Đồng thời, quan tâm những ý kiến, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, từ đó đề xuất kịp thời giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát sinh.

Đó là bài học kinh nghiệm được Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhấn mạnh qua giám sát chuyên đề việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021 trên địa bàn tỉnh.

Đạt được sự đồng thuận cao

Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách riêng cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp nhằm bảo đảm quyền lợi, khuyến khích những người đã có cống hiến lâu năm có nguyện vọng xin nghỉ hưu trước tuổi (nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi) do sắp xếp ĐVHC. Có kế hoạch, lộ trình chi tiết sắp xếp đối với những đơn vị hành chính chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định để địa phương có kế hoạch, thời gian chuẩn bị nhằm xác định đơn vị sẽ sáp nhập; quy hoạch, lựa chọn trụ sở làm việc cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập; xây dựng kế hoạch sắp xếp bố trí cán bộ, công chức của các đơn vị hành chính thuộc diện phải sáp nhập nhằm giảm thiểu số cán bộ dôi dư sau sáp nhập....

Kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH cho thấy: Các ĐVHC sau sắp xếp cơ bản đạt tiêu chuẩn ĐVHC cấp xã theo quy định. Quá trình tổ chức thực hiện, đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên đã đạt được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân ở từng ĐVHC thuộc diện sắp xếp và đã sắp xếp thành công, mặc dù bước đầu thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn và có nhiều ý kiến khác nhau. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị xã sau sắp xếp sớm ổn định, đi vào hoạt động; quan tâm đến việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách và giải quyết chế độ dôi dư bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng... các điều kiện về kinh tế - xã hội của ĐVHC sau sáp nhập có nhiều chuyển biến tích cực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng chỉ ra: Một số địa phương khi xây dựng phương án, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính còn lúng túng, chưa đưa ra được dự kiến việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách sau sắp xếp. Đến nay, còn dôi dư 196 người, chưa bảo đảm theo lộ trình Đề án của tỉnh đề ra. Việc tinh giản biên chế đang chủ yếu tinh giản do về hưu trước tuổi. Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, công trình thiết yếu chưa nhiều, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân của một số đơn vị sau sáp nhập chưa rõ…

Bên cạnh những khó khăn khách quan, nguyên nhân chủ quan được xác định do chưa có chính sách đặc thù, ưu tiên nguồn lực cho các ĐVHC sau sắp xếp sớm ổn định tổ chức, bộ máy, sắp xếp, bố trí cơ sở vật chất, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế. Cơ chế, chính sách giải quyết cán bộ, công chức dôi dự do sáp nhập ĐVHC hiện tại chưa đủ khuyến khích cán bộ, công chức nghỉ hưu trước tuổi, tinh giản biên chế.

Kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách ưu đãi, hỗ trợ

Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm cho việc sắp xếp giai đoạn sau. Trong đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần có quyết tâm chính trị cao, xây dựng kế hoạch chi tiết, tiến độ thời gian cụ thể để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát trong việc rà soát, xây dựng và hoàn chỉnh nội dung hồ sơ, đề án cũng như tổ chức triển khai thực hiện. Cùng với đó, cần thực hiện tốt việc phân công và gắn trách nhiệm trong thực hiện từng nhiệm vụ đối với từng cơ quan, đơn vị, từng cấp, từng ngành, từ đó yêu cầu mỗi cấp mỗi ngành phải thật sự chủ động, sâu sát cơ sở và có sự phối hợp để làm tốt các nội dung trong quá trình sắp xếp ĐVHC cấp xã.

kha%CC%89o%20sa%CC%81t%20ta%CC%A3i%20xa%CC%83%20Mu%CC%9Bo%CC%9B%CC%80ng%20No%CC%A3c,%20huye%CC%A3%CC%82n%20Que%CC%82%CC%81%20Phong%20A%CC%89nh%20Mai%20Hoa.jpg Đoàn giám sát chuyên đề của ĐBQH tỉnh Nghệ An về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021 khảo sát tại xã Mường Nọc, huyện Quế Phong. Ảnh: Mai Hoa

Để đạt được sự đồng thuận cao, cần chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách các xã dôi dư sau khi thực hiện việc sáp nhập, trình cấp có thẩm quyền quyết định. Kịp thời giải quyết các chế độ, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với số cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp, số cán bộ có nguyện vọng nghỉ công tác trước tuổi. Quan tâm, chú trọng đến những ý kiến, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, từ đó đề xuất kịp thời các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những phát sinh tại các ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp…

Một bài học kinh nghiệm nữa là xây dựng phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã hợp lý về địa lý, phong tục tập quán, quy mô về diện tích tự nhiên, dân số để các cấp chính quyền địa phương thuận lợi trong việc quản lý điều hành và Nhân dân thuận lợi trong sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, xác định rõ những nhiệm vụ và lộ trình thực hiện các công việc sau khi sắp xếp ĐVHC, nhất là những vấn đề như sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách; sắp xếp và xử lý cơ sở vật chất; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội...

NGỌC MINH