Tối ưu hóa thủ tục

Hiện, việc vận hành, khai thác Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh đang được thực hiện theo Công văn số 9568/VPCP-KSTT ngày 16.11.2020 và Công văn số 8677/VPCP-KSTT ngày 26.11.2021 của Văn phòng Chính phủ.

5--n1.jpgThêm một kênh để người dân, doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị. Nguồn: ITN

Thời gian vận hành cho thấy, đây là một công cụ hỗ trợ cải cách, góp phần bảo đảm thực hiện hiệu quả và bền vững Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ với trọng tâm là cải cách quy định thủ tục hành chính; yêu cầu, điều kiện; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; chế độ báo cáo trong các hoạt động kinh doanh.

Đơn cử, đối với cơ quan quản lý nhà nước, Cổng sẽ cung cấp bộ công cụ giúp các bộ, cơ quan cập nhật, quản lý, công khai minh bạch quy định kinh doanh hiện hành và dự kiến ban hành; rà soát, tính toán chi phí tuân thủ, kiến nghị phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh; tham vấn, lấy ý kiến đối tượng tuân thủ về phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh và quy định kinh doanh dự kiến ban hành trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với người dùng thì hỗ trợ các tính năng giúp người dùng tối ưu hiệu quả việc khai thác, sử dụng dữ liệu như tính năng hỏi - đáp; trả lời, nhắn tin tự động; các chức năng thông báo, cảnh báo; quản lý lịch sử truy cập, tìm kiếm và các chức năng khác theo nhu cầu, ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) trong quản lý, xử lý, phân tích dữ liệu; đồng thời, kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu khác.

Đặc biệt, việc tham vấn các đối tượng tuân thủ được tối ưu hóa về quy trình, biểu mẫu điện tử, nội dung, câu hỏi tham vấn đi thẳng vào các vấn đề cần quan tâm để đối tượng được tham vấn cho ý kiến thay vì gửi toàn văn, một chiều và không có tương tác như trước đây; đồng thời, hỗ trợ tham vấn hướng đối tượng, tự động thu thập, tổng hợp, phân tích ý kiến góp ý của hiệp hội, doanh nghiệp, người dân phục vụ công tác quản lý nhà nước, từng bước hình thành các mạng lưới chuyên gia theo ngành, lĩnh vực, giúp nâng cao chất lượng tham vấn.

Đối với các tổ chức, cá nhân, hiệp hội, doanh nghiệp thì Bộ công cụ này cung cấp công cụ tra cứu, tìm hiểu các quy định kinh doanh đang có hiệu lực thi hành, quy định kinh doanh dự kiến ban hành theo vòng đời sự kiện, theo lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hướng tới tương tác hai chiều

Quá trình vận hành bằng các công văn cho thấy, cần sớm luật hóa bằng một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành, cơ quan và các tổ chức, cá nhân trong quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh… Từ đó, người dân, doanh nghiệp được tham vấn trực tiếp và tương tác hai chiều với cơ quan quản lý nhà nước về những quy định đang tác động và dự kiến tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Dự thảo Quyết định gồm 6 chương, 39 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ; yêu cầu, chức năng của Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh; nguyên tắc quản lý, vận hành, khai thác; đăng ký, quản lý tài khoản, danh mục dữ liệu dùng chung, thông tin, dữ liệu trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh; quy trình cập nhật, công khai thông tin, dữ liệu và thực hiện tham vấn; đánh giá nỗ lực cải cách quy định kinh doanh…

Như vậy, vấn đề còn lại là các bộ ngành, cơ quan cần thống kê, cập nhật, đăng tải công khai thông tin, dữ liệu về quy định kinh doanh hiện hành và quy định kinh doanh dự kiến ban hành, phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ý kiến tiếp thu, giải trình, trả lời của bộ, cơ quan trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Bởi, hiện Cổng đã, đang và sẽ kết nối, chia sẻ dữ liệu với một số Cơ sở dữ liệu và Hệ thống thông tin khác như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính để khai thác dữ liệu thủ tục hành chính; Cổng dịch vụ công quốc gia để sử dụng nền tảng định danh, xác thực người dùng, đồng thời, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh; Công báo điện tử của Văn phòng Chính phủ và Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp để khai thác dữ liệu về căn cứ pháp lý của quy định kinh doanh (văn bản quy phạm pháp luật)…

Điều này có nghĩa là các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và quốc gia là "nguyên liệu" đầu vào của Cổng. Cổng chỉ phát huy được hiệu quả khi có đầy đủ các nguyên liệu. Một lần nữa cho thấy việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, cập nhật các Cơ sở dữ liệu là hết sức quan trọng. Muốn thực hiện được mục tiêu này cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc xây dựng, vận hành các Cơ sở dữ liệu cũng như thực hiện cải cách các quy định kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia vào quá trình cải cách.