123_wafe.jpg
Ảnh minh họa

Về ý kiến của cử tri Nguyễn Doãn Trương, Sở Thông tin và Truyền thông đã trả lời tại Báo cáo số 84 /BC-STTTT ngày 11 tháng 0l năm 2023. Cụ thể như sau:
1. Thực trạng hoạt động quảng cáo, quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo chí, thông tin điện tử, mạng xã hội
Hoạt động quảng cáo được quy định tại Luật Quảng cáo, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, Nghị định số 70/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP và các quy định pháp luật chuyên ngành. Quảng cáo của các sản phẩm, hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng trực, tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người như thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Y tế) xác nhận nội dung quảng cáo.
Gần đây, trên môi trường mạng xuất hiện nhiều clip quảng cáo có sử dụng hình ảnh người nổi tiếng, trong đó có trường hợp người nổi tiếng trực tiếp đóng quảng cáo và trường hợp người nổi tiếng bị lợi dụng hình ảnh để quảng cáo. Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông đã nắm bắt được thực trạng này và triển khai nhiều biện pháp chấn chỉnh trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình:
- Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức họp và chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài, kinh doanh dịch vụ mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới vào Việt Nam, của mạng xã hội nước ngoài như Facebook, Google, yêu cầu họ kiểm duyệt chặt chẽ việc quảng cáo thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe cần có giấy xác nhận nội dung quảng cáo, nội dung quảng cáo phải phù hợp với giấy xác nhận đã được cấp và có giải pháp không để tái diễn tình trạng đăng, phát quảng cáo vi phạm pháp luật trên mạng lưới quảng cáo, nền tảng của mình. Đối với Facebook và Google, yêu cầu phối hợp xử lý các trường hợp quảng cáo vi phạm như khóa quảng cáo trên kênh vi phạm, ngăn chặn nội dung quảng cáo vi phạm.
- Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế - cơ quan cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo cho thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong việc xác minh sự phù hợp của nội dung quảng cáo thực tế so với nội dung được cơ quan, Nhà nước cho phép, qua đó có thể nhận diện chính xác hành vi vi phạm trong lĩnh vực này; cung cấp cho Thanh tra Bộ Y tế thông tin về chủ thể thực hiện hành vi vi phạm về quảng cáo thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe để kịp thời xử lý; chuyển đơn vị chuyên môn ngăn chặn, xử lý website quảng cáo thực phẩm, bảo vệ sức khỏe vi phạm.
- Yêu cầu cơ quan báo chí, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam rà soát toàn bộ hoạt động hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới; không để tái diễn tình trạng quảng cáo vi phạm; triển khai các biện pháp cần thiết để kiểm duyệt chặt chẽ nội dung, vị trí quảng cáo, nhất là đường link quảng cáo đăng phát trên nền tảng của mình, có thỏa thuận với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo; cân nhắc dừng hợp tác với các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới không thực hiện.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có10 tên miền (website) đăng thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm pháp luật bị xử lý; 25 website vi phạm pháp luật, không được gắn quảng cáo.
Bộ TT&TT đã đàm phán với Google để đạt thoả thuận gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm (thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe) bằng phương thức nhanh hơn. 6 tháng cuối năm 2022, Google đã gỡ hơn 2000 quảng cáo vi phạm.
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thời gian qua chưa có hoạt động quảng cáo nào trên báo chí, Phát thanh truyền hình, thông tin điện tử, mạng xã hội bị yêu cầu gỡ bỏ.
Về việc sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo, theo quy định, việc sử dụng hình ảnh, trang phục của các cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng là không phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã quy định: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. Như vậy, theo quy định hiện hành chỉ cấm sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Còn về việc thuê người nổi tiếng như diễn viên, cầu thủ, người mẫu... để đóng quảng cáo là được phép.
Tuy nhiên, vẫn có tình trạng cắt ghép các bản tin của đài, báo, sử dụng hình ảnh người nổi tiếng khi chưa được người đó đồng ý để quảng cáo sản phẩm. Đã có khoảng 2.000 quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm trên YouTube bị xử lý, gỡ bỏ.
2. Các giải pháp trong thời gian tới
Đối với công tác quản lý quảng cáo trên báo chí: chỉ đạo, nhắc nhở bằng văn bản về việc kiểm soát chặt hoạt động quảng cáo trên các kênh chương trình của Đài, tiếp tục thực hiện nghiêm văn bản số 1216/PTTH&TTĐT của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử yêu cầu các Đài Phát thanh - Truyền hình rà soát, kiểm tra công tác tiếp nhận hồ sơ quảng cáo, kiểm soát chặt chẽ nội dung quảng cáo, thời gian phát sóng quảng cáo; đồng thời loại bỏ những quảng cáo có nội dung cắt ghép, lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo trên báo chí, trang thông tin điện tử và mạng xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Facebook và Google gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm, các nội dung vi phạm pháp luật;
Tuyên truyền, quảng bá đường dây điện thoại công vụ: 089.9888222/089.6888222 tiếp nhận các sai phạm về quảng cáo trên các Đài Phát thanh - Truyền hình và các trang thông tin điện tử, mạng xã hội được cấp phép.