Tháng 12 năm 2020, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Người anh hùng ấy từng là nỗi khiếp đảm của quân thù trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước sinh năm 1926 tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông sinh trưởng trong một gia đình hiểu biết Hán học, cha là người tinh thông chữ Hán, sống thanh cao, mẹ là một phụ nữ hiền thục, đảm đang. Tất cả những yếu tố đó vun đúc nên truyền thống ham học, giữ đạo nghĩa, tiết tháo cho cả 4 người con. Năm 1944, Nguyễn Quốc Thước học trường Cô-le Vinh (nay là trường THPT Huỳnh Thúc Kháng). Học vừa hết khóa thì cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc cũng lên đỉnh cao. Tháng tư năm 1945, ông được kết nạp bí mật vào tổ chức Việt Minh. Từ đó, ông nhận nhiều công tác quan trọng trong việc tổ chức khởi nghĩa cướp chính quyền về tay Nhân dân và xây dựng cuộc sống mới sau ngày giành được độc lập. Năm 1947, ông là Bí thư Đoàn thanh niên cứu quốc huyện Nghi Lộc. Để làm gương và cũng là nguyện vọng thiết tha của mình được cầm súng trực tiếp chống quân xâm lược, năm 1949, ông xung phong vào bộ đội. Là đảng viên, trí thức trẻ nên ông được tuyển vào trường sỹ quan Trần Quốc Tuấn, trường đào tạo cán bộ chính quy cấp trung đội, đại đội lúc bấy giờ. Với khả năng nắm bắt cái mới nhanh nhạy, hăng say luyện tập, nhà trường rất quý học viên Thước và đưa ông lên làm trợ giảng. Năm 1950, lần đầu tiên ông chỉ huy trung đội vào chiến trường Bình Trị Thiên. Tài năng của ông bộc lộ, trung đội luôn luôn lập công. Năm 1953, trong chiến dịch phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, ông được thăng lên cấp chỉ huy đại đội, chiến đấu trên mặt trận Lào để chia lửa cho chiến trường chính. Và cũng chỉ nửa năm sau, với cách thuyết phục bằng những trận đánh tiêu diệt gọn nhiều sinh lực địch có trang bị vũ khí hơn hẳn đơn vị mình, ông được đề bạt lên cấp chỉ huy tiểu đoàn, thuộc sư đoàn chủ lực 325.
Từ sau tổng công kích tết Mậu Thân 1968, Bộ Quốc phòng thành lập mặt trận B3 Tây Nguyên, Nguyễn Quốc Thước được giao nhiệm vụ Tham mưu trưởng mặt trận B3. Khi về đơn vị, nhiều khó khăn đang tồn tại, nhất là quân số và kỹ - chiến thuật. Dưới sự chỉ huy của ông, tất cả mọi mặt đều được củng cố. Đơn vị trở thành một quả đấm thép ở chiến trường Tây Nguyên và 2 nước bạn Lào, Campuchia. Bản lĩnh và sự quyết đoán của Tướng Thước đã giúp đơn vị của ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch Tây Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi để sau đó, chỉ 4 ngày đêm, quân ta hoàn toàn giải phóng miền Nam. Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, Cục trưởng Cục Quân lực khẳng định: “Chiến dịch Tây Nguyên nổ ra và thành công vang dội chính là nhờ phương án đánh địch nghi binh của Tham mưu trưởng Nguyễn Quốc Thước”
Do có thành tích trong chiến đấu trên nhiều mặt trận, đại tá Nguyễn Quốc Thước được phong quân hàm Thiếu tướng, Bí thư Đảng ủy Quân đoàn 3. Năm 1983, ông được giao nhiệm vụ Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 4. Tháng 12 năm 1986, ông được phong Trung tướng - Tư lệnh Quân khu 4. Đây là thời điểm thử thách lớn đối với Đảng ta, khi mà các thế lực thù địch, cơ hội có âm mưu ngóc đầu chống đối nhằm làm chệch hướng cách mạng, xóa bỏ Chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Vì thế, việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang Nhân dân được đặt ra, đặc biệt đối với một địa bàn chiến lược quan trọng như khu 4. Nguyên Chánh văn phòng Bộ tư lệnh Quân khu 4 thời bấy giờ, Đại tá Doãn Hòa kể lại “Nổi bật tôi thấy ở Tư lệnh Nguyễn Quốc Thước là sự nhanh nhạy, nắm bắt quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng để cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chuyển hướng mạnh mẽ công tác quân sự, quốc phòng trên địa bàn Quân khu 4”
Không chỉ là Tư lệnh tài ba, ông còn là ủy viên Trung ương Đảng, là đại biểu Quốc hội 3 khóa: VIII, IX và X. Đến đây, mọi người biết thêm về một đại biểu Quốc hội sắc sảo, thẳng thắn, trách nhiệm qua những phát biểu, chất vấn tại nghị trường; sâu sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải đáp và là cầu nối đưa các kiến nghị của người dân tới nhiều cơ quan chức năng, đề nghị giải quyết thấu đáo. Tài năng, tâm thế của một người lính chiến trường đã được ông kế tiếp, phát huy một cách xuất sắc trên mặt trận nghị trường. Ông luôn tâm niệm: ăn cơm của dân, mặc áo của dân mà không làm tròn trách nhiệm với Nhân dân tức là ăn gian, ăn quỵt. Và rồi, không biết từ đâu mà người ta gắn ông với cụm từ "nhất Thước". "Nhất Thước, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc". Đây là những người hâm nóng nghị trường tại các phiên họp Quốc hội bằng những chất vấn thẳng thắn, đầy trách nhiệm về những vấn đề nóng của đời sống. Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội luôn coi trọng Trung tướng Thước vì tính thẳng thắn, dám nghĩ, dám làm đó: “Đấy là một con người rất tiêu biểu cho tính cách Nghệ, rất kiên cường, sống trung thực, chân thành, có gì nói nấy, không ngại va chạm. Những ý kiến của ông đã có tác dụng rất lớn trên diễn đàn Quốc hội”
Về nghỉ hưu, vị tướng già vẫn luôn giữ cái khí chất, cốt cách của con nhà lính. Ông bảo, ông về hưu là theo quy định của Nhà nước chứ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện nghỉ. Trước những vấn đề bức thiết như phòng chống tham nhũng, những vấn đề gọi là “nhạy cảm” như tình hình biển Đông, ông luôn có những ý kiến tâm huyết, sắc sảo, góp phần xây dựng và định hướng dư luận xã hội. Ông tâm niệm: Tôi là một người lính. Tôi và rất nhiều đồng đội đã hy sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc. Vì vậy trong thời bình, còn sức lực là tôi còn chiến đấu bảo vệ tổ quốc, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Chẳng vì thế mà ông luôn được đồng đội và Nhân dân tin yêu, gửi gắm. Hàng ngày ông vẫn nhận được những lá đơn kiến nghị của người dân gửi đến ông, nhờ ông giúp đỡ. Nhiều người gọi ông là “người lính già” trên mặt trận chính trị.
Tròn trịa với Nhân dân, tròn trịa với tổ quốc, thế nhưng câu chuyện tình của vị tướng dường như là một bí mật mà mãi đến tuổi xế chiều ông mới bật mí với những người quen biết. Chuyện tình của một người lính huyền thoại, cũng là một huyền thoại giữa đời thường.
Cưới vợ xong, như bao người lính thời chiến, ông khoác ba lô vào chiến trường miền Nam. Chiến tranh khói lửa biền biệt, thư từ Nam - Bắc cách trở, nơi quê nhà người vợ trẻ vẫn tảo tần ruộng đồng, nuôi các con khôn lớn. Tin ông hy sinh về với gia đình, làng quê trong những ngày tháng khốc liệt nhất. Với mẫn cảm của một trái tim phụ nữ yêu chồng hết mực, bà không tin chồng mình đã hy sinh. Cuối năm 1974, gửi các con lại cho nội, ngoại, bà một mình ra Quốc lộ 1 xin xe bộ đội vào Nam tìm chồng. Cuộc gặp gỡ của vợ chồng ông ngay trên bờ Nam phà Bến Thuỷ sau hơn 10 năm biền biệt đẹp như một câu chuyện cổ tích có hậu nhất đã làm xúc động bao con tim có mặt trên tuyến lửa ngày ấy, cả cho đến tận bây giờ.
Sống cuộc đời binh nghiệp, xa vợ con ngay cả trong thời bình. Ông từng tâm sự “Vợ tôi không có một ngày thanh xuân hạnh phúc. Chúng tôi lấy nhau mà chưa có một ngày đi chơi với nhau, như bao lứa đôi khác”. Đến ngày vợ chồng được ở bên nhau chừng 5 năm thì bà bị tai biến. Từ đó, ròng rã 12 năm ông chăm sóc vợ với nhiều đêm thức trắng bên giường bệnh, tự tay giúp bà uống những viên thuốc, bữa ăn, đến mọi sinh hoạt cá nhân của một bệnh nhân tai biến nặng. Những lúc rảnh rỗi, ông lại cùng con cháu kể chuyện cho bà nghe, và chẳng có sáng nào ông lại quên đọc báo cho người bạn đời của mình, vì đó là sở thích đặc biệt của bà. Ông chia sẻ: dẫu có đứng đầu hàng vạn người, từng thét ra lửa khắp các chiến trường nhưng khi về bên bà, ông vẫn chỉ đơn giản là một người chồng của gia đình. Và ông đã hạnh phúc khi được làm điều ấy cho tới tận ngày bà mất.
Xuân Nhâm Dần này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước tròn 97 tuổi. Đã đi qua gần trọn thế kỷ, cả cuộc đời ông gắn liền với bao cuộc trường chinh đầy gian khổ, hy sinh vô cùng to lớn của dân tộc; gắn liền với bao thử thách cùng khát vọng, nỗ lực vươn lên đổi mới, dựng xây của đất nước, quê hương. Trọn thế kỷ hào hùng đã qua, lịch sử đã và mãi khắc ghi những tấm gương trọn đời kiên trung vì nước như ông. Đồng đội và Nhân dân mãi kính trọng, tri ân tấm lòng sắt son, nhân nghĩa trong ông. Còn với vị tướng già, sau mái đầu bạc phơ vì khói lửa chiến trường, sau những trăn trở, tâm huyết trên diễn đàn nghị trường, vẫn còn đó những ưu tư: “còn nhiều lắm những hài cốt liệt sĩ trong chiến tranh chưa tìm lại được”, vẫn còn mãi một niềm tin sắt son, tinh thần cống hiến “còn sức là còn làm việc”, vì lý tưởng cách mạng của Đảng, vì ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.
Ngọc Dũng