Hàng trăm tờ trình “ích nước lợi dân”

hs-ho-ba-quynh-1666755513-7352.jpg

Chân dung Tiến sĩ Hồ Bá Quỳnh. Ảnh nguồn: Báo Tiền Phong

Tiến sĩ Hồ Bá Quỳnh sinh năm 1931 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Phú Ða, nay là xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu. Ông là hậu duệ của cụ tổ họ Hồ là Hồ Hưng Dật (Trạng nguyên), một dòng họ "Vạn đại vị dân" (Vạn năm vì dân).

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông về công tác tại Sở Vật giá - Tài chính tỉnh Nghệ An cho đến lúc về hưu vào đầu năm 2001. Nghề chính, chuyên môn chính của của ông là "nghề vật giá", nhưng ông đã đi sâu nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, lịch sử, xã hội, kiến trúc... Lần lượt các tờ trình của ông về các vấn đề có tầm "vĩ mô" của ông được gửi đến các cơ quan, các nhà lãnh đạo từ địa phương đến Trung ương. Nội dung các tờ trình đó bày tỏ quan điểm của ông với những tính toán logic, khoa học, cách làm cụ thể (như những kế sách) để thực hiện những ý tưởng nhằm xây dựng đất nước phồn vinh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh theo đường lối của Ðảng.

bna-1-7670.jpg

Ông sinh ra ở miền đất khoa bảng, trong dòng họ rạng danh khoa cử ở huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Thanh Phúc

Có thể kể đến các đề xuất táo bạo như: "Bỏ thuế vùng thuế thấp" gửi tới Ðại hội toàn quốc của Ðảng năm 1981; "Cấp học bổng cho sinh viên sư phạm" (1992); vấn đề "Bán nhà chung cư cho người sử dụng" (1992)... Hoặc trước đó, trong những năm từ 1965 đến 1985, ông đã đề xuất việc thực hiện "bù chênh lệch giá vào lương", "giảm lãi suất cho người nghèo vay vốn"; "bỏ thuế sát sinh"; "chuẩn bị cho thị trường chứng khoán"; "hình thành ngân hàng thương mại cổ phần và các doanh nghiệp tư nhân"; "thức dậy tiềm năng lao động trí óc bằng con đường chiêu hiền đãi sĩ"; "tôn trọng bản quyền tác giả"... cùng các đề xuất xây dựng công trình văn hóa, di tích lịch sử ở Nghệ An và Thủ đô Hà Nội.

Hoặc nhiều tờ trình mang tính vĩ mô như: Tờ trình số 154/2010-HBQ ông viết ở TP Hồ Chí Minh gửi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc “chống sự hình thành một số cơn bão trên Thái Bình Dương”; “khoét đất xây đường hầm từ đất liền ra đảo Ngư”…

thi-xa-hoang-mai-huong-toi-do-thi-du-lich-bien-hinh-anh-1-5788.jpg

Thị xã Hoàng Mai nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu: Nhật Thanh

Khoảng năm 1996, ông đề xuất xây dựng thị xã Hoàng Mai (huyện Quỳnh Lưu) làm vệ tinh cho TP Vinh. Theo ông, nằm ở cửa ngõ phía Bắc Nghệ An, Hoàng Mai sẽ thu hút đầu tư nếu lên thị xã, làm vệ tinh cho TP Vinh. Năm 2013, tỉnh Nghệ An công bố quyết định thành lập thị xã Hoàng Mai.

Trong tổng số gần 200 tờ trình, đề xuất đó của ông, có những ý tưởng, đề xuất đã được áp dụng vào thực tiễn, tiết kiệm ngân sách nhà nước, đưa lại lợi ích cho nhân dân. Nhiều ý tưởng, sáng kiến của ông được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao, được cấp Bằng “Lao động sáng tạo”... Song với ông, “có lợi cho đất nước, có ích cho nhân dân thì làm” chứ ông chưa bao giờ màng đến danh vọng, tiền tài hay mong đợi bổng lộc từ những ý tưởng, sáng kiến đó của mình…

Cha đẻ của “hưu nông dân”

bna-bhnd-7248--n1.jpg

Người nông dân biết dựa vào đâu khi bóng xế, tuổi già khiến ông luôn day dứt, trăn trở, thôi thúc ông nghiên cứu đề án “Bàn về chế độ hưu cho người nông dân, kể cả lâm dân, ngư dân, diêm dân và người lao động ngoài quốc doanh”. Ảnh: Thanh Phúc

Xuất thân từ dòng họ Hồ (Quỳnh Lưu) rạng danh khoa cử nhưng gốc gác nông dân, từng một nắng hai sương gắn bó với ruộng đồng, Tiến sĩ Hồ Bá Quỳnh luôn nặng lòng với nông dân, trăn trở với những thiệt thòi mà nông dân phải gánh chịu, trong đó là vấn đề chế độ lương hưu cho những người nông dân “một nắng hai sương”. “Công chức thì khi nghỉ hưu, có lương; người nông dân biết dựa vào đâu khi bóng xế, tuổi già?” - Trăn trở đó đã thôi thúc ông gần 30 năm tìm hiểu, dày công nghiên cứu, theo đuổi đề tài khoa học bàn về chế độ hưu cho người nông dân. Năm 1992, ông đặt bút viết đề án “Bàn về chế độ hưu cho người nông dân, kể cả lâm dân, ngư dân, diêm dân và người lao động ngoài quốc doanh”, đến tháng Giêng năm 1993 thì hoàn thành. Ðề tài này ông đã bảo vệ thành công, nhận học vị Phó Tiến sĩ vào ngày 4/7/1994 tại Hội đồng chấm luận án quốc gia với 10/10 phiếu thuận.

bna-trao-so-cho-ba-con-5245.jpg

Hiện rất nhiều nông dân Nghệ An đã được hưởng chế độ lương hưu từ đề án của ông. Ảnh: Thanh Phúc

Đề án “Hưu nông dân” của Tiến sĩ Hồ Bá Quỳnh được đánh giá là công trình có ý tưởng hết sức sáng tạo, độc đáo dựa trên cơ sở khoa học quản lý kinh tế, là biện pháp hữu hiệu thực hành quốc sách tiết kiệm, thể hiện tính nhân văn và ưu việt cao của chế độ ta. Chính sách "Hưu nông dân" đã được UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 2121 QÐ/UB ngày 30/7/1998 với tên gọi "Bảo hiểm xã hội hưu nông dân", thực hiện chế độ hưu cho những nông dân tham gia quỹ đủ 20 năm. Ngày 12/7/2006, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký Sắc lệnh công bố Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội thông qua ngày 29/6/2006. Ðể thực thi Luật Bảo hiểm xã hội, UBND tỉnh Nghệ An quyết định chuyển Bảo hiểm xã hội hưu nông dân sang BHXH tự nguyện.

Cũng từ các quyết định trên, Tiến sĩ Hồ Bá Quỳnh đã có tờ trình thứ 125 xây dựng "dự thảo BHXH hưu nông dân sang BHXH tự nguyện" gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan chức năng, nhằm hoàn thiện chính sách bảo đảm quyền lợi cho nông dân lúc tuổi già.

bna-22-5925.jpg

Cán bộ Hội Nông dân Nghi Lộc tuyên truyền, phổ biến về tính ưu việt của bảo hiểm tự nguyện nông dân. Ảnh: Thanh Phúc

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có hàng nghìn người được hưởng chế độ hưu nông dân, đảm bảo chế độ an sinh cho người dân không thuộc biên chế nhà nước lúc về già; đồng thời, giảm áp lực chạy đua vào biên chế. Đề tài khoa học “hưu nông dân” đã gắn liền với tên tuổi, cuộc đời, sự nghiệp của ông đồ Nghệ Hồ Bá Quỳnh. Những đóng góp của cha đẻ “hưu nông dân” với dân, với nước sẽ mãi trường tồn…

Thanh Phúc