hxh1.jpg

st0.jpg

2iqsjul--n2.jpg

Hồ Xuân Hương con ông Hồ Phi Diễn (1703-1786) ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông thi đậu tú tài năm 24 tuổi, triều đại Lê Bảo Thái và dạy học ở Hải Hưng, Hà Bắc. Tại đây ông đã lấy cô gái Bắc Ninh họ Hà làm vợ thứ, sinh ra Hồ Phi Mai (1772-1822), nghĩa là hoa mai bay trên hồ, bút hiệu Xuân Hương. Lúc Xuân Hương 13 tuổi thân phụ mất, bà rời làng Khán Xuân theo mẹ về làng Thọ Xương gần hồ Hoàn Kiếm đi học tiếp. Một thời gian sau đó bà ở nhà giúp việc. Xuân Hương tự học thêm, nhờ thông minh, làm thơ hay nên tiếng tăm lẫy lừng. Bà để lại cho đời các tác phẩm Xuân Hương Thi tập (Tập thơ chữ Nôm) và Lưu Hương (tập thơ văn gồm 31 bài viết bằng chữ Hán và 28 bài thơ Nôm).

vcrg89f--n2.jpg
Tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An

Việc nghiên cứu về cuộc đời và văn chương của Hồ Xuân Hương ở nước ta và của một số học giả nước ngoài đã được tiến hành khá sớm. Trong các công trình nghiên cứu về thơ Hồ Xuân Hương chúng ta cần kể đến cuốn Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương của nhóm ba tác giả GS Lê Trí Viễn - Lê Văn Lít - Nguyễn Đức Quyền biên soạn, được Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2002. Cuốn sách đã tập hợp bài viết của các tác giả GS Lê Trí Viễn, Xuân Diệu, Lê Hoài Nam, Nguyễn Nghiệp, Trương Quang Mến và Nguyễn Lộc.

Trong Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương với các bài viết: Đôi điều về thơ Hồ Xuân Hương, Xuân Hương và dân tộc, Giáo sư Lê Trí Viễn cho chúng ta thấy rõ một số nội dung sau:

Đến năm 2002, việc nghiên cứu về Hồ Xuân Hương còn gặp một số khó khăn. Mặc dù vậy, trong chương trình học không thể vắng mặt con người tài danh này. Bởi Xuân Hương không chỉ là một thi tài mà còn là niềm tự hào của dân tộc. Tiếng tăm tài thơ kỳ xuất sắc của Xuân Hương đã vang tận nhiều nơi trên thế giới. Các thế hệ trẻ không thể không học thơ nữ sỹ để rồi tiến lên cùng cha anh, tiếp nối cùng cha anh tìm tòi nghiên cứu làm sáng tỏ bao vấn đề còn để trống. Từ trường phổ thông đến đại học (ngành văn khoa sư phạm) đều có dạy và học thơ Hồ Xuân Hương.

Một vấn đề khác đặt ra, Xuân Hương tác giả Lưu Hương Ký có phải là chủ nhân các bài thơ Nôm truyền tụng lâu nay không? Phong cách trong hai mảng thơ có chỗ khác nhau.

Chưa được công bố trên báo chí nhưng một số tư liệu khác đem lại chút ánh sáng cho vấn đề này. Quốc sử biên của Phan Thúc Trực viết vào những năm 1848-1850, ở cột Gia Long thứ 17 (1818) có hai chi tiết rất quý:

Tham hiệp An Quảng là Trần Phúc Hiển bị kết án một năm và bắt giam.

Vợ thiếp là Hồ Xuân Hương có tài văn thơ và hiểu biết việc quan, được tham gia chính sự. Đại Nam thực lục cho biết Trần Phúc Hiển là con Trần Phúc Nhàn, công thần của Gia Long. Hiển từng giữ chức Tham thư ở triều ra làm tri phủ Tam Đái (Đến đời Minh Mạng phủ này đổi tên là phủ Vĩnh Tường), rồi thăng Tham hiệp An Quảng và bị Gia Long bác án một năm của Tổng trấn Bắc Thành, khép vào tội tử hình (1819).

Chi tiết trên đây về Hồ Xuân Hương cho phép nghĩ tới những giai thoại Văn đàn bảo giám kể về việc Xuân Hương phê vào đơn của Nguyễn Thị Đào, hoặc của Lý trưởng lúc chồng làm tri phủ Vĩnh Tường, và cứ phong cách nôm na, đùa cợt mà tài tình trong đó, thì các lời phê bằng thơ lấy từ tay vợ thiếp của quan phủ, vừa hay thơ, vừa hay việc quan kia có khả năng là dấu nối giữa Lưu hương ký và thơ Nôm được truyền tụng, giữa Xuân Hương tác giả Lưu hương ký và Xuân Hương chủ nhân thơ Nôm thường quen biết.

Gia đình một thời sống ở Thăng Long, lúc ở phường Khán Xuân, lúc ở thôn Tiền Thị. Đến tuổi trưởng thành, Xuân Hương lại dựng một ngôi nhà gần Hồ Tây đặt tên là Cổ Nguyệt Đường - bạn bè văn chương lui tới nhiều là ở ngôi nhà ấy. Nhiều bạn bè được Xuân Hương tặng thơ và cùng xướng họa đều là tri thức quan lại. Lưu hương ký cho thấy, khá nhiều văn nhân nổi tiếng thời đó đã lui tới gặp gỡ, mạn đàm văn chương với Hồ Xuân Hương, trong đó có Nguyễn Du…

9zbjpil--n2.jpg

Người ta có lúc cho rằng thơ Hồ Xuân Hương thiên về một thứ cảm xúc là cảm xúc về giới tính.

Thơ Xuân Hương không chỉ có tiếng cười, giọng đùa vui mà còn có điệu buồn len vào đó. Cái vui làm chứng cho sự thiết tha. Nhưng trái lại cái buồn cũng chẳng phải vô nghĩa. Cái buồn đánh bóng cho cái vui nổi lên.

Chùm thơ tự tình thì quá rõ. Ba bài là ba cung bậc của lòng buồn. Từ chỗ nỗi buồn còn bật lên thành tiếng dù chỉ là tiếng khô khốc như tiếng mõ bay tối đen, như giọng chuông sầu, đến chỗ con người trơ ra như gỗ đất, thậm chí chẳng bằng cái rêu, hòn đá, thao thức với canh dài, cuối cùng đến buông xuôi bồng bềnh như chiếc bách giữa dòng, nản buồn tột độ. Vẫn có sự gượng dậy, thách thức chẳng chịu thua nhưng quả thật là tội nghiệp. Tội nghiệp cho con người, cho sự sống, cho một tấm lòng thiết tha vô hạn với sự sống, mà phần cuộc đời cụ thể chỉ dành toàn thương đau.

Nhưng nội dung mới thực sự nêu cao tính dân tộc của thơ Hồ Xuân Hương.

Những yếu tố dân chủ và xã hội chủ nghĩa trong người lao động, tồn tại của dân chủ thị tộc trong khuôn khổ làng xã, ý thức tự do nơi tầng lớp thị dân, đặc biệt là truyền thống nhân đạo lâu đời của dân tộc, chưa nói những kích thích ban đầu từ phương Tây tư bản đến những đóng góp nào đó của các hệ tư tưởng ngoại lai từ xưa.

Xuân Hương học thông chữ Hán mà trong thơ chỉ toàn dùng tiếng Việt.

Xuân Hương tuyệt nhiên không bao giờ mượn một hình ảnh sáo cũ, một điển tích xưa của văn chương ngoại lai. Bà đi sát với thực tại, thấu hiểu ý tình của sự vật nên phát huy được những rung động cực kỳ tinh tế và diễn đạt bằng những hình ảnh độc đáo, bất ngờ, một sự vật tầm thường đến đâu cũng gây được cảm xúc.

tuyen-tap-nhung-bai-tho-ho-xuan-huong-noi-tieng-1.jpg

Đến thể thơ thì có khác. Nhân dân dùng lục bát, bà dùng Đường luật. Cha của Xuân Hương là môn đồ của Khổng Mạnh, cũng chịu ít nhiều sự đào luyện của cái sự học phong kiến. Nghề làm thơ được học từ nhỏ theo cung cách văn chương cử tử thể tất không thể không thành thói quen. Có thể vì thế mà Xuân Hương dùng Đường luật chăng? Đường luật là một sản phẩm quý tộc hóa ở nước ta. Thi cử nâng nó lên vị trí quyền thế của một quy tắc có pháp luật trường thi bảo đảm. Nó phải thanh tân cao nhã, lại phải trịnh trọng nghiêm trang. Nó phải mang trong nội dung châu ngọc của văn chương hay khuôn phép đạo lý. Nó phải là lợi khí ở trong tay phép tắc, khuôn mực, nó ra vào cửa quyền quý hay ít ra cũng là cửa môn đồ Khổng Mạnh.

Xuân Hương làm ngược lại tất cả. Bà đường hoàng hạ giá thể thơ cao quý ấy, lôi nó ra khỏi vị trí trang trọng, bắt nó mang một nội dung vô cùng Nhân dân, tầm thường và có khi thô lậu nữa. Bà đã dân chúng hóa trên một quy mô sâu rộng. Dưới ngòi bút bản lĩnh và vạn năng của bà, Đường luật mất hẳn cốt cách quý tộc mà ngoan ngoãn cung hiến vần điệu cân xứng của mình cho bà sử dụng theo ý muốn độc đáo của bà.

GS Lê Trí Viễn còn đưa thêm luận điểm này sau khi nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương: Xuân Hương - thi sỹ của cảm giác.

Xuân Hương có một ngôn ngữ rất Việt Nam, điều đấy chắc hẳn đúng. Cần phải nói thêm ngôn ngữ ấy rất Xuân Hương. Nó gồm một số từ xưa, bây giờ không dùng nữa hoặc khác nghĩa đi:

“Tiếng gà văng vẳng gáy trên bon/ Thân này đâu đã chịu già bom”

Nó biến hóa để phổ vào câu thơ những tục ngữ thành ngữ, ca dao:

st4.jpg

Nó không tránh những từ thô tục hoặc nói lái thành thô tục, những tiếng chửi rủa:

st5.jpg

Đặc biệt nhất là những điệp từ, từ láy. Có loại thông thường: lún phún, lắt lẻo, dầm dìa; có loại lạ lùng: mõm mòm, hòm hom, toen hoẻn, dở dom…Từ láy là một đặc điểm của tiếng Việt. Xuân Hương khai thác để nó trở thành đặc điểm của riêng mình, làm cho thơ có dáng dấp tài tình, tinh nghịch và độc đáo. Lời thơ của Xuân Hương nói chung rất tươi trẻ, giản dị và hồn nhiên, dùng tiếng nói thông thường nhưng biết lựa chọn cho xứng chữ, xứng lời nên có được cái trong sáng của tiếng nói Nhân dân, cái hương vị tươi ngon của mớ rau vườn mới hái. Trần Tế Xương sau này cũng hưởng được cái hồn nhiên ấy nhưng không sao có được cái tài tình, tươi trẻ của Xuân Hương.

Sử dụng ngôn ngữ phong phú như thế để lột tả ý tứ, Xuân Hương đã thực hiện một văn phong thực sự sắc sảo. Cho dù phạm vi tác phẩm hẹp, đối tượng sáng tác thế nào thì Xuân Hương vẫn tìm được sự phóng túng cho ngòi bút bằng cách vạch cho mình một cách thức miêu tả riêng biệt. Bất kỳ tả cảnh, tả vật hay tả tình bà cũng dùng thuần cảm giác.

Đến khi miêu tả thiên nhiên cách nhìn của Hồ Xuân Hương cũng thật lạ kỳ. Nó như có ma lực làm cho mọi vật sống lên sôi động.

weimr0v--n1.jpg

Thiên nhiên trong thơ bà có những cảnh không thiếu cao rộng… bà cố thu hẹp thành những cảnh con con, ngoan ngoãn, có thể nằm gọn trong lòng bàn tay của mình để bắt nó nói giùm riêng cho mình một lối riêng, để bắt nó phục vụ mình. Bà tả cảnh không chỉ vì cảnh mà còn vì mình.

Hơn nữa Xuân Hương còn biến các vật thành người, để vật trộn lẫn cùng mình, hòa tan trong thế giới cảm xúc. Dường như tới độ đó mới đúng cỡ, mới là Xuân Hương. Là quả mít, con ốc, bánh trôi… đấy nhưng cũng là thân phận Xuân Hương, thân phận phụ nữ. Nói cho mình nhưng cũng chính là nói cho chị em. Mà nói sao cho hết cái phũ phàng của xã hội phong kiến mục ruỗng…

ndmzkla--n2.jpg

Cũng tại tập Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương, bạn đọc một lần nữa được gặp lại thông điệp cao đẹp mà nhà thơ Xuân Diệu - ông hoàng của thơ tình Việt Nam, trong bài viết về Hồ Xuân Hương đã ngợi ca Hồ Xuân Hương - Hồ Xuân Hương là Thiên tài kỳ nữ. Xuân Diệu nhấn mạnh: Hồ Xuân Hương là một nhà thơ vào hạng có tài nhất trong văn học Việt Nam ta. Thơ Hồ Xuân Hương rất hay. Thơ Hồ Xuân Hương rất sống. Chính cái “rất sống” đó làm cho thơ Hồ Xuân Hương ở mãi trong lòng Nhân dân.

Hãy thử xem một bức tranh “Ngủ quên” của nữ thi sỹ. Không phải chỉ là bức tranh hai bề trên mặt giấy mà là một bức tranh điêu khắc có đường nét có khối:

st6.jpg

Xuân Hương là một kỳ nữ: Xuân Hương không như Đoàn Thị Điểm nặng về tao nhã; không như Ngọc Hân công chúa nặng về tha thiết khóc than; không như bà huyện Thanh Quan làm thơ như có hầu đi theo sau: Xuân Hương là trong thơ có người và trong thơ có quỷ.

Khi nhà nghiên cứu Văn Tân liệt bài Ông Chồng, Bà Chồng chẳng hạn vào loại “Thơ văn dâm và tục”, Xuân Diệu đặt vấn đề: nhưng ta xét lại cái tội của nó có to lắm không?

Nhìn chung Xuân Hương đối với cảnh vật đất nước rất đậm đà, thắm thiết. Cái thắm thiết ấy có khi vượt quá xa cái mức thường tình. Xuân Hương là một nghệ sỹ lớn, biết thổi tâm hồn mình vào cảnh vật làm cho cảnh vật sống lên “ngồn ngộn”. Đọc thơ Hồ Xuân Hương nếu ta cứ bắt bẻ một cách tầm thường thì ta không sao hiểu được sức sống mãnh liệt. Sức sống đó như trong bài vịnh “Ông Chồng Bà Chồng”, nhân một cảnh đá mọc và Nhân dân đặt tên, Xuân Hương như một nhà điêu khắc tạc cho đá sống và yêu, chính Xuân Hương là bà tạo hóa:

st7.jpg

Qua một số bài thơ, đoạn thơ của Hồ Xuân Hương dùng nhiều đến giác quan, chúng ta còn thấy khía cạnh: Con người đòi giải phóng, đòi phát triển.

Và chúng ta phải đặt mình vào hoàn cảnh những thế kỷ trước của nhân loại để tìm hiểu những tác phẩm của quá khứ. Có thể trong khi Vịnh bức tranh Tố nữ: Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình/ Chị cũng xinh mà em cũng xinh/ Đôi lứa in như tờ giấy trắng/ Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh./ Xiếu mai chị dám tình trăng gió/ Hồ liễu thôi đành phận mỏng manh

Mà Hồ Xuân Hương kết ngay bằng hai câu 7 và 8: Còn thú vui kia sao chẳng vẽ/ Trách người thợ vẽ khéo vô tình.

Sau khi ca ngợi Hồ Xuân Hương là bậc kỳ tài, Nhà thơ Xuân Diệu lại đưa tiếp thông điệp ở mức cao hơn Hồ Xuân Hương là Nhà thơ dòng Việt, bà chúa thơ Nôm.

Sau đây là một số luận cứ trong nhiều luận cứ mà Xuân Diệu cho rằng Hồ Xuân Hương là nhà thơ dòng Việt, bà Chúa thơ Nôm:

Nhìn chung trong thơ cổ điển của ta, bao gồm từ Chu Mạnh Trinh trở lên, nếu xét về khía cạnh có tính cách dân tộc hơn cả có lẽ là thơ Hồ Xuân Hương “thì treo giải nhất chị nhường cho ai”

Thơ Hồ Xuân Hương Việt Nam hơn cả, vì đã thống nhất tới cao độ hai tính cách dân tộc và đại chúng. Xuân Hương cũng là một “nhà nho” chẳng kém ai, cũng giỏi chữ Hán, khi cần cũng ra được câu đối “Mặc áo giáp cài chữ đinh”, cũng giỏi chiết tự “Duyên thuyên đầu dọc phận liễu nét ngang” nhưng Xuân Hương không chịu khoe chữ.

Nội dung thơ Xuân Hương toát ra từ đời sống bình dân hàng ngày và của đất nước.

Hồ Xuân Hương là nhà thơ dòng Việt, là bà chúa thơ Nôm, Chúa đây là một cách nói như “hoa hồng là chúa các loài hoa” chứ không phải ông hoàng bà chúa. Thơ Xuân Hương đã làm cho chữ “nôm na” đồng nghĩa với thuần túy, trong trẻo tuyệt vời… Bà chúa thơ Nôm là chúa cả nội dung và hình thức. Xuân Hương đã sáng tạo được một chất thơ man mác, nên thơ …

Vừa đặt bút xuống những nét tưởng như nặng nề: Hành sơn mực điểm đôi hàng nhạn/Thừa lĩnh đen trùm một thức mây, tiếp theo Xuân Hương đã cho một ánh sáng của trăng từ phía dưới trời dọi lên và thả bay vèo những chiếc lá bát ngát nhẹ nhàng, thật là một bút pháp kỳ lạ:

Lấp ló đầu non vừng nguyệt chếch/ Phất phơ sườn núi lá thu bay.

Dùng chữ Việt Nam, phải nhận Hồ Xuân Hương là thánh. Khi chế diễu mấy học trò dốt:

Ong non ngứa nọc châm hoa rữa/ Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa.

285-15997018490351612796154.jpg
'Bà chúa thơ Nôm' trong tranh vẽ xưa

Xuân Hương là cái gương mẫu hoàn thiện nhất về việc dân tộc hóa và đại chúng hóa những điệu thơ vay mượn ở nước ngoài. Thể thơ thất ngôn Đường luật vốn là của Trung Quốc không thoát thai từ ca dao như lục bát; đó là một thể thơ khó làm, dễ cứng nhắc, công thức hoặc có đạt đến mức hay cũng thường mang dáng điệu Nho sĩ, cao sang. Xuân Hương chỉ chuyên dùng thể thất ngôn Đường luật thế mà không một chút nào làm ta nghĩ rằng đó là điệu thơ nhập ngoại. Xuân Hương cứ nôm na bình dân, tự nhiên, lời cứ trong veo không gợn, đọc cứ thoải mái, dễ thuộc, những câu đối nhau thì cân chỉnh già dặn đến ai cũng phải sợ, mà vẫn như lời nói thường.

Và nếu chỉ nói về tài dùng chữ, có lẽ ở nhiều trường hợp Nguyễn Du cũng phải nhường bước Xuân Hương. Chữ của Xuân Hương chọn tài tình đến nỗi chẳng còn thấy công phu gò gẫm gì cả, chọn trên cơ sở phổ cập. Xuân Hương không trau chuốt chữ, Xuân Hương thích dùng những “vật liệu” thông thường, nhưng vì đo đặt đúng chỗ ngăn ngắt nên hóa ra rất chọn lọc: Mỏng dày chừng ấy thành ba gó/ Rộng hẹp giường nào cắm một cay.

Kể ngay trong văn học cổ điển Việt Nam nếu lấy bốn nhà thơ lớn thì đã có 2 nhà thơ là phụ nữ: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm.

Cái tích cực lớn nhất, giá trị nhất của Hồ Xuân Hương là tính đả kích xã hội thối nát với tất cả uất giận của mình, bằng tất cả tài năng của mình.

Trong Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương các tác giả khác còn đưa ra những nhận định đáng chú ý sau đây về thơ Hồ Xuân Hương:

Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói mạnh mẽ “Đòi giải phóng về mặt bản năng” (Nguyễn Hiệp và Trương Quang Kiến)

Hồ Xuân Hương nhà thơ độc đáo vô song (Nguyễn Lộc)

Gác bỏ mọi thành kiến một bên… chúng ta sẽ bắt gặp một con người hết sức tha thiết với cuộc sống, đem hết tâm hồn ra gắn bó với cuộc sống, cuộc sống khỏe và mạnh. Một thứ chủ nghĩa yêu đời hồn nhiên và mộc mạc, đó mới là cái ý thức chủ đạo làm nên sinh khí, cái rạo rực, cái ý vị đậm đà của toàn bộ thơ Xuân Hương (Lê Hoài Nam).

8f97zbi--n2.jpg

Tác phẩm Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương của các tác giả GS Lê Trí Viễn - Lê Văn Lít - Nguyễn Đức Quyền ấn hành từ năm 2002 đã giúp cho chúng ta hôm nay có được cách nhìn tương đối đầy đủ về thơ Hồ Xuân Hương. Trên cơ sở đó chúng tôi cho rằng:

tai-xuong-1.jpg

Vì Hồ Xuân Hương là người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, họ Hồ ở Quỳnh Lưu là một họ nổi tiếng, từng có nhiều người đỗ đạt cao và làm quan to. Xuân Hương theo nề nếp gia đình có đi học nhưng không nhiều. Cứ thơ ca thù ứng với bạn bè, cả Nôm lẫn Hán không kể tài thơ, về kiến thức cũng làm các bậc mày râu kính nể. Với những gì chúng ta biết được như trên về Hồ Xuân Hương qua ý kiến của các nhà nghiên cứu trong Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương, chúng ta có thể khẳng định trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng, nữ giới không được tham gia thi cử. Tuy vậy trên nền tảng văn hóa đã có do cha mình truyền dạy và với sự thông minh vốn có, Hồ Xuân Hương đã tự nghiên cứu và học hỏi thêm qua các cuộc gặp gỡ giao lưu với các văn nhân để thành người có vốn hiểu biết sâu rộng về chữ nghĩa, về văn chương, về cuộc đời. Đó chính là việc làm vượt qua hoàn cảnh sống, vượt tầm thời đại của Hồ Xuân Hương mà chỉ có Hồ Xuân Hương làm được điều đó. Do vượt tầm thời đại khác xa những người phụ nữ và cả giới nho sỹ cùng thời để nhìn nhận sự vật, nhìn nhận cuộc đời cho nên đời sống tâm hồn, thế giới quan của Hồ Xuân Hương cũng khác hơn những người cùng thế hệ. Bởi vậy Hồ Xuân Hương đã làm thơ được cả bằng chữ Nôm và chữ Hán nhưng với ý thức tự chủ và ý thức dân tộc cao nên Hồ Xuân Hương chú trọng hơn trong việc dùng chữ Nôm để làm thơ vì một chủ đích tiến bộ hơn. Thơ bà là tiếng nói ca ngợi vẻ đẹp trần thế của con người, trong đó có vẻ đẹp tuyệt mỹ của phụ nữ. Thơ bà là tiếng nói mạnh mẽ đòi quyền bình đẳng.Trong gia tài thi ca của Hồ Xuân Hương cũng như trong thi đàn văn chương thời ấy, cách đây 200 năm dưới chế độ phong kiến chỉ có nhà thơ nữ Việt Nam Hồ Xuân Hương là người đầu tiên ở Việt Nam và trên thế giới lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ cho nữ quyền qua tác phẩm thi ca.

Thơ bà có lối đi riêng về sử dụng ngôn ngữ, lựa chọn đề tài, lựa chọn cách biểu đạt. Bà là người đã thành công trong việc Việt hóa các thể thơ nước ngoài. Việt hóa thành công khi mà cả xã hội chạy theo lối viết tầm chương trích cú, thơ đầy điển tích buộc người đọc hết sức mệt mỏi khi thưởng ngoạn thơ ca. Nếu như ở những năm 2000, thơ bà chỉ có Liên Xô xuất bản 1 tập thơ Hồ Xuân Hương bằng tiếng Nga, Bun ga ri xuất bản 1 tuyển tập thơ Việt Nam trong đó đã có 16 bài của Xuân Hương được dịch. Thì đến thời điểm này, những kiệt tác của bà để lại không chỉ được tôn vinh trong nước mà có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới, đến nay có 10 quốc gia dịch và giới thiệu thơ Hồ Xuân Hương (Theo Báo Thể thao & Văn hóa số ngày 24/11/2021). Và đặc biệt hơn, năm 2021, Hồ Xuân Hương cùng Nguyễn Đình Chiểu là hai nhà thơ của Việt Nam được UNESCO vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới”. Hồ Xuân Hương và sự nghiệp thơ ca của bà vốn là niềm tự hào của người Việt Nam, là di sản của chúng ta, đến hôm nay đã trở thành di sản văn học, trở thành một trong những giá trị văn hóa của toàn thế giới./.

Vinh tháng 4 năm 2022

(*)Sách do nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2002

----------------------

Nguyễn Đình Anh

- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục Nghệ An

- Trưởng ban Lý luận Phê bình Hội LH VHNT Nghệ An