Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản với 463 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 95,27%).
Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 42 điều và bãi bỏ 3 điều của Luật hiện hành; bổ sung 3 điều mới.
Các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào các nội dung về: tài sản đấu giá, các hành vi bị nghiêm cấm, chứng chỉ hành nghề đấu giá viên, quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, đăng ký tham gia đấu giá, tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá và đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, đấu giá trực tuyến, chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá, hủy kết quả đấu giá tài sản và hậu quả pháp lý khi hủy kết quả đấu giá.
Cũng trong chiều nay, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp với 464 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, đạt 95,47%.
Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp gồm 7 chương, 86 điều, quy định về vị trí, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, nguồn lực, chế độ, chính sách; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Trong đó, Công nghiệp quốc phòng, an ninh là bộ phận quan trọng, ngành đặc thù của công nghiệp quốc gia, thành phần cơ bản của thực lực, tiềm lực quốc phòng, an ninh; có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, vật tư kỹ thuật và các sản phẩm, dịch vụ khác phục vụ quốc phòng, an ninh; góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bảo vệ đất nước và phát triển kinh tế, xã hội.
Động viên công nghiệp là một nhiệm vụ của động viên quốc phòng, huy động một phần hoặc toàn bộ năng lực của doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang thuộc mọi thành phần kinh tế để sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật cho Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ; nghiên cứu, sản xuất vật tư kỹ thuật phục vụ quốc phòng. Động viên công nghiệp được chuẩn bị và thực hiện từ thời bình, thực hành động viên khi có lệnh động viên cục bộ hoặc tổng động viên và trong tình trạng chiến tranh.
Cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là cơ sở được đầu tư bằng nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập hoặc phê duyệt chủ trương thành lập hoặc Bộ Quốc phòng được giao quản lý để phục vụ quốc phòng, an ninh; làm nòng cốt trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp.
Cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt là cơ sở được đầu tư bằng nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước, do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập hoặc phê duyệt chủ trương thành lập hoặc Bộ Công an được giao quản lý để phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; làm nòng cốt trong xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh.
Cơ sở huy động là doanh nghiệp, tổ chức ngoài lực lượng vũ trang hoặc doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, đủ điều kiện theo quy định tại Điều 29 của Luật này được huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Cơ sở công nghiệp động viên là doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang đủ điều kiện động viên công nghiệp; được đăng ký, quản lý và hoàn chỉnh dây chuyền động viên công nghiệp theo quy định của Luật này để thực hiện động viên công nghiệp.
Cũng trong chiều nay, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Thành Duy