 46B (đoạn từ thôn Phật Sơn, xã Đại Đồng đến Trung tâm Anh ngữ Đại Đồng) và nâng cống thoát nước qua đoạn đường này để hạn chế ngập lụt kéo dài trong mùa mưa.

20220929-060814-763.jpg
Hình ảnh sạt lở trên Quốc lộ 46B đoạn qua Rú Nguộc, huyện Thanh Chương.

UBND tỉnh trả lời:

Đoạn tuyến từ thôn Phật Sơn, xã Đại Đồng đến trung tâm Anh ngữ Đại Đồng, huyện Thanh Chương được xác định tương ứng với lý trình quản lý từ Km46+600 – Km47+400 Quốc lộ 46B, tỉnh Nghệ An. Đây là đoạn tuyến có quy mô đường cấp V đồng bằng có Bnền = 7,5m; Bmặt = 5,5m; mặt đường bằng Bê tông nhựa, lề đất mỗi bên rộng 1m. Riêng đoạn từ Km46+600 – Km46+900 qua khu vực đông dân cư nên đã đầu tư xây dựng rãnh thoát nước dọc kín bằng BTCT đồng thời lề đường được gia cố bằng BTXM Blề = 1m. Đoạn từ Km46+900 - Km47+100 nền đường không đào không đắp, có rãnh đất 02 bên tuyến. Đoạn từ Km47+100 - Km47+400 là đoạn nền đường đắp cao từ 1,5-2m, hai bên tuyến là đồng ruộng. Trên đoạn tuyến từ Km46+600 - Km47+400 được bố trí 05 cống thoát nước, cụ thể cống bản B=1m tại Km46+600, cống B=0,75m tại Km46+840; cống B=1m (cống thủy lợi) tại Km47+130; cống tròn 2D=2x1m tại Km47+290; cống tròn 2D=2x1m tại Km47+340. Hiện tại đoạn tuyến đang khai thác bình thường, êm thuận, hệ thống thoát nước tốt.

Theo thống kê của đơn vị quản lý (Hạt QLĐB Thanh Chương, Công ty CPQL&XDĐB 470) và qua quá trình theo dõi đoạn tuyến, Khu QLĐB II nhận thấy trong khoảng 03 năm gần đây đoạn từ Km46+600 – Km46+900 bị ngập cục bộ 01 lần, sâu từ 20-30cm vào năm 2019; đoạn từ Km47+200 – Km47+400 bị ngập cục bộ 02 lần, sâu từ 10-20cm, thời gian ngập khoảng 12h vào năm 2019 và 2022. Nguyên nhân đánh giá sơ bộ do mưa lớn kéo dài, bên cạnh đó do địa phương san lấp mặt bằng để làm sân bóng xã Đại Đồng dẫn đến hạ lưu rãnh thoát nước bị lấp nên không thoát được nước; ngoài ra do tốc độ đô thị hóa nhanh tại khu vực (đoạn Km46+600 - Km46+900) dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ tại đoạn tuyến nêu trên khi mưa lớn dài ngày.

Với trách nhiệm của mình, Khu QLĐB II đã chỉ đạo đơn vị quản lý thực hiện tốt công tác quản lý, BDTX trên đoạn tuyến, thường xuyên vệ sinh, khơi thông rãnh thoát nước dọc, cống thoát nước để tăng khả năng thoát nước, hạn chế tối đa việc ngập úng cục bộ trên đoạn tuyến khi mưa lũ lớn. Khu QLĐB II sẽ tiếp tục theo dõi thêm nếu tình trạng ngập úng diễn ra thường xuyên, liên tục, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm ATGT trên tuyến và đời sống, sinh hoạt của người dân thì sẽ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép đưa vào kế hoạch bảo trì đường bộ để đầu tư xây dựng trong các năm tiếp theo.

5. Cử tri Bùi Gia Hảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cát Văn, huyện Thanh Chương kiến nghị khắc phục tuyến đường Quốc lộ 46C từ xã Cát Văn đi Nam Sơn (Đô Lương) đã hoàn thành 02 năm rồi nhưng hệ thống mương thoát nước 2 bên chưa có nắp đậy, ảnh hưởng an toàn giao thông của người dân .

UBND tỉnh trả lời:

Theo báo cáo của Khu Quản lý đường bộ II:

Qua kiểm tra thực tế hiện trường, làm việc trực tiếp với cử tri Bùi Gia Hảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, cử tri khẳng định nội dung kiến nghị là “Đề nghị quan tâm xây dựng hoàn thiện các đoạn rãnh thoát nước từ Km110+00- Km116+015 QL46C” mà không phải nội dung kiến nghị trên.

Đoạn tuyến từ Km110+00- Km116+015 QL46C dài 6,015km đi qua địa bàn xã Cát Văn, huyện Thanh Chương trong hai năm vừa qua đã được Cục đường bộ Việt Nam, Khu Quản lý đường bộ II quan tâm đầu tư sửa chữa mặt đường bằng thảm bê tông nhựa bảo đảm êm thuận, bổ sung một số đoạn rãnh thoát nước dọc, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đối với các đoạn tuyến đi qua khu vực đông dân cư, đoạn thường xuyên đọng nước đã được đầu tư xây dựng rãnh dọc kiên cố như đoạn Km112+120-Km112+450 (trái tuyến), Km112+120 – Km112+850 (phải tuyến), Km112+550 – Km112+650 (trái tuyến) với chiều dài khoảng 1.160m. Tuy nhiên, hiện nay trên đoạn tuyến vẫn còn một số đoạn rãnh đất chưa được đầu tư xây dựng kiên cố nhưng Khu QLĐB II đã chỉ đạo đơn vị quản lý bảo dưỡng thường xuyên quan tâm nạo vét thường xuyên, đảm bảo khả năng thoát nước trên đoạn tuyến.

Do nguồn vốn dành cho công tác quản lý bảo trì đường bộ hàng năm còn nhiều hạn chế, nhu cầu đầu tư để khắc phục sửa chữa hệ thống đường quốc lộ rất lớn cho nên hàng năm Khu Quản lý đường bộ II đang ưu tiên lựa chọn các vị trí mất ATGT, những hạng mục thực sự cần thiết, cấp bách để đầu tư sửa chữa trước, nhằm đảm bảo bền vững công trình và đảm bảo ATGT trên tuyến. Đối với các đoạn rãnh đất còn lại, Khu QLĐB II xin tiếp thu ý kiến cử tri và sẽ cho kiểm tra, tổng hợp, đề xuất Cục Đường bộ Việt Nam cho phép đầu tư xây dựng trong các năm tiếp theo khi cân đối được nguồn vốn trong kế hoạch bảo trì đường bộ.