Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến để vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa bảo đảm thời hạn xét xử do luật định; phù hợp với quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án nhân dân; là bước cụ thể hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử, hướng tới xây dựng Tòa án điện tử ở nước ta, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế về tư pháp.

Nghị quyết gồm 03 điều, trong đó quy định Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, phúc thẩm các vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ những vụ án có liên quan đến bí mật nhà nước; các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Để bảo vệ quyền con người của bị cáo, quyền và lợi ích hợp pháp của dương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Nghị quyết đã quy định nhưng nguyên tắc chung về tổ chức phiên tòa trực tuyến bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật, an ninh, an toàn thông tin mạng, các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật và sự tôn nghiêm của phiên tòa.

bnd7337-1634728214363.jpg
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến là bước cụ thể hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử, hướng tới xây dựng Tòa án điện tử ở nước ta, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế về tư pháp. Ngày nay, với sự phát triển rất nhanh của công nghệ thông tin đã mang lại nhiều cơ hội cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của quản trị quốc gia và thực thi công lý trên thế giới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự biến đổi không ngừng của kỷ nguyên công nghệ, thời đại kỹ thuật số đã và đang tạo điều kiện thuận lợi, làm thay đổi sâu sắc hiệu quả hoạt động của Tòa án. Thực tiễn quốc tế cho thấy, thời gian vừa qua, các nước có nền khoa học công nghệ phát triển (như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Xinh-ga-po…) đã chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tư pháp. Từ cung cấp dịch vụ hành chính tư pháp trực tuyến; tống đạt điện tử; cung cấp, tiếp nhận chứng cứ điện tử, trực tuyến… đến xét xử trực tuyến đều được các quốc gia này thực hiện một cách thường xuyên và dần thay thế hoạt động tố tụng truyền thống. Kinh nghiệm của các quốc gia đã xét xử trực tuyến cho thấy có hai cơ chế xây dựng hạ tầng pháp lý cho hoạt động này, một là xây dựng đạo luật riêng về tố tụng điện tử, hai là giao cho Tòa án nhân dân tối cao quy định, hướng dẫn thực hiện.

Bên cạnh đó, hiện nay đa số Tòa án các nước trong khu vực ASEAN đã thực hiện việc xây dựng Tòa án điện tử (chỉ còn Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanma chưa thực hiện) và tổ chức xét xử trực tuyến. Vừa qua, Việt Nam tham gia Hội đồng Chánh án các nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Hội đồng Chánh án khu vực ASEAN và đã cam kết đến năm 2025 phải hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử theo Nghị quyết của Hội đồng. Do đó, Việt Nam cũng phải từng bước thực hiện cam kết này để phục vụ tốt nhất nhu cầu của Nhân dân, phù hợp với xu hướng phát triển chung và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đồng thời, Ngân hàng Thế giới đã khuyến nghị và yêu cầu các quốc gia tăng cường tự động hóa Toà án (nộp đơn trực tuyến, tố tụng trực tuyến, nộp án phí trực tuyến, công khai bản án…) và xem đây là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh (chỉ số A9).

z2944701080191_af8a5fbca708f167938274050d42d97d.jpg
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về Tổ chức phiên tòa trực tuyến

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến không những phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế về tư pháp mà còn góp phần hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với toàn xã hội trong đó có công tác xét xử của Tòa án nhân dân. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Tòa án nhân dân Tối cao đã chỉ đạo hệ thống Tòa án áp dụng nhiều giải pháp phù hợp, khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử, bảo đảm kịp thời, nhanh chóng, đúng pháp luật, tuy nhiên do nhiều địa phương phải áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ nên nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định; một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa. Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, việc ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến là giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Tòa án trong công tác xét xử, bảo đảm thời hạn theo quy định của pháp luật, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội và thích ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới./.

Trần Minh

ĐBQH chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An