Qua hai ngày thảo luận sôi nổi, trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch, đề ra giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh bình thường mới. Nhiều ý kiến đề nghị phải khắc phục cho được căn bệnh sợ trách nhiệm dẫn đến áp dụng những biện pháp ngăn sông cấm chợ, không phù hợp với tình hình thực tế; sớm xây dựng chương trình phục hồi kinh tế toàn diện, khả thi, trên cơ sở mở cửa từ từ, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc sống an toàn với dịch.
"Nỗi sợ" trách nhiệm
Ngày thảo luận thứ hai tại hội trường, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) dành thời gian đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Nhận định bài học kinh nghiệm đáng quý trong công tác phòng, chống dịch là sự vào cuộc có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, ĐBQH Thái Thu Xương (Hậu Giang) đặc biệt nhấn mạnh đến “Lời kêu gọi lần thứ hai của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đến đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã hiệu triệu sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp để cả nước chung sức, đồng lòng vượt qua đại dịch”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) phát biểu tại hội trường Ảnh: Quang Khánh
Cùng với dịch Covid-19, một số ĐBQH thẳng thắn chỉ ra, có một căn bệnh rất đáng lo ngại đó là “căn bệnh sợ trách nhiệm”. Vì nguyên nhân gì mà cán bộ, kể cả cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, đứng đầu lại sợ trách nhiệm? ĐBQH Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) cho biết, “nỗi lo sợ bị kỷ luật, sợ bị xử lý bằng pháp luật vào một thời khắc nào đó đã trở thành nỗi sợ phổ biến trong cán bộ công chức, nhất là trong đợt phòng, chống dịch vừa qua. Tình trạng nhiều địa phương có tâm lý ngại mua sắm thiết bị máy móc, thiết bị vật tư y tế do sợ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, xử lý hình sự. Nỗi sợ trách nhiệm còn biểu hiện trong công tác điều hành phòng, chống dịch, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128, nhưng các địa phương vẫn áp dụng những biện pháp “ngăn sông, cấm chợ”, áp dụng biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn, hạn chế giao lưu hàng hóa, nhằm tránh phát sinh F0, vì lo ngại dịch bệnh bùng phát sẽ bị ảnh hưởng đến công tác, bị phê bình, khiển trách”. Theo đại biểu Hoàng Anh Công, tác động tiêu cực của căn bệnh này đã làm cho một bộ phận cán bộ không năng động, sáng tạo, không vì lợi ích chung, dĩ hòa vi quý, thấy đúng không dám làm, thấy sai không dám đấu tranh, có biểu hiện vô cảm với Nhân dân.
Để kịp thời sửa chữa, khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 22.9.2021, Bộ Chính trị đã Ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Trong đó có đề cập khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt một phần mục tiêu đề ra, hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng vì lợi ích chung thì được xem xét miễn giảm trách nhiệm. Tinh thần này cũng được khẳng định tại Quy định số 22 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, theo đó tại Khoản 3, Điều 2 có quy định: Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đột phá vì lợi ích chung. Với chủ trương mới này, sẽ hướng tới khuyến khích sự sáng tạo, năng động của cán bộ, bảo vệ cán bộ dám làm vì lợi ích chung. Các đại biểu đề nghị, cần sớm thể chế hóa chủ trương này. Nếu không luật hóa sẽ không bảo vệ được người dám nghĩ, dám làm mà còn có thể "mở thêm" tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực thanh tra, điều tra, xét xử, kiểm sát.
Không mở cửa nền kinh tế dựa vào cảm tính
Trong thời gian tới, dịch bệnh dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều ĐBQH đề nghị cần tổng kết sâu sắc việc phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt 2 năm qua để thực hiện phòng dịch đồng bộ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, kiểm soát tốt hơn nữa. ĐBQH Đặng Ngọc Huy (Quảng Ngãi) cho rằng, cần đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid - 19, sớm triển khai tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi để tạo miễn dịch cộng đồng. Đồng thời, quan tâm chuyển giao công nghệ, đầu tư nghiên cứu, bào chế và sản xuất vaccine trong nước để chủ động nguồn cung, tự chủ vaccine trong việc thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19.
Dẫn chứng thực tế tỷ lệ tiêm phòng ở một số địa phương còn thấp, trong khi phòng, chống dịch phải là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân, ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị Chính phủ sớm ban hành chiến lược phòng, chống dịch, văn bản hướng dẫn để thực hiện thống nhất phù hợp về kiểm soát cách ly y tế, thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới.
Với tư cách là nhân viên y tế, bằng kinh nghiệm chống dịch ở nhiều địa phương, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho rằng, thời gian tới, phải tập trung rà soát lỗ hổng trong việc bảo vệ những đối tượng nguy cơ cao nếu bị Covid-19 tấn công, như là người già, người có bệnh nền không ổn định, phụ nữ có thai… Bảo vệ các cơ sở y tế, các viện dưỡng lão để không trở thành các ổ dịch. Tiêm phủ mũi 1 cho đại bộ phận dân số, chúng ta biết tiêm mũi 1 xong đã có khả năng giảm tỷ lệ tử vong rất cao, sau đó chúng ta sẽ tính đến mũi 2, mũi 3 ở các tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó là triển khai ứng dụng tin học trong việc phát hiện, theo dõi và điều trị Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, không để riêng một bộ chủ trì trong triển khai lĩnh vực vô cùng quan trọng này. Hội đồng nghiệm thu phần mềm các app ứng dụng cần phải có các chuyên gia có kinh nghiệm, tâm huyết của y tế, công an, quân đội, những người đã và đang trực tiếp tham gia chống dịch. Sau khi thử nghiệm hoàn chỉnh, cần triển khai đồng bộ trên diện rộng, tránh hiện tượng “đầu voi đuôi chuột” của những phần mềm mang tiếng là quốc gia trước đây. Rào cản lớn nhất theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu chính là cơ quan quản lý nhà nước chưa thống nhất các quy định, quy trình, chưa tường minh, dẫn đến hiệu quả còn quá khiêm tốn với tiềm năng to lớn của công nghệ thông tin. Do vậy, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị, nên lấy tiêu chí đơn giản và rộng mở để triển khai ứng dụng thông tin. Đơn giản là để bất cứ người dân nào có thể sử dụng được, thời gian nạp dữ liệu ngắn nhất và rộng mở có nghĩa là có thể tích hợp với tất cả các phần mềm đã, đang và sẽ triển khai trong tương lai.
Mở cửa nền kinh tế là mong muốn của người dân và doanh nghiệp, nhưng phải mở cửa như thế nào trong bối cảnh đại dịch Covid-19? Trả lời câu hỏi này, các ĐBQH thống nhất cho rằng, cần mở cửa từ từ nhưng nhất quán dựa theo khuyến cáo của y khoa đã được kiểm chứng, không mở cửa dựa vào cảm tính, không duy trì chế độ Zero Covid. Để trở lại cuộc sống bình thường, hơn bao giờ hết, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu khẳng định phải tuân thủ theo quy tắc sống an toàn với dịch. Chúng ta không sợ Covid-19 nhưng không thể chủ quan để dịch bùng phát trên diện rộng.
Với 120 đại biểu thuộc 57 đoàn ĐBQH phát biểu qua hai ngày thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề được cử tri quan tâm. Trong đó, nhiều ĐBQH đề nghị, cần có Chương trình phục hồi kinh tế toàn diện, khả thi, với những giải pháp đột phá, khắc phục cho được những bất cập đã nêu ra trong thời gian qua.
Anh Thảo