“Một vốn bốn lời”

Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, sau khi bôn ba làm ăn ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, năm 2019, anh Vũ Văn Cử (xã Xuân Lam, Hưng Nguyên) bỏ phố về quê nuôi thử nghiệm con chồn hương sinh sản. Ban đầu, anh chỉ dám nuôi thử nghiệm 23 con chồn với số vốn bỏ ra là 320 triệu. Sau 1 năm, thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi chồn mang lại gấp nhiều lần so với chăn nuôi gà, vịt, lợn, do đó, anh quyết định mở rộng quy mô. Đến nay, với 2 khu chuồng trại ở Xuân Lam và Nghi Kiều (Nghi Lộc), anh Cử đang nuôi 500 con chồn hương, chủ yếu nuôi sinh sản để bán con giống ra thị thường. Theo anh Cử chia sẻ, so với các vật nuôi khác, chồn hương có giá trị kinh tế cao, nhất là nhu cầu của các quán ăn, nhà hàng ngày càng lớn, vì vậy, đầu ra của chồn thịt và chồn giống rất thuận lợi. Đơn cử năm 2024, trang trại chồn hương của anh sẽ bán ra thị trường khoảng 250 cặp chồn giống, giá mỗi cặp 14 triệu đồng, ước lãi lến đến tiền tỷ.

Mô hình chăn nuôi chồn hương sinh sản của anh Vũ Văn Cử (xã Xuân Lam, Hưng Nguyên)

Anh cử cho biết: “Chồn hương là vật rất dễ nuôi, ăn tạp, ít bệnh, không cần diện tích rộng và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường.  Trung bình một ngày mỗi con chồn chỉ mất khoảng 2.000 - 3.000 đồng mua thức ăn. Thức ăn của chồn chủ yếu là chuối, cá rô phi, cổ cánh gà… Mỗi con chồn thương phẩm từ khi nuôi đến khi xuất chuồng (10 tháng) nặng khoảng 5kg chỉ tiêu tốn khoảng 1 triệu tiền thức ăn, trong khi đó, với giá bán lên đến 1,6-1,8 triệu/kg thì người nuôi còn lãi khoảng 5-6 triệu”.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ mô hình nuôi chồn hương, anh Võ Văn Nguyên  ở xóm 2, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) cũng đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 70 con giống về nuôi, mỗi năm trung bình 1 con chồn mẹ sinh sản 1 đến 2 lứa, mỗi lứa từ 2 đến 6 con. Hiện nay số lượng chồn hương của gia đình anh Nguyên phát triển lên đến trên 200 con. Việc bán con giống chồn hương mang lại thu nhập cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Võ Văn Nguyên chia sẻ: “Một con chồn mẹ có thời gian mang thai 54 - 60 ngày, mỗi năm sẽ đẻ 2 lứa, mỗi lứa 3 - 5 con. 1 cặp chồn giống có giá dao động từ 10-14 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần nuôi các loại gia súc, gia cầm khác”.

Nuôi chồn vốn đầu tư ban đầu cao song kinh phí nuôi lại ít

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh, xuất hiện khá nhiều mô hình nuôi chồn hương sinh sản, chồn hương lấy thịt. Tuy nhiên, số trang trại quy mô lớn, đầu tư nuôi bài bản chưa nhiều, mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Phạm Hồng Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hưng Nguyên cho biết: “Nuôi chồn hương sinh sản là mô hình khá mới mẻ ở Hưng Nguyên. Bước đầu, mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ nhân rộng và phù hợp với môi trường nông thôn. Thời gian tới, Hội sẽ tổ chức cho các hội viên có nhu cầu đi tham quan các mô hình nuôi chồn hương hiệu quả, lồng ghép các chương trình dự án hỗ trợ cho các hộ nuôi, mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về nuôi chồn để bà con nắm bắt, áp dụng…”.

Tuân thủ kỹ thuật nuôi và quy định của pháp luật

Khó khăn lớn nhất của nuôi chồn hương là vốn đầu tư ban đầu lớn do con giống đắt đỏ. Mỗi cặp giống có giá hàng chục triệu, do đó, trong quá trình nuôi, nếu không nắm vững kỹ thuật, không am hiểu đặc tính loài và không biết được cá tính của từng cá thể thì người nuôi rất khó thành công. Anh Vũ Văn Cử cho biết: “Khó nhất trong nuôi chồn hương là chưa có vắc-xin phòng, trị bệnh. Vì vậy, quan trọng nhất trong nuôi chồn hương là hệ thống chuồng trại phải đảm bảo thoáng, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông và luôn sạch sẽ. Người chăm sóc chồn phải am hiểu đặc tính của loài, để có cách chăm sóc phù hợp”. Còn theo anh Lê Văn Thành, chủ trang trại nuôi chồn hương thương phẩm quy mô lớn ở Bắc Sơn (Đô Lương) thì chồn hương là loài ưa sạch sẽ, không thích chỗ ẩm ướt, hôi hám. Trong quá trình nuôi, hàng ngày phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để chồn không bị bệnh, thay nước uống thường xuyên, đồng thời sát khuẩn chuồng từ 1 - 2 lần/tuần. Bên cạnh đó, chồn nuôi vẫn giữ bản tính hoang dã, rất dữ, nếu nuôi chung thường cắn nhau nên phải thiết kế những ô chuồng nhỏ để nuôi mỗi con một ô.

Chồn hương sinh sản đang là mô hình triển vọng trong chuyển đổi cơ cấu cây con ở các địa phương

Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, mô hình nuôi chồn hương mang lại giá trị cao đang được nhiều hộ dân lựa chọn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để mô hình nuôi chồn hương phát huy hiệu quả, mang tính bền vững, người nuôi cần nắm rõ các đặc tính, quy trình chăn nuôi, chú ý các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là thường xuyên tìm hiểu về nhu cầu thị trường để có hướng đầu tư phù hợp. Đồng thời, người chăn nuôi cần mua con giống ở các trại giống hợp pháp, con giống có nguồn gốc rõ ràng; trong quá trình nuôi phải lập sổ theo dõi, định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh. Bởi theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì chồn hương thuộc Danh mục IIB - Danh mục các loài động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ. Chính vì vậy, khi nuôi chồn hương, chủ cơ sở chăn nuôi cần đăng ký giấy phép chăn nuôi với chính quyền địa phương./.