st.jpg

st1.jpg

113.jpg

1.jpg

Từ năm 1925 đến năm 1930, khi Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra ở Nghệ - Tĩnh thì đồng chí Lê Hồng Phong đang hoạt động ở nước ngoài. Cũng từ năm 1925, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đào tạo, gửi đi học ở các trường quân sự và lý luận để tiếp thu Học thuyết Mác- Lênin và những kinh nghiệm thực tiễn của cuộc đấu tranh ở nước Nga dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Lênin. Được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu, Lê Hồng Phong đã gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc và trên quê hương của cách mạng tháng Mười Nga, đồng chí đã không ngừng rèn luyện và học tập, được Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản kết nạp vào đội ngũ những người Cộng sản Liên Xô trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3-2-1930).

132753782254358115_tbt-le-hong-phong.jpg

Có thể nói: lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên tham gia hoạt động trong phong trào Quốc tế Cộng sản (1920), thì đồng chí Lê Hồng Phong là người Việt Nam thứ hai được trang bị vũ khí lý luận sắc bén về chủ nghĩa Mác-Lênin và cuộc cách mạng vô sản tháng Mười Nga (7-11-1917). Cũng từ những bài học chân lý đến thực tiễn và kinh nghiệm của cuộc sống, với tinh thần ham học hỏi, thích nghiên cứu của Lê Hồng Phong khi còn học ở nước Nga đã giúp đồng chí có những nhận định và đánh giá chính xác, khách quan về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh ở Việt Nam cũng như cuộc cách mạng vô sản của các nước ở Đông Dương. Khi được Quốc tế Cộng sản và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao cho Lê Hồng Phong trở về nước để chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam và các nước Đông Dương trong thời kỳ đại chiến thế giới lần thứ hai sắp bùng nổ. Năm 1940, sau khi bị bắt giam tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí Lê Hồng Phong đã tranh thủ tận dụng mọi thời gian để dạy học và tuyên truyền, viết tác phẩm “Bài phú Nghệ An Đỏ” để động viên cho anh em đồng chí trong tù và truyền lại cho muôn đời sau.

3.jpg

Bài "Phú Nghệ An Đỏ" được Lê Hồng Phong viết năm 1940 khi đồng chí bị thực dân Pháp đày ra giam cầm tại nhà tù Côn Đảo. Biết rõ vai trò và tầm quan trọng của Lê Hồng Phong đối với phong trào cách mạng Việt Nam trong thời kỳ diễn ra đại chiến thế giới lần thứ hai, thực dân Pháp đã đẩy Lê Hồng Phong ra nhà tù Côn Đảo để tìm cách giết dần, giết mòn nhằm triệt đường sống của một nhà cách mạng xuất sắc Việt Nam và phong trào Cộng sản Quốc tế. Lê Hồng Phong đã biết âm mưu và những thủ đoạn giết người đê hèn của bọn cai ngục ở nhà tù Côn Đảo nên đã tranh thủ thời gian còn được sống bên anh em, đồng chí, ghi lại tất cả những bài học kinh nghiệm đã được đồng chí tổng kết trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

trai-tu-phu-quoc.jpg
Nhà tù Côn Đảo - nơi giam giữ, tra tấn và thủ tiêu những người yêu nước, những nhà cách mạng.(Ảnh: Báo NA)

Những bài học và kinh nghiệm trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã được Lê Hồng Phong nâng lên thành lý luận cách mạng của cuộc diễn tập lần thứ nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài “Phú Nghệ An Đỏ” của đồng chí Lê Hồng Phong được xem là một nét độc đáo, đóng góp vào kho tàng văn thơ cách mạng Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Thông qua bài “Phú Nghệ An Đỏ”, có thể thấy rằng Lê Hồng Phong không chỉ là một lãnh tụ xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam và phong trào cộng sản Quốc tế mà đồng chí còn là một chiến sĩ đa tài trên mặt trận Văn hóa tư tưởng.

Như chúng ta đã biết: thời kỳ còn ở quê nhà, Lê Hồng Phong không được học chính quy trong nhà trường Nho học hay Tân học. Tất cả những kiến thức chữ Quốc ngữ, chữ Pháp hay chữ Hán mà Lê Hồng Phong có được để sinh sống và hoạt động ở nước ngoài là nhờ tinh thần khổ luyện, tự học từ thời kỳ còn đi làm thuê, sau đó làm công nhân ở nhà máy Diêm Vinh Bến Thủy. Khi được đến nước Nga học tập, Lê Hồng Phong mới có thời gian học thêm các ngoại ngữ tiếng Nga và tiếng Anh. Bởi vậy, khi đọc nguyên bản bài “Phú Nghệ An Đỏ” của đồng chí, người đọc không khỏi sửng sốt ngỡ ngàng. Gương học tập “khổ luyện thành tài” của đồng chí Lê Hồng Phong trước hết là từ nội lực ham học của truyền thống người Xứ Nghệ, cùng với ảnh hưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và lời dạy của lãnh tụ Lênin ở nước Nga: “Học, học nữa, học mãi”.

tranh-ve-cao-trao-xo-viet-nghe-tinh-cua-tac-gia-nguyen-duc-nung-1.jpg
Tranh vẽ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh của tác giả Nguyễn Đức Nùng

Như đã nói ở phần trên, mặc dù năm 1930, 1931, khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra trong nước, Lê Hồng Phong không được chứng kiến. Nhưng là người đam mê tìm hiểu và khám phá, Lê Hồng Phong đã tìm đọc qua các bài báo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết gửi lên Quốc tế Cộng sản và Quốc tế Nông dân, báo cáo về phong trào đấu tranh của Nhân dân hai tỉnh Nghệ - Tĩnh. Khi phong trào đấu tranh của công nông Nghệ - Tĩnh bị đàn áp khủng bố trong máu và lửa, Nguyễn Ái Quốc đã viết thư gửi cho Quốc tế Cộng sản: Yêu cầu Đảng Cộng sản các nước đấu tranh để ủng hộ Nghệ Tĩnh Đỏ đang tranh đấu v.v. Với vốn ngoại ngữ thông thạo, Lê Hồng Phong đã tìm đọc các tờ báo và tin tức của các nước đưa tin phong trào đấu tranh của các nước Đông Dương, đặc biệt là Xô viết Nghệ Tĩnh ở Việt Nam. Ngay đầu đề của bài “Phú Nghệ An Đỏ”, Lê Hồng Phong đã sử dụng tên bài “Nghệ An Đỏ” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi Người viết thư lên Quốc tế Cộng sản và Quốc tế Nông dân để báo cáo. Từ năm 1931 trở về sau này, cụm từ “Nghệ An Đỏ” đã trở thành niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An khi được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc báo cáo lên Quốc tế Cộng sản và cũng từ đó: “Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây là Chi bộ thuộc Đảng Cộng sản Pháp, nay được công nhận là một Chi bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản”.

Năm 1940, tại ngục tù Côn Đảo, cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc “chỉ coi còn một nửa”, đó là sự may rủi của từng chiến sĩ cộng sản. Giữa lúc tai họa phát xít đang ập đến Việt Nam và các nước Đông Dương một cách nặng nề thì Lê Hồng Phong đã nhắc đến cụm từ “Nghệ An Đỏ” và bài phú mang tên Nghệ An Đỏ là muốn nhắc lại cho các chiến sĩ trong nhà tù Côn Đảo hãy noi gương tinh thần đấu tranh dũng cảm, kiên cường của Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931, cũng như các đồng chí đi trước để “Giữ vững ý chí chiến đấu” như đồng chí Trần Phú, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh và hàng trăm ngàn chiến sĩ cộng sản và Nhân dân hai tỉnh Nghệ - Tĩnh đã chiến đấu kiên cường và dũng cảm dưới lá cờ đỏ búa liềm vẻ vang của Đảng.

tuong-dai-cong-nong-truong-thi-ben-thuy-hai-vuong-1.jpg
Tượng đài công - nông Xô viết Trường Thi - Bến Thủy

Đồng chí Lê Hồng Phong sáng tác bài “Phú Nghệ An Đỏ” có ba ý chính: Trước hết Lê Hồng Phong đã nhắc đến mảnh đất Hồng Lam: “Hùng tráng vô song” với thiên nhiên hùng vĩ, với truyền thống lịch sử đấu tranh oai hùng của Nhân dân qua các triều đại phong kiến. Nhưng do chế độ cai trị đô hộ của thực dân Pháp nên đời sống của Nhân dân vẫn nghèo nàn, tang tóc thê lương vì mất quyền tự chủ. Nội dung phần đầu của bài phú cũng đúng như lịch sử đã viết về nguyên nhân dẫn đến phong trào đấu tranh của Nhân dân Nghệ - Tĩnh trong những năm 1930 - 1931. Phần này cũng được thể hiện bằng tư liệu, hình ảnh và hiện vật ở phần trưng bày của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh hiện đang phục vụ khách đến tham quan.

Nội dung thứ hai trong bài phú Nghệ An Đỏ, Lê Hồng Phong đã ca ngợi truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của Nhân dân Nghệ An. Lê Hồng Phong đã gọi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh là sự kế thừa truyền thống hào hùng của ông cha, là : “Khai ngô quốc công nông tân thế kỷ(mở ra thế kỷ mới của công nông nước ta). Lê Hồng Phong khẳng định ảnh hưởng, ý nghĩa và nét đẹp của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã vang dội khắp nơi trên thế giới “Đản thanh danh phong mỹ hoàn cầu”. Cũng như Công xã Pa ri của nước Pháp trước đây, Xô viết Nghệ Tĩnh tuy bị thất bại, nhưng Lê Hồng Phong đã khẳng định: “Phong trào tuy thất bại nhưng đã để lại bài học lớn cho cách mạng Việt Nam, đó là những kinh nghiệm vận động và tổ chức cuộc cách mạng. Bài học về thời cơ cách mạng và liên minh, tập hợp mọi lực lượng cách mạng, tuy Xô viết Nghệ Tĩnh bị thất bại, nhưng không phải bi quan…”. Từ những kinh nghiệm và bài học mà đồng chí Lê Hồng Phong đã tổng kết từ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, để khi trở về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Mặt trận Việt Minh và tỏa sáng. Nỗi khát khao cháy bỏng của đồng chí Lê Hồng Phong và các chiến sĩ cộng sản đã chiến đấu và hy sinh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh để góp phần cho nước nhà được độc lập, tự do dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ chí Minh vào mùa Thu 1945 lịch sử.

Phần cuối của bài “Phú Nghệ An Đỏ” là sự động viên khích lệ niềm tự hào về truyền thống Xô viết Nghệ Tĩnh của Nhân dân Nghệ An, tiếp tục vượt lên mọi khó khăn, gian khổ để phấn đấu cho một non sông tươi đẹp “Vị phấn đấu giang sơn mỹ lệ”. Giang sơn ấy không ở nơi đâu khác mà chính là trên mảnh đất Lam Hồng. Muốn được như vậy thì phải có trong hô, ngoài hưởng ứng, không chỉ riêng Nhân dân trên mảnh đất Lam Hồng mà phải là Nhân dân cả nước Việt Nam và cả các nước Đông Dương cùng đứng lên đấu tranh: “Đông Dương nhất trí hưng công”.

Bài "Phú Nghệ An Đỏ" của đồng chí Lê Hồng Phong được đồng chí Nguyễn Tấn Miêng (người tỉnh Bạc Liêu cùng bị bắt giam chung với đồng chí Lê Hồng Phong ở nhà tù Côn Đảo, là cán bộ quân đội, nghỉ hưu tại quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) cung cấp (nguyên bản) vào tháng 8 – 1984.

Sau đây xin trích một số câu trong bài “Phú Nghệ An Đỏ” của đồng chí Lê Hồng Phong đã được dịch ra từ nguyên bản.

Phú Nghệ An Đỏ

“Hồng Lĩnh non cao làm lá chắn / Lam Giang nước biếc tựa hào sôi.

Mấy ngàn năm tuấn kiệt anh tài / Dựa đất vững cõi Nam ngời chính khí.

……Dẫu của cải non sông ta giàu có / Nhưng chủ quyền, căm giận ở tay ai!

Muốn sống còn phải phấn đấu không ngơi, / Há sông núi đúc nên người hào kiệt?

Chí dân ta nuôi thành máu sắt, / Trải trăm lần còn mất không chừng…

Lê Thái Tổ Anh hùng quả cảm, / Giữ Lam Thành giết sạch quân Ngô,

Vì non sông rửa mối hận thù, / Xây nghiệp lớn điểm tô trang Quốc sử.

Phan Trung Liệt sông Lam hùng cứ, / Tiếng thét vang giết giặc cứu dân lương Khắp nơi nơi khởi nghĩa Cần Vương / Chí những muốn cứu tai ương cho đất nước.

Nhìn tổng quát Hồng Lam thuở trước, / Đến gần đây hùng tráng vô cùng.

Từ phong trào Xô viết tiền phong, / Kỷ nguyên mới công nông mở lối,

Tuy chiến đấu chưa thâu về một mối, / Nhưng thanh danh đã vang dội hoàn cầu.

Phàm phong trào nổi dậy lúc ban đầu, / Khó tránh khỏi lên cao rồi tạm thoái.

Cách mạng tuy một thời thất bại, / Để lại sau bài học lớn lao:

Bởi phong trào phát động không đều /Mà điều kiện khách quan cũng xa vời chưa

Việc khởi nghĩa chỉ ở nơi huyện, phủ, / Mà bên kia chưa có chủ trương chung.

Nên tương quan lực lượng không đồng/Lại chìm đắm Lam Hồng vào vòng tiều tụy.

Để phấn đấu cho một giang sơn mỹ lệ/ Cả Đông Dương phải nhất trí hiệp đồng.

Đại liên minh toàn quốc công nông / Mới chấn chỉnh thẳng cánh Lam Hồng muôn thuở.

(Côn Đảo, năm 1940)

Giữa chốn lao tù Côn Đảo, trong khi các chiến sĩ cộng sản đang xiết chặt đội ngũ, đoàn kết đấu tranh, mong có thời cơ để tổ chức vượt ngục để trở về với Đảng, lãnh đạo Nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, trong tù, các đồng chí vẫn được Lê Hồng Phong dạy học văn hóa và lý luận chính trị, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin. Bài “Phú Nghệ An Đỏ” của đồng chí Lê Hồng Phong viết về cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã được Quốc tế Cộng sản khẳng định: “Đó là công lao to lớn của những người cộng sản Đông Dương đã chấm dứt được những cuộc tranh chấp bè phái để đi đến đoàn kết. Qua Xô viết Nghệ Tĩnh càng chứng tỏ vai trò lãnh đạo và tập hợp quần chúng dưới ngọn cờ búa liềm của Đảng”. Quần chúng công nông đã nghe theo lời tuyên truyền của Đảng, tin yêu và sẵn sàng hy sinh, phải chịu cực hình tra tấn để bảo vệ, che chở các đồng chí cán bộ cốt cán của Đảng. Những tấm gương sáng của các gia đình như: Bà Võ Thị Túc ở Bến Đền, thành phố Vinh, vì nuôi dưỡng và che chở cho các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Tiềm, Chu Văn Biên và Nguyễn Thị Phúc hoạt động và in báo Đảng trong nhà mà cả ba mẹ con đề bị bắt giam, tra tấn trong nhà lao Vinh mà không hé răng nhận tội. Các gia đình ở làng Yên Dũng và Yên Lưu (thành phố Vinh) là cơ sở hoạt động của Xứ ủy Trung Kỳ, nuôi dưỡng và che chở, khi bị địch càn quét, bắt người, đốt nhà, tịch biên tài sản, họ vẫn giữ vững lòng tin, đi theo Đảng.

Khu-luu-niem-Tong-Bi-thu-Le-Hong-Phong-tai-xa-Hung-Thong-huyen-Hung-Nguyen-Sach-Nguyen.jpg
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại xã Hưng Thông (Hưng Nguyên)

Qua tác phẩm bài "Phú Nghệ An Đỏ” đồng chí Lê Hồng Phong đã thổi thêm lòng tin cho các đồng chí của mình để có thêm sức mạnh tiếp tục đấu tranh. Những quyền lợi trong thời kỳ chính quyền Xô viết đã đem lại cho Nhân dân lao động, đã giúp Lê Hồng Phong có niềm tin vào cuộc cách mạng vô sản dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ tất thắng. Niềm tin đó đã trở thành hiện thực trong thời kỳ Mặt trận Việt Minh do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo.

Đồng chí Lê Hồng Phong đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời mới 40, đầy kiến thức, kinh nghiệm và sinh lực cống hiến. Công lao đóng góp cho cách mạng của đồng chí và các chiến sĩ cộng sản, cùng quần chúng Nhân dân Nghệ An trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931 như ngọn lửa thiêng, mãi mãi tỏa sáng trên bầu trời Việt Nam và trên quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng ./.

Trương Quế Phương