1. Cử tri Tô Bá Thắng, Chủ tịch UBND xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn phản ánh trên địa bàn huyện Nam Đàn đã quy hoạch bố trí quỹ đất đấu giá đất ở đến năm 2030 (đã được phê duyệt trong Quy hoạch sử dụng đất và Quy hoạch Nông thôn mới). Tuy nhiên có một số vùng quy hoạch không được thể hiện trong Quy hoạch vùng huyện. Vì vậy, khi UBND huyện Nam Đàn trình hồ sơ phê duyệt khảo sát lựa chọn địa điểm quy hoạch đất ở các khu vực này không được Sở Xây dựng chấp thuận. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cho phép huyện Nam Đàn được bổ sung các khu đất dự kiến quy hoạch đất ở vào Quy hoạch vùng huyện để có cơ sở thực hiện việc tổ chức đấu giá, qua đó có kinh phí phục vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Que-huong-Chu-tich-Ho-Chi-Minh-xinh-ep-voi-nhung-mang-xanh-an-xen-nhung-mai-nha-ngoi-o-truyen-thong-Anh-Sach-Nguyen.jpg
Toàn cảnh thị trấn Nam Đàn

UBND tỉnh trả lời:

UBND tỉnh đã có Quyết định số 3931/QĐ.UBND ngày 12/12/2022 cho phép UBND xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn được khảo sát, lựa chọn địa điểm lập quy hoạch chia lô đất ở dân cư; trong đó, lựa chọn địa điểm các khu vực đất ở mà cử tri nêu trên.

2. Cử tri Lê Thị Mỹ Tâm, Trưởng ban công tác mặt trận xóm 9 và cử tri Phạm Viết Hùng, Trưởng ban công tác mặt trận xóm 12, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn đề nghị đầu tư chỉnh trang một số cột điện tại khu dân cư xóm 9, xã Khánh Sơn; thay thế một số hệ thống dây điện trần đi qua nhà người dân tại xóm 12 xã Khánh Sơn; khảo sát xen dắm một số Trạm biến áp cho các khu dân cư còn yếu điện trên địa bàn xã Khánh Sơn.

UBND tỉnh trả lời:

2.1. Đầu tư chỉnh trang một số cột điện tại khu dân cư xóm 9, xã Khánh Sơn:

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Nghệ An, ngày 07/11/2022 Điện lực Nam Đàn đã thực hiện khảo sát thực tế tại hiện trường cột 2.3/1.3 đến 2.3/1.4 Trạm 9 Khánh Sơn thì cột điện hiện nằm trong lòng đường do mở rộng đường giao thông nông thôn nhưng không giải phóng mặt bằng đường điện. Vì vậy để di dời cột điện, ngành Điện đề nghị Chủ đầu tư bố trí kinh phí, mặt bằng để di dời đường điện và ngành Điện lực sẽ phối hợp, hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tạo mọi điều kiện để thực hiện.

2.2. Quan tâm đầu tư thay thế một số hệ thống đường dây điện trần đi qua nhà dân gây nguy hiểm tại xóm 12 xã Khánh Sơn:

- Tại vị trí từ cột (1,3). 4 đến 3.5 TBA số 5 Khánh Sơn thuộc xóm 12 xã Khánh Sơn: Ngày 15/9/2022, Điện lực đã thực hiện dựng cột và thay dây nâng cao khoảng cách pha đất.

- Tại vị trí cột (1,3).4 đến cột 3.5 ĐZ hạ thế TBA số 5 Khánh Sơn cột thấp, khoảng cột vượt đường xe cô thường xuyên qua lại và vị trí cột từ 1.4 đến 1.29 ĐZ hạ thế TBA số 5 Khánh Sơn cột bể bê tông lòi thép, nghiêng và dây đi qua nhà dân: Điện lực Nam Đàn đã phối hợp phòng kinh tế hạ tầng huyện và UBND xã Khánh Sơn khảo sát thực tế tại hiện trường và đối với các vị trí này, ngành Điện sẽ đưa vào kế hoạch sửa chữa thường xuyên năm 2023 để xử lý.

57393181_2259300667462059_2695715787880005632_n.jpg
Ảnh minh họa

2.3. Khảo sát xen dắm một số Trạm biến áp cho các khu dân cư còn điện yếu trên địa bàn xã Khánh Sơn:

Ngành Điện đã thực hiện khảo sát, ký mặt bằng với UBND xã Khánh Sơn để đưa vào kế hoạch dắm 01 TBA tại xóm 8 để chống quá tải cho TBA số 7 Khánh Sơn. Hiện tại đã được Tổng công ty Điện lực Miền Bắc giao danh mục đầu tư và Công ty Điện lực Nghệ An đang tổ chức triển khai thực hiện.

3. Cử tri Tô Bá Thắng, Chủ tịch UBND xã Khánh Sơn và cử tri Lưu Hồng Thảo, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi xóm 8, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn kiến nghị đầu tư nâng cấp, xây dựng tuyến đê hữu ngạn Sông Lam, đoạn còn lại từ xã Khánh Sơn đến xã Trung Phúc Cường

UBND tỉnh trả lời:

Tuyến đê hữu sông Lam (tuyến đê Nam Trung) dài 8,23 km nằm trên địa bàn xã Khánh Sơn và xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn. Từ năm 2018 đến 2020, UBND tỉnh đã đầu tư nâng cấp được 4km chiều dài đê, đoạn từ K0+000 đến K2+000 và từ K6+230 đến K8+230 với kinh phí 30 tỷ đồng. Dự án do Sở Nông nghiệp và PTNT làm Chủ đầu tư. Đến nay dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Đoạn còn lại từ K2+000 đến K6+230 dài 4,23km, dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 40 tỷ đồng.

4. Cử tri Trần Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cấp xi măng cho xã về đích Nông thôn mới để kịp thời hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

UBND tỉnh trả lời:

Căn cứ Nghị Quyết số 24/2020/NQ-HĐND ngày 13/3/2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025, sau khi có Quyết định phê duyệt danh sách đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới của các địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định giao chỉ tiêu hỗ trợ xi măng cho các địa phương.

Do phải thực hiện việc “đấu thầu mua sắm hàng hoá”, theo đó việc tổ chức đấu thầu phải đáp ứng được các nội dung: Có đủ nguồn vốn để tổ chức đấu thầu; thực hiện đúng các bước đấu thầu theo quy định… dẫn tới việc cung ứng xi măng cho các địa phương trong năm còn chậm và chưa kịp thời.

Tại thời điểm kiến nghị việc đấu thầu thực hiện chưa xong nhưng đến nay Sở Tài chính đã hoàn tất và có thông báo cung ứng cho các địa phương để triển khai thực hiện. Tuy nhiên do việc cung ứng xi măng khá muộn nên một số địa phương gặp khó khăn trong việc tiếp nhận và sử dụng. UBND tỉnh đã có Công văn số 10345/UBND-NN ngày 28/12/2022 đồng ý gia hạn thời gian giao nhận xi măng cho các địa phương đến hết 30/6/2023 để triển khai thực hiện.

5. Cử tri Hà Văn Việt, trú tại xóm 2, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn phản ánh việc cắm mốc chỉ giới giữa rừng đặc dụng với rừng phòng hộ, rừng sản xuất còn chồng chéo, nhân dân không được biết, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra việc tổ chức cắm mốc và thông báo để người dân biết và thực hiện.

UBND tỉnh trả lời:

Thực hiện Quyết định số 803/QĐ-TTg ngày 07/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án quy hoạch rừng đặc dụng gắn với di tích lịch sử văn hoá tại huyện Nam Đàn - tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010-2020 và Quyết định số 1376/QĐ-UBND.CNXD ngày 26/4/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt dự án đầu tư đóng mốc ranh giới rừng đặc dụng đầu tư xây dựng, cải tạo và trồng cây bản địa rừng đặc dụng tại khu mộ Bà Hoàng Thị Loan.

- Năm 2015, Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn đã tiến hành xác định ranh giới và cắm mốc rừng đặc dụng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 3013/1997/QĐ-BNN&PTNT ngày 20/11/1997 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn về việc ban hành quy chế xác định ranh giới và cắm mốc các loại rừng.

- Ngày 10/11/2015, UBND huyện Nam Đàn đã ban hành 02 văn bản chỉ đạo việc triển khai thực hiện cắm mốc. Các công văn đã giao Ban quản lý rừng đặc dụng chủ động liên hệ với các xã để triển khai rà soát quy hoạch rừng đặc dụng trên thực địa và thống nhất với UBND xã bằng văn bản. Khi có kết quả đề xuất quy hoạch bổ sung, chủ trì và phối hợp với đơn vị tư vấn tổng hợp báo cáo UBND huyện.

- Trong quá trình thực hiện, UBND các xã đã cử cán bộ công chức địa chính nông lâm nghiệp trực tiếp cùng đơn vị tư vấn và Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn rà soát xác định ranh giới giữa bản đồ và trên thực địa. Sau khi thống nhất với UBND các xã có rừng thì đơn vị tư vấn đã xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, đồng thời chủ tịch UBND các xã có rừng kỷ thống nhất bản đồ về việc đóng các mốc, bảng phân định ranh giới các loại rừng và tuyền truyền nhân dân hiểu để bảo vệ phát triển rừng đặc dụng.

Do vậy, việc cắm mốc phân định ranh giới và cắm mốc rừng đặc dụng với các loại rừng và đất khác được thực hiện các bước đầy đủ theo quy định của pháp luật hiện hành, được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành thẩm định hiện trường và hồ sơ trước khi thực hiện.

6. Cử tri Nguyễn Thiện Tín, Công chức xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí để xây dựng Nhà máy nước sạch cho địa bàn các xã: Trung Phúc Cường, Nam Kim, Khánh Sơn, Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn.

he-thong-cap-nuoc-tho-o-nam-an-tran-chau.jpg
Hệ thống cấp nước thô ở Nam Đàn. Ảnh tư liệu

UBND tỉnh trả lời:

UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản số 3130/UBND-KT ngày 05/5/2022 về việc hoàn thiện báo cáo đề xuất “Dự án nước sạch nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Nghệ An, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB)” trình Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng thế giới. Dự án thực hiện tại 19 xã thuộc 3 huyện Nam Đàn, Yên Thành và Hưng Nguyên; với mục tiêu nâng cao khả năng tiếp cận nước sạch một cách bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tại những khu vực nông thôn tỉnh Nghệ An, giúp người dân nông thôn vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, ngập lụt, xâm nhập mặn, khó khăn về nguồn nước sinh hoạt được tiếp cận nước sạch đạt quy chuẩn Bộ Y tế; đồng thời phát triển hạ tầng nông thôn, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong đó, các xã Trung Phúc Cường, Nam Kim, Khánh Sơn, Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn đã được đưa vào Tiểu dự án 1: Xây dựng 01 nhà máy cung cấp nước sạch liên xã vùng Năm Nam của huyện Nam Đàn (4 xã Nam Kim, Trung Phúc Cường, Khánh Sơn và Thượng Tân Lộc); Vị trí đặt nhà máy: tại xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn; công suất dự kiến tối thiểu: 8.000 m3/ngày đêm; cấp nước cho 12.300 hộ.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xem xét, lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư. Nếu dự án được phê duyệt, tỉnh Nghệ An sẽ sớm triển khai xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch cho người dân tại các xã nói trên.

7. Cử tri Nguyễn Thiện Tín, công chức xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu tăng chế độ phụ cấp cho người bảo vệ, quản lí các Khu di tích.

UBND tỉnh trả lời:

Chính sách hỗ trợ cho người trông coi tại các di tích đã được xếp hạng được quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 28/2022/NQ 09/12/2022 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023). Hiện nay, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với UBND huyện Nam Đàn thực hiện rà soát nhu cầu kinh phí hỗ trợ người trông coi tại các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tham mưu UBND tỉnh quyết định giải quyết kinh phí để chi trả cho các đối tượng theo đúng quy định.

8. Cử tri Phan Văn Quang, trú tại xóm 4, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn đề nghị UBND tỉnh quan tâm chi trả chế độ đối với những người tham gia chiến trường Campuchia đã được tặng Huân chương chiến sỹ vẻ vang, huân, huy chương chiến công nhưng chưa có tiền thưởng.

UBND tỉnh trả lời:

Căn cứ Khoản 1, Điều 66, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng: “Quỹ Thi đua, khen thưởng trong nghị định này để chi trong việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua và chi thưởng đối với danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng mà thành tích đạt được trong thời kỳ đổi mới (trừ trường hợp danh hiệu bà mẹ Việt Nam Anh hùng)”.

Như vậy, các hình thức khen thưởng thành tích trong các cuộc kháng chiến, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, Lào và tuyến 1 biên giới phía Bắc, hải đảo xa và huy chương chiến sỹ vẻ vang trong thời gian tham gia chiến trường Campuchia đều không có tiền thưởng kèm theo.

9. Cử tri Nguyễn Thiện Tín, công chức xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo bổ sung chế độ phụ cấp cho lực lượng vũ trang cơ sở (dân quân cơ động).

UBND tỉnh trả lời:

Theo quy định tại Luật Dân quân tự vệ số năm 2019; Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ, Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND tỉnh: Hiện nay, chưa có quy định về chế độ phụ cấp hàng tháng cho Dân quân tự vệ; chỉ thực hiện bảo đảm chi trả chế độ ngày công lao động và bảo đảm tiền ăn khi điều động tham gia huấn luyện, hoạt động... theo quy định hiện hành.

10. Cử tri Hồ Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn kiến nghị đầu tư xây dựng 2 tuyến đường song song dọc 2 bên bờ kênh Bara Nam Đàn 2 theo quy hoạch đã được phê duyệt.

UBND tỉnh trả lời:

Dự án Nâng cấp, mở rộng cống Nam Đàn và hệ thống kênh, giai đoạn 1- Xây dựng mới cống Nam Đàn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 400/QĐ/BNN-XD ngày 22/02/2010; Với tổng mức là: 536,712 tỷ đồng và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 4753/QĐ-BNN-XD ngày 20/11/2017 với tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 651,448 tỷ đồng tăng thêm là 115 tỷ so với tổng mức ban đầu. Dự án đã hoàn thành được 05/07 gói thầu, 02 gói thầu còn lại chưa được cấp do Ngân sách tỉnh chưa bố trí được. Để đảm bảo an toàn cho người dân địa phương đi lại khu vực này, nhất là vào mùa mưa lũ khi nước sông, nước kênh dâng cao làm ngập tuyến đường kết hợp bờ kênh; đề nghị Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Nam Nghệ An - chủ quản lý công trình lập hồ sơ thiết kế - dự toán, trình cấp có thẩm quyền xem xét cấp kinh phí xây dựng đường quản lý bờ kênh, hàng rào bảo vệ bờ kênh theo nguyện vọng của cử tri xã Xuân Hoà, huyện Nam Đàn.

11. Cử tri Lê Thị Hải Yến, Trưởng phòng Điều dưỡng Trung tâm y tế huyện Nam Đàn phản ánh trước đây việc mua sắm thuốc, vật tư y tế do Sở Y tế tổ chức đấu thầu tập trung để cung ứng cho các đơn vị; hiện nay lại giao các đơn vị tự tổ chức đấu thầu, trong lúc Trung tâm Y tế cấp huyện chủ yếu là các y, bác sĩ, không có chuyên môn về đấu thầu, mua sắm, nếu tập trung quá nhiều cho việc này sẽ không có thời gian để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức đấu thầu tập trung để đảm bảo cung ứng thuốc và vật tư y tế cho các đơn vị.

UBND tỉnh trả lời:

Theo quy định tại Thông tư 15/2020/TT-BYT, BYT chỉ quy định danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương gồm 129 hoạt chất quy định tại Phụ lục III Thông tư 15/2020/TT-BYT, không có quy định về việc danh mục đấu thầu tập trung hoá chất, vật tư y tế. Từ năm 2020 trở về trước, việc đấu thầu thuốc, hoá chất, vật tư y tế được UBND tỉnh giao cho Sở Y tế là đơn vị mua sắm tập trung. Tuy nhiên, việc đấu thầu tập trung tại Sở Y tế gặp một số bất cập, khó khăn như: Khối lượng công việc quản lý nhà nước ngày càng tăng trong khi nhân lực của Sở Y tế rất mỏng, nếu tổ chức đấu thầu tập trung tất cả các mặt hàng tại Sở Y tế thì sẽ không còn nhân lực triển khai các nội dung khác đặc biệt là công tác hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác dược tại các cơ sở khám chữa bệnh có thể dẫn đến nhiều sai sót ở đơn vị mà không kịp thời được phát hiện và chấn chỉnh. Mỗi một đơn vị khám chữa bệnh có một nhu cầu riêng với các mặt hàng thuốc, hoá chất, vật tư y tế. Do đó, khi đấu thầu tập trung, danh mục đấu thầu quá lớn sẽ gây mất nhiều thời gian trong quá trình tổng hợp, lập kế hoạch và đánh giá kết quả dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ cung cấp hàng hoá cho các đơn vị khám chữa bệnh. Việc đấu thầu tại các đơn vị khám, chữa bệnh sẽ khắc phục được các bất cập nêu trên.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế tiếp tục hướng dẫn các đơn vị chủ động lập kế hoạch, tổ chức đấu thầu mua sắm các mặt hàng không thuộc danh mục mua sắm tập trung; mặt hàng thuộc danh mục mua sắm tập trung nhưng chưa có kết quả hoặc đã sử dụng hết số lượng trúng thầu; Xây dựng quy trình đấu thầu mua sắm mẫu để các đơn vị căn cứ thực hiện; Thường xuyên liên hệ với các cơ sở y tế để nắm để kịp thời nắm bắt thông tin liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong cung ứng thuốc và đưa ra các giải pháp tháo gỡ; Kiểm tra, giám sát công tác lập kế hoạch, tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc của các đơn vị y tế, kịp thời chấn chỉnh đối với các đơn vị chưa thực hiện tốt công tác lập kế hoạch, tổ chức cung ứng thuốc dẫn đến thiếu thuốc tại các cơ sở y tế.