TRÁCH NHIỆM, SÁNG TẠO, HIỆU QUẢ
Vắt qua trọn gần 02 nhiệm kỳ, công tác trong cơ quan tham mưu, giúp việc Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng thời vinh dự là đại biểu, hoạt động kiêm nhiệm trong Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, tôi thực sự xúc động và ấn tượng trước sự trở trăn, tâm huyết của các cơ quan dân cử cấp huyện. Với hành lang pháp lý là các luật, nghị quyết hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đại biểu dân cử đã được quy định; Song, đi vào thực tiễn với nhiều điều kiện khác nhau, trong đó có những điều kiện đặc thù với không ít khó khăn thì hoạt động như thế nào để hiệu quả là cả vấn đề. Bằng sự trăn trở, tâm huyết trước trọng trách đại biểu của Nhân dân, đã có rất nhiều cách làm hay, sáng tạo, đổi mới, đem lại hiệu quả cao được chia sẻ.
Chất vấn - hoạt động của cơ quan dân cử rất được cử tri, dư luận quan tâm và là diễn đàn thể hiện rõ nhất bản lĩnh, trí tuệ của người đại biểu đã được Hội đồng nhân dân huyện Thanh Chương thực hiện trên quan điểm “Hỏi xoáy - Đáp không xoay”. Tinh thần đó nghĩa là đại biểu cần chất vấn xoáy sâu vào thực trạng vấn đề, xoáy sâu vào trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Còn người được chất vấn thì không được xoay lòng vòng, trả lời một cách chung chung mà đi thẳng vào vấn đề, rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm và lộ trình giải quyết các tồn tại. Ở Hội đồng nhân dân huyện Quỳnh Lưu, Thường trực lựa chọn 02 nội dung chính được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm, ngoài ra, đại biểu có thể chất vấn mở rộng đối với lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện, các phòng, ngành, các xã, thị trấn về bất kỳ nội dung nào mà đại biểu, cử tri thấy cần thiết.
Đối với chức năng giám sát, Hội đồng nhân dân huyện Nghi Lộc quyết tâm đi vào những vấn đề khó nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người dân là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lựa chọn đối tượng giám sát là những địa bàn có tỷ lệ tồn đọng chưa được giải quyết lớn, qua giám sát, Nghi Lộc trở thành đơn vị cấp huyện có tỷ lệ giải quyết đất tồn đọng cao nhất tỉnh. Đây cũng là sự tiếp nối nội dung mà Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, các ngành chức năng giải trình. Và trong khi chế tài để thực hiện kiến nghị sau giám sát đang là vấn đề còn nhiều bất cập, Hội đồng nhân dân huyện Yên Thành tranh thủ kịp thời sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng. Đây được xem là giải pháp rất quan trọng nhằm giúp cho Hội đồng nhân dân huyện giám sát đạt hiệu quả cao.
Tiếp xúc cử tri là hoạt động được hầu hết Hội đồng nhân dân cấp huyện đề cập bởi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cơ quan, đại biểu dân cử. Làm thế nào để khi đã tiếp xúc rồi tiếp nhận ý kiến của cử tri thì sau đó những nội dung được phản ánh, kiến nghị phải được giải quyết luôn là điều trăn trở đối với mỗi cơ quan, đại biểu dân cử các cấp. Từ trăn trở đó, nhiều cách làm hay, hiệu quả trong mỗi khâu từ tiếp nhận đến giám sát việc giải quyết đã được triển khai.
Ngoài hình thức truyền thống, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện Thanh Chương lắp đặt đường dây nóng để thường xuyên tiếp nhận ý kiến cử tri. Định kỳ hàng quý, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện tổ chức họp nghe tiến độ, kết quả giải quyết; chỉ đạo 06 tổ đại biểu Hội đồng nhân dân huyện giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trên địa bàn bầu cử.
Thường trực Hội đồng nhân dân huyện Quỳnh Lưu đổi mới công tác tổng hợp kiến nghị cử tri bằng hình thức chủ trì hội nghị liên tịch để thống nhất với Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, các tổ đại biểu trước khi chuyển nội dung cho cơ quan có thẩm quyền. Sau khi đã thống nhất và tiếp nhận, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo, phân công các phòng làm việc với cử tri, trả lời trực tiếp cử tri bằng văn bản.
Thường trực Hội đồng nhân dân huyện Nghi Lộc có sự đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri theo hướng tiếp cận thực địa, từ đó nắm rõ hơn nội dung cử tri kiến nghị. Định kỳ hàng quý nghe cơ quan chức năng báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri.
Địa phương để lại ấn tượng đậm nét nhất trong công tác này có thể kể đến là Thường trực Hội đồng nhân dân thị xã Hoàng Mai. Thường trực Hội đồng nhân dân thị xã có nhiều hình thức để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tiếp nhận kiến nghị cử tri. Đó là hoạt động tiếp xúc cử tri thường lệ, theo chuyên đề, qua hội nghị đối thoại, các buổi cùng dự sinh hoạt, hoạt động thăm tặng quà tại cơ sở… Kiến nghị được tổng hợp, phân loại theo lĩnh vực, đánh số thứ tự. Thường trực lựa chọn những kiến nghị bức xúc, phản ánh nhiều lần, được cử tri nhiều nơi quan tâm hay kiến nghị trả lời chung chung, chưa rõ ràng, chưa được giải quyết để giám sát. Cơ quan dân cử đồng hành cùng chính quyền và giám sát ngay trong quá trình giải quyết bằng cách lập các đoàn mời phòng ngành chịu trách nhiệm giải quyết cùng đi thực tế để nắm bắt chính xác nội dung kiến nghị, chỉ rõ những vướng mắc, khó khăn, hạn chế, nguyên nhân và xây dựng lộ trình giải quyết. Với cách làm này, kiến nghị được giải quyết dứt điểm hàng năm đạt từ 90% trở lên. Trong đó, có nhiều kiến nghị khó, tồn đọng kéo dài từ trước khi thành lập thị xã đã được giải quyết như: kiến nghị của 04 hộ dân đã được Ủy ban nhân dân xã Quỳnh Vinh bán đất trái thẩm quyền có thu tiền từ năm 1993 nhưng chưa được giao đất ngoài thực địa, kiến nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 21 hộ Đồng Trin đã thực hiện việc di dời, giải phóng mặt bằng từ năm 1996 để đầu tư xây dựng Nhà máy xi măng Hoàng Mai… Thường trực Hội đồng nhân dân thị xã chia sẻ, để kiến nghị cử tri được các cơ quan chức năng giải quyết nghiêm túc và đạt kết quả thì bản thân Thường trực, các Ban, tổ đại biểu và đại biểu phải xác định rõ giám sát kiên trì, đeo bám liên tục, không “đánh trống bỏ dùi”, không để kiến nghị cử tri bị “lãng quên” và “đi đến cùng sự việc”. Bên cạnh đó cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết và đại biểu.
Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ của cấp mình, Thường trực Hội đồng nhân dân các huyện, thành, thị còn rất quan tâm để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Vinh tổ chức giao ban hàng tháng, hàng quý với Thường trực Hội đồng nhân dân các xã, phường đánh giá kết quả hoạt động tháng trước, triển khai nhiệm vụ tháng tiếp theo; tổ chức tập huấn chuyên sâu “cầm tay chỉ việc” cho Thường trực, Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban Hội đồng nhân dân cấp xã về kỹ năng tổ chức hoạt động giám sát, thẩm tra, tổ chức kỳ họp v.v…; trực tiếp về địa bàn cơ sở để trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Và không chỉ hoạt động chuyên môn, công tác đảm bảo an sinh xã hội, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, thể hiện sâu sắc vai trò đại biểu của Nhân dân được Hội đồng nhân dân các cấp luôn chăm lo. Hàng năm, mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Quỳ Châu đóng góp 01 tháng phụ cấp để xây dựng các mô hình điển hình. Tính đến nay, đại biểu huyện đã quyên góp được hơn 40 triệu đồng hỗ trợ 02 bản khó khăn đầu tư hệ thống điện chiếu sáng an ninh. Giá trị vật chất có thể chưa nhiều nhưng tình cảm, trách nhiệm của đại biểu dân cử đã được cử tri, Nhân dân ghi nhận, trân trọng, đánh giá cao.
Dẫu vẫn còn đó nhiều khó khăn, những điều còn trăn trở nhưng tâm huyết và trách nhiệm đã, đang và sẽ là kim chỉ nam, là động lực để cơ quan dân cử các cấp không ngừng nỗ lực, đổi mới nhằm mục tiêu hoạt động ngày càng hiệu lực và hiệu quả hơn. Hẹn gặp lại tại Hội nghị tổng kết cuối nhiệm kỳ, hy vọng và tin tưởng rằng sẽ có rất nhiều những thành công để đại biểu và cơ quan dân cử khẳng định sự “tròn vai” trước cử tri và Nhân dân./.