Nỗ lực, quyết tâm đưa Nghệ An sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước
Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Nghệ An thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX trong điều kiện khó khăn hơn nhiều so với dự báo, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và tác động phức tạp của tình hình thế giới.
Bám sát chỉ đạo của Trung ương và định hướng Nghị quyết Đại hội, Tỉnh ủy và các cấp ủy, tổ chức Đảng đã lãnh đạo hệ thống chính trị cùng với Nhân dân đoàn kết, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung chủ trì hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để bàn và quyết định nhiều nội dung quan trọng. Ảnh: Phạm BằngBí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung giới thiệu Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Kim Liên đến Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. Ảnh: Phạm BằngĐồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy thăm hỏi sức khỏe, đời sống các cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh. Ảnh: Phạm BằngĐồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, thời điểm đang là Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác thăm nhà máy sản xuất của Tập đoàn Everwin Precision Hong Kong Company Limited tại thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Ảnh: Phạm Bằng
Đặc biệt, từ cuối năm 2024 đến nay, tỉnh phải thực hiện một lúc nhiều nhiệm vụ quan trọng về sắp xếp tổ chức bộ máy, chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, phấn đấu tốc độ tăng trưởng là 10,5% trong năm 2025.
Nhìn lại 4 năm về trước, ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo xây dựng, triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình hành động. Tỉnh cũng cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều đổi mới theo hướng chủ động, sáng tạo, đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết, trên phương châm 4 đúng: "Nhận định đúng tình hình, tìm ra đúng nguyên nhân, đề ra đúng giải pháp và tập trung thực hiện quyết liệt, nhằm hoàn thành đúng mục tiêu", UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo xử lý những vấn đề phát sinh, vừa tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, với nhiều giải pháp phù hợp với yêu cầu thực tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh thăm dây chuyền sản xuất tại nhà máy của Tập đoàn Luxshare - ICT. Ảnh: Thành DuyĐồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra việc hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh tư liệu: Thanh LêĐồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác kiểm tra tiến độ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở tại huyện Con Cuông. Ảnh: Thành Duy
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm cao độ để tập trung thực hiện, hoàn thành một số nhiệm vụ trọng tâm, có tính chất nền tảng, tạo định hướng phát triển cho tỉnh Nghệ An trong dài hạn. Đó là, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39/NQ-TW, ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quốc hội ban hành Nghị quyết số 36/2021/QH15 và Nghị quyết số 137/2024/QH15 về thí điểm, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao đổi với cán bộ nghỉ hưu quê hương Nghệ An. Ảnh: Thành Cường
Với sự chỉ đạo quyết liệt, tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cao hơn bình quân cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh ước đạt khoảng 8,3 - 8,5%, cao hơn giai đoạn 2016 - 2020 (6,97%). Quy mô GRDP đạt 216.934 tỷ đồng, xếp thứ 10 cả nước.
Thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt hơn 113.661 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2024 thu ngân sách của tỉnh đạt hơn 25.517 tỷ đồng, tiệm cận mức dưới chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội. Đầu tư công được quản lý, phân bổ và sử dụng có trọng tâm, trọng điểm; khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài. Nhiều công trình giao thông trọng điểm được hoàn thành, mở ra không gian mới, tạo động lực phát triển.
Trong nhiệm kỳ qua, thu hút đầu tư của tỉnh tăng mạnh về quy mô, số lượng và chất lượng dự án, trong đó, thu hút FDI là điểm sáng nổi bật. Trong 3 năm (2022-2024), Nghệ An liên tiếp xếp trong nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư lớn nhất cả nước, với tổng số vốn đăng ký đạt trên 4,8 tỷ USD, gấp 3,6 lần số vốn lũy kế từ năm 2020 trở về trước.
Dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Singapore Lawrence Wong, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đức Trung trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án VSIP Nghệ An 3 cho lãnh đạo Tập đoàn Sembcorp và VSIP. Ảnh: Khánh ThụcCông nhân làm việc tại Công ty LuxShare ICT ở KCN VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành DuyKhu công nghiệp VSIP Nghệ An (VSIP 1). Ảnh: Thành Cường
Tính đến nay, tỉnh có 153 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 5,86 tỷ USD còn hiệu lực. Nghệ An đang từng bước trở thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị công nghệ cao ở khu vực Bắc Trung Bộ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2025 ước đạt 4,5 tỷ USD, tăng gấp 3,75 lần so với năm 2020, vượt 155% mục tiêu Nghị quyết Đại hội.
Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của tỉnh xếp thứ 12/63 tỉnh, thành, tăng 22 bậc so với năm 2021. Nghệ An tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu toàn quốc về học sinh đạt giải cao tại các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân đạt nhiều thành tựu mới, từng bước khẳng định là Trung tâm Y tế vùng Bắc Trung Bộ.
Số lượng huy chương quốc tế và khu vực, học sinh giỏi quốc gia của học sinh Nghệ An trong 5 năm học gần đây (năm học 2024 - 2025 chưa thi các giải quốc tế, khu vực quốc tế). Đồ họa: Thành Duy
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Võ Thị Minh Sinh cho biết, cùng với phát triển kinh tế, tỉnh cũng quan tâm công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người dân. Trong nhiệm kỳ, tỉnh đã huy động được hơn 3.000 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ người nghèo.
Nghệ An là địa phương đi đầu và đang phấn đấu đến hết tháng 7/2025 hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại, liên kết vùng được đẩy mạnh. Công tác cải cách hành chính được tăng cường với nhiều giải pháp hiệu quả.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu kiểm tra công tác xây dựng nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương. Ảnh tư liệu: Thành CườngNhiều gia đình hộ nghèo trên địa bàn huyện Tương Dương được sinh sống trong những căn nhà mới khang trang, cứng hoá. Ảnh: Đình Tuân
Bám sát chủ trương, quan điểm của Trung ương xây dựng Đảng là nhiệm vụ "then chốt", từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy đã thực hiện có hiệu quả, đổi mới công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu khẳng định, Đảng bộ tỉnh luôn kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối của Đảng. Tỉnh đã triển khai quán triệt, học tập các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy kịp thời, nghiêm túc.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trò chuỵện, thăm hỏi đảng viên lão thành Lê Văn Từ, 80 năm tuổi Đảng. Ảnh: Thành Cường
Với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tỉnh đã thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, thời điểm cuối nhiệm kỳ, cấp ủy các cấp đã thực hiện quyết liệt, khẩn trương, nghiêm túc cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy.
Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên, nhất là ở vùng đồng bào có đạo, vùng sâu, vùng xa, trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường xuyên được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.
Đảng bộ Công ty CP Thực phẩm Sữa TH (thuộc Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn) kết nạp đảng viên tại chi bộ Nhà máy Sữa TH. Ảnh tư liệu: Thái Trường
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh đã kết nạp được 19.334 đảng viên, đạt 107,4% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội. Thành lập được 59 tổ chức đảng, kết nạp 687 đảng viên, trong đó, có 35 chủ doanh nghiệp trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp được quán triệt và triển khai kịp thời, phù hợp với thực tiễn địa phương. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, "kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, giám sát được mở rộng".
Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Sáu. Ảnh: Mai HoaĐồng chí Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh trao đổi với lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa
Công tác dân vận tiếp tục được đổi mới, chuyển biến tích cực, tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong thực hiện các mục tiêu phát triển. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước và phong trào "Dân vận khéo" tạo sự lan tỏa tích cực, huy động sức mạnh của toàn dân tham gia vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Để đạt được những kết quả đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung cho biết, tỉnh đã đúc rút được những bài học kinh nghiệm quý báu. Bài học đầu tiên, nhưng cũng là quan trọng nhất, chính là sự đoàn kết, thống nhất, chia sẻ, hỗ trợ giữa các cơ quan, từ sự lãnh đạo của cấp ủy, sự tham gia, hỗ trợ, giám sát của HĐND, sự điều hành của chính quyền, sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp.
Cùng đó, tỉnh đã kiên trì, đeo bám, kiến nghị với Trung ương giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của tỉnh; kiến nghị ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để tỉnh có thêm động lực, nguồn lực phát triển.
Nhìn lại chặng đường của nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, có thể khẳng định, những kết quả mà tỉnh Nghệ An đạt được không phải là ngẫu nhiên, mà đó là cả quá trình cố gắng, nỗ lực về trí tuệ, công sức một cách nghiêm túc, trách nhiệm.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung trao các quyết định, tặng hoa chúc mừng Đảng bộ Các cơ quan Đảng tỉnh và các đồng chí giữ chức Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy. Ảnh: Phạm Bằng
Trên tinh thần bám sát thực tiễn, căn cứ thực tiễn, tỉnh đã có những quyết sách phù hợp để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, yếu tố quan trọng nhất là phát huy sức mạnh đoàn kết trong Đảng, Chính quyền, Nhân dân để tạo ra được sức mạnh.
Là tỉnh có nhiều tiềm năng, song cũng nhiều khó khăn, Nghệ An đã khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bao gồm cả nội lực và ngoại lực. Tập trung hoàn thiện thể chế, là 1 trong 3 đột phá chiến lược để thực hiện mục tiêu phát triển, đây là yếu tố quyết định, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển. Tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các kết cấu hạ tầng chiến lược như hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thiết yếu.
Lãnh đạo UBND huyện Thanh Chương trao đổi với cán bộ, người dân xã Thanh Hà về huy động sức dân xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Mai HoaCán bộ, công chức xã Long Sơn, huyện Anh Sơn giải quyết công việc cho người dân. Ảnh: Mai Hoa
“Tỉnh luôn kiên định quan điểm, lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của sự phát triển; mọi chính sách đều hướng tới mục đích nâng cao đời sống của người dân.
Đặc biệt, có thể thấy rõ tinh thần chủ động, đổi mới trong tư duy; quyết liệt, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo; đồng bộ, kịp thời trong tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tỉnh ủy đã chủ động, thường xuyên quan tâm và đồng hành với UBND tỉnh để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tỉnh thực hiện các mục tiêu theo tinh thần chủ động từ 2 phía: UBND tỉnh chủ động báo cáo và Tỉnh ủy chủ động yêu cầu. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phân công cơ quan, đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp rõ ràng, hợp lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị để triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo TP. Vinh, các sở, ngành gặp gỡ, trao đổi với người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của TP. Vinh. Ảnh: Nguyên NguyênĐồng chí Phùng Thành Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh xem quy hoạch dự án Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Con Cuông. Ảnh: Mai Hoa
Thời gian còn lại của nhiệm kỳ không nhiều, song tỉnh Nghệ An nhận thức rằng, dư địa để tỉnh hoàn thành và đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ và chỉ tiêu tăng trưởng 10,5% trong năm 2025 còn rất lớn. Tỉnh phải tiếp tục tận dụng cơ hội để tăng tốc, bứt phá trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư với tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
"Tỉnh sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện các dự án trọng điểm trên nguyên tắc trọng tâm. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm chăm lo cho người nghèo, đồng bào khó khăn, khu vực miền núi, tập trung nguồn lực hoàn thành Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở", Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.
Để khơi thông các nguồn lực phát triển, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tiếp tục cải cách hành chính, chuyển đổi số mạnh mẽ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, thực hiện có kết quả, có hiệu quả cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy để bộ máy mới hoạt động đảm bảo "Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả".
Hạ tầng đô thị Vinh được đầu tư với thêm nhiều tuyến đường giao thông và khu đô thị mới hiện đại. Ảnh: Thành Cường
Thời gian tới, khối lượng công việc còn rất nhiều và có nhiều việc khó, áp lực buộc tỉnh phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa. Trước những yêu cầu đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung đề nghị cấp ủy các cấp tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, duy trì sự đoàn kết, thống nhất, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tập trung dân chủ để công việc triển khai thông suốt, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách, trong đó, đặc biệt là cải cách về phương thức quản lý bằng việc thay đổi tư duy, chuyển từ phương pháp quản lý Nhà nước cứng nhắc sang phương pháp quản lý linh hoạt, hiệu quả, chủ động, tăng cường phân cấp để khơi thông các nguồn lực phát triển, giải phóng sức sản xuất.
“Phải quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm: Cần bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, đổi mới phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra, và chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo không gian mới và động lực phát triển. Tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên để trên dưới chung sức, đồng lòng thực hiện các nhiệm vụ quan trọng vì sự phát triển của đất nước, của tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.
Đô thị Vinh mở rộng với việc sáp nhập thêm thị xã Cửa Lò và 4 xã của huyện Nghi Lộc mở ra không gian phát triển mới, đưa Vinh trở thành đô thị biển. Ảnh: Thành Cường - Văn Trường