Giám sát là một trong những hoạt động chủ yếu của HĐND và được quy định rõ trong Luật hoạt động giám sát của Quốc Hội và HĐND 2015, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

Trong thời gian qua, hoạt động giám sát của HĐND huyện Con Cuông có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là sau khi có Luật tổ chức chính quyền địa phương và Luật hoạt động giám sát của Quốc Hội và HĐND năm 2015.

bna-mai-hoa-8608.jpg
Đồng chí Nguyễn Thế Mạnh, UV BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Con Cuông trao đổi về kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề của HĐND Huyện tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động Thường trực HĐND cấp huyện cụm 2 – lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021 – 2026 (Tháng 7/2022)

Các cuộc giám sát được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Sau giám sát, Thường trực HĐND huyện có sự phân công cụ thể với Văn phòng HĐND - UBND, các Ban và các đại biểu HĐND thường xuyên theo dõi các cơ quan chịu sự giám sát trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND huyện. Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, HĐNDhuyện đã tiến hành 9 cuộc giám sát như: Giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND huyện trên một số lĩnh vực phát triển kinh tế trên địa bàn huyện; Giám sát việc thực hiện một số chế độ, chính sách của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa- xã hội trên địa bàn huyện; Giám sát việc tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2018 trên địa bàn huyện; Giám sát việc tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng dự án phát triển hạ tầng Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện;Giám sát công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện; Giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn huyện giai đoạn 2017 – 2020;Giám sát việc quản lý, sử dụng đất đai được chuyển giao từ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đầu tư phát triển chè Nghệ An về huyện Con Cuông quản lý… Sau giám sát, các cơ quan chịu sự giám sát và các cơ quan có liên quan tiếp thu, thực hiện khá kịp thời.

- Về quy trình thực hiện một cuộc giám sát chuyên đề.

Các cuộc giám sát được thực hiện đúng quy trình theo quy định tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, cụ thể: Hằng năm tại kỳ họp HĐND giữa năm HĐND huyện thông qua nghị quyết về Chương trình giám sát chuyên đề của năm sau; Thành phần Đoàn giám sát chuyên đề được HĐND huyện thông qua tại kỳ họp HĐND; Căn cứ Nghị quyết của HĐND huyện, Thường trực HĐND huyện ban hành quyết định phân công cụ thể các thành viên Đoàn giám sát; Đoàn giám sát phân công thành viên tham mưu xây dựng kế hoạch, đề cương, lịch khảo sát, giám sát; Đoàn giám sát tiến hành khảo sát, giám sát theo Kế hoạch; báo cáo kết quả giám sát, trình kỳ họp HĐND gần nhất; HĐND huyện thảo luận và thông qua nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề.

- Về lựa chọn chủ đề giám sát được Thường trực HĐND huyện quan tâm lựa chọn trên cơ sở ý kiến của Thường trực HĐND, các ban HĐND, đại biểu HĐND, UBMTTQVN trước khi trình HĐND huyện thông qua. Do đó, các chuyên đề do HĐND huyện chọn lựa từ năm 2016 đến nay đều mang tính quan trọng, bản lề trong việc thực hiện nhiệm vụ KT-XH, Quốc phòng, an ninh và được đại đa số cử tri quan tâm.

- Theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát là một khâu quan trọng trong hoạt động giám sát của HĐND, được HĐND huyện quan tâm. Theo đó, sau khi nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề được HĐND huyện thông qua, Thường trực HĐND huyện có sự phân công cụ thể với văn phòng HĐND – UBND, các Ban và các đại biểu HĐND thường xuyên theo dõi các cơ quan chịu sự giám sát trong việc thực hiện các kết luận sau giám sát của HĐND huyện qua các hình thức: Nhắc nhở tại các hội nghị, ban hành văn bản đôn đốc, yêu cầu báo cáo kết quả giám sát... Do đó các kiến nghị tại nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề do HĐND huyện ban hành đều được các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện khá nghiêm túc, kịp thời.

- Tồn tại, hạn chế.

Hoạt động giám sát của HĐNDthời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Một số thành viên trong Đoàn giám sát chưa nghiên cứu kỹ chuyên đề giám sát để đóng góp ý kiến, đề xuất tại buổi giám sát; việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát có lúc chưa thực sự quyết liệt, nên có một số kết kuận, kiến nghị chậm được giải quyết, tiếp tục gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội.

Một số kinh nghiệm và giải pháp:

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND nói chung và hiệu quả giám sát chuyên đề của HĐND nói riêng, cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, thực hiện đúng quy định của pháp luật về quy trình tổ chức một cuộc giám sát chuyên đề: Chương trình giám sát chuyên đề phải được thông qua tại kỳ họp giữa năm của năm trước giám sát theo đúng quy định tại Điều 58 Luật giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015; Đoàn giám sát xây dựng kế hoạch, đề cương chi tiết để triển khai thực hiện; tiến hành giám sát, khảo sát theo kế hoạch đề ra; Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát, trình kỳ họp HĐND gần nhất; HĐND huyện thảo luận và thông qua nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề.

doan-giam-sat-con-cuong-che-do-dinh-duong-cua-cac-em-truong-ptdt-ban-tru-tieu-hoc-don-phuc.jpg
Ban Dân tộc HĐND huyện Con Cuông giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với giáo viên và học sinh bán trú (5/2022)

Hai là, không nên lựa chọn quá nhiều cuộc giám sát chuyên đề trong mỗi năm. Vì đội ngũ chuyên trách HĐND cấp huyện ít người, đây là bộ phận chính tham mưu cho hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND. Ngoài việc tham mưu thực hiện giám sát chuyên đề của HĐND, đội ngũ chuyên trách còn phải thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND, các ban HĐND. Nếu đề ra quá nhiều cuộc giám sát chuyên đề trong mỗi năm thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện các nhiệm vụ chung của HĐND cũng như chất lượng thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề đạt hiệu quả không cao.

Ba là, chủ đề giám sát phải lựa chọn nội dung có tính thiết thực, tính bức xúc trong xã hội, những vấn đề có nhiều tồn tại, ách yếu trong hoạt động quản lý nhà nước; được các Ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cử tri ở địa phương quan tâm, kết hợp giám sát qua văn bản với đi khảo sát thực tế.

Bốn là, phát huy vai trò của các đại biểu HĐND chuyên trách trong tham mưu giúp HĐND huyện thực hiện giám sát chuyên đề. Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND có nhiệm vụ tham mưu cho HĐND huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát chuyên đề. Thành phần đoàn giám sát không thể thiếu đại biểu chuyên trách HĐND. Theo đó, đại biểu chuyên trách HĐND có nhiệm vụ tham mưu chính cho Đoàn giám sát trong các khâu: thu thập tài liệu, nghiên cứu văn bản, tổng hợp kết quả khảo sát; xây dựng kế hoạch, đề cương giám sát; tổ chức giám sát; dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề.

Đội ngũ chuyên trách HĐND huyện yêu cầu phải nắm chắc nội dung giám sát để tham mưu cho Đoàn giám sát HĐND xây dựng kế hoạch, đề cương sát, đúng với nội dung giám sát; để đánh giá, nhận xét báo cáo và hồ sơ do đối tượng được giám sát cung cấp; chất vấn chuyên sâu về chuyên đề giám sát và yêu cầu giải trình; Tham mưu cho HĐND huyện dự thảo nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề phù hợp và có tính khả thi cao.

Năm là, theo dõi việc thực hiện nghị quyết HĐND huyện về kết quả giám sát chuyên đề.

Kinh nghiệm cho thấy: sau khi kết thúc cuộc giám sát, nếu không có sự đôn đốc, nhắc nhở đối tượng được giám sát thực hiện kết luận, kiến nghị thì việc đối tượng được giám sát có thể chểnh mảng, thực hiện qua loa hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị. Từ đó sẽ làm giảm hiệu lực, hiệu quả của kết luận, kiến nghị của HĐND và giảm tính quyền lực của cơ quan dân cử HĐND.

Do đó, theo dõi việc thực hiện kết luận, kiến nghị phải được coi là một khâu quan trọng trong hoạt động giám sát của HĐND, đòi hỏi HĐND phải quan tâm thực hiện tốt trên các mặt sau đây:

- Đôn đốc tập thể, cá nhân thuộc đối tượng giám sát báo cáo kết quả và cung cấp hồ sơ có liên quan về việc thực hiện kết luận, kiến nghị tại Nghị quyết HĐND thông qua việc nhắc nhở tại các cuộc họp hoặc gặp gỡ trao đổi, ban hành văn bản đôn đốc nhắc nhở. Nội dung này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và quyết liệt.

- Đề nghị cơ quan cấp trên quản lý cán bộ xem xét xếp loại hằng năm nếu đối tượng giám sát chây ỳ, không thực hiện kết luận, kiến nghị.

- Đề nghị BTV Huyện uỷ xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể, cá nhân cố ý không chấp hành Nghị quyết HĐND huyện về kết quả giám sát chuyên đề.

- Đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với người do HĐND huyện bầu ra.

Nguyễn Thế Mạnh

UV BTV Huyện ủy, PCT HĐND huyện Con Cuông

(Tiêu đề do BBT đặt)