Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đã thống nhất, ký kết, ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa 3 cơ quan. Trong đó, quy định rõ nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm, cách thức phối hợp để tổ chức, triển khai và giải quyết những công việc trọng tâm là: tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tuyên truyền, phổ biến, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng luật, các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND; tổ chức tiếp xúc cử tri; tiếp công dân; tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân; hoạt động giám sát, công tác chuẩn bị kỳ họp Quốc hội, HĐND tỉnh ....

bna_img_9919427276_22112021.jpg
Lễ ký kết quy chế phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An

Sau 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2021 đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, giúp cho từng cơ quan chủ động, xác định rõ hơn vai trò, vị trí trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của luật góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Công tác phối hợp giữa Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND và Ủy ban MTTQ tỉnh ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Cụ thể Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có nhiều hoạt động phối hợp, góp phần củng cố, mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong quá trình hoạt động, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh đã tuyên truyền, vận động cử tri và Nhân dân thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tham gia các cuộc vận động do Trung ương và tỉnh tổ chức. Các hoạt động phong trào lớn của MTTQ Việt Nam như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, “Nhà đại đoàn kết”; chương trình “Tết vì người nghèo”; ủng hộ đồng bào miền trung bị ảnh hưởng bão lụt”; ủng hộ quỹ phòng, chống dịch Covid-19… đã được Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh phối hợp tuyên truyền, vận động và đã được các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia tích cực với tinh thần trách nhiệm cao.

Trước mỗi kỳ họp Quốc hội, kỳ họp HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Thường trực HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức lấy ý kiến góp ý vào các dự án luật, Nghị quyết HĐND tỉnh với nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, hoặc lấy ý kiến bằng văn bản. Trong nhiệm kỳ, các bên đã tham gia góp ý đối với 72 dự án luật, 315 nghị quyết của HĐND tỉnh. Tại các cuộc họp thẩm tra của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh đều tham dự và đóng góp nhiều ý kiến phát biểu, có tính phản biện, góp ý chuyên sâu, nhất là đối với các nghị quyết về cơ chế, chính sách, các nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh chủ trì soạn thảo trình HĐND tỉnh. Các dự án luật của Quốc hội, Nghị quyết của HĐND tỉnh có tác động lớn đến quyền và lợi ích của đại đa số người dân và còn có nhiều ý kiến khác nhau, MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức các hội nghị phản biện xã hội. Các hội nghị phản biện của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đều có sự tham gia của đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh. Ý kiến phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh là cơ sở quan trọng, thể hiện tính dân chủ cao để chính quyền địa phương đưa ra những chính sách phù hợp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời cung cấp thêm thông tin để Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận tại các phiên họp Quốc hội

Sự phối hợp trong hoạt động giám sát giữa Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ; chương trình giám sát được thảo luận kỹ với sự tham gia của các bên để điều hòa, tránh trùng lặp về nội dung, thời gian, địa điểm. Nhiệm kỳ 2016-2021, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp tham gia nhiều cuộc giám sát chuyên đề bức xúc của người dân, những vấn đề tồn đọng kéo dài mà cử tri kiến nghị nhiều lần như các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, tái định cư; các dự án về thủy điện, thủy lợi, Quốc lộ 1A...

Phối hợp trong trong hoạt động tiếp xúc cử tri tiếp tục đổi mới, chuyên nghiệp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh từ xây dựng kế hoạch đến việc tổ chức thực hiện, tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri. Việc theo dõi, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị cuả cử tri và Nhân dân được 3 cơ quan phối hợp chặt chẽ. Đối với những vấn đề nổi cộm, bức xúc, cử tri kiến nghị nhiều lần được Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp tổ chức giám sát, khảo sát phát hiện khó khăn, vướng mắc từ đó để kiến nghị cấp có thẩm quyền và đôn đốc UBND tỉnh có các phương án giải quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Việc tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh quan tâm phối hợp, nhất là công tác theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, từ đó làm cơ sở thống nhất lựa chọn vấn đề để phối hợp giám sát, khảo sát, tập trung vào các vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài. Định kỳ, mỗi năm 2 lần trước kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức làm việc, nghe UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị của công dân trên địa bàn.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phối hợp thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định nhất. Phối hợp tổng hợp, theo dõi, đôn đốc kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; xây dựng chương trình và lựa chọn vấn đề cần tập trung giám sát và phản biện xã hội; việc đeo bám đến cùng các kết luận, kiến nghị sau giám sát chưa được các bên quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao.

Nguyên nhân chủ yếu là do sự phối hợp công tác giữa Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh có lúc chưa đồng bộ; việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan có lúc chưa thường xuyên, kịp thời; một số nội dung trong Quy chế chưa được phối hợp thực hiện hoặc có phối hợp thực hiện nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn; công tác tham mưu các hoạt động phối hợp của các Văn phòng trong việc thực hiện Quy chế có lúc chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Để hoạt động phối hợp tiếp tục có hiệu quả trong thời gian tới, các bên cần bám sát quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ được giao, nội dung Quy chế để xây dựng chương trình phối hợp cụ thể; phát huy cao nhất tinh thần chủ động, tích cực trao đổi, chia sẻ thông tin, tận dụng tối đa thế mạnh của mỗi cơ quan, đơn vị để phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ. Các cơ quan cần thiết lập các kênh thông tin, tăng cường ứng dụng công nghệ, thành lập các nhóm chuyên gia để thảo luận, thống nhất nội dung phối hợp cụ thể... thông qua công tác phối hợp để nâng cao chất lượng giám sát, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, hướng tới những nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh, những vấn đề nóng, bức xúc cử tri quan tâm; cùng với đó phải phối hợp chặt chẽ trong theo dõi, đôn đốc các kiến nghị sau giám sát bảo đảm các kiến nghị được giải quyết đúng tiến độ, đúng quy định của pháp luật. Mỗi cơ quan cần tuân thủ nghiêm chế độ thông tin, báo cáo đột xuất, định kỳ theo yêu cầu của quy chế phối hợp, quan tâm kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung mới để công tác phối hợp bảo đảm sát thực tiễn, đảm bảo thực hiện đúng quy định về chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên.

Thúy Vinh

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh