pct-man-1676350294558.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Không giới hạn vấn đề, nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường

Tờ trình về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày. Theo đó, việc ban hành Nghị quyết nhằm kịp thời triển khai thi hành Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 15.3.2023, trong đó có giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức Kỳ họp bất thường và hình thức họp trực tuyến, kết hợp giữa họp trực tiếp và trực tuyến; hướng dẫn về Hồ sơ về người được giới thiệu, tự ứng cử vào các chức danh để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; thể lệ bỏ phiếu, mẫu phiếu biểu quyết, biên bản kiểm phiếu, biên bản kết quả biểu quyết bằng bỏ phiếu kín, biên bản niêm phong phiếu biểu quyết; mẫu tờ trình, biên bản họp Đoàn đại biểu Quốc hội, biên bản kiểm phiếu bầu Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội.

pct-man-a2-1676350294871.jpg
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, dự thảo Nghị quyết gồm 5 Chương với 19 Điều và các phụ lục, biểu mẫu ban hành kèm theo với những nội dung cơ bản. Cụ thể, gồm 4 nội dung lớn là: về Kỳ họp bất thường: dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết khoản 3 Điều 1 của Nội quy về Kỳ họp bất thường theo hướng quy định cụ thể về cách thức xử lý yêu cầu tổ chức Kỳ họp bất thường của các chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; về tổ chức kỳ họp Quốc hội theo hình thức họp trực tuyến hoặc kết hợp giữa họp trực tiếp và họp trực tuyến; về hồ sơ nhân sự và thể lệ bỏ phiếu kín; về hiệu lực thi hành.

Trình bày Báo cáo ý kiến về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, dự thảo Nghị quyết đã được Ban soạn thảo chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, bám sát yêu cầu, nội dung các quy định có liên quan của Nội quy kỳ họp Quốc hội. Ban soạn thảo đã tổ chức nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đúc kết kinh nghiệm từ tổng kết thực tiễn tiến hành các kỳ họp Quốc hội, nhất là các giải pháp đổi mới, sáng tạo, có hiệu quả trong tổ chức các kỳ họp trực tuyến và họp trực tiếp kết hợp với trực tuyến thời gian qua để hướng dẫn, quy định phù hợp trong dự thảo Nghị quyết.

pct-man-a3-1676350294965.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nêu một số vấn đề cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, về nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành dự thảo Nghị quyết không quy định giới hạn các vấn đề, nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Nội quy kỳ họp Quốc hội; đồng thời, tạo sự linh hoạt, chủ động cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí xác định nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường để phù hợp với mục đích, yêu cầu tổ chức Kỳ họp bất thường là chỉ xử lý những vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách và thời gian tổ chức kỳ họp bất thường thường rất ngắn. Cụ thể, chỉ đưa vào chương trình Kỳ họp bất thường những nội dung bảo đảm các tiêu chí, điều kiện sau: là nội dung quan trọng, cấp bách thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và cơ bản đạt sự đồng thuận giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra; để kịp thời thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền; không thuộc nội dung định kỳ trình Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ, thống nhất

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, hiện nay việc tổ chức Kỳ họp bất thường chủ yếu từ yêu cầu chung, do có chỉ đạo từ Trung ương. Tuy nhiên tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 trong dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức Kỳ họp bất thường lại chưa nêu rõ thời hạn triệu tập cụ thể. Do đó, cần cân nhắc quy định rõ về thời hạn gửi triệu tập trước khi Kỳ họp bắt đầu cho hợp lý, sát với thực tiễn, bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi của Nghị quyết.

Tại Điều 8 của dự thảo Nghị quyết quy định về người được mời tham dự, dự thính tại kỳ họp Quốc hội tổ chức theo hình thức họp trực tuyến; điểm c khoản 2 Điều 9 của dự thảo Nghị quyết quy định về trách nhiệm của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc chuẩn bị tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tuyến có nêu: Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm quyết định danh sách người được mời dự thính tại điểm cầu mà Đoàn mình tham dự theo quy định, phù hợp với nội dung và điều kiện bảo đảm tại điểm cầu họp trực tuyến. Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ hơn, quy định nhất quán đối với các trường hợp tham dự và dự thính. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về người tham dự, dự thính cần phù hợp với nội dung phiên họp, đúng theo hướng dẫn của Tổng Thư ký Quốc hội; trách nhiệm của người tham dự, dự thính phải chấp hành sự điều phối của Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, bảo đảm quá trình tham dự, dự thính đúng theo các quy định của pháp luật.

pct-man-a4-1676350295074.jpg
Quang cảnh phiên họpẢnh: Hồ Long

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận các ý kiến phát biểu có trách nhiệm và góp ý trực tiếp vào các quy định của dự thảo Nghị quyết. Đây cũng là dự thảo Nghị quyết nhận được nhiều sự quan tâm góp ý của đông đảo chủ thể liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Các tài liệu cơ bản đầy đủ theo quy định, bảo đảm chất lượng và đủ điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua tại phiên họp này. Đến ngày 15.3.2023, Nội quy kỳ họp Quốc hội chính thức có hiệu lực thi hành, do đó việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể chậm trễ hơn nữa. Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm về tên của Nghị quyết có thể là “Nghị quyết quy định chi tiết hướng dẫn một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội”.

Về Kỳ họp bất thường, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với các quy định như trong dự thảo Nghị quyết. Trong đó có quy định cụ thể về cách thức xử lý yêu cầu của các chủ thể có thẩm quyền về việc tổ chức Kỳ họp bất thường theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Theo quy định, các chủ thể thẩm quyền khi yêu cầu tổ chức họp bất thường phải nêu rõ sự cần thiết, đề xuất nội dung xây dựng tiêu chí kỳ họp bất thường, thời gian dự kiến tổ chức Kỳ họp bất thường. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm yêu cầu các cơ quan chuẩn bị nội dung gửi hồ sơ tài liệu đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra để xem xét, quyết định việc triệu tập Kỳ họp bất thường để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Dự thảo Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục tiến hành xem xét, quyết định các nội dung tại Kỳ họp bất thường được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan về kỳ họp Quốc hội.

Về các nội dung khác được đóng góp ý kiến, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trên cơ sở ý kiến tại phiên họp, gửi lại xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản để bảo đảm chặt chẽ, thống nhất và trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

pct-man-a5-1676350295199.jpg
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy Kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Hồ Long

Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy Kỳ họp Quốc hội với 100% các Ủy viên tán thành. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 15.3.2023, cùng thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết số 71/2022/QH15 ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội.