Ưu tiên cao để tập trung

Quá trình phát triển đất nước hay ngành, lĩnh vực, địa phương đều đòi hỏi phải có chiến lược rõ ràng, trên cơ sở chiến lược để xây dựng quy hoạch và từ quy hoạch để xây dựng kế hoạch và đầu tư thực hiện. Quy hoạch tốt sẽ tạo động lực phát triển và ngược lại, nếu tính toán không kỹ, chính những quy hoạch được đề ra nhằm mục tiêu phát triển lại cản trở, kìm hãm sự phát triển.

Xác định được tầm quan trọng của quy hoạch và triển khai Luật quy hoạch năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019), thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung cao cho “câu chuyện” quy hoạch để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đến thời điểm này các sở, ngành cấp tỉnh và các đơn vị cấp huyện cũng tích cực phối hợp cùng đơn vị tư vấn hoàn thiện, tích hợp 49 nội dung vào báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh. Dự kiến sẽ hoàn thành hồ sơ, thủ tục liên quan trình HĐND tỉnh thông qua trong quý II năm 2022 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An. Theo đó nhiều nội dung mang tính tổng thể được xây dựng như kịch bản tăng trưởng; xác định các khâu đột phá, trụ cột phát triển; phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh; phương án phát triển không gian, lãnh thổ, đô thị, sử dụng đất... Việc lập quy hoạch chung của tỉnh được kết nối các ngành, lĩnh vực, địa phương, tạo sự phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông, thủy lợi, công nghệ thông tin; các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp…; phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế chung của tỉnh, từng lĩnh vực, địa phương, thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả các chiến lược, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong cả giai đoạn.

a95b142d6de5a1bbf8f4.jpg
Quy hoạch phải có tầm nhìn và khả năng thực hiện trong thực tiễn

Song song với quy hoạch tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương cũng tiến hành lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn phù hợp với thực tế địa phương. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng lập quy hoạch tập trung cho các khu đất có giá trị thương mại, thuận lợi giao thông, đô thị, có tiềm năng phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ để thu hút đầu tư phát triển; các đồ án quy hoạch phát triển đô thị và các phân khu chức năng...

Tính từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chung thị xã Thái Hòa; nhiệm vụ quy hoạch chung thị trấn Nam Đàn; đồng phê duyệt một số đồ án quy hoạch chung khu chức năng trọng điểm làm cơ sở triển khai các đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng. Thành phố Vinh có 25 đồ án (phường, xã) đã được duyệt, đạt tỷ lệ phủ kín quy hoạch 100%; thị xã Cửa Lò có 5 đồ án đạt tỷ lệ phủ kín quy hoạch 71,4%; huyện Nghi Lộc có một đồ án (phân khu thị trấn Quán Hành). Ngoài ra, công tác triển khai quy hoạch phân khu một số khu vực nhằm cụ thể hoá quy hoạch chung, thu hút đầu tư phát triển cũng được triển khai thực hiện kịp thời như Khu đô thị phía Tây Nam thành phố Vinh tại các xã: Hưng Thịnh, Hưng Mỹ, Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên (490ha); phân khu chức năng dọc 2 trục đại lộ Vinh - Cửa Lò (khu vực thành phố Vinh).

Liên quan đến quy hoạch xây dựng, các địa phương cũng đang tập trung ưu tiên xây dựng quy hoạch vùng huyện. Hiện tại có 2 huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện, gồm Yên Thành và Nam Đàn. Trong 13 đơn vị đang triển khai lập quy hoạch vùng huyện thì có 8 huyện vùng huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch (Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn) và 4 huyện đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho triển khai lập quy hoạch (Tương Dương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Diễn Châu, Quế Phong. Riêng huyện Con Cuông đang triển khai lập quy hoạch toàn huyện thành đô thị sinh thái.

Tháo gỡ các vấn đề bất cập, khó khăn

Cùng tham gia Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh theo chương trình giám sát về công tác quy hoạch kể từ khi Luật quy hoạch có hiệu lực, chúng tôi cũng đã ghi nhận nhiều băn khoăn liên quan những bất cập, băn khoăn. Theo khẳng định của các sở, ngành và địa phương, Luật Quy hoạch năm 2017 với việc bãi bỏ quy hoạch ngành, lĩnh vực và cấp huyện mà được tích hợp thành một quy hoạch tỉnh chung là một chủ trương đúng đắn; khắc phục tình trạng ngành nào quy hoạch ngành, lĩnh vực đó, không đảm bảo sự phát triển tổng thể, thậm chí là chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Ở cấp huyện cũng dẫn đến tình trạng “cát cứ” trong phát triển, không tạo sự liên kết, thúc đẩy phát triển theo vùng.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay, theo ông Hồ Việt Dũng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, do quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng chưa được phê duyệt làm ảnh đến việc lập quy hoạch tỉnh liên quan định hướng, mục tiêu và bố trí không gian phát triển trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, theo phản ánh của một số địa phương, quá trình phối hợp để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, các đơn vị tư vấn chưa tổ chức làm việc trực tiếp trên thực địa; các số liệu, phân tích dựa trên các báo cáo và các định hướng phát triển đều cơ bản đang từ ý kiến của các đơn vị cấp huyện đề xuất. Đây là vấn đề mà các địa phương băn khoăn về chất lượng quy hoạch và các đột phá phát triển mang tính tầm nhìn chiến lược sẽ bị hạn chế.

0876caf0492b8575dc3a.jpg
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát công tác quy hoạch tại thị xã Thái Hoà

Cùng với một số băn khoăn về chất lượng quy hoạch tỉnh, một số ý kiến cũng phản ánh thực tế, trong quá trình lập quy hoạch, đồ án quy hoạch đều tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư nhưng hầu như không có góp ý, song khi triển khai thực hiện một số quy hoạch đã được phê duyệt vẫn xảy ra phản ứng từ phía người dân, thậm chí là đơn thư khiếu kiện. Từ thực tiễn này, một số ý kiến đề nghị Trung ương và tỉnh cần nghiên cứu cơ chế, biện pháp lấy ý kiến Nhân dân đóng góp vào quy hoạch thuận lợi và hiệu quả hơn. Mặt khác, theo ông Trần Quang Lâm - Phó Chủ tịch UBND thành phố, các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội cũng cần vào cuộc trách nhiệm hơn trong công tác tuyên truyền để người dân tham gia tích cực vào quá trình lập quy hoạch.

Một vấn đề nữa cũng được các ngành, địa phương đặt ra băn khoăn, đó là nguồn kinh phí phục vụ cho công tác khảo sát, lập quy hoạch từ ngân sách đang khó khăn, mặc dù, Nhà nước có quy định khuyến khích huy động các nguồn xã hội hoá tham gia hỗ trợ lập quy hoạch, tuy nhiên vấn đề này đang còn khó, trừ một số quy hoạch các dự án đô thị, khu dân cư được gắn với quyền lợi của các nhà đầu tư đảm bảo “thắng thầu” trong đầu tư mới tài trợ lập quy hoạch. Mặt khác, hiện nay Trung ương chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình tiếp nhận tài trợ bằng sản phẩm quy hoạch, dẫn đến quá trình triển khai tại các địa phương còn gặp nhiều vướng mắc. Cùng với lo kinh phí lập quy hoạch, theo ông Vũ Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng, tỉnh và các ngành, địa phương cần quan tâm hơn đến nguồn lực để thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt, tránh tình trạng quy hoạch xong để đấy nhiều năm không triển khai được.

Ngoài các vấn đề nêu trên, nhiều ý kiến cũng quan tâm đến công tác quản lý quy hoạch sau khi được phê duyệt; nếu có điều chỉnh cần phải đảm bảo nguyên tắc giữ được “hồn cốt”, không gian phát triển chung. Quá trình lập quy hoạch chú trọng lấy ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học và ý kiến cộng đồng dân cư thì khi điều chỉnh quy hoạch cũng cần được thực hiện tương tự, đảm bảo việc điều chỉnh quy hoạch đáp ứng sự phát triển theo đúng chiến lược, tầm nhìn đã được phê duyệt, tránh méo mó sau điều chỉnh và tránh tình trạng lợi ích “nhóm”, cục bộ.

Phương Thảo