Tại Nghệ An, thời gian qua, công tác tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách này kịp thời, đồng bộ, cụ thể hóa đến từng nội dung, tạo điều kiện cho người dân được hưởng lợi. Cơ bản diện tích rừng và đất lâm nghiệp giao đã được các chủ rừng quản lý bảo vệ tốt, sử dụng có hiệu quả. Các hộ được giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ổn định tâm lý, yên tâm đầu tư sản xuất, phong trào trồng rừng nguyên liệu được hưởng ứng và phát triển mạnh.

co-chinh-1663803065690.jpg

Hiệu quả sau khi thực hiện giao đất lâm nghiệp, gắn với giao rừng đã thể hiện rõ ở các mặt: Người dân đã có đất sản xuất, yên tâm, tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; huy động được nguồn vốn, lao động để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo nguồn nguyên liệu để ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm sản phát triển, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, việc giao đất, giao rừng cho các chủ rừng ở một số nơi ranh giới trên thực địa chưa phân định rõ ràng, vẫn xảy ra tình trạng chồng chéo giữa đất rẫy luân canh cố định và đất giao theo Nghị định số 136/CP; một thửa đất có nhiều chủ, tình trạng tranh chấp đất đai giữa các huyện, giữa hộ gia đình và các tổ chức, tình trạng lấn chiếm đất vẫn xảy ra. Khi giao đất chưa đánh giá được chất lượng, trữ lượng rừng để giao cho các chủ rừng.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng còn tình trạng giao đất theo nhóm hộ nên việc xác định trách nhiệm cũng như phân chia quyền hưởng lợi gặp nhiều khó khăn, thậm chí xảy ra mâu thuẫn dẫn đến tình trạng phá rừng, đốt rừng lẫn nhau. Một số chủ rừng thuộc tổ chức Nhà nước được giao với diện tích quá lớn, diện tích được giao manh mún, không liền vùng, trong khi đó lực lượng bảo vệ rừng mỏng, không quản lý hết diện tích được giao dẫn đến rừng bị xâm hại. Một bộ phận hộ gia đình sống trên đất rừng, gần rừng vẫn thiếu đất sản xuất. Diện tích giao cho các hộ gia đình vào thời điểm giao hầu hết là đất trống, đồi núi trọc, rất ít diện tích rừng có trữ lượng, do đó khi đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả thấp, nguồn thu nhập từ rừng chưa tương xứng với tiềm năng, phần lớn các hộ làm nghề rừng đời sống vẫn khó khăn...

co-chinh-a2-1663803256770--n1.jpg
212 hộ dân đầu tiên tại Nghệ An đón nhận chứng chỉ FSC trồng và khai thác rừng lùng. Ảnh: Tá Chuyên

Nguyên nhân của những tồn tại, bất cập trên là do cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành trên cơ sở áp dụng triển khai thực hiện trên diện rộng, bao quát. Tuy nhiên, tại một số nơi do đặc thù về vùng, miền, điều kiện địa lý, dân sinh nên việc áp dụng các cơ chế, chính sách vẫn còn bộc lộ nhiều thiếu sót. Công tác tổ chức chỉ đạo được thực hiện theo nhiều cấp độ hành chính từ Trung ương đến tận thôn/bản có lúc chưa kịp thời, hiệu quả. Trình độ dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số hạn chế...

Nghệ An là một tỉnh nghèo, thu không đủ chi, do đó, việc bố trí ngân sách địa phương cho công tác giao đất, giao rừng gặp rất nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng nêu trên, ngoài việc nghiên cứu có cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện giao đất, giao rừng hiệu quả, đề nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí để địa phương làm tốt công tác này, góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách hiện hành của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc.