Theo đó, ngay trong cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, ngoài những tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, trình độ văn hoá, chuyên môn, nghiệp vụ, điều kiện về sức khoẻ và thời gian thì theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019 và Hướng dẫn 36-HD/BTCTW ngày 20/01/2021 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 còn yêu cầu người ứng cử đại biểu HĐND các cấp phải: Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Đây là tiêu chuẩn hàng đầu của một đại biểu dân cử, vừa là cơ sở để cơ quan, tổ chức giới thiệu người ra ứng cử vừa là “thước đo” để cử tri lựa chọn đại biểu, thực hiện quyền chính trị của mình.
“Trọng dân”, “thân dân” là phẩm chất mà mỗi đại biểu hội đồng nhân dân nên có. Vậy “trọng dân”, “thân dân” ở một đại biểu dân cử được thể hiện như thế nào?
Thứ nhất, làm tròn trách nhiệm, quyền hạn được nhân dân giao phó.
Đại biểu HĐND có trách nhiệm tham dự đầy đủ các kỳ họp, phiên họp HĐND, tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND; liên hệ chặt chẽ với cử tri nơi mình thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND nơi mình là đại biểu, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri; có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Sau mỗi kỳ họp, đại biểu HĐND có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của HĐND, vận động và cùng với nhân dân thực hiện các nghị quyết đó. Đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết.
Mỗi đại biểu được trao cho rất nhiều quyền: quyền chất vấn Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, Ủy viên UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; kiến nghị HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu; kiến nghị tổ chức phiên họp chuyên đề, phiên họp để giải quyết các công việc phát sinh đột xuất, phiên họp kín của HĐND và kiến nghị về những vấn đề khác mà đại biểu thấy cần thiết; kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng biện pháp cần thiết để thực hiện Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đại biểu HĐND cũng có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó và quyền miễn trừ khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu.
Đại biểu HĐND cần hiểu thật rõ trách nhiệm của mình là gì, nắm thật chắc quyền hạn của mình đến đâu và làm thế nào để thực hiện hết trách nhiệm, quyền hạn đó.
Thứ hai, thể hiện trong quan hệ, thái độ ứng xử với cử tri. Đại biểu phải liên hệ thường xuyên, mật thiết với nhân dân; đổi mới cách thức tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp; có phương pháp làm sao để dân dám nói, dám hỏi, dám đề xuất; lắng nghe, để biết cử tri cần gì, muốn gì; luôn có suy nghĩ “vì dân, phục vụ nhân dân”, “học hỏi từ nhân dân”. Có như vậy mới khắc phục được bệnh quan liêu, vô cảm, xa rời nhân dân.
Thứ ba, thể hiện trong lời nói, hành động, việc làm. Muốn vậy, người đại biểu phải tu dưỡng, rèn luyện, phát huy phẩm chất, đạo đức cách mạng, nói phải đi đôi với làm; chủ động học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, phát huy trí tuệ cá nhân và tập thể HĐND; trau dồi các kỹ năng tuyên truyền, giải thích, thuyết phục,…
Thứ tư, người đại biểu HĐND phải thể hiện được bản lĩnh chính trị của mình. Đó là dũng cảm tranh luận, bày tỏ quan điểm, chính kiến, quyết liệt làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân những vấn đề mà nhân dân bức xúc, bảo vệ lợi ích của nhân dân. Làm sao để ý chí, nguyện vọng của nhân dân được hiện diện, hoá thân trong những chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Một chặng đường của nhiệm kỳ mới đã trôi qua, mong rằng, các đại biểu dân cử sẽ có những việc làm thiết thực, đầy trách nhiệm với nhân dân; có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân.
Hoàng Giang