Cùng với Lê Anh Xuân, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật..., một nhà thơ nữ làm tôi lay động nhất là Xuân Quỳnh. Vì thơ của các anh, chị ấy gần gũi với tâm hồn tôi, hiện thực cuộc sống chiến tranh mà tôi đang sống. Cách mạng, lý tưởng vô cùng nhưng cũng lãng mạn vô cùng. Sự hủy diệt của chiến tranh, sự khốc liệt của cuộc sống đời thường càng đè nặng xuống, càng vút lên những vần thơ trong trẻo của tình yêu, của hy vọng, khát vọng vươn tới những điều cao cả.
Nhà thơ Xuân Quỳnh
Thẳm sâu gan ruột, da diết, day dứt, nồng hậu, thấm đẫm hồn Việt, chưng cất tinh túy trong những ngôn từ giản dị, đó là đặc điểm, là sức cuốn hút mạnh mẽ, là điều tạo nên sức sống lâu bền của thơ Xuân Quỳnh.
Thơ chị chủ yếu viết về tình yêu. Năm chị 21 tuổi (năm 1963), đứng trước bãi biển Diêm Điền, Thái Bình, chị đã thấy mình như biển, có khi đỏng đảnh, khi dỗi hờn vô cớ, khi ghen tuông dữ dội, nhưng sâu lắng hơn là tình yêu, chỉ có tình yêu mới làm cho cuộc đời người con gái thật sự có ý nghĩa:
Cũng có khi vô cớ
Biển ào ạt xô thuyền
(Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên?)
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau - rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió...
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố
(Sóng)
Sóng biển từ đấy vỗ hoài trong lòng chị, thành phương tiện hữu hiệu nhất để diễn tả tình yêu.
Năm 1973, Xuân Quỳnh kết hôn lần thứ hai với nhà thơ Lưu Quang Vũ. Lúc này anh Vũ và chị Quỳnh mỗi người đã có một người con riêng. Mặc dù chị hơn anh 6 tuổi, nhưng hai người đã tìm thấy ở đây một tình yêu đích thực. Trái tim chị muốn đập nhịp làm sống lại những hồng cầu đã mất trong anh, hóa thân vào anh, khao khát những điều anh mơ ước. Chị yêu anh, yêu cả đại gia đình nhà văn hóa Lưu Quang Thuận (có hai người em Lưu Quang Vũ được chị Quỳnh chăm sóc sau này cũng nổi tiếng là PGS Lưu Khánh Thơ và Tổng Biên tập báo Nông thôn mới Lưu Quang Định).
Đặc biệt, chị rất yêu kính người mẹ của anh Vũ, dành cho bà những câu thơ thắm thiết:
Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong...
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
Chắc chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.
(Mẹ của anh)
Vào dịp Kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Tám (1985), Báo Nhân Dân phân công tôi đi viết về thế hệ văn nghệ sĩ sinh ra, lớn lên cùng chế độ mới như nhà thơ Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, diễn viên Trà Giang..., tôi đã được chị Quỳnh tiếp chuyện lâu ở nhà riêng 96 Phố Huế. Nói là “nhà riêng”, thực ra là một căn gác nhỏ 12m2. Lúc đó, anh Vũ đã chuyển sang viết kịch bản sân khấu và “cày như điên” để kịp đơn đặt hàng của các đoàn và kiếm tiền giảm bớt khó khăn cho gia đình. Chị Quỳnh chật vật, cắm cúi trong vai nội trợ, bếp núc phục vụ cả đại gia đình và chăm chút sức khỏe cho anh, không chỉ ban ngày, mà hầu như đêm nào anh cũng viết suốt sáng. Sự nhẫn chịu, hy sinh cho chồng ấy là nguyên nhân trực tiếp, quan trọng làm nên sự nghiệp sân khấu đồ sộ của Lưu Quang Vũ.
Và chị biết chắc rằng, sự “nhỏ nhoi”, chịu đựng, hy sinh của người phụ nữ không chỉ là “một điều tầm thường vĩ đại” mà nhờ nó, cánh mày râu, thế giới này có thể tạo ra những điều vĩ đại.
Bài thơ “Thơ vui về phái yếu” nói về điều đó.
Những người đàn ông các anh có bao nhiêu điều to lớn
Vượt qua ô cửa cỏn con, văn phòng hẹp hàng ngày
Các anh nghĩ ra tàu ngầm, tên lửa, máy bay
Tới thăm dò những hành tinh mới lạ
Tài sản của các anh là những tinh cầu, là vũ trụ
Các anh biết mỏ dầu, mỏ bạc ở nơi đâu
Chính phục đại dương bằng các con tàu
Đi tới tương lai trên con đường ngắn nhất
Mỗi các anh là một nhà chính khách
Các anh quan tâm đến chuyện mất còn của các quốc gia.
Biết bao điều quan trọng được đề ra
Những hiệp ước xoay vần thế giới
Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không tên tuổi
Quen việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
Cuộc sống ngặt nghèo phải tính sao đây
Gạo, bánh, củi dầu chia thế nào cho đủ
Đầu óc linh tinh toàn nghĩ về chợ búa
Những quả cà, mớ tép, rau dưa
Đối với Nít và Kăng, những siêu nhân nay và xưa
Xin thú thực: chúng tôi thờ ơ hạng nhất
Chúng tôi còn phải xếp hàng mua thịt
Sắm cho con đôi dép tới trường
Chúng tôi quan tâm đến xà phòng, đến thuốc đánh răng
Lo đan áo cho chồng con khỏi rét...
Chúng tôi là những người đàn bà bình thường trên Trái Đất.
Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
Chúng tôi chẳng có tàu ngầm, tên lửa, máy bay
Càng không có hạt nhân nguyên tử
Chúng tôi chỉ có chậu có nồi có lửa
Có tình yêu và có lời ru
Những con cò con vạc từ xưa
Vẫn lặn lội bờ sông bắt tép
Cuộc sống vẫn ngàn đời nối tiếp
Như trăng lên, như hoa nở mỗi ngày...
Nếu ví dụ không có chúng tôi đây
Liệu cuộc sống có còn là cuộc sống
Ai sẽ mang lại cho các anh vui buồn hạnh phúc
Mở lòng đón các anh sau thất bại nhọc nhằn
Thử nghĩ xem thế giới chỉ đàn ông
Các anh sẽ không còn biết yêu biết ghét
Các anh không đánh nhau nhưng cũng chẳng làm nên gì hết
Thế giới sẽ già nua và sẽ lụi tàn
Ai sẽ là người sinh ra những đứa con
Để tiếp tục giống nòi và dạy chúng biết yêu, biết hát...
Buổi sớm mai ướm bước chân mình lên vết chân trên cát
Bà mẹ đã cho ra đời những Phù Đổng Thiên Vương
Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng
Là bác học... hay là ai đi nữa
Vẫn là con của một người phụ nữ
Một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên
Anh thân yêu, người vĩ đại của em
Anh là mặt trời, em chỉ là hạt muối
Một chút mặn giữa đại dương vời vợi,
Loài rong rêu ai biết tới bao giờ
Em chỉ là ngọn cỏ dưới chân qua
Là hạt bụi vô tình trên áo
Nhưng nếu sáng nay em chẳng đong được gạo
Chắc chắn buổi chiều anh không có cơm ăn.
Vài đoạn thơ vui nhân dịp ngày Xuân
Đùa một chút xin các anh đừng giận
Thú thực là chúng tôi cũng không sống được
Nếu không có các anh, thế giới chỉ đàn bà.
1986
Đây là sự so sánh hai thế giới: đàn ông và đàn bà.
Đàn ông – phái mạnh được đưa lên trên, lên trước đúng truyền thống. Giọng thơ thừa nhận nhưng pha chút diễu cợt (vì là thơ vui) về những điều to tát mà đàn ông đã làm.
Đoạn 2, từ “Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không tên tuổi” đến “Một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên” – một sự lặp lại cố ý về sự bình thường, không tên tuổi. Và những công việc bình thường không có tuổi tên gạo muối mắm dầu..., không có tài sản gì ngoài nồi, chậu...
Ép-tu-sen-kô, nhà thơ Nga nổi tiếng có bài thơ nhận được sự đồng cảm của cả thế giới Không có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/ Mỗi số phận rất riêng dù rất nhỏ/ Chắc hành tinh đã sánh nổi đâu. Bài thơ có tính triết lý sâu sắc, đem lại tự tin cho con người.
Cũng hướng về những giá trị nhân văn ấy, đằng sau sự khiêm tốn, là một sự khẳng định vai trò to lớn của phái yếu; theo ý nhà thơ thì nó còn to lớn hơn cả việc chế ra tàu ngầm, tên lửa, máy bay hay phát hiện những hành tinh mới. Đó là việc “chế ra” những yêu, ghét, buồn, vui, hạnh phúc; làm sinh ra tiếng hát... Và hơn thế là sinh ra những đứa con duy trì nòi giống để thế giới không lụi tàn. Trong phép so sánh hơn – kém này, rõ ràng phái yếu chiếm ưu thế vượt trội. Có thể có người chưa bị thuyết phục, thì đây, một lý lẽ chiến thắng mọi lý lẽ:
Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng
Là bác học... hay là ai đi nữa
Vẫn là con của một người phụ nữ
Một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên.
Nhưng thắng - thua chỉ là tương đối, chỉ là nói vui.
Sau khi “khách quan” rồi, người đàn bà lại trở về với chồng trong yêu thương, nhẫn nhịn, chấp nhận sự thuộc về Anh thân yêu, người vĩ đại của em/ Anh là mặt trời, em chỉ là hạt muối/ Một chút mặn giữa đại dương vời vợi/ Loài rong rêu ai biết tới bao giờ/ Em chỉ là ngọn cỏ dưới chân qua/ Là hạt bụi vô tình trên áo... “Thuộc về” nhưng không “lệ thuộc”, không phải là “sở hữu vật” mà là sự tự nguyện, sự cống hiến, sự biết rõ vai trò của mình. Đi từ chung đến riêng, tác giả một lần nữa khẳng định giá trị của hiện diện, của những công việc của người phụ nữ trong một chân lý tuyệt đối: Nhưng nếu sáng nay em chẳng đong được gạo/ Chắc chắn buổi chiều anh không có cơm ăn. Không có cơm ăn thì làm sao mà sống, mà làm được những điều vĩ đại!
Bằng những chi tiết, những câu chuyện bình dị nhất ai cũng thấy, cũng biết, Xuân Quỳnh đã thuyết phục hoàn toàn người đọc về giá trị, công lao của người phụ nữ. Bài thơ, bên cạnh những điều vĩnh cửu, là bức tranh hiện thực sinh động về con người và cuộc sống thời bao cấp.
Sau khi giành được phần thắng, sự hơn đứt cho “phái yếu”, nhà thơ lại đưa mọi người trở về sự tỉnh táo cân bằng. Không phải ai hơn ai, ai cũng quan trọng, quan trọng nhất là phải có cả hai, không ai có thể thiếu ai. Một thế giới chỉ đàn bà thì thật kinh khủng và cũng sẽ lụi tàn. Rất tình cảm, rất minh triết, nhà thơ kết luận:
Vài đoạn thơ vui nhân dịp ngày Xuân
Đùa một chút xin các anh đừng giận
Thú thực là chúng tôi cũng không sống được
Nếu không có các anh, thế giới chỉ đàn bà.
Hai phần trên của bài thơ như hai vế đối. Phần kết như một hoành phi. “Thơ vui về phái yếu” là bức hoành phi câu đối treo giữa nhân gian, bền mãi với thời gian./.