TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính - ngân hàng
Làm rõ giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sau thiên tai
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng là người đầu tiên trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng vào sáng nay, 11.11. Nội dung chất vấn gồm việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát; công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19 và thiên tai.
Có thể thấy, đây đều là những nội dung được cử tri, các đại biểu hết sức quan tâm. Từ quan sát của mình, tôi cho rằng, tại phiên chất vấn, Thống đốc cần làm rõ 5 vấn đề.
Thứ nhất, trong bối cảnh đồng USD đang tăng giá rất mạnh, NHNN có kế hoạch nào cho vấn đề lãi suất? Thứ hai, dư nợ tín dụng bất động sản đang ở mức khá cao, lên đến 3,15 triệu tỷ đồng, tức là chiếm khoảng trên 20% tổng dư nợ chung của nền kinh tế. NHNN có kế hoạch giảm tỷ lệ này xuống dưới 20% không? Theo tôi, nên khuyến khích các ngân hàng thương mại kéo tỷ lệ này xuống ít nhất 15%, thậm chí sang năm kéo xuống 10%, sẽ hợp lý hơn và giúp kiểm soát rủi ro tốt hơn.
Thứ ba, với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó vay vốn, NHNN có biện pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp. Tôi cho rằng, NHNN cần tăng cường quỹ bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ cho các đối tượng doanh nghiệp này trong thời gian tới. Thứ tư, việc cho vay tiêu dùng có cần giới hạn không? Thực tế, nhu cầu của người tiêu dùng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sẽ rất lớn, NHNN nên tính toán các phương án hỗ trợ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng như thế nào.
Cuối cùng, sau bão số 3 (Yagi), các doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề như thủy sản, logistics, du lịch... chịu nhiều tổn thất nặng nề. Các nhà máy, cơ sở kinh doanh của nhiều doanh nghiệp mất trắng, điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nền kinh tế. Tại phiên chất vấn, ĐBQH và Thống đốc cần làm rõ kết quả hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, người dân sau thiên tai. NHNN cần có kế hoạch khoán nợ, giảm nợ cho các doanh nghiệp bị tác động; thậm chí xóa nợ cho một số trường hợp đặc biệt.
Hy vọng tại phiên chất vấn, ĐBQH và Thống đốc cùng nhau mổ xẻ những vấn đề nóng, nhìn thẳng sự thật - đây là cơ sở để làm rõ những vấn tồn đọng, từ đó có các giải pháp về tín dụng, lãi suất phù hợp hiệu quả nhất hướng đến hỗ trợ cho nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân.
PGS.TS BÙI THỊ AN, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng
Không để khói thuốc tồn tại trong môi trường học đườngChất vấn "trúng", trả lời "sâu"
Đăng đàn phiên chất vấn tại kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ làm rõ nhiều vấn đề bức xúc của xã hội và liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, như: việc bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân, cho phòng chống dịch bệnh sau thiên tai; việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh; thực trạng quản lý thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm; và đặc biệt là công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.
Thực tế, thuốc lá gây tác hại đến người hút chủ động và người hút thụ động rất lớn nhưng lại theo cách từ từ, không phải ngay và trực tiếp. Người dân cũng chưa nhận thức đầy đủ hết tác hại của nó. Vì thế, phòng, chống thuốc lá từ xa và đưa vào giáo dục trong học đường là vô cùng cần thiết. Cần làm cho các em học sinh hiểu rằng thuốc lá ảnh hưởng lớn đến sức khỏe không chỉ của chính bản thân, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lực của xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.
Bộ trưởng Bộ Y tế cần nêu được những giải pháp cụ thể với vấn đề này. Xây dựng môi trường học đường không có khói thuốc có thể bằng các chương trình giáo dục phù hợp với từng lứa tuổi, để các em nhận thức rõ là không được hút thuốc lá. Quá trình này cần được kiểm tra, đánh giá để xem các phương pháp giáo dục đã hiệu quả chưa, học sinh đã nhận thức đầy đủ chưa để điều chỉnh và nâng cao hiệu quả giáo dục. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có giải pháp về thuế để hạn chế sử dụng sản phẩm này.
Th.S NGUYỄN BÌNH MINH, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam
Quyết liệt xử lý các hành vi quảng cáo lừa đảo người tiêu dùng
Chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số nền kinh tế nói riêng đã trở thành tất yếu với mọi quốc gia trên giới, trong đó có Việt Nam. Những năm gần đây, chuyển đổi số ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế phát triển mạnh như thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ và nền tảng, du lịch, báo chí, logistics, y tế…
Trong các nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, tôi đặc biệt quan tâm đến việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, nhất là trên môi trường mạng. Quảng cáo là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa và luôn nhận được sự quan tâm của Nhà nước để phát triển đồng bộ. Trong thời đại công nghệ số bùng nổ như hiện nay, các nền tảng xuyên biên giới như Google, Youtube, Facebook, Tiktok... đã chiếm ưu thế so với hình thức truyền thống. Nhưng khi mọi thứ càng hiện đại thì cũng dẫn đến nhiều mối lo ngại; có nhiều trường hợp các đối tượng đã lợi dụng sự phổ biến và thông dụng của các phương tiện quảng cáo nhất là trên không gian mạng để quảng cáo sai sự thật, trục lợi cá nhân, gây ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng.
Tôi mong Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm rõ những vấn đề nổi cộm trong hoạt động quảng cáo, nhất là ở trên môi trường mạng. Hành lang pháp lý cho vấn đề này như thế nào, chế tài xử phạt khi vi phạm ra sao? Theo tôi, cần rà soát và tăng cường quản lý quảng cáo trên mạng xã hội. Các cơ quan quản lý cần ứng dụng các công nghệ mới để khi các quảng cáo không đạt chuẩn, có dấu hiệu lừa đảo hiện diện thì nắm được các thông tin và sớm có biện pháp phòng chống. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, đào tạo cho doanh nghiệp, người dân sử dụng Internet thế nào là quảng cáo đúng, hợp pháp đúng quy định để thực hiện.
Đối với việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông cho khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số - hiện nay, khoảng cách số giữa thành phố và vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tương đối lớn, làm cho hiệu quả phát triển kinh tế của những vùng này chưa cao. Bộ trưởng cần làm rõ thực trạng này, từ đó có những giải pháp phát triển hệ thống viễn thông, chuyển đổi số, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử ở những vùng này.
Sau phiên chất vấn, hy vọng Bộ trưởng sẽ có những định hướng chiến lược về phát triển quảng cáo và hệ thống viễn thông cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; đồng thời triển khai nhanh chóng, hiệu quả.