Thời gian qua, công tác triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An quan tâm và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đồng thời, để các quy định này được triển khai hiệu quả trên thực tế, cần có những giải pháp thực thi Luật toàn diện, quyết liệt của các cấp, các ngành và từng địa phương.
Kết quả đạt được trong thực hiện Luật Bảo vệ môi trường
Ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, tỉnh Nghệ An kịp thời ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa các văn bản của Trung ương, áp dụng tại địa phương. Tính đến nay, tỉnh đã ban hành 28 văn bản để chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện các nội dung của Luật, trong đó có nhiều văn bản quan trọng như Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 02/3/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2030; UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 509/KH-UBND ngày 14/7/2022 triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU và nhiều nghị quyết, quyết định của HĐND tỉnh, UBND tỉnh để triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước được phân công theo Điều 168 của Luật Bảo vệ môi trường.

Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực môi trường được tại các sở, ngành, địa phương quan tâm thông qua nhiều hình thức, cách thức thực hiện. Nhờ đó ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân có sự thay đổi tích cực; số doanh nghiệp quan tâm thực hiện đầy đủ các thủ tục môi trường ngày càng tăng; công tác phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường đã có sự đầu tư bài bản hơn.
Hàng năm, ngân sách tỉnh đã ưu tiên bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường cho các cấp, các đơn vị để đảm bảo kinh phí hoạt động cho công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh (năm sau cao hơn năm trước); giai đoạn năm 2022-2024, vốn đầu tư công cấp tỉnh đã bố trí 623,3 tỷ đồng, nguồn kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia Nông thôn mới đã bố trí 36,54 tỷ đồng cho các hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; quan tâm thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho hạ tầng xử lý chất thải…Việc quan tâm bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường của tỉnh đã có tác động tích cực về mặt xã hội, môi trường từng bước được cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.

Công tác thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Giấy phép môi trường, Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu… được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các nhà đầu tư hạ tầng và các cơ sở trong khu kinh tế và các khu công nghiệp được cải thiện rõ rệt. Tính đến nay, 100% các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường, 100% dự án đầu tư mới được phê duyệt hồ sơ, thủ tục môi trường trước khi đi vào hoạt động; cơ bản các khu công nghiệp được lắp đặt hệ thống quan trắc giám sát tự động để cơ quan chức năng theo dõi, giám sát.
Quản lý chất thải từng bước triển khai thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Theo số liệu thống kê, mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh Nghệ An phát sinh khoảng 1.843,58 tấn rác; tổng lượng chất thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 97,6% khu vực đô thị và 85,15% khu vực nông thôn. Công tác kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường; đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo được tiến hành thường xuyên…
Những khó khăn, thách thức trong công tác bảo vệ môi trường
Mặc dù đạt nhiều kết quả, công tác bảo vệ môi trường tại Nghệ An vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như: một số mục tiêu bảo vệ môi trường đến năm 2024 tăng chậm như: tỷ lệ cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để (năm 2022: 87%, 2023, 2024: 88%); Tỷ lệ điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật được lập dự án xử lý (44,8%); Tỷ lệ cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường (năm 2022, 2023: 80%, 2024: 88,9%); Tỷ lệ cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường (năm 2022: 39%, năm 2023, 2024: 40%); Tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường (năm 2022: 79,9%, năm 2023: 72,6%, năm 2024: 79,08%). Đây là các chỉ tiêu khó hoàn thành vào năm 2025 nếu không có sự quyết liệt vào cuộc của các cấp, các ngành. Cơ sở hạ tầng cho công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sau phân loại trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng, bãi rác chưa đảm bảo về khoảng cách; chủ yếu sử dụng công nghệ chôn lấp; còn nhiều bãi rác tự phát; trang thiết bị thu gom vận chuyển rác thải vẫn còn thiếu. Nhiều dự án thu hút đầu tư cơ sở xử lý rác thải chỉ mới dừng lại ở chủ trương đầu tư mà chưa được xây dựng hoặc triển khai rất chậm; một số dự án triển khai quy mô và công nghệ chưa phù hợp thực tế.

Trong khi đó, nguồn kinh phí chi cho hoạt động bảo vệ môi trường chủ yếu bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước, chưa đa dạng được nhiều nguồn vốn cho công tác bảo vệ môi trường; chưa thu hút và khuyến khích được nhiều thành phần kinh tế tham gia; nhân lực cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường còn thiếu; nhận thức và ý thức của doanh nghiệp và người dân trong công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế…
Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường
Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã tiến hành giám sát việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát, Đoàn đã đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực thi luật, cụ thể:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn các nội dung thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh được giao trong Luật Bảo vệ môi trường để thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, tăng cường nguồn nhân lực và năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; đa dạng hóa nguồn tài chính cho công tác bảo vệ môi trường: Tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Có cơ chế đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn tài chính cho công tác này. Ưu tiên xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cho việc phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện cụ thể của địa phương
Thứ ba, đổi mới công tác quản lý rác thải sinh hoạt, triển khai thực hiện tốt đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; tăng cường tái sử dụng, tái chế rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp; áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải; tổ chức thu gom, xử lý chất thải nguy hại theo đúng quy định.
Thứ tư, quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo hướng hiệu lực, hiệu quả: Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường. Tăng cường cơ chế giám sát, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề.
Thứ năm, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo vệ môi trường. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng./.