Ý kiến 1: Cử tri đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu tham mưu HĐND tỉnh điều chỉnh chế độ một số chức danh cán bộ không chuyên trách xã và xóm theo Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND vì hiện nay xảy ra một số bất cập: sau sáp nhập xóm, khối công việc của cán bộ chi đoàn, chi hội nhiều hơn nhưng chế độ lại thấp. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát để điều chỉnh các bất cập và có hướng dẫn cụ thể việc chi trả chế độ hỗ trợ theo Quyết định số 14/QĐ-UBND ngày 27/5/2020 của UBND tỉnh, hiện nay các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện chi trả.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Mức phụ cấp theo Nghị Quyết số 22/2019/NQ-HĐND đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các cấp các ngành cân nhắc, bàn bạc kỹ lưỡng trên cơ sở đảm bảo không vượt quá mức khoán của Trung ương và tình hình ngân sách địa phương. Chủ trương sáp nhập xóm, khối, bản nhằm giảm bớt số lượng người hoạt động không chuyên trách và giảm bớt gánh nặng ngân sách. Nếu tăng phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách sẽ vượt quá quy định tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ. Tăng mức khoán cho người tham gia công việc của xóm, khối, bản sẽ rất khó khăn vì kinh phí này Trung ương không hỗ trợ mà trích từ ngân sách tỉnh và mức chi bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc và các hoạt động khác của xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh (được quy định tại Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND và Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND) là hoàn toàn phù hợp khả năng cân đối ngân sách tỉnh cũng như phù hợp khi so sánh với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội tương đương. Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã cân nhắc, bàn bạc kỹ lưỡng trước khi quyết định nội dung này.

Căn cứ Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND ngày 27/5/2020 về mức chi bồi dưỡng và quy trình thực hiện mức chi bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đây là quy định mới nên việc triển khai ở một số địa phương còn chậm, lúng túng và có một số khó khăn vướng mắc. UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành chuyên môn hướng dẫn các huyện, thành, thị giải quyết.

Điều 3 Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND ngày 27/5/2020 của UBND tỉnh đã hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện mức chi bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của xóm từ công tác lập dự toán, chấp hành dự toán, quyết toán và kiểm tra giám sát để các địa phương thực hiện. Sau khi có ý kiến từ cơ sở về các vấn đề liên quan đến Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh, Sở Tài chính đã ban hành Hướng dẫn số 3288/STC.HX ngày 18/9/2020 trong đó chỉ rõ việc không yêu cầu phải chấm công, đồng thời bổ sung một số biểu mẫu sẵn để thuận lợi trong việc thực hiện chi trả. Đến nay, theo báo cáo, các huyện thành thị đã thực hiện tốt việc chi trả cho các đối tượng .

Ý kiến 2: Cử tri đề nghị xem xét lại việc cắt giảm phụ cấp kiêm nhiệm của chức danh Chủ tịch HĐND cấp xã.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ: “ Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức danh mà giảm được 01 người trong số lượng quy định, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm gồm: 50% mức lương (bậc 1), cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) của chức danh kiêm nhiệm. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh (kể cả trường hợp Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân) cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm. Như vậy Cán bộ cấp xã kiêm Chủ tịch HĐND xã mà số lượng cán bộ, công chức không giảm theo quy định thì không được hưởng chế độ kiêm nhiệm, chỉ khi nào số lượng cán bộ, công chức thấp hơn so với quy định thì cán bộ kiêm nhiệm thêm chức danh khác mới được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm.

Ý kiến 3: Cử tri phản ánh việc đa số các đối tượng hoạt động không chuyên trách ở xóm, bản trên địa bàn huyện miền núi đã được hưởng chính sách cấp thẻ BHYT đối với người dân tộc thiểu số, người sống ở khu vực đặc biệt khó khăn. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu đối với các đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở các khối, xóm, bản (đặc biệt là các thôn, bản ở các huyện vùng núi cao, biên giới, vùng dân tộc thiểu số) đã được hưởng chính sách cấp thẻ BHYT từ các chương trình khác thì "trả nguyên hệ số phụ cấp" tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 22/2019/NQ-HĐND bao gồm cả phần hỗ trợ BHYT.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Việc quy định mức phụ cấp và chế độ hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế được quy định tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ, cụ thể tại “Điều 14. Phụ cấp và khoán kinh phí đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã: Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội và chế độ bảo hiểm y tế. Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp, bao gồm cả hỗ trợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn như sau:

a) Loại 1 được khoán quỹ phụ cấp bằng 16,0 lần mức lương cơ sở;

b) Loại 2 được khoán quỹ phụ cấp bằng 13,7 lần mức lương cơ sở;

c) Loại 3 được khoán quỹ phụ cấp bằng 11,4 lần mức lương cơ sở”.

Căn cứ Nghị định 34/2019/NĐ-CP, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị Quyết số 22/2019/NQ-HĐND trong đó quy định cụ thể mức phụ cấp cho từng chức danh bao gồm cả hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Như vậy, các đối tượng đã được nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế từ các chế độ, chính sách khác của Nhà nước thì không hưởng thêm một lần nữa.

Ý kiến 4: Cử tri phản ánh việc cắt giảm chức danh cán bộ Thú ý xã là không phù hợp đối với địa bàn miền núi rộng lớn, đề nghị HĐND tỉnh xem xét, tiếp tục cơ cấu chức danh này, trên địa bàn tỉnh nên cắt giảm theo đặc thù vùng miền, chứ không nên cắt giảm đại trà như hiện nay, gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý dịch bệnh trên địa bàn như trong thời gian qua.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tại Kết luận số 134-KL/TU ngày 5/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An nêu rõ: Không bố trí chức danh bảo vệ thực vật, thú y. Nhiệm vụ này thực hiện theo hình thức xã hội hóa đặt dưới sự quản lý của chính quyền cơ sở và cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.

Ngày 12/12/2019, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị Quyết số 22/2019/NQ-HĐND, trong đó ưu tiên bố trí các chức danh cấp phó Đảng, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, nhiệm vụ của các chức danh tinh giảm được bố trí kiêm nhiệm hoặc giao cho công chức đảm nhiệm. Cụ thể, nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách Thú y, Bảo vệ thực vật trước đây được giao cho công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng & Môi trường (phụ trách nông nghiệp) đảm nhiệm.

Tiếp thu ý kiến phản ánh của cử tri, tại cuộc họp UBND tỉnh tháng 02/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu Ban cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét một số vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách chức danh thú y cấp xã.

Ý kiến 5: Cử tri kiến nghị trước đây theo Nghị quyết số 115/2014/NQ-HĐND ngày 12/12/2014 của HĐND tỉnh chi trả kinh phí cho Tổ dân vận khối, xóm, bản là 2.000.000đ; nay sau khi sáp nhập, không được chi trả cho công tác dân vận nữa. Đề nghị UBND tỉnh xem xét tiếp tục hỗ trợ.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Nghị định số 34/2019/NĐ-CP quy định tại điều 14a “Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 03 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận. Người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố ngoài 03 chức danh nêu trên không hưởng phụ cấp hàng tháng mà được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác (nếu có)”. Vì vậy, người tham gia công tác dân vận ở xóm, khối, bản chỉ được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia công việc của xóm, khối, bản và kinh phí lấy từ nguồn đã khoán cho xóm, khối, bản theo Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh./.

Thu Nguyễn

Phòng Dân nguyện – Thông tin

(Tổng hợp)