nguyen-the-quang-vanvn-2.jpg
Nhà văn Nguyễn Thế Quang

Với 280 trang sách do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành, Nguyễn Thế Quang đã tái hiện lại hình ảnh bà Hoàng Thị Loan từ khi bà sống với gia đình ở quê nhà Kim Liên, Nam Đường (Nam Đàn) đến khi bà đưa các con theo chồng là ông Nguyễn Sinh Sắc vào Trường Quốc Tử Giám tại Kinh thành Huế chuẩn bị cho kỳ thi tiếp theo của ông, cho đến khi bà qua đời tại đây vì bệnh tật. Bà mất lúc con rất trẻ. Khi đó ông cử Nguyễn Sinh Sắc đang dở dang trong việc thi cử, mãi cho tới sau khi bà mất sáu năm ông mới đậu Phó Bảng... và cậu bé Nguyễn Sinh Cung mới chuẩn bị đến tuổi vào học ở Trường Quốc học Huế. Bà mất trong sự gần gũi chia sẻ, chăm sóc, tiếc thương của bà con láng giềng và bạn bè tại Kinh thành Huế. Bà mất sau khi đã được gặp người đồng hương Phan Bội Châu vừa hết hạn tù bị giam lỏng từ quê vào chuyển quà của thân mẫu bà Loan từ Nam Đường gửi vào.

picture1.jpg
Tiểu thuyết lịch sử "Khúc hát những dòng sông"

Với bút pháp kể chuyện theo thứ tự thời gian, cuốn tiểu thuyết được Nguyễn Thế Quang chia làm 4 phần:

Phần thứ nhất: Quê nhà (từ Chương 1 đến Chương 3): đây là thời gian bà Hoàng Thị Loạn ở độ tuổi gần ba mươi đã có ba con. Bà là một người phụ nữ thông minh, sắc sảo, đẹp nết, đẹp người, là một người vợ đảm đương việc nhà thương chồng, thương con hết mực: “Cô ta trạc hai mươi bảy, gương mặt tươi tắn, đầu vấn lọn tóc nhiễu tím tròn lẵn để lộ chòm đuôi gà rung rung vừa trẻ trung, vừa duyên dáng. Mái tóc đen mượt rẽ sang hai bên để lộ một vầng trán rộng mà thanh tú. Dưới đôi mày đậm là đôi mắt sáng, trong trẻo nhìn vào ta bắt gặp sự thông minh, dịu dàng nhưng kiên định …”. Bà siêng năng trồng dâu, dệt vải nuôi con, chăm lo cho chồng học hành, thi đậu cử nhân và đang dự kỳ thi tiếp theo. Vì trọng hiền tài nên bà chọn lấy ông Nguyễn Sinh Sắc một thanh niên dù phải mồ côi cha mẹ nhưng có chí học hành làm chồng chứ không chọn người đàn ông khác con nhà giàu có ở Phù Long (xã Hưng Long - huyện Hưng Nguyên bấy giờ). Bà được nuôi dưỡng và lớn lên trong một gia đình cha mẹ có học vấn, có kỷ cương nề nếp, trong một vùng quê sơn thủy hữu tình, có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm bên bờ sông Lam (Nơi có núi Thiên Nhẫn chạy từ bên nước Lào xuống.. có thành Lục Niên do Đức vua Lê Lợi cùng tướng sỹ và lính tráng đắp lên chống giặc Minh. Gần đó là nơi ở của cụ La Sơn Nguyễn Thiếp, người đã vạch mưu cho Quang Trung đánh thắng giặc nhà Thanh). Một vùng quê đã sinh ra những thanh niên có chí hướng và học hành đậu đạt như Giải San (Phan Bội Châu)…

8-lang-hoang-tru-que-ngoai-bac-ho-mytour-1.jpg
Làng Hoàng Trù quê ngoại Bác Hồ

Phần thứ hai: Đường vô xứ Huế (từ Chương 4 đến Chương 6): kể lại cảnh bà Loan cùng chồng và hai con Khiêm và Cung rời quê qua Tiên Điền (Hà Tĩnh). Nơi có những bà mẹ đã được Vua Tự Đức phong cho là người mẹ “Tiết hạnh khả phong” đã chịu thương chịu khó nuôi con đậu đạt trở thành kẻ hiền tài rạng danh quê hương, đất nước như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ … Đi qua Đèo Ngang gia đình bà Loan gặp đền thờ liệt nữ Nguyễn Thị Minh Châu, người có đức hạnh cao, hy sinh mình để cứu đội quân hàng nghìn người của nhà vua trên đường đi đánh Chiêm Thành bị gặp nạn thoát khỏi hiểm nguy… Sau đó vào Quảng Trị họ đi qua sông Ô Lâu nơi đã ghi lại câu chuyện cảm động về một người vợ đã chờ đợi mãi một người chồng vào kinh đi thi nhưng không thấy về. Khi chồng về thì người vợ đã qua đời … Vẻ đẹp của những danh nhân, của những người mẹ, những người phụ nữ mà bà Hoàng Thị Loan đã gặp và nghe kể trên đường đi đã tạo thêm động lực, sức mạnh cho Bà trong hành trình hi sinh khó nhọc, giúp chồng, chăm lo sự nghiệp cho chồng và nuôi dạy con cái nên người.

Phần thứ ba: Giữa chốn Kinh thành (Chương 7 đến Chương 17): kể lại những ngày đầy khó khăn mệt nhọc vật lộn để kiếm sống nuôi con và chăm lo cho chồng ăn học của bà Loan tại kinh thành Huế. Đó là những ngày bà tiếp tục dệt vải đem ra bán ở chợ Đông Ba để kiếm tiền đong gạo nuôi gia đình. Là những ngày chồng bà - ông Cử Nguyễn Sinh Sắc phải đi dạy thêm để có thêm tiền giúp vợ nuôi con và lo cho mình ăn học chuẩn bị cho kỳ thi.

76d6080253t80019l0.jpg
Khung cửi dệt vải là công cụ lao động của thân mẫu Bác Hồ

Đây là những ngày gia đình bà Loan gặp được những ân nhân mới. Họ đã tận tình giúp đỡ gia đình bà Loan trong những ngày khốn khó và họ cũng là những người có mặt bên cạnh bà và các con bà sớm nhất, chăm sóc bà Hoàng Thị Loan trong những ngày cuối cùng bà đau đớn trong bệnh tật. Với ngòi bút miêu tả nội tâm tài hoa, giàu sức biểu cảm, cuốn hút, thuyết phục người đọc, Nguyễn Thế Quang đã có những trang miêu tả hết sức thành công về đời sống nội tâm phong phú, nhân cách sáng ngời của bà Hoàng thị Loan. Một người mẹ có vai trò rất lớn trong việc hình thành phẩm chất yêu nước và trí tuệ anh minh của con trai mình là Nguyễn Sinh Cung. Con trai bà sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, lãnh tụ thiên tài và vĩ đại của đất nước, Nhân dân Việt Nam.

Cũng tại Kinh thành, bà Hoàng Thị Loan với nhan sắc và đức độ của mình đã lọt vào mắt của một vị quan lại trong triều. Đó là gã Quản Cơ trong Tử Cấm Thành. Gã này đã định chiếm đoạt thân thể bà trong một lần ông Nguyễn Sinh Sắc và các con bà đi vắng. Nhưng với bản lĩnh và sự khôn ngoan của một người đàn bà có nghị lực, trọng nhân cách, bà đã đầy lùi âm mưu mờ ám của vị quan triều nói trên. Sự việc này đã khẳng định thêm nhân cách thủy chung sáng ngời Bà. Điều rõ nét hơn cả trong những trang miêu tả thời gian sống ở Huế của bà Loan là việc tại đây một lần nữa bên một dòng sông Hương thơ mộng và tươi đẹp, bà Loan đã nhận ra sự lóe sáng của một trí tuệ thông minh và lòng yêu nước đã nảy nở trong người con của mình, đó là Nguyễn Sinh Cung. Bà đã có dự định cho con mình vào học Trường Quốc học Huế, một trường học dạy những kiến thức mới mẻ hiện đại, có thể giúp học sinh mở rộng tầm nhìn ra khắp thế giới, khác với các nhà trường khác ở Việt Nam đang dạy chương trình theo lối “tầm chương trích cú”. Cũng trong thời gian kể lại cuộc sống của gia đình bà Loan sống ở Huế, Nguyễn Thế quang đã có những trang miêu tả và kể chuyện về việc Nguyễn Sinh Cung nhận ra bộ mặt hống hách của bọn quan lại người Pháp và nổi khổ nhục vì bị nô lệ của đồng bào mình. Đó là những ngọn lửa đầu tiên thắp sáng lòng yêu nước và khát vọng giải phóng đất nước giúp cho đồng bào và dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của Nguyễn Sinh Cung.

Phần thứ tư: Vĩ thanh: Là phần kể thêm thời gian trưởng thành của Nguyễn Sinh Cung. Đó là những ngày của tháng 7 năm 1920, khi Nguyễn Sinh Cung đã là Nguyễn Ái Quốc sang Pháp tìm đường cứu nước. Tác giả chỉ phác họa lại một khoảng thời gian đặc biệt trên con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc đó là lúc người bắt gặp “Dự thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.lLê nin. Khi gặp luận cương Lê nin, Nguyễn Ái Quốc ra bờ sông Seine đề nhìn ra thế giới với một niềm vui sướng vô bờ.

Thêm phần vĩ thanh này Nguyễn Thế Quang muốn tạo nên một khung cảnh mới để khẳng định thêm những ước nguyện của bà Hoàng thị Loan đến thời điểm này đã trở thành hiện thực. Con trai bà từ dòng sông Lam quê nhà được mẹ dìu dắt đã đi qua các dòng sông Nhật Lệ ,.. sông Hương, sau đó bằng nghị lực Nguyễn Sinh Cung đã học xong chương trình ở Trường Quốc học Huế và tiếp tục đi qua các dòng sông khác trong nước để đi đến sông Sài Gòn. Từ sông Sài Gòn Nguyễn Sinh Cung vượt biển cả, nay đã đến được bên bờ một con sông lớn nhất trên thế giới là sông Seine của nước Pháp. Tác giả muốn khẳng định thêm Nguyễn Sinh Cung đã ra được biển lớn, đã đến được những dòng sông lớn, tiếp nhận trí tuệ của nhân loại, sau này trở thành lãnh tụ vĩ đại của dân tộc của quốc tế thì không thể không nhờ vào việc đã có được sự vun xới, chăm lo định hướng từ tấm lòng thương yêu từ một người mẹ, từ một gia đình như sự bồi đắp phù sa của những dòng sông. Dòng sông của lòng yêu thương. Dòng sông của trí tuệ nhân loại.

Đọc toàn bộ tiểu thuyết lịch sử Khúc hát từ những dòng sông của Nguyễn Thế Quang người đọc sẽ thấy được cuộc sống ấm áp của gia đình bà Hoàng Thị Loan. Thấy được lòng yêu thương của những người thân trong gia đình của những người bạn bè thân nhân trên quê hương của Nam Đàn đối với bà Hoàng Thị Loan và ông Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc. Đặc biệt người đọc hết sức cảm động trước tấm lòng đầy thương yêu trách nhiệm đối với chồng con của là bà Hoàng Thị Loan. Chính người mẹ này cùng với gia đình, quê hương đã là những dòng sông mát lành nuôi dưỡng chí hướng, bồi đắp trí tuệ và nghị lực sống để sau này cậu bé Nguyễn Sinh Cung trở thành vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và của phong trào Cộng sản Quốc tế.

Cái đáng ghi nhận về nghệ thuật viết tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Thế Quang là nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật. Nguyễn Thế Quang đã có những trang miêu tả thật thành công về nhân vật bà Hoàng Thị Loan trong thời gian bà sống ở quê nhà và quãng thời gian bà sống và qua đời ở Kinh Đô Huế: đó là cảnh bà đi hái dâu bên bờ sông Lam khi bà đang làm lụng ở quê để nuôi con và chăm sóc chồng học hành thi cứ. Đó là cảnh đêm bà chống lại hành động bi ổi của gã Quản Cơ quan lại triều đình là người trong Tử Cấm Thành. Là cảnh bà Hoàng Thị Loan ra ngắm sông Hương trước ngày bà qua đời, cảnh Nguyễn Ái Quốc hồ hởỉ mở rộng tầm nhìn bên bờ sông Seine sau ngày bắt gặp luận cương của V.LLenin

Có thể khẳng định nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn và nghệ thuật miêu tả nhân vật của Nguyễn Thế Quang đã lột tả thành công hình tượng người phụ nữ đẹp nhất - Người mẹ Làng Sen.

Tuy nhiên trong tiểu thuyết lịch sử “Khúc hát những dòng sông” còn có một số câu văn miêu tả mà Nguyễn Thế Quang vẫn dùng các từ còn nặng sắc thái của ngôn ngữ khẩu ngữ. Nếu khắc phục được điểm này ngôn ngữ của tiểu thuyết Trần Thế Quang sẽ đạt kết quả thẩm mỹ cao hơn khi đến với người đọc./.