Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An: Cần tập trung hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Sáng 25/4, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh Nghệ An về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp họp để triển khai các nội dung trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh.

95,99% nhân dân toàn tỉnh đồng tình với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Báo cáo kết quả triển khai công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Nghệ An năm 2025, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho biết, trước khi sắp xếp, Nghệ An có 412 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 362 xã, 33 phường, 17 thị trấn. Sau sắp xếp, Nghệ An còn 130 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 11 phường, 119 xã; giảm 282 đơn vị, tỷ lệ giảm 68,45%.
Trong 130 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp, có 9 đơn vị đủ điều kiện tiêu chuẩn, không thực hiện sắp xếp; 29 đơn vị sắp xếp trên cơ sở nhập 2 đơn vị với nhau; 92 đơn vị sắp xếp trên cơ sở nhập 3 đơn vị trở lên với nhau; 126 đơn vị mới đã đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định; 4 đơn vị mới chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định nhưng có các yếu tố đặc thù.

Tính đến 8h ngày 25/4/2025, toàn tỉnh đã có 412/412 xã đơn vị hành chính cấp xã hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân, tỷ lệ chung toàn tỉnh đạt 95,99%. Huyện đạt tỷ lệ cao nhất: Nam Đàn: 99,8%; Quỳnh Lưu: 98,81%; Anh Sơn: 98,60%; huyện đạt tỷ lệ thấp nhất: Kỳ Sơn 82,94%.
Có 24 xã đạt tỷ lệ 100% gồm: Long Xá, huyện Hưng Nguyên; xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương; các Nghĩa Dũng, Hoàn Long, Tân Phú, Tân Hợp, huyện Tân Kỳ… Xã có tỷ lệ thấp nhất: xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Đàn: 56,64%; xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn: 57,43%; xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn: 58,59%.

412 xã trên toàn tỉnh đã trình HĐND cấp xã thông qua Đề án, tỷ lệ chung cấp xã toàn tỉnh đạt 96,16%; trong đó phường Hưng Lộc (TP Vinh) tỷ lệ thấp nhất 73,08%. 13/20 đơn vị cấp huyện đã tổ chức họp HĐND cấp huyện thông qua Đề án và trong ngày 25/4, các đơn vị còn lại sẽ họp HĐND để thông qua.
Theo báo cáo, có 14 đơn vị cấp huyện đặt tên địa danh cấp huyện gắn số thứ tự, gồm: Anh Sơn, Con Cuông, Diễn Châu, Đô Lương, Hoàng Mai, Hưng Nguyên, Nam Đàn (1 đơn vị đặt tên Kim Liên), Nghĩa Đàn, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Thái Hòa, TP. Vinh (1 đơn vị đặt tên Cửa Lò), Yên Thành.

6 đơn vị cấp huyện có điều chỉnh tên gọi (tên gắn với địa danh mới) sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua Đề án, gồm: Thanh Chương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương. Đến nay, toàn tỉnh có 82/130 đơn vị hành chính cấp xã đặt tên theo địa danh gắn với số thứ tự, 48/130 xã đặt tên theo địa danh.
Hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng Đề án
Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh khẳng định, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Ban Chỉ đạo các cấp huyện đã tích cực triển khai các nội dung theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và căn cứ điều kiện thực tế của địa phương để thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Đến thời điểm này, các Ban Chỉ đạo cấp huyện đã triển khai bài bản, đầy đủ, đúng theo quy định, quy trình như lấy ý kiến người dân, tổ chức họp HĐND cấp xã, HĐND cấp huyện. Qua báo cáo, đa số người dân và đại biểu HĐND các cấp đồng thuận, ủng hộ phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.

"Kết quả bước đầu đúng định hướng của Trung ương và được triển khai đảm bảo theo quy định, được sự đồng thuận của đại đa số người dân và đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã", Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung khẳng định.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung cho rằng, trong quá trình thực hiện, với yêu cầu về tiến độ hoàn thành Đề án rất gấp, khối lượng công việc rất nhiều, nhiều việc khó, phức tạp, nhưng thời gian rất ngắn nên có ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng Đề án.
Do thời gian ngắn, nên công tác tuyên truyền, vận động, làm công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân không nhiều. Một số Ban chỉ đạo cấp huyện chưa thật sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động, làm công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân; thiếu quyết liệt trong chỉ đạo để tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Tại một số địa phương còn một số ý kiến khác nhau đối với một số nội dung trong Đề án.

Nhấn mạnh việc sắp xếp địa giới hành chính của các đơn vị hành chính cấp xã đã được sự đồng thuận cao trong nhân dân, mặc dù còn những vấn đề băn khoăn, song Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung khẳng định, phải tôn trọng phương án sắp xếp mà các Ban Chỉ đạo cấp huyện đã xây dựng, đã lấy ý kiến người dân và được đại đa số người dân đồng tình. Trách nhiệm của Ban Chỉ đạo cấp huyện phải báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh những vấn đề phát sinh.
Liên quan đến vấn đề đặt tên, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung cho rằng, phải bám vào các nguyên tắc theo các văn bản hướng dẫn của Trung ương: Nghị quyết số 76 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định 759 của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ hướng dẫn của Trung ương, Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo cấp huyện xây dựng phương án phù hợp, nhưng phải tạo được đồng thuận cao trong nhân dân, được đại đa số người dân đồng tình.
Bên cạnh đó, theo tinh thần hướng dẫn của Trung ương, tên đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp phải dễ đọc, dễ nhớ, gắn gọn, bảo đảm tính hệ thống khoa học, phù hợp với yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hoá của địa phương.

"Các địa phương phải trách nhiệm, chủ động, linh hoạt để xây dựng phương án đặt tên phù hợp, đáp ứng được các nguyên tắc của Trung ương và được đại đa số người dân, đại biểu HĐND các cấp đồng tình, ủng hộ", Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh quan điểm và khẳng định, Nghệ An tôn trọng, nghiêm túc tiếp thu, cầu thị, lắng nghe các ý kiến góp ý và đã thảo luận hết sức kỹ lưỡng. Tuy nhiên, phương án cuối cùng là phải tôn trọng kết quả triển khai của các Ban Chỉ đạo cấp huyện trên cơ sở căn cứ điều kiện tình hình thực tế của mỗi địa phương và được đại đa số người dân đồng thuận.
Về lựa chọn trung tâm của các đơn vị hành chính mới sau sắp xếp, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải bám sát các nguyên tắc, vừa đảm bảo phù hợp, vừa phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, đảm bảo mục tiêu chính quyền gần dân, sát dân, giải quyết nhanh nhất, phục vụ tốt nhất yêu cầu của người dân trên quan điểm: "Để người dân thuận lợi tiếp cận với chính quyền và để chính quyền thuận lợi tiếp cận người dân".
Nhấn mạnh các nhiệm vụ cần quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới, với yêu cầu rất gấp và tiến độ rất rõ, để đảm bảo hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và theo Kế hoạch đã đề ra, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung đề nghị các đồng chí Thường trực Ban chỉ đạo, cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo tiếp tục phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, theo nhiệm vụ phân công tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với mục tiêu hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng Đề án.

Trong đó, tiếp tục theo dõi, kịp thời nắm bắt những tình hình, vấn đề phát sinh ở cơ sở để kịp thời chỉ đạo điều chỉnh. Tập trung lãnh đạo hoàn thành tổ chức kỳ họp HĐND cấp huyện thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo đúng quy định. Chuẩn bị tốt nhất, kỹ lưỡng nhất nội dung Đề án trình Ban pháp chế HĐND tỉnh thẩm định, trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh ngày 28/4/2025, trình Bộ Nội vụ trước ngày 1/5/2025.
Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh thống nhất với đề nghị của Sở Nội vụ - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, các địa phương lấy tên địa danh huyện gắn số thứ tự thì dùng số tự nhiên, không sử dụng số La Mã.
Trong quá trình thực hiện, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung lưu ý các vấn đề quan trọng. Trong đó, tập trung quan tâm, làm tốt công tác tư tưởng, trước hết tư tưởng của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo chủ chốt của các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Từ đó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thống nhất về tư tưởng, định hướng dư luận đối với các tầng lớp nhân dân để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao, đáp ứng yêu cầu theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
Tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết để triển khai hoạt động các đơn vị hành chính cấp xã sau khi đề án được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7, về sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức; về cơ sở vật chất, trụ sở, phương tiện, trang thiết bị phục vụ yêu cầu làm việc và đặc biệt là quan tâm ổn định tư tưởng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện.