Tuổi thơ cơ cực

Nguyễn Đệ (Ba Trung) sinh năm 1928, trong một gia đình nghèo xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Mới 4 tuổi, cậu bé đã mồ côi cha. Cha là đội viên Tự vệ đỏ Xô Viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931), bị truy lùng gắt gao, phải cải dạng, về quê vợ, cày thuê, cuốc mướn. Nghèo đói, bệnh tật, không thuốc thang nên kiệt sức và mất năm 1932.

770934_small_68974.jpg
Trung Tướng Nguyễn Đệ

Ba năm sau, mẹ và bố dượng vào mưu sinh ở đất Nam Kỳ. Lên 7 tuổi, cậu đi ở đợ, trông nom thằng bé 2 tuổi của một gia đình hào phú trong làng. Sau đó, chủ giao cho cậu việc chăn đàn bò 5 con.

Cậu sống trong cảnh ăn đói, mặc rách. Nhiều hôm, phải nhịn đói vì ngày đó bò không no. Có hôm, đói hoa mắt, cậu phải vốc mấy vốc cám lợn để ăn. Bà chủ nhìn thấy, bà ném chiếc bát múc cám vào mặt cậu, mảnh vỡ găm vào mi mắt, máu chảy khắp mặt mũi. Do nhiều lần bị đánh đập tàn nhẫn, cậu bỏ trốn ra chợ, ăn xin. Chủ nhà tìm về và cậu phải tiếp tục sống khổ ải,...

Được 4 năm, mẹ cậu về, trả cho chủ nhà 30 đồng bạc Đông Dương để chuộc. Rồi mẹ con vượt hàng ngàn cây số, vào tận sở cao su Bình Ba (nay là huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai).

trungtuongnguyende.jpg
Trung tướng Nguyễn Đệ (ngồi phía trước, bên phải) cùng Bộ tư lệnh Quân khu 9 chỉ huy diễn tập tại tỉnh An Giang, năm 1994. Ảnh tư liệu

Hơn 10 tuổi, cậu đã là phu đồn điền, cơ cực, cay đắng dưới đòn roi của bọn cai đồn. Năm 13 tuổi, cậu theo mẹ chạy trốn khỏi sở cao su, lên Sài Gòn kiếm sống. Mẹ gánh nước mướn, bán chè rong, cậu đi bán báo, bán kem dạo. Không đủ sống, mẹ con lại dạt về huyện Long Thành, tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai). Ở đây, người mẹ đi ở đợ, còn cậu bé chưa đến tuổi 15 đi làm mướn cho một tiệm may. Nhờ thông minh, chịu khó học hỏi, chàng thanh niên 16 tuổi trở thành thợ may giỏi. Ông chủ tiệm may tốt bụng đã giúp anh mở tiệm may riêng. Từ đây cuộc sống của hai mẹ con đỡ vất vả.

Đến với cách mạng

Tháng 4/1945, được một thủ lĩnh Thanh niên, tên là Phú ở huyện Long Thành vận động Nguyễn Đệ tham gia tổ chức Thanh niên Tiền Phong. Anh được giao rải truyền đơn, làm liên lạc cho Mặt trận Việt Minh cấp huyện. Do tích cực, hăng hái hoạt động, anh được học lớp bồi dưỡng chính trị, rồi được cử làm thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong xã Phước Thiềng (huyện Long Thành).

Ngày 13/8/1945, anh chỉ huy đoàn biểu tình của huyện Long Thành về Sài Gòn tham gia Tổng khởi nghĩa. Cách mạng Tháng Tám thành công, anh được tuyển chọn là lực lượng thanh niên nòng cốt cho việc thành lập Vệ Quốc đoàn - tổ chức vũ trang đầu tiên của huyện Long Thành.

Đầu năm 1946, anh được cử xuống Bà Rịa yêu cầu viện binh. Địch đánh phá, bao vây hết các ngả đường, không thể về Long Thành, anh quyết định xin gia nhập và chiến đấu ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại đây, anh được giao nhiệm vụ làm đội trưởng Đội Quyết tử. Trong một lần đột nhập vùng địch hậu, anh bị địch bắt. Chúng tra tấn rất dã man nhưng Nguyễn Đệ kiên cường chịu đựng, không khai báo. Lợi dụng một đêm trời tối, anh và hai bạn tù quyết tâm vượt ngục. Khi địch phát hiện và báo động, một người bị bắn chết, anh và người còn lại chạy theo bìa rừng và trốn thoát.

770933_small_68973.jpg
Trung tướng Nguyễn Đệ (giữa) và Bộ Tư lệnh Tiền phương quân khu IX lên kế hoạch mở màn chiến dịch Đông - Xuân 1974 - 1975 ở mặt trận Vĩnh - Trà. Ảnh BNA

Cuối năm 1946, Nguyễn Đệ được cử đi học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn tại Sơn Tây. Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch càng thôi thúc những người thanh niên yêu nước băng qua núi rừng Tây Nguyên, của dãy Trường Sơn. Các ông còn tổ chức giúp các buôn làng củng cố chính quyền cách mạng. Ông còn khéo léo vận động tổ chức thành lập các trạm giao liên nối liền tuyến hành lang dài khoảng 300 km suốt từ Ninh Thuận đến Khánh Hòa.

Có lần, ông và đồng đội bị lọt vào ổ phục kích ở buôn Du Oai, A Thổ. Nguyễn Đệ bị trúng một mũi tên tẩm độc vào bắp tay và lạc đường. Ông phải một mình giữa rừng sâu, bụng đói, trời mưa tầm tã, tối ngủ hang đá, ngày lê từng bước trong rừng sâu,... Rất may, ông gặp được đồng bào dân tộc, tận tình cứu chữa và vượt qua được cơn hiểm nghèo.

Tháng 5/1947, do tình hình thay đổi, Nguyễn Đệ từ Phú Yên được lệnh trở về Nam bộ để nhận nhiệm vụ mới. Ông được giao làm Đội trưởng kiêm Chính trị viên Đội biệt động và vũ trang tuyên truyền tỉnh Bà Rịa. Sau một tháng thành lập, Đội do ông chỉ huy tổ chức đánh trận đầu và diệt gọn tiểu đội tuần tiễu của địch. Từ năm 1947- 1954, với nhiều cương vị khác nhau, Nguyễn Đệ đã chỉ huy các đơn vị đánh địch và giành hàng trăm trận thắng, thu được nhiều vũ khí, nhổ hàng trăm đồn bốt, diệt hàng vạn tên giặc, góp phần giải phóng một vùng rộng lớn của tỉnh Bà Rịa. Với sự chỉ huy thông minh, mưu trí, dũng cảm, ông đã góp phần đánh bại chiến thuật Đờ - la - tua (xây dựng hệ thống tháp canh kiên cố, dày đặc để ngăn chặn quân ta tiến công) của Pháp.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Nguyễn Đệ ra Bắc tập kết, đi học Trường Sỹ quan Lục quân tại Quế Lâm (Trung Quốc). Học xong, ông được giao làm Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 78, Sư đoàn 330. Năm 1956, ông lại tiếp tục học 2 năm tại Trường Sỹ quan Lục quân. Lúc này, bọn Mỹ - Diệm công khai chống phá Hiệp định Giơ-ne-vơ, không thực hiện Tổng tuyển cử, ra sức trả thù những người đi theo kháng chiến. Nguyễn Đệ cùng anh em tập kết lòng như lửa đốt, luôn sống trong cảnh “Ngày Bắc, đêm Nam”,...

Tháng 4/1960, sau 6 năm tập kết, Nguyễn Đệ cùng với 53 anh em khác được Bác Hồ, các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp gặp gỡ, dặn dò và động viên trước khi trở lại miền Nam chiến đấu.

Vị “Thủ lĩnh” miền Tây

Sau hơn 4 tháng xuyên rừng Trường Sơn, đối diện với đói rét, bệnh tật và sự truy lùng của địch, đoàn chỉ còn 43 người về với miền Nam. Ông được Trung ương cục phân về Quân khu IX giữ chức vụ Tham mưu trưởng Quân khu, sau đó tăng cường cho tỉnh Cà Mau. Với nhiều nhiệm vụ quan trọng khác nhau, ông luôn có mặt ở những vùng trọng điểm, xây dựng và củng cố lực lượng chiến đấu. Từ Vĩnh Trà (Vĩnh Long, Cà Mau), đến Cần Thơ, Rạch Giá, Sóc Trăng đều in dấu chân ông.

Tháng 10/1963, đang chỉ huy trận đánh ở Đầm Dơi, ông bị địch bắn vào đùi. Khi về bệnh viện dã chiến thì vết thương đã nhiễm trùng uốn ván, có nguy cơ phải tháo khớp hoặc cưa chân để sống sót. Các y - bác sỹ đã rạch vết thương, rưới nước muối để diệt vi trùng. Vô cùng đau đớn nhưng ông vẫn cắn răng chịu đựng. Ý chí và bản lĩnh đã giúp ông chiến thắng. Ít lâu sau ông lại có mặt ở chiến trường để chỉ huy nhiều trận đánh, khiến cho bọn Mỹ - Ngụy bao phen khiếp vía. Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 306, Chỉ huy phó Mặt trận Vĩnh Trà, đánh chiếm thị xã Vĩnh Long trong vòng 6 ngày.

Chiều ngày 30/4/1975, Sài Gòn đã được giải phóng, nhưng Tỉnh trưởng Vĩnh Long vẫn quyết “tử thủ”. Để giảm thiểu thương vong, Nguyễn Đệ cho phát trên đài Vĩnh Long: “Tôi là Quang Trung, chỉ huy lực lượng Quân giải phóng Vĩnh Trà, ra lệnh cho anh đầu hàng. Cách mạng sẽ khoan hồng, tha thứ các lỗi lầm trước đây, tính mạng và vợ con anh sẽ được an toàn. Bằng không, tôi sẽ cho pháo và lực lượng bao vây, tiến công thị xã, lúc đó tính mạng và tài sản của anh sẽ không còn”. Nghe những lời dõng dạc, dứt khoát đó của Tư lệnh tiền phương Quân khu 9 kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận Vĩnh Trà - Nguyễn Đệ, Tỉnh trưởng phải đầu hàng vô điều kiện.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, ông là Tỉnh đội trưởng, kiêm Chính ủy Tỉnh đội Hậu Giang (nay là thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang), Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330. Sau khi đi học tại Học viện cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng), năm 1979 ông trở về giữ chức vụ Sư đoàn trưởng Sư đoàn 4.

Từ tháng 4 năm 1979 ông giữ chức Phó Tư lệnh, từ năm 1986 - 1996, là Tư lệnh Quân khu IX, Tư lệnh Mặt trận 979, chỉ huy các lực lượng chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp Cam-pu-chia xây dựng lực lượng trong suốt 10 năm trời. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII.

Chuyện tình của vị tướng

Tình yêu của ông với bà Lê Thị Hồng Quý nảy nở khi ông - người lính trận tuổi 26 bị thương nặng, được người con gái tuổi 17 đất Bà Rịa tận tình chăm sóc. Những năm ông ra Bắc tập kết, mối tình chỉ là lời tâm tình hẹn ước qua những trang thư. Đã có lần chị đọc trên báo tin anh tử trận, nhưng chị vẫn tin vào linh tính rằng anh vẫn sống. Thật cảm động với dòng thư của chị gửi anh: “Nhận được thư của anh, em rất mừng. Nhưng vì địch gây khó dễ, vả lại mẹ bị địch bắt, chúng vừa thả về mấy bữa nay nên em không dám đi thăm anh. Một lời hứa như dao chém đá, em vẫn sắt son đợi anh trở về...”

Tháng 3/ 1962 Nguyễn Đệ gặp lại mẹ kính yêu sau hơn 20 năm xa cách và người vợ hứa hôn từ 10 năm trước vẫn thuỷ chung đợi chờ. Đám cưới giản dị, chỉ có ít bánh kẹo, trà thuốc và trái cây, nước dừa do các má, các chị ở ấp Vịnh Dừa, Giáp Nước, Thị Tường góp lại mừng đôi lứa,...

Năm 1978, Nguyễn Đệ được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1988, ông được phong hàm Trung tướng. Ông mất năm 1998, thọ 70 tuổi.

Anh Đặng