Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 có 83 đại biểu, bao gồm 10 đại biểu chuyên trách và 73 đại biểu kiêm nhiệm, sinh hoạt tại 21 tổ đại biểu ở 17 huyện, Thành phố Vinh và 3 thị xã Cửa Lò, Thái Hoà, Hoàng Mai. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân tỉnh có Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, 04 Ban (Kinh tế - Ngân sách, Pháp chế, Văn hóa - Xã hội và Dân tộc) và Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.

1b1cc57f2e02e15cb813.jpg
Đồng chí Nguyễn Nam Đình, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tham luận tại Hội nghị

Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khoá XVIII đã tổ chức 04 kỳ họp, trong đó 01 kỳ họp chuyên đề (Kỳ họp thứ 3) được tổ chức vào tháng 8 năm 2021, thông qua 07 nghị quyết về các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương các dự án đầu tư công. Qua thực tiễn hoạt động và thành công của kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An rút ra một số kinh nghiệm sau đây:

Thứ nhất, ngoài 2 kỳ họp thường lệ hàng năm, cần xác định việc tổ chức các kỳ họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là hoạt động bình thường; việc tổ chức các kỳ họp chuyên đề đã được quy định tại các khoản 1, khoản 2 Điều 78 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015 và khoản 31 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019. Mặt khác, giữa 2 kỳ họp thường lệ, có nhiều nội dung quan trọng, phát sinh để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo kế hoạch 5 năm, hàng năm thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, chưa được phân cấp cho Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh. Do đó, hàng năm Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An chủ động kế hoạch tổ chức ít nhất 2 kỳ họp chuyên đề, dự kiến vào cuối quý 1 và cuối quý 3; việc tổ chức kỳ họp chuyên đề đã được đưa vào chương trình công tác năm 2022 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An (dự kiến kỳ họp chuyên đề đầu tiên của năm 2022 (kỳ họp thứ 5) sẽ được tổ chức vào cuối tháng 3 năm 2022.

Thứ hai, ngay sau khi kết thúc các kỳ họp thường lệ, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chủ động từ sớm, từ xa thống nhất với Uỷ ban nhân dân tỉnh chương trình, nội dung, phân công nhiệm vụ, công tác chuẩn bị của kỳ họp chuyên đề tiếp theo. Qua đó, cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, nghị quyết và cơ quan thẩm tra ngay từ đầu có nhiều thời gian để khảo sát, xây dựng, thẩm tra, hoàn chỉnh các nội dung của kỳ họp để gửi cho các tổ đại biểu, đại biểu nghiên cứ, tham gia ý kiến và trình kỳ họp đúng quy định, tiến độ, có chất lượng. Quá trình chuẩn bị nội dung kỳ họp cần ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm và hộp thư điện tử công vụ để trao đổi, gửi và nhận toàn bộ các tài liệu của kỳ họp.

Thứ ba, do thời gian tổ chức các kỳ họp không dài, thường chỉ trong khoảng 1 ngày hoặc 1/2 ngày nên để kỳ họp thành công thì chương trình, kịch bản kỳ họp cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, việc điều hành của chủ toạ phải chặt chẽ, khoa học, có trọng tâm, linh hoạt và ngắn gọn; chú trọng đến những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tăng cường trao đổi, đối thoại, tranh luận; tiến hành thảo luận tổ nếu cần thiết và tổ chức thảo luận kỹ tại hội trường. Việc chỉnh lý, ký ban hành các nghị quyết cần thực hiện trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày được biểu quyết thông qua để làm căn cứ thực hiện các bước tiếp theo.

Kiến nghị, đề xuất

Thứ nhất đối với quy trình, cách thức tiến hành kỳ họp chuyên đề:

Hiện nay, kỳ họp chuyên đề vẫn phải đảm bảo các bước, quy trình, cơ sở vật chất như kỳ họp thường lệ dù nội dung, thời gian kỳ họp thường ít hơn rất nhiều. Nhiều quy trình, hoạt động vẫn mang tính hình thức như: thông báo triệu tập đại biểu; nghi lễ; phát biểu khai, bế mạc kỳ họp...Đặc biệt, với đặc thù là tỉnh có diện tích rộng, số lượng đại biểu phân bổ đều trên tất các các địa bàn nên trong Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã yêu cầu Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh xây dựng các kịch bản, ứng dụng công nghệ thông tin để tiến hành các kỳ họp thường lệ theo hình thức trực tuyến để tập trung vào nội dung kỳ họp, đảm bảo tiết kiệm, giảm khâu di chuyển cho các đại biểu ở xa và tránh các hoạt động hình thức khác.

Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu để ban hành quy định về cách thức tiến hành kỳ họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh đảm bảo khoa học, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các hệ thống phần mềm phục vụ hoạt động chung của Hội đồng nhân dân các cấp phù hợp với điều kiện thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 và các diễn biến khác có thể xảy ra trong tương lai.

Thứ hai về thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh:

Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu để có quy định cụ thể về thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để đảm bảo sự linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong giải quyết các công việc cấp bách phát sinh giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh. Trong thực tiễn hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An thời gian qua, có nhiều vấn đề quan trọng hoặc cấp bách, phát sinh giữa hai kỳ họp liên quan tới việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương cần quyết định ngay. Trong khi đó, theo quy định của một số văn bản luật và văn bản dưới luật, nhiệm vụ này thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, phải đợi đến kỳ họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh được tổ chức mới xem xét, quyết định. Vì vậy, đề nghị cần nghiên cứu ban hành văn bản quy định rõ thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh liên quan đến việc xem xét, quyết định các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp; rà soát, quy định cụ thể hơn các nội dung cần thiết phải có sự phân quyền hoặc ủy quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định giữa hai kỳ họp, nhất là các nội dung liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án, quản lý đất đai, tài chính ngân sách, các vấn đề cấp bách phát sinh như điều chỉnh giá xét nghiệm Covid-19…; đồng thời quy định cụ thể cách thức, trình tự các bước thực hiện nhiệm vụ được Hội đồng nhân dân tỉnh ủy quyền giải quyết giữa hai kỳ họp và trách nhiệm của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh khi tham gia quyết định các vấn đề phát sinh.

b9e4f3b8fbc4349a6dd5.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Trường hợp chưa quy định rõ thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp, đề nghị Chính phủ, Quốc hội rà soát các quy định tại các văn bản luật có liên quan trong việc quy định thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh và thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để đảm bảo phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Hiện nay, Luật Tổ chức chính quyền địa năm 2015 và Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 ngày 30/01/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân, phương không quy định về thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trong việc quyết định các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp. Trong khi, một số Luật và văn bản quy phạm lĩnh vực chuyên ngành có giao thẩm quyền cho Thường trực HĐND giải quyết. Ví dụ như: Khoản 3 Điều 84 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định HĐND miễn nhiệm Chủ tịch UBND theo đề nghị của Chủ tịch HĐND; miễn nhiệm Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND theo đề nghị của Chủ tịch UBND. Tuy nhiên, Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 của Chính phủ quy định trường hợp điều động Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các cấp không phải miễn nhiệm, còn Ủy viên UBND các cấp điều động lại phải miễn nhiệm. Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 giao thẩm quyền cho Thường trực HĐND tỉnh về điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trên cơ sở trình của UBND tỉnh (Khoản 3, Điều 52 Luật Ngân sách nhà nước); nhưng Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định việc điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương thuộc thẩm quyền của HĐND (Điều 19 quy định về nhiệm vụ của HĐND tỉnh)…/.