Những món ăn dân dã

1. Đằm sâu vị nhút

Nói đến Thanh Chương, mọi người thường nghĩ đến một món ăn dân dã mà nổi tiếng đó là nhút. Dường như thiên nhiên khắc nghiệt, cuộc sống khó khăn đã khiến người dân nơi đây sáng chế ra món nhút “ăn rồi thì nhớ mãi”.

Thật ra nhiều vùng quê có nhút, đây là thứ rau, quả dầm muối, ủ chua nhằm để dành thức ăn được lâu hơn, như nhút ngọn đậu, nhút hoa chuối, nhút hỗn hợp… nhưng nhút Thanh Chương đặc biệt vì làm từ quả mít xanh được gọt vỏ, thái nhỏ, ủ trong vại sành.

bna_1d.jpg
Người dân Thanh Chương làm nhút mít. Ảnh: Huy Thư

Nhút không có nhiều chất dinh dưỡng, nhưng có thể chế biến thành các món ăn hấp dẫn như nhút xào, nhút nộm, nhút nấu lạc, nhút nấu canh chua… Ngày hè nếu có nồi canh cá lóc nấu nhút thì ngon biết mấy.

Món nhút đã đồng hành cùng người dân quê tôi đi qua những tháng năm nghèo đói, cơm độn sắn ngô. Giữa mâm cơm ngày ấy nhút là thực phẩm chính của nhiều gia đình ở Thanh Chương. Để có nhút ăn cả năm, mỗi mùa mít đến, nhà đông con phải làm vài ba vại nhút.

Cái vị chua thanh của nhút kích thích người ăn, là thức ăn tốn cơm, dù cơm chỉ toàn khoai, sắn. Nhút mít là sơn hào của người dân quê tôi những ngày “cơm chưa đủ no, áo chưa đủ mặc”.

Nhút đã góp phần nuôi lớn, hun đúc nên nếp cảm, nếp nghĩ của bao thế hệ người dân Thanh Chương:

“Dẫu ngày xưa có thể khác bây giờ

Nhưng chất Nghệ anh tin là vẫn chảy

Trong huyết quản của người quê anh đấy

Sống nơi nào cũng muối mặn gừng cay” (st)

Sống xa quê, nếu nhìn thấy nhút, nghĩ đến nhút , mọi người lại thổn thức nhớ về quê hương, nhớ tới gia đình. Nhớ cái vị nhút đậm đà như tình nghĩa của quê cha đất tổ: “Đất Thanh Chương nhút mặn chua cà. Chắc có lẹ rứa mà anh chê. Chắc có lẹ rứa mà anh nỏ về” (Phan Thanh Chương)

bna_2d.jpg
Nhút Thanh Chương làm từ quả mít xanh thái nhỏ. Ảnh: Huy Thư

Từ một món ăn dân dã, nhút từng bước trở thành đặc sản, thành mặt hàng nổi tiếng được mua bán nhộn nhịp trên thị trường. Món quà quê có giá trị vật chất không nhiều nhưng gửi gắm cả tâm hồn, tình cảm của người dân “quê nhút” theo chân du khách vào Nam ra Bắc mang hương vị đồng quê tỏa đi muôn ngả.

Nhút đã trở thành biểu tượng rất đỗi thân thương xen lẫn một chút tự hào của người và đất Thanh Chương, của vùng quê nghèo khó, nhưng đằm đượm nghĩa tình: “dân nhút”, “quê nhút”, “xứ nhút”…

2. Canh gà đậm ngọt vị quê

Thanh Chương một vùng trung du, lắm đồi nhiều núi, không chỉ có mít, có nhút, mà còn có nhiều gà. Giống gà kiến, gà cỏ được nuôi thả tự nhiên bằng thóc, gạo, cám, ngô trong vườn nhà, vườn rừng, tuy trọng lượng không lớn như những loại gà lai, nhưng là thứ gà ngon, sạch.

Mỗi dịp lễ, tiệc hay khách đến chơi nhà, người Thanh Chương thường nấu món canh gà quen thuộc.

“Con gà cục tác lá chanh.

Ai về xứ Nhút cùng anh thì về

Nghệ hành thêm đậm vị quê…” (An Nam)

Người thanh Chương hay nấu canh gà bởi gia vị lá chanh, hành, nghệ, ớt cay, muối trắng dễ tìm, luôn có trong nhà. Thịt gà chặt pha hay lọc xương băm nhuyễn, vo viên, đều dễ nấu. Không khô dai như gà nướng, không nhạt vị như gà luộc, gà nấu xáo vừa có thịt mềm ngon ngọt, vừa có nước xáo đậm đà dậy mùi thơm rất đặc trưng.

bna_3d.jpg
Canh gà nấu xáo - món ăn truyền thống ở Thanh Chương. Ảnh: Huy Thư

Chợ ngái, đường xa, sẵn gà nuôi được, khi con cái đi xa về, khi gia đình sum họp đoàn viên, khi khách đến chơi nhà, người Thanh Chương nhất thiết sẽ mổ gà chiêu đãi món canh gà nấu xáo. Món ngon đậm đà vị quê, không mất tiền mua, gia chủ, người thân tự tay chế biến càng thể hiện được tấm lòng trân quý, yêu thương.

Ngày nay, trong dân gian gà được chế biến thành nhiều món tầm “sơn hào hải vị”, nhưng món canh gà vẫn được người Thanh Chương gìn giữ, trao truyền như một đặc sản ẩm thực của quê hương, dân dã mà sạch ngon, đơn sơ mà tinh tế.

Món canh gà nấu xáo quê nhút đã vượt ra khỏi góc bếp gia đình, trở thành thực đơn hút khách của nhiều nhà hàng, khách sạn. Xa quê ăn bát canh gà nấu xáo lại thấy thương cha, nhớ mẹ, nhớ quê đến nao lòng...

3. Ngọt bùi trám đen

Dường như thiên nhiên khắc nghiệt, không chỉ sinh ra để thử sức vượt khó của con người, mà còn ban cho quê nhút nhiều đặc sản, trong đó có trám đen. Quả trám béo bùi, thơm nức, mang hương vị đặc trưng của miền Tây xứ Nghệ. Trám đen Thanh Chương có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, như trám om, trám muối, trám xào, rim mặn ngọt, kho tàu, nấu thịt… Dẫu không được chế biến cầu kỳ thành gỏi trám, xôi trám… như ở các nơi, nhưng hương vị đặc trưng của các món ăn từ trám Thanh Chương cũng có sức quyến rũ lòng người.

Những quả trám thon dài, rắn chắc như hàm chứa trong đó cả sự vươn lên, kiên cường của cây trám trong tự nhiên. Vị béo bùi, hương thơm rất riêng của trám đen như được kết tinh, chắt chiu từ thổ nhưỡng, khí hậu khắc nghiệt của vùng quê nắng lắm mưa nhiều.

bna_4d.jpg
Trám đen Thanh Chương. Ảnh: Huy Thư

Mùi thơm đặc biệt của trám không lẫn vào đâu được, chỉ mới ngửi thôi đã thấy thèm ăn. Thưởng thức những món ẩm thực từ trám còn cảm nhận được cả dư vị mặn mòi, sâu nặng của tình đất, tình người quê nhút.

Ngày nay, khi thực phẩm trên thị trường ngổn ngang hóa chất, trám đen Thanh Chương đã lên ngôi, trong sự trở về của ẩm thực quê hương. Trám ngày càng được giá, hứa hẹn sẽ có nhiều mùa trám bội thu, mang lại tiền tỉ cho người dân, cho bữa cơm từng nhà lại béo bùi vị trám - một món ăn bình dị đồng quê mà vô cùng thân thiết. Để những người con đất trám đi xa, mỗi mùa trám về lại nôn nao nhớ quê hương bằng cả tấm lòng: “khế chua nên ngọt, trám bùi nên thương”.

Phải chăng miền quê bỏng rát gió Lào với những món ăn dân dã ấy đã góp phần làm nên cái chất “nhút” trong con người Thanh Chương mộc mạc, chăm chỉ, kiệm cần, chân thành, ngay thẳng… Trong hoàn cảnh nào vẫn quyết chí vươn lên cùng lối sống khảng khái, sâu nặng nghĩa tình,

"Nhút mặn cà chua" câu hát xưa còn đó

Thanh Chương quê nghèo suốt đời con nhớ

Thương câu nói "vụng về": Chắc cò lẹ rứa mà anh chê.

Nay xa quê hương con muốn tìm về

Nhút có mặn, cà có chua, con cũng về cho bằng được

Thanh Chương quê mình mặn mà sau trước

Nghĩa xóm tình làng mộc mạc thân thương” (Hưng Thái)

Cách mạng và hiếu học

Đến Thanh Chương lần đầu, không ít người phải rung động trước phong cảnh non xanh nước biếc “như tranh họa đồ”. Bên sông Lam thơ mộng, núi Nguộc sừng sững như tâm thế, khí chất kiên gan, trung dũng của người dân xứ nhút. Vùng quê Thanh Chương với núi cao, sông sâu, con người thủy chung son sắt đã từng là nơi đứng chân của Tỉnh ủy Nghệ An những năm đầu mới thành lập.

Trong quá trình đấu tranh cách mạng gian nan mà vinh quang của Đảng, Tỉnh uỷ Nghệ An đã về làng Yên Lạc, xã Thanh Ngọc hoạt động bí mật. Người dân Yên Lạc cũng một lòng theo Đảng, chẳng quản gian khổ, hi sinh, dành dụm mọi thứ vật chất có được từ củ khoai, bơ gạo, hũ nhút để nuôi giấu cán bộ, sẵn sàng hi sinh cả tính mạng cho sự nghiệp chung. Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, làng Yên Lạc đã bị giặc khủng bố dữ dội, hàng chục người bị bắt bớ, giam cầm tra tấn cho đến chết. Cây trôi, mái đình, sân phủ ngày ấy đã trở thành chứng tích cho sự kiên cường, dũng cảm, hi sinh của quê hương.

Từ tháng 9/1930 đến tháng 2/1931, làng Diên Tràng, xã Thanh Phong cũng là địa điểm hoạt động bí mật của cơ quan Tỉnh ủy. Nhà thờ họ Nguyễn Duy là nơi ở, hội họp của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiềm, nhà thờ họ Nguyễn Bá, Nguyễn Ích cùng cây sui Diên Tràng từng là nơi ấn loát, cất giấu tài liệu.

bna_5d.jpg
Cây sui Diên Tràng hàng trăm năm tuổi ở xã Thanh Phong (Thanh Chương) Ảnh: Huy Thư

Tồn tại qua hàng trăm năm, vượt qua bão dông, bom đạn của chiến tranh, cây sui Diên Tràng vẫn vươn lên xanh tốt trên đỉnh núi Tròn, là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên cường, sức sống mãnh liệt và đằm đượm nghĩa tình của vùng quê cách mạng.

Trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), Thanh Chương là địa phương “đứng đầu dậy trước”. Ngày 1/5/1930, hàng nghìn người dân Hạnh Lâm, La Mạc, sau khi tập trung, mít tinh ngày quốc tế lao động tại đình làng Hạ, đã tiến về đồn điền Ký Viện, cùng nhau đốt phá nhà cửa, kho tàng... Chỉ trong chốc lát, đồn điền của tên địa chủ kiêm tư sản bị phá tan hoang. Pháp điều quân về đóng chật đình làng Thượng, tổ chức đàn áp làm 17 người hi sinh, 18 người bị thương.

Ngày 1/9/1930, hơn 2 vạn nông dân Thanh Chương từ các tổng Đại Đồng, Xuân Lâm, Võ Liệt, Cát Ngạn…nhất tề đứng dậy, kéo về Rộ tấn công huyện đường, đập phá nhà giam, giải thoát tù nhân, thiêu huỷ hồ sơ tài liệu... Thừa thắng, nhân dân các làng, xã trong huyện, đồng loạt nổi dậy biểu tình, thị uy, bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến ở Thanh Chương đã hoàn toàn tan rã.

Nông hội đỏ ở các làng xã đứng ra giải quyết mọi công việc như một chính quyền. Cuộc biểu tình "long trời lở đất" ngày 1/9/1930 ở Thanh Chương, được coi là mốc mở đầu, đánh dấu sự ra đời của Xô viết Nghệ Tĩnh, một hình thức chính quyền mới trong lịch sử dân tộc.

bna_12.jpg
Đình Võ Liệt từng là trụ sở của chính quyền cách mạng Thanh Chương những năm 1930 - 1931. Ảnh: Huy Thư

Thanh Chương còn nổi tiếng là vùng quê hiếu học, trọng tài, những tên núi, tên bến, tên làng cũng rạng ngời đạo học. Núi Tháp Bút nhô cao giữa trời xanh như cây bút ở xã Thanh Hương là biểu tượng của đất học Thanh Chương. Bến Ba Nghè, xóm Ba Nghè ở xã Thanh Giang là nơi có 3 vị đỗ đại khoa thời phong kiến: Nguyễn Tiến Tài (đăng khoa năm 1664), Phạm Kinh Vỹ (đăng khoa năm 1724) và Nguyễn Lâm Thái (đăng khoa năm 1739).

Những nhà bia độc đáo lưu danh những ông nghè, ông cử sẽ còn mãi với mai sau. Trước đình Võ Liệt (xã Võ Liệt) lưu giữ 2 dãy bia đá khắc chữ Hán ghi ghi danh 455 người con đỗ đạt (tú tài, cử nhân, tiến sĩ, phó bảng) của tổng Võ Liệt, từ thời Lê đến thời Nguyễn.

bna_8d.jpg
Nhà bia ghi danh 445 vị đỗ đại khoa, trung khoa... Hán học tại đình Võ Liệt. Ảnh: Huy Thư

Tại xã Thanh Liên còn lưu giữ 3 tấm bia đá của văn chỉ tổng Cát Ngạn xưa ghi rõ danh tính 267 vị đỗ đại khoa (thám hoa, tiến sĩ), cử nhân, tú tài trong lịch sử khoa cử thời phong kiến của tổng Cát Ngạn. Trong đó có tên của những đại khoa như Đinh Bộ Cương, Nguyễn Thế Bình..

Một vùng quê địa linh nhân kiệt với nhiều dòng họ nổi tiếng, như Nguyễn Cảnh, Nguyễn Sỹ, Nguyễn Phùng, Phan Sỹ, họ Trần, họ Chu, họ Tôn, họ Đặng… đã sản sinh ra nhiều thế hệ văn thần võ tướng, nhà cách mạng, nhà văn hóa có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước: Nguyễn Cảnh Huy và hậu duệ, Nguyễn Phùng Thời, Chu Di Hiến, Trần Hưng Học, Trần Hưng Nhượng, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt…

Tại xã Thanh Lương, làng Kẻ Trằm đã được truyền tụng trong câu ca “ruộng Kẻ Ngan, quan Kẻ Trằm” - Kẻ Ngan thì lắm ruộng, Kẻ Trằm thì nhiều quan. Trong đó, họ Chu là một dòng họ “danh gia vọng tộc”. Lịch sử phát triển của dòng họ trải qua cả nghìn năm với nhiều thế hệ là quận công, tiến sĩ, văn thần, võ tướng của triều đình.

Truyền thống cách mạng và hiếu học của người Thanh Chương đang được tiếp nối, hun đúc phát huy trong thời đại ngày nay. Mỗi kỳ thi, con em người Thanh Chương đỗ đạt vào các trường Đại học, Học viện tốp đầu trong nước, theo học các trường uy tín trên thế giới ngày càng đông. Nhiều người thành danh là cán bộ cấp cao, có nhiều giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học, nhà thơ, nghệ sĩ nổi tiếng của xứ Nghệ và cả nước.

bna_13..jpg
Bác sĩ Nguyễn Đình Thành quê xã Thanh Thủy (Thanh Chương) từng là Thủ khoa Học viện Quân y, đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Trung Quốc. Ảnh: NVCC

Thanh Chương miền đất khát: khát khao vươn lên để học hỏi, để thoát nghèo, để vươn xa, khát khao cống hiến để xây dựng quê hương đất nước vẫn là nỗi trăn trở, thao thức của người Thanh Chương xưa và nay:

“Bỏng rát gió Lào, gió Bấc tái tê

Đá sỏi đất cằn vẫn vươn mình trỗi dậy

Trong gian nan vẫn mơ về xa ấy

Mỗi mùa thi lắm “ông cử, ông nghè”. (An Nam)

Những điểm đến hấp dẫn

1. Thơ mộng Đảo Chè

Đất và người Thanh Chương mang vẻ đẹp tiềm ẩn, “biết nhìn, biết ngắm mới say”, là điểm đến hấp dẫn của du khách muôn phương trong hành trình trải nghiệm và khám phá xứ Nghệ.

Đảo chè Cầu Cau lâu nay được ví như “Hạ Long của xứ Nghệ” nhờ phong cảnh non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình, mang nét đặc trưng hiếm nơi nào có được. Trên lòng hồ thủy lợi, những đảo chè nổi lên giữa nước non trùng điệp với vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ, thơ mộng là điểm ngắm cảnh, thư giãn, chụp ảnh thú vị.

Đảo chè nằm cạnh đường Hồ Chí Minh, thuận lợi cho các tour du lịch, kết nối các điểm đến trên địa bàn. Thời gian lý tưởng để đến đảo chè vào mùa Xuân và mùa Thu. Nơi đây, các dịch vụ mua bán, ăn uống, giải khát phục vụ du khách hoạt động ngày càng nhộn nhịp hơn.

bna_1(2).jpg
Vẻ đẹp hoang sơ, lãng mạn của đảo chè Thanh Chương. Ảnh: Huy Thư

2. Thác Liếp

Thanh Chương là huyện miền núi có nhiều sông, suối..., đặc biệt, có nhiều thác đẹp. Còn nguyên nét hoang sơ, thác Liếp ở xã Thanh Sơn, thác Vặn ở xã Thanh Hà là những điểm đến hấp dẫn của người dân địa phương và du khách những ngày nắng nóng.

Tuy không có những cột nước hoành tráng, đồ sộ, nhưng hai thác này vẫn đẹp như bức tranh thủy mặc với những nét vẽ độc đáo, cuốn hút đến lạ lùng. Giữa đôi bờ cây cối xanh tươi, những dòng nước trong veo, len lỏi qua các khe đá đổ về xuôi trong không gian tươi mát, yên bình.

3. Đền Bạch Mã

Ngoài tiềm năng du lịch được thiên nhiên ban tặng, huyện Thanh Chương còn có hệ thống di tích đền, đình, phủ... độc đáo. Đền Bạch Mã ở xã Võ Liệt được xây dựng từ thời Lê để thờ danh tướng Phan Đà là một trong những ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ. Đền có kiến trúc đồ sộ. Chính điện của đền được điêu khắc chạm trổ tinh xảo tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ.

bna_11.jpg
Khách du lịch tham quan đảo chè Thanh Chương. Ảnh: Huy Thư

Đình Võ Liệt được xây dựng vào năm 1859, là một trong những ngôi đình cổ có quy mô lớn trong tỉnh. Đại đình có kiến trúc đặc sắc với 4 ngôi nhà khép kín tạo thành hình chữ "khẩu", trong đó, thượng đình là ngôi nhà chồng diêm 8 mái khá độc đáo.

4. Phủ Đàng Cao

Phủ Đàng Cao ở xã Đại Đồng được xây dựng vào thế kỷ XVI để thờ 3 nhân vật lịch sử có công lao to lớn với đất nước thời hậu Lê của họ Nguyễn Cảnh. Phủ có nhiều hạng mục, trong đó nghi môn 3 tầng với hình khối uy nghi, đường nét hoa văn sắc sảo là công trình đặc sắc nhất.

Nghi môn phủ Đàng Cao có kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Vô băng - Pháp với kiến trúc cổ truyền phương Đông là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, được đánh giá là nghi môn đẹp bậc nhất trong hệ thống các di tích ở xứ Nghệ.

bna_10.jpg
Du khách giải nhiệt trên thác Vặn, xã Thanh Hà (Thanh Chương).

5. Nhà thờ họ Nguyễn Viết

Cũng ở xã Đại Đồng, nhà thờ họ Nguyễn Viết là một công trình nghệ thuật mang vẻ đẹp cổ kính, hiếm có ở Nghệ An. Nhà thờ được xây dựng vào thời Nguyễn, gồm hạ đường, thượng đường, trong đó hạ đường là ngôi nhà 3 gian 2 hồi thể hiện tập trung, đầy đủ nhất vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc gỗ tinh xảo của người xưa…

Cách TP. Vinh không xa, thuận đường đi lại, huyện Thanh Chương với bề dày trầm tích văn hóa lâu đời, cảnh quan tươi đẹp, người dân chất phác hiền hòa, đã và đang là điểm đến hấp dẫn, thú vị của du khách muôn phương.

Đến đây, mọi người không chỉ được hòa mình giữa phong cảnh non xanh nước biếc hữu tình, tham quan các di tích, danh thắng tiêu biểu để hiểu hơn, yêu hơn đất và người Thanh Chương, mà còn được thưởng thức, mua sắm những đặc sản ngon sạch nức tiếng của xứ nhút.