Đến đời vua Lý Thái Tông (1028 – 1054), Vua ủy quyền cho Thái tử giải quyết kiện cáo của dân nhưng phải tâu lại với vua. Năm 1029 nhà vua cho đặt 2 bức tả, hữu thần rồng là điện Văn Minh và điện Quan Vũ mỗi bên một chuông, gọi là lầu chuông để dân được đánh chuông lớn vào kê kiện. Năm 1033 Vua lại cho đúc chuông vạn cân ở lầu Long Từ để ai có oan trái thì tới đánh chuông. Thời vua Lý Anh Tông (1138 – 1175) năm 1158 Vua cho đặt 1 hòm gỗ ở sân rồng để nhận đơn khiếu kiện của dân.

Đến triều đại Lê Sơ (1428 – 1527) việc giải quyết khiếu kiện của nhân dân được quy định trong “Quốc triều khám trong điều lệ”. Bao gồm các quy định như: trình tự khiếu kiện, đáng chú ý là cuốn khiếu kiện vượt cấp: “Các việc kiện tụng chưa chưa kinh qua lần khám nào đã khiếu nại vượt cấp thì các nha môn đều không được nhận khám”… Trường hợp bị người quyền quý ức hiếp thiệt hại nặng, cùng các trường hợp oan ức, không biết khám lệ ở nha môn nào, không còn con đường nào kêu cầu, các trường hợp đã qua công luật phúc đính nhưng chưa giải tỏ được lý thì mới cho khua chuông gióng mõ mà kêu”.

Ở Điều 672 Quốc triều Hình luật, chương Đoán ngục nêu: “Dân trong lộ, trong huyện có việc tranh kiện nhau, việc rất nhỏ kiện đến quan, việc nhỏ kiện đến lộ quan, việc vừa thì đến kiện ở quan phủ; các quan kể trên phải xét xử cho công bằng, đúng pháp luật; nếu việc lớn thì phải đến kinh. Nếu xã quan xử không hợp nhẽ thì mới đến kinh tâu bày. Nếu trái luật này thì xử tội chượng hoặc tội biếm. Tố cáo những việc mưu phản ngịch thì không theo luật này”.

Đến thời vua Lê – Chúa Trịnh, Chúa Trịnh Cương và Trịnh Doanh đều có biện pháp dựng bảng, đặt chuông, mõ ở phủ đường để dân phản ánh nỗi oan khuất. Năm 1751, Trịnh Doanh còn cho dân viên thư dán kín ghi rõ địa chỉ và nỗi oan khuất gửi lên phủ Chúa. Năm 1683 Chúa Trịnh Căn cũng Ban lệnh việc khiếu tố phải theo đúng cấp quy định. Hễ ai kiện cáo vượt bậc thì phạt 20 quan tiền, viên quan nào nhận đơn kiện vượt cấp cũng bị phạt như vậy. Nha môn nào việc đáng phải nhận mà không nhận hoặc nhận mà không xử hoặc nha môn nào việc không thuộc quyền cũng cứ nhận và cứ xử thì cũng bị phạt.

Về thời hiệu khiếu tố, thời nhà Lý quy định cho từng loại việc, Ví dụ: Ruộng đất bỏ hoang bị người khác cày cấy trong vòng 1 năm nếu khiếu kiện đòi lại thì được giải quyết, quá hạn 1 năm thì không giải quyết. Những việc kiện bộ máy quan lại tham nhũng thì không có giới hạn về thời gian.

Thời nhà Lê Sơ các việc kiện tụng về ruộng đất, về trộm cướp được quy định hạn trọng 3 tháng; những việc kiện về hộ khẩu, hôn thú được quy định hạn trong 2 tháng. Trách nhiệm giải quyết do xã quan, lộ quan, huyện quan thực hiện. Ở các trấn thì do quan thừa ti, trấn thủ giải quyết. Nếu việc giải quyết người đi kiện chưa tâm phục khẩu phục thì được giải quyết phúc thẩm tại Ngự Sử Đài.

Người được giao giải quyết phải công minh, chính trực, liêm khiết. Trong triều đại phong kiến Việt Nam đã ghi danh nhiều ông quan thanh liêm như: thời Lý có Lý Đạo Thành; thời Trần có Nguyễn Trung Ngạn, Đoàn Nhữ Hải, Phạm Tông Mai; thời Lê có Nguyễn Trãi, Phân Thiên Tước; Thời vua Lê – Chúa Trịnh, và thời Trịnh Nguyễn phân tranh có các quan Đô ngự sử công minh chính trực như Lê Trạc Tú, Giám Hải…

Ngẫm xưa, nghĩ nay càng thấy việc kế thừa, học tập những cách thức cai quản xã hội, chọn người để giao việc của ông cha ta (trong đó có việc thụ lý và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo) cần phải luôn luôn coi trọng./.

Nguyễn Xuân Diên