Xây dựng Nghệ An phát triển nhanh và bền vững, toàn diện, tương xứng với vai trò, vị trí, tiềm năng, lợi thế có ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực đối với tỉnh, vùng và cả nước.

bna-0985-9848.jpg Toàn cảnh cầu Cửa Hội nối Nghệ An và Hà Tĩnh. Ảnh: Thành Duy

NHẬN THỨC, CÁCH TIẾP CẬN MỚI CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NGHỆ AN

Thời gian vừa qua, Tỉnh ủy Nghệ An và các bộ, ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tổng kết 10 thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 30/7/2013, về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An theo kế hoạch đề ra và hoàn thành Báo cáo tổng kết của địa phương, đơn vị mình gửi về Ban Chỉ đạo.

Trên cơ sở các báo cáo tổng kết của 19 ban cán sự Đảng các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và Báo cáo tổng kết của Tỉnh ủy Nghệ An; kết quả hội thảo, tọa đàm, khảo sát thực tế và ý kiến của lãnh đạo tỉnh Nghệ An qua các thời kỳ và các viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học; Dự thảo Báo cáo tổng kết, Tờ trình và Nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã cơ bản hoàn thiện.

bna-img-9907-4678.jpg Hội nghị lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW tổ chức tại Hà Nội ngày 29/3 vừa qua. Ảnh: Thành Duy

Vừa qua, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW tổ chức hội nghị lần cuối để góp ý các nội dung trên, để các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục tham gia ý kiến, thống nhất các nội dung giúp Thường trực Tổ Biên tập tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm của Đề án và báo cáo Bộ Chính trị theo kế hoạch đề ra, dự kiến vào giữa tháng 4/2023.

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương cho biết: Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW gồm 4 phần: Tình hình triển khai thực hiện; đánh giá thực hiện; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; kiến nghị và tổ chức thực hiện.

bna-img-9921-7200.jpg Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương trình bày các nội dung trong Dự thảo Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Để hoàn thành khối lượng công việc trên là nỗ lực rất lớn của Ban Chỉ đạo, Tỉnh ủy Nghệ An và các bộ, ngành. Bởi thực tiễn từ khi triển khai đến nay mới chỉ khoảng 1 năm, trong khi khối lượng công việc cần thực hiện là rất lớn.

Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá: Với kinh nghiệm, thực tiễn 10 năm triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW, Tỉnh ủy Nghệ An có những cơ sở, nhận thức rất rõ nét trong các tồn tại, thành tựu trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

Thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành các nghị quyết rất quan trọng, đặc biệt là: Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; và đặc biệt là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đã tạo ra những nhận thức mới, có những cơ sở, luận điểm, nội dung, yêu cầu, cách tiếp cận mới cho sự phát triển của Nghệ An trong khuôn khổ phát triển của vùng, cũng như của cả nước.

bna-img-9951-9038.jpg Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW tổ chức tại Hà Nội ngày 29/3 vừa qua. Ảnh: Thành Duy

Bên cạnh những thuận lợi đã chỉ ra, quá trình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW và xây dựng dự thảo Nghị quyết mới về Nghệ An để trình Bộ Chính trị xem xét, Ban Chỉ đạo đã căn cứ nguyên tắc quan trọng là phải đảm bảo trong khuôn khổ nghị quyết vùng, quốc gia.

Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá, việc xây dựng các dự thảo Báo cáo tổng kết, Tờ trình, Nghị quyết mới về Nghệ An, Ban Chỉ đạo và các cơ quan, địa phương liên quan đã rất nỗ lực, tích cực, trách nhiệm, tâm huyết, sâu sắc, đảm bảo được yêu cầu đề ra cho một Nghị quyết với một tỉnh đặc biệt như tỉnh Nghệ An.

HƯỚNG ĐẾN 2 MỤC TIÊU CƠ BẢN

Xuất phát từ thực tiễn công tác, kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, các thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và Tỉnh ủy Nghệ An đã có nhiều ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm đóng góp cụ thể với các dự thảo văn bản.

bna-mot-goc-thanh-pho-vinh-nghe-an-anh-thanh-duy-2427.jpg Một góc thành phố Vinh với núi Dũng Quyết. Ảnh: Thành Duy

Các ý kiến tham gia tại hội nghị vừa qua đi thẳng vào những kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế trong tổ chức triển khai Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; gợi mở nhiều vấn đề mới, cần thiết bổ sung vào các dự thảo Báo cáo, Tờ trình, Nghị quyết mới.

Đặc biệt, các ý kiến đều chung quan điểm: Nghệ An là tỉnh có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ và cả nước; nhất là về chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững, toàn diện, tương xứng với vai trò, vị trí, tiềm năng, lợi thế có ý nghĩa nhiều mặt đối với tỉnh, vùng và cả nước.

bna-khu-cong-nghiep-vsip-nghe-an-anh-thanh-cuong-7936.jpg Toàn cảnh Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Do đó, việc xác lập mục tiêu, công thức phát triển cho Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vừa đảm bảo phù hợp, vừa có tính tiến công, thể hiện được quan điểm trên là rất quan trọng, để Nghệ An sớm đạt được 2 mục tiêu cơ bản là trở thành tỉnh khá, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ và trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ trên các lĩnh vực như: Thương mại, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tại cuộc làm việc vừa qua, Ban Chỉ đạo tiếp tục đồng ý, thống nhất cao kiến nghị về ban hành Nghị quyết mới của Bộ Chính trị đối với phát triển của tỉnh Nghệ An. Việc ban hành Nghị quyết khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Nghệ An đối với vùng và cả nước, trách nhiệm đối với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo sự thống nhất trong nhận thức của tất cả các cấp, các ngành.

bna-muong-long-3-5961.jpg Khung cảnh xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Ảnh: Thành Cường

Nghị quyết mới sẽ mở đường cho việc đưa ra những giải pháp mới đột phá để thu hút nguồn lực cả vật chất và tinh thần để xây dựng, phát triển Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, sinh thái, văn minh và hiện đại, mang đậm chất bản sắc văn hóa xứ Nghệ, là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, kinh tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, để Nghị quyết mới (nếu được Bộ Chính trị ban hành) sớm đi vào thực tiễn, hiệu quả thì rất cần Ban Cán sự Đảng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện; thẩm định và ban hành Quy hoạch phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nghiên cứu, bổ sung trình Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù và bổ sung nguồn lực để phát triển tỉnh Nghệ An đạt được các mục tiêu đặt ra của Nghị quyết.

bna-4107-6317.jpg Một góc thị xã biển Cửa Lò vào mùa khai hội du lịch. Thị xã Cửa Lò sắp tới sẽ sáp nhập vào TP. Vinh để mở rộng không gian đô thị, địa giới hành chính, xây dựng TP. Vinh là đô thị biển. Ảnh: Thành Cường

Các bộ, ngành có liên quan giải quyết các đề xuất, kiến nghị của tỉnh. Đồng thời, Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan và điều chỉnh, bổ sung, bố trí ngân sách triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết.

Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương giao Thường trực Tổ Biên tập tiếp tục tổng hợp các ý kiến để chắt lọc, bổ sung, điều chỉnh để hoàn thiện Dự thảo Báo cáo, Tờ trình và Nghị quyết mới để trình Bộ Chính trị đảm bảo đúng thời gian, tiến độ đề ra.

Thành Duy