bna_ba34a76f11e3aabdf3f2.jpg
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thảo luận tại Tổ 3, cùng các đoàn: Bắc Giang, Quảng Ngãi. Ảnh: Nghĩa Đức

Cân nhắc thời điểm sửa Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, ông Phạm Phú Bình - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An bày tỏ băn khoăn dự án Luật này được trình tại Kỳ họp thứ 8 và dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp được tổ chức vào các tháng 5, 6/2025.

Bởi hiện nay, nước ta đang tập trung thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả", trong đó có nhiệm vụ rà soát, tổ chức mô hình các cơ quan Quốc hội, Chính phủ tinh gọn, hiệu quả hơn.

bna_957ec93b7fb7c4e99da6.jpg
Ông Phạm Phú Bình - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

“Liệu rằng, nếu dự án Luật được trình tại kỳ họp lần này và thông qua tại kỳ họp vào tháng 5,6/2025 có đồng bộ tiến trình kiện toàn bộ máy của Quốc hội, Chính phủ hay không?”, đại biểu đặt câu hỏi và đề nghị cấp có thẩm quyền cân nhắc có nên tiếp tục xem xét dự án Luật này vào thời điểm hiện tại hay tính toán thời gian khác để đảm bảo đồng bộ tiến trình sắp xếp lại bộ máy đang thực hiện rất quyết liệt.

bna_8a8674f2c27e7920206f.jpg
ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận Tổ 3 chiều 22/11. Ảnh: Nghĩa Đức

Còn trong trường hợp vẫn tiếp tục xem xét dự án Luật này, vị đại biểu đoàn Nghệ An cho biết, có những nhiệm vụ khác phải xem xét như chỉnh sửa Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác liên quan đến mô hình tổ chức Quốc hội, để đảm bảo tính tương thích.

Lấy ví dụ từ góc độ hợp tác quốc tế, đối ngoại, đại biểu Phạm Phú Bình cho biết, có những luật, điều ước quốc tế, hợp tác quốc tế đều đề cập đến trách nhiệm và nêu rõ tên các cơ quan, Ủy ban của Quốc hội; cho nên khi điều chỉnh mô hình tổ chức khi phải sửa các luật liên quan đến đảm bảo phù hợp về tên gọi…

Cùng với đó, về phần nội dung của dự án Luật, ông Phạm Phú Bình đề nghị bổ sung quy định về phối hợp giám sát thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, các nội dung cam kết của Việt Nam trong các thỏa thuận đối tác song phương, đa phương. Đây là điểm mới trong các quan hệ đối ngoại giữa Quốc hội Việt Nam với cơ quan lập pháp các nước.

bna_c80b376481e83ab663f9.jpg
Ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Liên quan đến dự án Luật này, ông Trần Nhật Minh - ĐBQH chuyên trách đoàn Nghệ An nêu ý kiến về một số nội dung sửa đổi, bổ sung về xem xét việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề bằng hình thức chất vấn; trường hợp Quốc hội cho trả lời chất vấn bằng văn bản, Quốc hội ra nghị quyết về chất vấn…

Đặc biệt, ông nêu nhiều quan điểm, ý kiến nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của đoàn ĐBQH tại địa phương, như đồng tình với việc bổ sung nội dung đoàn ĐBQH “giám sát việc thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân”.

Đặc biệt, từ thực tiễn địa phương, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị nghiên cứu quy định số lượng ĐBQH tham gia đoàn giám sát chuyên đề của đoàn ĐBQH cấp tỉnh phù hợp với thực tiễn.

Vì theo quy định của Luật hiện hành: Đoàn giám sát chuyên đề của đoàn ĐBQH phải có ít nhất 3 ĐBQH tham gia thành viên đoàn. Tuy nhiên, thực tiễn ở địa phương nhiều khi rất khó khả thi. Như đoàn Nghệ An, đầu nhiệm kỳ có 13 đại biểu (hiện nay còn 12 đại biểu), trong đó có 7 đại biểu công tác tại địa phương nhưng nhiều khi cũng khó đảm bảo quy định này vì phần lớn là các đại biểu kiêm nhiệm nên trùng lịch công tác.

Tồn tại này cũng đã được nêu trong báo cáo tổng kết thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân là “cá biệt có những đoàn ĐBQH do thuyên chuyển công tác cán bộ hoặc nhiều nguyên nhân khác, tại địa phương chỉ còn 1 đến 2 đại biểu, không đủ điều kiện để tổ chức giám sát” nhưng dự thảo Luật lại chưa sửa đổi, bổ sung quy định.

Ngoài ra, Luật hiện hành cũng chưa quy định rõ, yêu cầu 3 ĐBQH tham gia đoàn giám sát chuyên đề là căn cứ theo nghị quyết thành lập đoàn hay thực tiễn tại cuộc giám sát phải có 3 đại biểu.

Đây là 2 nội dung mà đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân lần này cần làm rõ; đồng thời cần bổ sung thêm quy định thẩm quyền của đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố được tiến hành giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến ĐBQH thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.

Thẩm quyền xuất bản, phát hành tiêu chuẩn quốc gia chỉ nêu giao một đầu mối

Thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An nêu một số ý kiến góp ý vào nội dung dự thảo.

bna_22fb56cee0425b1c0253.jpg
Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Trong đó, về hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, dự thảo Luật quy định: “... việc xây dựng, thu thập, cập nhật, quản lý, duy trì, khai thác, kết nối, chia sẻ, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, cập nhật, duy trì và khai thác theo quy định của pháp luật”.

Theo đại biểu, quy định này chưa phù hợp vì đối tượng sử dụng không chỉ cơ quan Nhà nước, mà còn các tổ chức, cá nhân, họ chỉ vào để khai thác khi có nhu cầu, còn nếu yêu cầu họ thường xuyên, liên tục, cập nhật, duy trì là không chính xác, do vậy đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc thêm.

Còn về xuất bản, phát hành tiêu chuẩn quốc gia, dự thảo Luật đang quy định: “Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện việc xuất bản và phát hành tiêu chuẩn quốc gia trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày tiêu chuẩn quốc gia được công bố”, đồng thời cũng cho phép “Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có quyền xuất bản và phát hành tiêu chuẩn quốc gia do mình tổ chức xây dựng dự thảo”.

Theo bà Thái Thị An Chung, cũng là một việc xuất bản, phát hành tiêu chuẩn quốc gia nhưng vừa giao Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng các bộ và các cơ quan khác sẽ gây lãng phí về nguồn lực, kinh phí. Nêu quan điểm “một việc chỉ giao một cơ quan”, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, tính toán thêm.

Ngoài ra, vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng đề cập đến một số nội dung cần quy định chặt chẽ, đầy đủ hơn như giải thích về từ ngữ: nhiệm vụ xây dựng, thẩm định, công bố, thông báo, áp dụng tiêu chuẩn…

Thành Duy - Thúy Vinh