Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp.

bna-z5460648529812-d608bc1ffd281314de35d5eabac4f74d-5466.jpg.webp
Quang cảnh phiên làm việc sáng 21/5 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đường bộ.

Theo đó, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các vị ĐBQH đã thảo luận tại tổ và hội trường về Dự án Luật Đường bộ với đa số ý kiến tán thành về sự cần thiết ban hành luật; đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ dự án luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh; cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật và góp ý nhiều vấn đề cụ thể.

bna-z5460671110641-2c924f1ede5bacdb95043bd2ee2bb86a-5344.jpg.webp
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đường bộ. Ảnh: Nam An

Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban Soạn thảo dự án luật và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Tại Phiên họp thứ 31 (tháng 3/2024), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý và chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật gửi xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan.

Trên cơ sở ý kiến ĐBQH chuyên trách, ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục phối hợp với Ban Soạn thảo dự án luật tổ chức tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để báo cáo Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.

bna-z5460670408860-21d960c3c7a857090e51f2b9038364b9-792.jpg.webp
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An và các vị ĐBQH tại phiên làm việc sáng 21/5 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị chỉnh sửa nội dung 82 điều (chỉnh lý 260 khoản, 203 điểm), bỏ 7 điều, đồng thời, gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới; sắp xếp lại vị trí 3 điều.

Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện có 6 chương với 86 điều, giảm 6 điều so với dự thảo luật Chính phủ trình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo luật đã được tiếp thu tối đa ý kiến ĐBQH, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với mục tiêu xây dựng luật, đủ điều kiện báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua.

210520241048-z5461153856551-12324e60d73233b5194ccab4428bd2cd-5455.jpeg.webp
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Trong phiên thảo luận sáng nay tiếp tục có 23 lượt ý kiến phát biểu của ĐBQH thảo luận. Đa số đại biểu bày tỏ cơ bản thống nhất với nội dung của báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo luật.

Đồng thời, các ý kiến cũng đề nghị bổ sung nhiều nội dung cụ thể liên quan đến các nội dung như: chỉ nên quy định ô tô khách mới thực hiện hợp đồng vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe; làm rõ khái niệm đường khác thuộc hệ thống đường giao thông nông thôn; khuyến khích, tạo mọi điều kiện để nâng cấp, bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ.

Các vị ĐBQH cũng cho rằng, cần bổ sung quy định về trách nhiệm tháo dỡ trạm thu phí đã dừng hoạt động; sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông; xác định rõ phạm vi, quy mô để làm cơ sở cho việc phân loại đường bộ; không để trùng lặp nội dung các chính sách giữa Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; cần điều chỉnh nội dung về quy hoạch mạng lưới đường bộ; quy định chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng…

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá: Các ý kiến đều có căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn rõ ràng, sâu sắc và toàn diện, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm cao của các ĐBQH đối với dự án luật đã được tiếp thu, chỉnh lý.

210520241113-z5461174838189-f4c33be92d607c1428ae53e7d0ad906c-3350.jpeg.webp
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Qua thảo luận, đại đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan theo sự chỉ đạo để nghiên cứu kỹ lưỡng, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên sâu, khảo sát thực tiễn, thu thập thêm nhiều thông tin hữu ích phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý, giải trình.

Các nội dung dự thảo luật đã kết tinh được công sức và trí tuệ của cả hệ thống chính trị và người dân; các ý kiến cơ bản nhất trí về bố cục, nội dung cụ thể của dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo tiếp thu giải trình chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết: Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp để gửi đến các đại biểu Quốc hội và chuyển cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo để nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẩn trương chủ trì phối hợp với các cơ quan tiếp thu giải trình đầy đủ ý kiến các ĐBQH tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo luật và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoàn chỉnh dự thảo luật gửi Thường trực Ủy ban pháp luật rà soát đầy đủ về kỹ thuật lập pháp và các quy định liên quan; đồng thời, hoàn thiện báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, với tinh thần không có ý kiến của đại biểu nào không được tiếp thu, giải trình, tạo được sự đồng thuận cao và biểu quyết thống nhất đúng theo chương trình của kỳ họp.