Đặc biệt, thời gian gần đây, khi Sông Lam được thể hiện qua giọng ngâm đặc sắc của Nhà giáo Phan Thị Thanh Vân, dường như tác phẩm thêm một lần nữa “dậy sóng”.

Với giọng ngâm ngọt ngào, sâu lắng và đầy xúc cảm, Nhà giáo Phan Thị Thanh Vân đã truyền tải thành công và rất xuất sắc cái “hồn”của bài thơ đến với khán, thính giả. Xin được dẫn lời của Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) khi nhận xét về bài ngâm của chị :

“Không là nghệ sĩ thực thụ, khó ngâm được bài này. Không là giáo viên giỏi văn, khó cảm thụ để ngâm hay đến vậy. Không là “gái Nghệ”, khó nhập hồn vào câu chữ, hình ảnh, nhịp điệu và chất Nghệ của bài thơ này. Hoà hợp 3 trong 1, thiển nghĩ khó ai vượt được Phan Thanh Vân nếu muốn ngâm lại bài này!”.

Một đồng nghiệp của Nhà giáo cũng nhận xét: “…Vần điệu bài thơ Sông Lam không có cái mượt mà thông thường của thơ, cái hay lại nằm trong sự trúc trắc gồ ghề, nó giống như quê mình vậy. Cằn cỗi và sung mãn; khô khốc và đẫm ướt; đục ngầu vần vũ và trong veo dịu êm ! Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã đưa chất nghệ cá tính ấy vào bài thơ và rất thành công! Bạn ngâm lên mình chợt nhận ra là tinh túy của chuỗi đời gân guốc thô ráp chính là vẻ đẹp lãng mạn và lả lướt!…”

Và chính tác giả Trần Mạnh Hảo cũng đã nhận xét: “Bài thơ được ngâm bằng giọng Nghệ tuyệt vời… từ rung động của trái tim. Xin cám ơn nhà giáo, ca sỹ, nghệ sĩ ngâm thơ Phan Thị Thanh Vân đã hồn vía hóa, xúc cảm hóa bài thơ của tôi”.

Trang TTĐT Đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An xin trân trọng giới thiệu bản diễn ngâm bài thơ Sông Lam của Nhà thơ Trần Mạnh Hảo do Nhà giáo Phan Thị Thanh Vân, cựu giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng để bạn đọc thưởng thức.