Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 24/10 tại điểm cầu Trung ương. |
Tại phiên thảo luận trực tuyến, các đại biểu Quốc hội đã đánh giá và nhất trí cao với các báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng chống tham nhũng năm 2021.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. |
Một số ý kiến cho rằng, năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng. Trong đó, đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Về các giải pháp trong công tác phòng chống tội phạm trong năm 2022, các đại biểu đề xuất, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân; Quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội và giải quyết việc làm cho những lao động hồi hương, bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Tăng cường công tác giám sát tại các địa bàn dân cư để phòng chống hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy.
Về phòng chống tham nhũng, các đại biểu đề nghị, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là một số lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng; Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; Ban hành quy định cụ thể về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ.
Toàn cảnh phiên họp tại điểm cầu Nghệ An. |
Về dự thảo Nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến, các đại biểu tán thành cao về sự cần thiết tổ chức phiên tòa trực tuyến nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của tòa án trong công tác xét xử, bảo đảm thời hạn xét xử do luật định, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; Đồng thời cụ thể hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử, hướng tới xây dựng Tòa án điện tử ở nước ta. Tuy nhiên các đại biểu cũng đề xuất chỉ nên tổ chức phiên tòa trực tuyến với các vụ án đơn giản; chuẩn bị tốt cơ sở vật chất để đảm bảo tổ chức xét xử trực tuyến... Một số đại biểu cũng cho rằng, đây là vấn đề còn mới cần có lộ trình và quá trình thực hiện có sự sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, từ đó nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết.
Về các vấn đề, đề xuất được đại biểu nêu sẽ được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ giải trình, làm rõ.
Mai Hương - Cảnh Toàn (Nguồn: NTV)