Quốc hội bắt đầu tiến hành quy trình phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an, bầu Chủ tịch nước
Chiều 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận về dự thảo luật và tiến hành công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Mở đầu phiên họp chiều 21/5, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV với 468/469 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (bằng 96,1% tổng số ĐBQH).
Theo đó, trên cơ sở Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho phép bổ sung nội dung phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an vào chương trình kỳ họp.
Trước đó, đồng chí Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã được Trung ương thống nhất rất cao giới thiệu để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước.
Cuối chiều 21/5, Quốc hội thực hiện công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. Cụ thể, sau khi nghe Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ về phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an và Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại đoàn về 2 nội dung trên.
Theo chương trình, trong sáng mai (22/5), Quốc hội sẽ tiến hành các bước tiếp theo trong quy trình phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an và bầu Chủ tịch nước. Sau đó, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ và phát biểu nhậm chức trực tiếp trước Quốc hội và cử tri, đồng bào cả nước qua sóng truyền hình, phát thanh.
Trong chương trình làm việc chiều 21/5, Quốc hội đã thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Qua thảo luận có 15 ý kiến phát biểu, đánh giá cao quá trình phối hợp tiếp thu, xin ý kiến nhiều vòng, bảo đảm chất lượng. Các đại biểu đều ghi nhận các chính sách lớn đã được chỉnh lý, tiếp thu; thống nhất với phạm vi điều chỉnh để xử lý, bất cập, vướng mắc; quy định trình tự, thủ tục rõ ràng hơn, công khai, minh bạch hơn, bảo đảm hiệu quả công tác đấu giá tài sản trong thời gian tới.
Các đại biểu cũng tham gia ý kiến xác đáng, cụ thể vào các chương, điều khoản trong dự thảo luật như: phạm vi sửa đổi luật, tính thống nhất với các luật khác; quy định về các điều cấm, tài sản đấu giá, giá khởi điểm, tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước; quy định về đấu giá viên, quyền của các tổ chức hành nghề đấu giá; đấu giá trực tuyến, xử lý các trường hợp trong đấu giá; chế tài xử lý vi phạm với các trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá; điều khoản chuyển tiếp...
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá: Các ý kiến của các đại biểu rất tâm huyết, trách nhiệm, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật và hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua.
Thành Duy