Sau 7 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, lực lượng này đã phát huy vai trò là nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại điểm cầu Nhà Quốc hội chiều 25/10/2021. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, trước sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự thay đổi, điều chỉnh của hệ thống pháp luật, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đối với Cảnh sát cơ động ngày càng nặng nề hơn. Bên cạnh đó, Pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật nên cần thiết xây dựng, Ban hành Luật Cảnh sát cơ động.
Dự thảo Luật gồm 5 chương, 31 điều được bố cục như sau: Chương I. Quy định chung; Chương II. Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; Chương III. Bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động; Chương IV. Quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động; Chương V. Điều khoản thi hành. Trong đó, dự thảo Luật xác định 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của Cảnh sát cơ động và 7 quyền hạn của Cảnh sát cơ động.
Đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An dự họp tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Tại phiên thảo luận, ý kiến các đại biểu thống nhất với sự cần thiết việc xây dựng dự án Luật Cảnh sát cơ động nhằm luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù của Cảnh sát cơ động và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân; thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động; giải quyết một số vấn đề bất cập của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động.
Ý kiến đại biểu cũng thống nhất phương án, Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động gồm: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cảnh sát cơ động Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.
Đại biểu Vi Văn Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An dự họp tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Ngoài ra, các đại biểu cũng nêu một số ý kiến liên quan đến sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; huy động người, phương tiện, thiết bị; phạm vi hoạt động của các đơn vị của cảnh sát cơ động và các lực lượng khác; có nên quy định chức năng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ; tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động, nhất là cần có chính sách tuyển chọn người đồng bào dân tộc thiểu số vào lực lượng.
Đặc biệt, nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn và tranh luận về nội dung trong dự thảo luật đưa ra quy định Cảnh sát cơ động được trang bị tàu bay, tàu thuyền. Theo đó, có ý kiến cho rằng không nên trang bị tàu bay, tàu thuyền cho cảnh sát cơ động; có ý kiến khác đồng tình với trang bị hai phương tiện này... Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.
Thành Duy
(Nguồn: BNA)